Chết là một ý niệm khủng khiếp và
đáng sợ nhất đối với đời người, bởi vì tâm lý “ham sống sợ chết” là bản năng
của con người. Ai cũng sợ chết! Nhưng cái chết sẽ xảy đến với tất cả mọi người,
bất kể kẻ tục, người tu. Không ai có thể tránh được cái chết! Do vậy, ý niệm
chết như là một bóng ma luôn ám ảnh và khuấy đảo tâm lý con người.
Đối với hầu hết mọi người, chết
là hết! Chết là một cơn ác mộng vì nó kết liễu mọi ước mong và kỳ vọng của
người ta! Chết là sự kết thúc tàn nhẫn và thương tâm nhất. Nó cướp đi mọi thứ
của đời người. Chỉ nghĩ đến “cái chết’, cuộc sống người ta đã trở nên ảm đạm và
tiêu cực. Từ đó, mọi người không muốn nói đến cái chết! Sợ nghe đến chữ chết!
Tránh né mọi ý niệm chết chóc!
Nhưng với người chân tu liễu đạo,
chết là một hình thái chuyển tiếp của sự sống. Nó là một sự chuyển tiếp từ cái
cũ sang cái mới trong quá trình hình thành, tồn tại và phát triển. Trong thực
tế, hiện tượng sống chết đã và đang xảy ra trong mọi giờ khắc của vạn vật, gồm
các loài hữu tình và vô tình. Không có “hiện tượng sống chết” xảy ra trong tự
thân con người và vạn pháp, toàn bộ thế giới này sẽ như một tảng băng khô cứng.
Không có cái chết, thời không có đạo lý sanh già bệnh chết; không có trẻ già
lớn bé, không có cái gọi là tuổi thơ, thiếu niên, thanh niên… Không có cái gọi
là trưởng thành, phát triển, sáng tạo… Đây mới là điều đáng sợ nhất!
Nhờ hiện tượng chết hay vô thường
mà vạn vật trở nên diệu kỳ và đáng yêu hơn. Thiên nhiên mỗi ngày mỗi trở nên kỳ
bí và hấp dẫn hơn nhờ sự chuyển hóa và thay đổi. Con người sinh ra, lớn lên,
trưởng thành và hoàn thiện trong từng giờ, từng phút, từng giây của sự sống
ngang qua “sự vận hành của cái chết. Nói khác đi, hiện tượng sống và chết này
chính là nguyên lý quan trọng để con người và vạn vật tự hoàn thiện chính mình”.
Nắm bắt được huyền nghĩa của “cái chết”, các bậc thiền sư, trí giả xả bỏ tấm
thân xác giả tạm như là cởi bỏ một chiếc áo cũ.
Nhớ khi xưa, trước giờ thị tịch,
Thượng Trung Tuệ Sĩ cho kê gường tại thiền đường của Dưỡng Chân Trang để chuẩn
bị ra đi. Ngài nằm xuôi theo kiểu cát tường và nhắm mắt. Tùy tùng, gia quyến
buồn bã, khóc lóc thảm thiết. Thượng Sĩ mở mắt, ngồi dậy, bảo lấy nước rửa tay
súc miệng, rồi quở nhẹ rằng: “Sống chết là lẽ thường nhiên, sao lại buồn thảm
luyến tiếc để cho chân tính ta náo động?”. Nói xong, Ngài thị tịch một cách êm
ái! Thiền sư Pháp Loa cũng vô cùng thanh thản trước giờ viên tịch! Ngài cảnh
tỉnh môn đồ đệ tử đừng luyến tiếc, nhớ thương trước việc sinh tử của ngài, vì
sự ra đi ấy chỉ là một sự chuyển đổi xác thân nhằm thăng hoa cuộc sống qua bài
kệ thị tịch:
Vạn duyên cắt đứt tấm thân nhàn
Hơn bốn mươi năm mộng đã tàn
Giã biệt! Xin đừng theo hỏi nữa
Bên kia trăng gió rộng thênh thang.
