
Tại khóa tu dành cho những người
nói tiếng Pháp trong mùa xuân vừa qua, Sư Ông Làng Mai có giảng về đề tài “Nhận
diện những điều kiện hạnh phúc đang có mặt trong ta và xung quanh ta”. Một đề
tài rất quan trọng và cần thiết cho con người của thời đại ngày nay. Sư Ông
dạy: Mỗi buổi sáng thức dậy được nghe tiếng chim hót là một niềm hạnh phúc,
được ngắm tia nắng mai là một hạnh phúc. Ý thức được rằng mình vẫn còn đôi mắt
sáng, một trái tim khỏe mạnh, thì đó chính là những tặng phẩm to lớn mà cuộc
đời ưu ái dành tặng cho mình. Bởi vì trong cuộc đời có biết bao nhiêu người kém
may mắn, không có diễm phúc có đôi mắt sáng để thấy, có đôi tai tốt để nghe, và
có biết bao nhiêu người đang chịu đau khổ bởi những căn bệnh ngặt nghèo.
Hôm ấy chúng tôi có một buổi ăn
trưa quả đường, tức là ăn cơm theo nghi lễ trong thiền đường với Sư Ông. Tất cả
bốn chúng đều tham dự đông đủ. Không khí thật trang nghiêm và hùng hậu. Buổi
chiều hôm ấy chúng tôi có một buổi pháp đàm. Một vị thiền sinh người Pháp đã
chia sẻ rằng: Cô công nhận ăn cơm quả đường theo nghi lễ hôm nay là cái gì đó
rất đặc biệt, nhưng cô không thấy được cái hạnh phúc và mục đích của bữa ăn. Cô
còn nói, cô rất thương cho quý thầy, quý sư cô vì những niềm hạnh phúc của
người tu sao mà đơn giản đến thế: ăn một que kem cũng cảm thấy hạnh phúc, trong
khi nếu muốn cô có thể mua mấy hộp kem về nhà để ăn. Quý thầy cô ngắm một đám
mây, nhìn một tia nắng, chiêm ngưỡng một đóa hoa mà cũng thấy hạnh phúc. Sao
hạnh phúc gì mà nhỏ bé vậy? Tóm lại, cô cảm thấy rất tội nghiệp cho người tu.
Khi nghe chia sẻ, tôi không thấy
ngạc nhiên, bởi vì tôi biết có rất nhiều người cũng có thắc mắc và suy nghĩ như
thế. Tôi tự nhìn lại mình và so sánh niềm hạnh phúc trong đời sống trước đây
của mình với niềm hạnh phúc khi là một tu sĩ.
Tôi vốn là một người Mỹ gốc Việt.
Hồi học trung học, tôi ráng cố gắng học lấy điểm cao để có thể dễ dàng xin vào
trường đại học tốt. Khi vào được trường đại học mình mong muốn rồi, tôi lại
tiếp tục nỗ lực học với mong muốn lấy được cái bằng cử nhân loại giỏi để có một
việc làm đàng hoàng có thể phụ giúp cho gia đình ở Mỹ cũng như ở Việt Nam . Sau bốn
năm chăm chỉ sách đèn, cuối cùng ngày ấy cũng tới. Tôi tốt nghiệp với hai bằng
cử nhân loại giỏi: thương mại quốc tế và tài chính. Tôi rất muốn tiếp tục học
thêm để lấy bằng thạc sĩ về luật và ngoại giao quốc tế, nhưng sau khi suy nghĩ,
tôi quyết định dừng lại chuyện học hành một thời gian để tạm kiếm tiền giúp gia
đình và cũng đồng thời lấy kinh nghiệm. May mắn thay, trước ngày tốt nghiệp vài
hôm tôi được một công ty mua bán chứng khoán nhận vào làm việc. Chúng tôi thỏa
thuận với nhau là tôi sẽ bắt đầu làm việc một tuần sau khi tốt nghiệp. Mọi thứ
tạm như đã thành tựu theo ước nguyện.
Nhưng tâm thức của con người
không bao giờ chịu dừng lại. Sau khi có việc làm rồi, thì điều kế tiếp là tôi
muốn để dành tiền mua một căn nhà và mua một chiếc xe hơi ngon lành. Trong vòng
ba năm nhọc nhằn làm việc, ước mơ này cũng được thực hiện, nhưng bù lại tôi
phải làm việc với cường độ rất cao và chịu nhiều áp lực. Làm việc, ứng phó với
khách hàng không phải là chuyện dễ dàng, đặc biệt là những khách hàng nhà giàu.
