Ai cũng cần có một khoảng lặng,
ít nhất một lần trong ngày để nhìn rõ hơn mọi chuyện đã, đang diễn ra quanh
mình. Lặng một chút để nhớ rằng sáng nay mình đã chào ngày mới bằng một cái mặt
nhăn nhó hoặc một câu nói thiếu từ bi…
Khoảng lặng trong lòng là những
lúc như sáng nay nghe tin một ai đó đã khóc lịm khi hay tin người thân vừa “đi
xa”. Chia tay lần cuối với người thân bằng hình hài xương thịt ai mà không xót
lòng? Lặng để thấy nỗi xót của người và cũng để nhận diện: rồi sẽ tới lượt mình.
Cuộc sống trôi đi với một khoảng lặng như thế còn là để mình nhận diện sự vô
thường của kiếp người, của cuộc đời ngắn ngủi, mong manh… Biết thế để trân quý
những phút giây được sống, để không sống hoài, sống phí.
Khoảng lặng của một ngày là những
lúc ta bắt chân ngồi tĩnh tọa, chắp tay hình búp sen đối trước tượng Bụt, thở
thật nhẹ để tặng một ai đó nụ cười (cũng chính là tặng mình một… chút bình
yên). Nhận diện sự mầu nhiệm của việc cho và nhận những thứ không phải là vật
chất nhưng vẫn mang lại hạnh phúc, âm ỉ! Tặng cho bạn, cho mình và cho nhiều
người nụ cười cũng chính là ta vừa gieo nhân của hạnh phúc, đơn giản thế mà có
khi ta mải miết kiếm tìm ở đâu đâu.
Khoảng lặng của một chặng đời (ví
dụ như khi tôi 25 tuổi) là lúc mình tìm về miền nhớ với những ký ức vui, buồn,
được, mất cùng với những cung bậc rất con người như hỉ, nộ, ái, ố. Ký ức của 25
năm đầu trong hành trình làm người đáng để lặng một chút, để thương mẹ nhiều
hơn. Chẳng hiểu sao mẹ có thể vượt qua tất cả những gian khó ấy để nuôi dạy
mình cho đến ngày hôm nay được nhỉ? Nếu không có tình thương và đức hi sinh thì
chắc mẹ sẽ khó có thể đi qua những chông gai như đã từng đi qua… Khoảng lặng
của một đời, ai đó bảo tôi – hãy sống đi để cảm nhận và tìm ra nó bằng chính
trái tim nhạy cảm, yêu thương và bằng cái đầu tỉnh táo, biết lắng nghe.