Vì như thật biết rằng chết không
phải là hết, mà chết chỉ là sự luân hồi tái sinh vào một thế giới khác, thọ
nhận một đời sống mới. Tuy nhiên, thế giới mới, đời sống mới khổ đau hay hạnh
phúc, sung túc, đầy đủ hay đói rách, thiếu thốn, an bình hay loạn ly… đều tùy
thuộc vào duyên nghiệp mà người ta đã tạo trong đời này.
Với cả cuộc đời tu tập, phụng sự
Phật pháp vì sự an lạc cho mọi người, và biết rõ nhân tự thân đã tạo và quả sẽ
gặt hái trong tương lai, các bậc chân tu, trí đức ung dung tự tại ra đi trong
tâm niệm vô úy, vô chấp, không buồn, không khổ. Trưởng lão Hòa thượng chùa Linh
Sơn Đà Lạt cũng trở về cõi Phật trong phương cách như thế. Ai đã từng chứng
kiến sự điềm tĩnh, minh mẫn, sáng suốt của một người xuất gia sắp sửa vĩnh biệt
cuộc đời ở tuổi 91 mới cảm nhận được sức mạnh nội tâm của bậc chân tu liễu đạo.
Một đêm trước giờ vĩnh biệt thế giới mộng huyễn, Hòa thượng đã cho gọi tất cả
chư tôn đức Tăng Ni vào phòng để ngài thăm lần cuối. Ngài gọi tên từng vị rồi
nhìn họ với đôi mắt sáng ngời và nở nụ cười hoan hỷ. Hòa thượng nhìn quanh liêu
phòng thật lâu để tìm những tôn đức Tăng Ni mà đêm ấy chưa kịp về hầu ngài.
Sau đó, ngài hỏi mấy giờ rồi!
Được báo là 10 giờ 30 khuya, Hòa thượng bảo rằng 13 giờ 15. Nói xong ngài ra
hiệu cho mọi người ra khỏi liêu phòng và nhắm mắt nghỉ ngơi. Không ai hiểu được
thâm ý Hòa thượng! Chỉ đến khi Hòa thượng vĩnh biệt cõi đời vào lúc 1 giờ 15
sáng hôm sau, mọi người mới cảm nhận lời nhắn nhủ của Hòa thượng! Ngài đã thông
báo giờ khắc ra đi trong một tâm thái hoàn toàn thanh thản và an tịnh. Chắc Hòa
thượng đã biết trước thời gian và cảnh giới mà mình sẽ sanh về.
Mục tiêu, ước mong thầm kín, sâu
xa và lớn nhất của con người, bất kể xuất gia hay tại gia, là sống hạnh phúc,
chết bình an; sau khi chết được sanh về một cảnh giới an bình, tốt đẹp. Muốn
được như thế, người ta cần có một lý tưởng sống hướng thượng, một đời sống thật
sự có giá trị và ý nghĩa, và một ước nguyện vươn tới chân thiện mỹ. Theo lời
Phật dạy, ai sống không làm hại mình, không làm hại người, không làm khổ mình,
không làm khổ người, không làm tổn hại mình, không làm tổn hại người, người ấy
là trí giả, là thức giả và là chân Phật tử.
Thế giới ngày mai của người ấy
chắc chắn sẽ là một thế giới khả ái, khả ý, khả lạc, khả hỷ, vượt xa thế giới
ta bà ngũ trược này. Khi biết được “ngôi nhà mơ ước, thế giới mơ ước” của mình
trong tương lai chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn những gi tự thân đang có, không ai lại
lo buồn, sợ hãi, phân vân khi phải buông bỏ cái ngôi nhà vốn đang tàn tạ, mục
nát, thối rữa trong vòng quay của định luật vô thường. Có lẽ đây là huyền nghĩa
của “ý niệm chết”!