Có bữa đi ra khỏi sở làm mà cái đầu tôi vẫn còn nhức. Cứ như thế mà tôi làm
việc được hơn bảy năm. Trong bảy năm đó, tôi đổi hai căn nhà hai chiếc xe hơi.
Tiền bạc, việc làm, nhà cửa, xe
hơi thì có, nhưng tôi thật sự chưa bao giờ thỏa mãn với cuộc sống hiện tại của
mình. Lúc nào cũng cảm thấy thiếu vắng một cái gì đó. Về phần gia đình, tôi
thấy giúp bao nhiêu cũng không đủ. Đi lòng vòng rồi thấy ai cũng thế. Tôi chỉ
biết tìm niềm vui bên gia đình, trong vật chất, và đi du lịch. Tôi nhớ, cứ mỗi
lần cảm thấy buồn chán, bị áp lực công việc, hoặc muốn giải tỏa một điều gì đó
thì tôi thường đi du lịch cho khuây khỏa. Là một người trẻ, tôi đi du lịch rất
nhiều nơi. Có những nơi rất cao sang và phong nhã. Trong lúc đi chơi thì tôi
cũng cảm thấy rất sung sướng và vui vẻ, nhưng khi trở về, tiếp tục đối diện với
cuộc sống ồn ào căng thẳng và nhất là đối diện với những diều bất như ý trong
chính mình thì tôi lại thấy cuộc sống của mình bắt đầu nhàm chán. Tôi muốn thay
đổi lối sống ấy.
Từ lúc còn nhỏ, tôi thường được
Mẹ dắt đi chùa lễ Phật tụng kinh. Tôi nhớ, cứ mỗi lần đến chùa thì tâm tư cảm
thấy nhẹ nhàng lắm. Mặc dù lúc còn nhỏ không biết đó là tâm tư gì, nhưng tôi
rất thích cái không khí nhẹ nhàng và thanh tịnh ở chùa. Lớn lên tôi cũng vẫn
thích đi chùa, nhưng thường thường đi vào những lúc tâm tư mất quân bình. Nhiều
người thường thường đến chùa để bái lạy cầu xin. Còn tôi đến chùa chỉ để đọc
vài câu kinh, làm một vài điều công quả mong tìm lại những giây phút bình an
trong tâm hồn. Chỉ thế thôi! Cứ mỗi buổi chiều sau giờ làm việc tôi thường ghé
qua chùa tụng một bài kinh. Rồi dần dần những lời hay ý đẹp của kinh đã đi vào
trong tôi. Tôi cảm thấy quen thuộc với cách sống ở chùa. Tôi nghĩ cái mà tôi
trân quý nhất là sự bình an trong tâm hồn. Tôi bỗng nhiên thấy cuộc sống của
người tu quá đẹp. Những tà áo nâu, những chiếc y vàng đã âm thầm đi vào trong
tàng thức của tôi. Từ đó hạt giống xuất gia bắt đầu đâm chồi nảy lộc.
Có một lần tình cờ lên mạng tìm
tài liệu về đạo Bụt, vô tình tôi tìm được tên của Sư Ông Làng Mai và trang web
của Làng. Tôi tò mò đọc, đọc một hồi thì cảm thấy rất thích thú về những gì
mình thấy trên mạng. Từ đó tôi bắt đầu thỉnh sách của Sư Ông về để học. Càng
đọc càng thấm thía. Tôi quyết định đi qua Làng Mai một chuyến để kiểm chứng xem
sao. Vì nhiều khi thực tế nó không giống như những gì mình nghe, mình đọc, hoặc
mình thấy qua mạng hoặc sách vở. Thế nên tôi đã sắp xếp công việc và thời gian để
qua Làng Mai một tuần. Trong một tuần đó tôi có cơ hội tiếp xúc và thực tập
pháp môn của Làng Mai. Tôi tập đi, tập ngồi, tập thở trong chánh niệm. Khoảng
vài ngày sau tôi thấy có sự chuyển hóa trong tâm. Cảm giác rất nhẹ nhõm và bình
an. Tôi rất thích thiên nhiên và phong cảnh của Làng Mai. Những bài pháp thoại
của Sư Ông đã đánh động tôi thật mạnh. Tôi như một người vừa mới được đánh thức
dậy sau một cơn ngủ say sưa. Sau một tuần lễ, khi ra về tôi âm thầm hứa với
lòng rằng tôi sẽ trở lại xin làm đệ tử của Sư Ông. Và đúng như lời hứa, một năm
sau tôi trở lại và xin được xuất gia.
