
Ðọc qua đoạn sử này, thú thật,
chúng tôi không dám quả quyết khẳng định rằng, có hay không có. Ðôi khi nhà
viết sử họ muốn tô đậm nét thêm về những điều huyền diệu mầu nhiệm qua cuộc đời
của đức Phật. Chuyện có hay không xin để mỗi người tự nhận xét quyết định lấy.
Việc này, chúng tôi xin được gác qua một bên. Vì đó còn là một biểu tượng đặt
định trên niềm tin của mỗi người. Ở đây, chúng tôi không dám có cao vọng luận
bàn có hay không. Tuy nhiên, đối với tôi, điều đó nó mang một ý nghĩa tiêu biểu
thật thâm trầm kỳ thú mang tính chất siêu thoát rất cao quý.
Thử ngẫm kỹ lại, đời sống của con
người phần lớn (nếu không muốn nói là gần như hầu hết) đều trôi theo dòng đời
ngũ dục. Ai cũng ham thích có một đời sống giàu sang, quyền cao, chức lớn, danh
vọng, địa vị hơn người. Danh và lợi là hai miếng mồi ngon béo bổ, mà ai ai cũng
thèm khát muốn chiếm hữu tranh giành. Ðược thì làm Vua mà thua thì làm Giặc.
Nói rộng ra có ai trong chúng ta mà không đam mê chạy theo ngũ dục lục trần?
Vào một buổi đẹp trời nào đó,
trong cảnh vắng lặng êm đềm, bạn thử ngồi một mình trong cách thế thư thả, có
thể uống trà độc ẩm, trầm tư tỉnh lặng, rồi bạn thong thả kiểm kỹ lại từng món
trong ngũ dục: “tài,( tiền bạc của cải) sắc, ( sắc đẹp của nam nữ và các thứ
vật chất ) danh, ( tên tuổi địa vị cao trong xã hội ) thực, ( thích ăn những
món ngon vật lạ cao lương mỹ vị ) thùy ( ham mê ngủ nhiều không kể đến giờ
giấc) ”, tế hơn là lục trần: “sắc, thanh, hương, vị, xúc”. Thử hỏi có thứ nào mà
bạn không vướng mắc không? Trong những thứ đó, không chỉ riêng gì bạn mà tất cả
nhân loại trên hành tinh này không ai lại không vướng mắc, mê say, đắm nhiễm.
Chẳng qua cường độ đắm nhiễm của mỗi thứ có nặng nhẹ khác nhau mà thôi.
Thiên hạ tranh đua nhau chạy theo
danh lợi. Nô lệ cho lòng dục vọng tham, sân, si sai khiến. Có thể nói, từ khi
mở mắt chào đời cho đến khi nhắm nghiền đôi mắt lại, tất cả phàm phu chúng ta
đều làm nô lệ cho “thất tình lục dục”. Vì sống trong vòng vô minh vọng chấp,
coi trọng bản ngã, nên con người luôn luôn nếm mùi đau khổ. Nếu muốn vượt thoát
cái vòng lẩn quẩn trần ai hệ lụy này, chỉ có một con đường, đó là con đường
hành thiện tránh xa điều ác. Cao hơn một bậc, là con đường vượt ngoài đối đãi
nhị nguyên. Ðó là con đường mòn mà chư Phật Tổ đã đi. Con đường hành xử lợi
mình lợi người. Một con đường khai phóng viên dung vô ngại. Muốn đi con đường này,
thật không phải dễ dàng. Hành giả phải trải qua muôn ngàn khó khăn gian lao thử
thách. Thật là thiên nan vạn nan. Phải vận dụng mọi năng lực ý chí phấn đấu
cương quyết vượt qua. Như Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác đã nói trong Chứng Ðạo Ca:
Thường độc hành, thường độc bộ
Ðạt giả đồng du Niết bàn lộ
Ðiệu cổ thần thanh phong tự cao
Mạo tụy cốt cang nhân bất cố.
Dịch nghĩa:
Tôi chấp nhận cô đơn trên đường đạo
Vui một mình, vui theo nhịp bước chân đi
Tôi những mong có pháp lữ chung lòng
Cùng tiến bước vào Niết bàn thường lạc
Không như ý, tôi nguyền làm người cổ lỗ
Sống theo mình, sống với gió mát trăng thanh
Dù xương trơ, thân đét, thịt teo gầy
Không ân hận, tôi vui với lập trường kiên định ấy.
