Làm gì đây giữa kiếp người?

Tại sao lại có những người không hề thích Tết? Đối với họ cái Tết là dịp khơi lại những nỗi buồn vô tận về cuộc đời và kiếp người giữa chốn phù sinh, sanh diệt.

 1. “Một mái nhà êm ấm, được vây quần bên con cháu, những tiếng nói nụ cười, lời chúc phúc an lành dâng lên ông bà, những phút giây sum vầy bên con cháu giữa mâm cơm gia đình…”. Những điều đó đã trở thành những hoài ức đau buồn, những kỷ niệm khó quên, chứa đầy nước mắt đau thương của những cụ già neo đơn tại những mái ấm, nhà dưỡng lão mỗi khi xuân về. Một mình cô quạnh, bên khung cửa sổ nhìn về quê hương, và thầm mong cho ngày Tết trôi qua thật mau, để tự dối lòng, khép kín những hoài niệm vào trong tâm hồn.

“Tại sao, con tôi lại bỏ rơi tôi? Tại sao cuối cuộc đời mình lại quá đau thương? Một năm nữa rồi … trôi qua thật mau, để cái chết đến thật gần” – Những chia sẻ đau lòng của cụ bà Nguyễn Thị Hiệu, 78 tuổi, quê Quảng Bình, hiện đang sống trong Trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn Thạnh Lộc, TP.HCM khi nghe tôi hỏi cảm nghĩ của cụ về ngày Tết.

2. “Tết à, con chưa bao giờ cảm nhận được cái Tết đúng nghĩa, vì con đâu có cha, có mẹ, có gia đình và người thân, cái cảm giác được sống bên cha mẹ, gia đình, được trở về quê hương nơi con được sinh ra và lớn lên. Nó chỉ là những ước mơ không bao giờ thành hiện thực, nhưng con vẫn cứ ước mơ những khi Tết đến, mỗi lúc ước mơ như thế con thấy mình thật hạnh phúc và tràn ngập niềm vui dù con biết nó chỉ là những suy tưởng viển vong của riêng mình”. Những lời nói đau thương, chứa chan nỗi niềm của bé Trần Trung Nghĩa, 12 tuổi tại mái ấm Tâm Đức khi nghe tôi hỏi cảm nghĩ của em về ngày Tết. Em chỉ sống với những ước mơ để tìm cho mình những niềm an ủi, hạnh phúc giả tạm trong số phận không lối về.

 3. “Đối với con, mong rằng đừng có Tết. Tết là một nỗi buồn đớn đau nhất mà con đã và đang phải chấp nhận khi nhớ về. À, mà phải có Tết để con được chết và chết thật sớm, đó là hạnh phúc lớn nhất của con”. Nghe đến những lời nói này, lòng tôi như quặn thắt, thương cho một kiếp người đầy bất hạnh, chỉ mong được chết và lấy cái chết làm niềm vui của mình để quẳng gánh đau thương trên đôi vai nặng trĩu. Những câu nói đau lòng của em Hồ Ý Lan, 18 tuổi tại bệnh viện Ung Bướu, TP.HCM khi đang mang trong mình căn bệnh ung thư xương ác tính giai đoạn cuối, với những lần xạ trị hóa chất, chống chọi mỗi ngày với những cơn đau thấu xương khi tuổi đời còn xanh.

 Hãy cùng nhau thắp sáng

Thật nhiều những chia sẻ đau thương, những nỗi niềm sâu kín mà tôi được nghe từ những mảnh đời bất hạnh. Đối với họ cái Tết thật buồn tẻ, đau thương và đầy vô vọng. Nó trôi qua thật lâu và thật buồn, để càng khơi lại cho họ những hoài niệm đau thương.

Tết là thế, đâu phải ai cũng vui tươi chào đón. Nó là nụ cười của những người đang sống trong hạnh phúc, bình yên, có đầy đủ vật chất lẫn tinh thần. Nhưng là nước mắt đau thương với những ai đang sống trong bóng đêm của cuộc đời, nơi luôn chứa đầy những bất hạnh, khổ đau.

Xukhômlinski cho rằng: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác”. Họ đã sống như thế, còn tôi và bạn? Người được sống với nhiều diễm phúc hơn thì hãy cùng tôi thắp sáng một ngọn nến hồng để đem ánh sáng hy vọng, tin yêu đến với những người đang cần có mùa xuân, đang cần có nụ cười. Và chắc rằng họ sẽ không còn lặng thầm rơi lệ của những buổi chiều tà khi đang đón nhận tình thương và trái tim của tôi và bạn. Chúng ta hãy đem mùa xuân của riêng mình thành mùa xuân của tất cả, một lời cảm ơn, một chia sẻ chân tình, và sự cảm thông của người với người, đó chính là mùa xuân cao đẹp nhất, mang ý nghĩa thiêng liêng giữa những tâm hồn cao đẹp.

Làm gì đây giữa kiếp người?

“Đừng quên hy vọng. Sự hy vọng cho chúng ta sức mạnh để tồn tại ngay khi chúng ta đang bị bỏ rơi. Đừng đánh mất niềm tin vào bản thân mình. Chỉ cần tin là mình có thể làm được và chúng lại có lý do để cố gắng thực hiện điều đó”. Một câu nói tuy giản đơn nhưng chứa cả một triết lý sống. Và xin chân tình gởi đến những ai đã và đang sống trong nỗi khổ niềm đau và chưa khi nào thích Tết: “Sống một ngày là có diễm phúc của một ngày, nên phải trân quý. Khi tôi khóc, tôi không có dép để mang thì tôi lại phát hiện có người không có chân”. Bạn sẽ không bao giờ cảm thấy mình bất hạnh, nếu bạn thấy còn có nhiều người bất hạnh hơn bạn. Như thế, xuân Di Lặc, xuân an vui, xuân hoan hỷ,… sẽ tràn ngập trong trái tim của những ai biết đón nhận nó bằng cả tấm lòng.

Đâu là niềm vui thật sự?

Bạn có biết? Hạnh phúc – khổ đau, có – không, sanh – diệt,… nó là hai đường thẳng song song khi chúng cùng nằm trên một mặt phẳng và không có điểm chung, không cắt nhau, không giao nhau, hoặc không tiếp xúc nhau. Vì thế, trên con đường song hành giữa cảm xúc, biết bao giờ chúng ta mới có điểm dừng lại để kết thúc một kiếp người.

Chính vì thế, mà đã biết bao người đã từ bỏ cuộc sống thế tục, dừng lại cái vòng luân hồi sanh diệt, chấm dứt cái hạnh phúc – khổ đau tạm bợ, để đi tìm lại niềm vui đích thực.

“Khi nào chúng ta thật sự buông xuống thì lúc ấy chúng ta sẽ hết phiền não”. Nếu làm được điều đó, thì ắt hẳn ít nhiều gì, mọi sự ràng buộc, khổ đau sẽ phần nào vơi cạn. Hãy hướng về ánh sáng, dù đằng sau nó toàn là bóng đêm. Niềm vui thật sự chẳng ở đâu xa, ngay chính trong tâm hồn của bạn. Hãy trở về và sống với nó. Đó cũng chính là mùa xuân thật sự.

Previous Post
Next Post