Trong thời gian về lại Mỹ để sắp
xếp chuyện gia đình và công việc, tôi có đến thực tập ở tu viện Lộc Uyển (Một
trung tâm khác của Làng Mai tại Mỹ). Nơi đây tôi được sư cô Đẳng Nghiêm, dìu
dắt và nâng đỡ cho tôi rất nhiều trên con đường tâm linh. Có một lần được ngồi
ăn cơm chiều với sư cô và một số người phật tử khác, bữa ăn rất đạm bạc, nhưng
cái kinh nghiệm của ngày hôm đó tôi không thể nào quên được. Đằng xa mặt trời
bắt đầu lặn. Chúng tôi ngồi ăn thong thả nhẹ nhàng, không ai nói một lời gì
hết. Chỉ ngồi ăn và trân quý sự có mặt của nhau là đầy đủ lắm rồi. Cảnh tượng
chúng tôi ngồi ăn trong yên lặng rất hùng tráng. Lúc đó tôi cảm được một năng
lượng bình an đi vào cơ thể mình và tôi vô cùng hạnh phúc. Một cảm giác hạnh
phúc mà tôi chưa bao giờ được nếm trải, nó là một trạng thái bình an, thanh
thoát, tĩnh tại, một niềm hạnh phúc rất êm đềm.
Khi xưa, chưa biết tới pháp môn
thực tập của Làng Mai, tôi đã lầm lẫn giữa dục lạc và an lạc. Tôi nghĩ rằng,
hạnh phúc tức là thỏa mãn được những ham muốn. Nhưng làm sao có thể thỏa mãn
được những mong muốn? Vì lòng tham vốn không có đáy. Mong muốn này được thỏa
mãn thì lại phát sinh ra những ham muốn khác to lớn hơn. Và chúng ta rốt cuộc chỉ
là nô lệ cho những ham muốn của chính mình. Trong khi đó an lạc là niềm vui của
sự tĩnh lặng nội tâm, là niềm vui có được khi trong lòng không có sự ham muốn,
niềm vui từ trong phát khởi ra, niềm vui do chính mình tự tạo. Nếu quan sát ta
sẽ thấy, từ khi theo đuổi một ham muốn cho tới khi đạt được ham muốn ấy niềm
vui ta nhận về thì ít mà phiền não phải mang thì đếm sao cho xuể.
Và niềm vui lớn nhất mà ta có
chính là giây phút vô mong cầu. Đó chính là khoảng cách khi chấm dứt một ham
muốn cho tới khi phát khởi một mong muốn mới. Ví dụ như hồi còn đi làm, trong
những tháng đầu tiên tôi cố gắng tiết kiệm dành dụm để mua được một chiếc xe
hơi thật “mốt”. Khi mua được rồi tôi sung sướng, hãnh diện về thành quả của
mình được có vài tuần, sau đó tôi lại đặt mục tiêu mới là mua nhà. Và niềm vui
có xe từ từ tan biết thay vào đó là những nỗ lực mới, những ưu tư mới, những lo
toan mới để làm sao sớm có tiền mua nhà.
Khi tìm tới với những thú vui ở
bên ngoài như: đi du lịch, ăn ngon, ở những nơi sang trọng…chỉ làm thỏa mãn cái
thân. Còn trong chiều sâu của tâm thức những khó khăn, nỗi buồn, cô đơn, hay áp
lực vẫn còn đang bị đè nén xuống bởi cái vui tạm bợ ở bên ngoài. Dục lạc chỉ có
khả năng giúp mình thoáng vui một chút, rồi sau đó nó lại làm cho những thèm
muốn trong mình lớn mạnh hơn
Tôi nghĩ rằng tốt nghiệp ở trường
đại học loại giỏi, có được việc làm tốt, mua được căn nhà lớn, xe hơi đẹp, có
nhiều tiền trong ngân hàng, v.v. mình sẽ được hạnh phúc. Nhưng không! Bây giờ
nhìn lại thật sự tôi chỉ là một người nô lệ cho những con ma ham muốn ở trong
mình. Là một người trai trẻ cũng như bao nhiêu bạn trẻ khác, tôi bị lôi cuốn
theo danh lợi ở bên ngoài. Lúc nào cũng chạy theo danh lợi và không bao giờ
thỏa mãn với những gì mình có, giống như người khát nước uống nước biển, càng
uống càng khát. Khi xưa, tôi hay thường dự tính cho tương lai nên tôi cứ miệt
mài làm việc. Tôi đánh mất đi cái giây phút hiện tại tuyệt vời. Sau khi đi tu
rồi thì tôi mới phát hiện ra rằng hạnh phúc là những gì nó có sẵn ở trong mình.
