Cơ duyên ấy là cơn sa đọa tinh
thần hiện đại kéo lê thê qua thế kỷ như một bệnh hủi. Căn bệnh không biết nhiễm
phải từ thế hệ nào trước, nhưng khi nhận ra được thì biến chứng đã quá trầm
trọng, cuộc sống và con người hầu như chìm giữa một tuyệt vọng mông mênh. Người
ta lo âu, người ta tự hỏi, người ta xét lại; trong khi ấy lịch sử cứ vun vút
quay theo đà chuyên nghiệp, nghiền nát trên những con người mất hết tính cách
người.
Thật vậy, chưa lúc nào con người
thác loạn hơn: cứ hỏi các nhà thương điên thì biết.
Chưa lúc nào con người chán sống
hơn: cứ xem bảng thống kê số người tự tử thì biết.
Chưa lúc nào con người mâu thuẫn
với con người và với chính mình hơn.
Chưa lúc nào con người nguyền rủa
chính mình hơn.
Bao nhiêu giải pháp đã được đưa
ra - kể cả cách mạng, chiến tranh - nhằm mục đích lập lại một xã hội hợp lý
hơn, một chế độ phải chăng hơn, một cuộc sống biết điều hơn. "Cuộc sống
biết điều hơn", nghĩa là duy lý hơn, công thức hơn, ngang bằng sổ thẳng
hơn, phải chăng đó là mầm loạn?
Bằng tất cả kinh nghiệm của bản
thân, người ta nghĩ rằng con người không thể dang dở là con người của lý trí,
triết học, khoa học, mà phải là con người tuyệt đối là người với tất cả tánh
cách người.
Người ta ngờ rằng ngoài lý trí -
mà văn minh hiện tại độc tôn như một thần tượng - có một quan năng nào khác,
đại đồng hơn, có thể đem lại ánh sáng và an vui cho toàn thể loài người.
Trong linh cảm mơ hồ ấy, đó đây
nhiều hồi chuông báo động được gióng lên, mở màn cho nhiều tư trào "nổi
loạn" tưng bừng và âm ỉ bốc cháy.
Thoạt tiên, từ bóng tối, cậu bé
thần đồng Arthur Rimbaud đứng lên chà đạp tất cả để làm người thần nhãn, "sáng
tạo lại những đóa hoa mới, những ngôi sao mới, những da thịt mới, những ngôn
ngữ mới".
Xé toạc bức màn đạo đức, bác sĩ
Freud khám phá ra con người không phải là lý mà là tình - dục tình -, không
phải là ý thức mà là vô thức, tiềm thức. Lật ngược thế cờ, đó là bản năng trả
thù lại đạo đức, là mộng trả thù lại thực, là con người thiên nhiên đòi lại
quyền sống trong thế giới văn minh.
Rồi Nietzsche, uy nghi trong
tuyệt vọng, đứng lên công bố cho loài người biết rằng dưới chân Ông, Chúa đã
chết rồi. Chúa chết! Mà con người cũng bị xóa bỏ luôn! Con người chỉ còn một
lối thoát duy nhứt là chà đạp lên ... con người, để trở thành siêu nhân, đứng
ngoài thiện ác.
Qua lò tâm luyện Alchimie,
Nietzsche biến chế cái tuyệt vọng cuối cùng thành cái hy vọng ngàn đời. Nhưng
rồi, từ tuyệt đỉnh, Nietzsche lại gục xuống trong cuồng loạn. Thế là bước giải
thoát đầu tiên đành đánh dấu bằng một "thiên đường lở"!
Tuy nhiên, tình trạng xung khắc
ấy cần phải vượt qua, với bất cứ giá nào. Bao nhiêu công thức chánh trị, kinh
tế, triết học, đạo giáo được đưa ra thí nghiệm, bao nhiêu cuộc cách mạng nhuộm
đỏ từng trang sử, hai cuộc thế chiến, mấy quả bom nguyên tử, hằng chục triệu
người gục ngã như những con vật hy sinh ... tất cả không ngoài mục đích giải
quyết bệnh mâu thuẫn cho con người. Nhưng càng vùng vẩy, con người như càng bị
đùn sâu hơn vào ngõ cụt. Và ngọn lửa "nổi loạn" càng bốc cháy bạo
hơn, như thuốc súng.
Vì lẽ văn minh hiện đại được đề
cao là tuyệt đối duy lý, xây dựng lên bằng khối óc, đúc kết bằng suy tư, nên
nổi loạn là lấy phi lý chống lại lý, lấy vô thức chống lại ý thức, lấy mộng
chống lại thực, v.v..., nổi loạn dưới ngọn cờ phi trí thức vậy. Nổi loạn để làm
lại, không phải làm lại từ những đổ vỡ, mà làm lại bằng những phủ nhận. Những
phủ nhận ấy là tư trào hiện sinh, là trường thơ siêu thực, là hội họa lập thể,
lầy nhầy màu xác thịt, tối đen màu tuyệt vọng.
Thế là cả một lâu đài duy lý phút
chốc rạn nứt như một ác mộng. Nhân chứng Paul Valéry buột miệng than:
"Nous autres, civilisations,
nous savons
"maintenant que nous sommes
mortelles!
Người ta không xây dựng nữa, nghĩ
rằng "tạo làm chi những lâu đài nguy nga tráng lệ là thế để rồi mình phải
đi ngủ nhờ ở mái hiên hàng xóm" (Kierkegaard). Thật là chua xót!
Người ta không tin ở đạo đức nữa,
và "có lẽ một ngày kia, vì lý do đạo đức, chúng ta không làm thiện
nữa" (Camus). Thật là trớ trêu!
Người ta chỉ vâng theo bản năng,
đào sâu tiềm thức, khai thác mộng mị. Người ta chỉ phủ nhận, chỉ nổi loạn.
Triết học nổi loạn: Heidegger,
Sartre. Thi ca nổi loạn: Breton, Pichette. Hội họa nổi loạn: Picasso, Matisse. Tiểu
thuyết nổi loạn: Kafka, Sagan.
Cho đến trẻ em cũng nổi loạn nốt,
kéo hết ra đường phá phách để chối bỏ văn minh, và chứng minh sự có mặt của
mình trong một thế giới mất hết kích thước người.
Trúc Thiên
Trích: ‘Hiện tượng Krishnamurti’