( Bản dịch của HT Thích Từ Thông)
Ðó là con đường ngược dòng nhân
thế. Con đường này với những kẻ yếu đuối như chúng ta làm sao dám sấn bước. Con
đường vượt lên trên tất cả, vượt ngoài không và thời gian. Bởi nó quá khó khăn,
nên ít có người dám đi. Vì tất cả ngược lại hết những gì thế nhân say mê đắm
nhiễm. Còn đắm nhiễm là còn vướng mắc trong vòng triền phược hệ lụy khổ đau.
Cho nên hình ảnh cái bát trôi ngược dòng là biểu trưng nói lên tính chất siêu
thoát đó. Người tu dù xuất gia hay tại gia, nhứt là đối với người xuất gia,
muốn được giải thoát, tất nhiên, là phải đi ngược dòng đời.
Người đời bon chen trong trường
danh lợi cấu xé tranh giành với nhau chí tử, họ tranh nhau quyết liệt một mất
một còn. Ngược lại, người tu hành chân chánh thì phải xa lánh. Xa lánh là ngược
dòng. Cái bát tuy trôi ngược dòng nhưng vẫn không rời mặt nước. Người tu tuy có
ngược dòng ( xuất thế) nhưng vẫn không rời bỏ thế gian ( nhập thế ). Ðó là con
đường cái quan thênh thang rộng lớn nhập thế hành đạo, mà Bồ tát đã, đang và sẽ
đi và còn đi mãi mãi. Ði để cứu độ chúng sanh thoát khổ. Ðó là một cuộc hành
trình lý tưởng mà Bồ tát đã dấn thân phổ độ chúng sinh khắp mọi thời gian và
nơi chốn.
Người muốn thật hành Bồ tát đạo,
trước hết, phải trang bị cho mình có sự trôi ngược dòng đời này. Phải hằng sống
cho được với cái “tánh không nhiễm ô”. Làm tất cả mọi việc lợi ích cho chúng
sinh, nhưng vẫn không dính kẹt vào bất cứ việc lớn nhỏ gì. Muốn thế, tất nhiên
người tu phải trải qua một giai đoạn thử thách chuẩn bị. Chuẩn bị rèn luyện nội
tâm cho thật chín chắn vững vàng. Phải có một đời sống nội tâm phong phú. Như
đức Phật đã phải trải nghiệm tư duy quán sát gạn lọc hết vô minh phiền não.
Ngài đã quán chiếu sâu vào bản thể thật tướng của vũ trụ. Ngài đã sống trọn vẹn
với chân lý, bản nguyên của sự vật mà Ngài vừa mới tìm ra. Ðó là một nguồn sống
cao đẹp tươi mát hòa nhập cùng vạn thể muôn loài. Nhờ thời gian 49 ngày tư duy
thiền định mà Ngài đã đạt được quả vị cao tột. Ðó là quả vị Phật chánh đẳng
chánh giác. Ðến đây, Ngài mới thật sự hoàn toàn giác ngộ giải thoát và từ đó
Ngài mới bắt đầu hành trình hoằng pháp lợi sanh.
Ngài đã thật sự lột xác đi ngược
dòng đời. Người xuất gia phải noi theo con đường ngược dòng này. Phải thật sự
là người phát túc siêu phương tâm hình dị tục. Phải đứng trên và ngoài vòng
những tranh chấp hơn thua của thế quyền. Phải trải rộng không gian tâm thức,
thật hành Tứ Vô Lượng Tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả của Bồ tát. Bằng không, thì vẫn chết
chìm trong dòng nước cuốn trôi trong dòng sông ngũ dục, lục trần như bao nhiêu
con người trần tục khác.
Hình ảnh của cái bát còn nói lên
một yếu lý của sự giải thoát. Suốt cuộc đời của đức Phật từ khi bắt đầu lên
đường hành hóa cho đến khi nhập diệt, không lúc nào Ngài không ôm bát đi xin
ăn. Một đời sống không hệ thuộc bất cứ thứ gì. Ðêm không ngủ hai lần ở một gốc
cây. Ðời Ngài quả lấy đất làm chiếu, lấy sương làm mền. Ðầu trần, chân đất rày
đây mai đó, không an trụ một nơi nào cố định.
Như thế, thử hỏi còn gì mà không
đi ngược dòng. Tất cả Ngài đã để lại cho đời. Kể cả những thứ mà người đời luôn
ao ước thèm khát, như ngai vàng điện ngọc vợ đẹp con ngoan. Những thứ này, đối
với Ngài xem đó như là ngục tù giam hãm. Hình ảnh thân giáo của Ngài quả là mô
phạm luôn đánh động thức nhắc mọi người. Là đệ tử của Phật chúng ta không thể
không nghiên cứu tìm hiểu về đời sống của Ngài. Một đời sống đích thực giải
thoát có một không hai trong lịch sử loài người.
Nguồn: quangminh.org