Mình không cần lặn lội đi đâu xa mà tìm nó. Mà muốn nhận diện được nó mình phải
có chánh niệm. Chánh niệm giúp mình nhận diện được những gì xảy ra trong giây
phút hiện tại.
Tôi nói tới đây các bạn có cảm
thấy quen thuộc một chút gì không? Các bạn có nhận thấy có điều gì đó nó giống
giống ở nơi bạn chăng? Tôi không ngại ngần chia sẻ về câu chuyện của mình hi
vọng là bạn có thể đồng cảm với tôi vì đó cũng là chứng bệnh chung của thời
đại.
Thực tập chánh niệm giúp chúng ta
nhận diện được cảm xúc và tâm hành của mình một cách trung thực hơn. Tôi cũng
đã từng là một người trẻ sống ở ngoài đời như các bạn. Tôi cũng từng có khổ
đau, mặc cảm, buồn tủi, và đam mê. Cho nên phần nào tôi cũng đồng cảm được với
cái cảm giác của các bạn bây giờ. Trong xã hội thời nay, người trẻ bị nhiều áp
lực lắm - áp lực của xã hội, gia đình, học đường, các bạn đồng lứa, và sinh lý.
Vào cái tuổi dậy thì cũng như cái tuổi mới lớn lên, sinh lý của mình phát triển
nhanh và mạnh lắm. Nhanh và mạnh đến nổi khó mà quản lý và điều khiển được. Nếu
không biết cách điều khiển chúng thì chúng sẽ điều khiển lại mình. Không những
chúng ta phải đối phó với những gì bên trong mà chúng ta còn phải đối diện với
những gì bên ngoài.
Xã hội bây giờ rất tân tiến, mà
càng tân tiến chừng nào (ví dụ như điện tử, vi tính, v.v...) thì mình sẽ càng
cảm thấy cô đơn và lạc lõng nhiều hơn. Bởi vì mình ít có cơ hội tiếp xúc với
con người vì suốt ngày chỉ ngồi bên máy vi tính. Nếu như thế thì sự cô đơn và
trống vắng sẽ kéo mình đi rất xa. Tôi nghĩ lý do mà tôi đã từng có những cái
thao thức, buồn lo, và cô đơn là bởi vì ngày xưa lý tưởng của tôi dựa trên sự
tham vọng về danh, về tài, và về sắc. Cho nên tôi cũng không có hạnh phúc gì
cho mấy. Còn bây giờ thì tôi hạnh phúc lắm, bởi vì Thầy tôi đã trao cho tôi lý
tưởng mới. Đó là lý tưởng thương yêu.
Các bạn thương! Cuộc đời của
người trẻ chúng mình cần phải có lý tưởng. Một lý tưởng lành mạnh thì có thể
giúp mình, giúp người, và giúp đời. Nó sẽ đem lại nhiều hoa trái của thương yêu
và hạnh phúc. Cuộc đời của một người trẻ sẽ đẹp vô cùng, đẹp như trăng rằm vậy
đó. Nó đẹp là bởi vì nó trong sáng và hồn nhiên. Chúng ta cùng trân quý và giữ
gìn nó nhé. Mà muốn làm được những điều này thì chúng ta phải biết thực tập
dừng lại, nhìn sâu, lắng nghe, nhận diện, và chuyển hóa như lời Sư Ông dạy. Mà
hơi thở và bước chân là đầu mối trong sự thực tập này. Tôi cũng đang đi trên
con đường thực tập này và tôi có rất nhiều niềm vui.
Tôi hy vọng các bạn biết sống
cuộc đời mình như thế nào, để cho mình cũng giống như những cây thông đứng hiên
ngang vững chãi giữa bầu trời. Nếu các bạn biết chăm sóc vườn tâm và lý tưởng
của mình, thì các bạn sẽ có nhiều hạnh phúc và an lạc. Nếu các bạn có hạnh phúc
thì người thân của các bạn và tất cả vạn vật khác cũng được thừa hưởng. Cũng
như một cây thông xanh, nếu nó biết bám rễ sâu vào lòng đất, đứng cho vững
chãi, sống cho hiên ngang, thì thân cây và lá của nó sẽ đem lại rất nhiều bóng
mát cho cuộc đời.