Khi đức Phật còn là thái tử Sĩ
Đạt Ta đã dạo chơi bốn cửa thành và chứng kiến chúng sinh ở các trạng thái
sinh, già, bệnh rồi chết. Khi quán chiếu vào tự thân, thái tử thấy rằng bản
thân hay bất cứ ai không thể tránh khỏi sự già, sự bệnh và sự chết. Có người
sống lâu, tuổi thọ rất cao nhưng rồi cũng chết. Có người vẫn còn thanh niên
trai tráng, tuổi đời hãy còn thanh xuân nhưng cũng gặp bệnh nan y hay tai nạn
rồi chết. Có người vừa mới sinh ra, vẫn còn đỏ hỏn thì đã chết hay chết ngay
trong bụng mẹ. Thái tử tự đặt câu hỏi, Ta từ đâu sinh ra và khi chết ta sẽ đi
về đâu.
Sau này khi thái tử thành Phật,
trong một lần giải thích cho thầy Anuruddha về những câu hỏi của ngoại đạo,
Phật lại dạy, Ta không từ đâu sinh ra và cũng không đi về đâu. Thọ mạng này là
vô lượng và những kiếp sống chúng ta trải qua tùy thuộc và nghiệp duyên mà
chúng ta đã tạo. Chúng ta đi qua nhiều kiếp sống khác nhau, có thể đã từng là
mây, là hoa, là chú chim sơn ca, là con cá tung tăng giữa biển xanh, là con nai
tơ ngơ ngác giữa rừng sâu, từng tức tưởi dưới địa ngục vô vàn, từng vui vẻ ở
những tầng trời và từng xuôi ngược giữa dòng người tất bật.
Luân hồi chỉ là một cách nói và
cũng không cần phải đả phá thuyết luân hồi. Đã là một cách nói thì nó là một ý
niệm và tùy theo cách nhìn nhận của mỗi người mà ta nên tin hay không tin. Nếu
ta tin thì ta nên làm gì để chấm dứt luân hồi và không sinh tử nữa. Nếu không
tin thì ta có con đường nào để có thể chấm dứt sinh tử. Việc ngồi tranh cãi có
luân hồi hay không làm mất thì giờ và làm tăng tính ngã mạn mà thôi. Như chúng
ta đã quán chiếu con đường đi của chiếc lá, ta thấy nó sinh diệt liên tục,
nhưng bởi vì nó không có bắt đầu và cũng không có kết thúc, nên ta nói nó không
sinh không diệt, vô khứ vô lai, vô thỉ vô chung. Chúng ta như chiếc lá, chúng
ta có từ vô thỉ và chúng ta đi mãi mãi vào tương lai. Phật nhập Niết bàn là
không còn tái sinh nữa. Không tái sinh không có nghĩa là không có Phật mà Phật
đang biểu hiện. Khi tâm không còn tái sinh thì Phật biểu hiện thôi.
Cách mạng công nghiệp lần thứ
nhất là cuộc cách mạng trong lĩnh vực sản xuất, theo đó lao động chân tay quy
mô nhỏ được thay thế bằng công nghiệp và chế tạo máy móc quy mô lớn. Thực chất
yếu tố lao động chân tay đâu có mất, nó có sẵn trong máy móc. Cụ thể là để làm
ra máy móc thì người ta phải sử dụng lao động chân tay và sau đó cũng phải vận
hành nó. Máy móc như là hình thái khác của lao động chân tay hay nó là sự tiếp
nối của lao động chân tay.
Cách mạng công nghiệp lần thứ hai
đánh dấu sự phát triển của công nghiệp hóa chất, dầu mỏ, thép, điện lực, hàng
tiêu dùng, vận tải, giải trí… Cuộc cách mạng này lại là sự kế thừa của cách
mạng công nghiệp lần thứ nhất. Để tạo ra một bộ phim giải trí, người ta phải sử
dụng cả lao động chân tay và máy móc trong đó.
Cách mạng công nghiệp lần thứ ba
được cho là mang yếu tố của công nghệ số và tri thức, nhưng nó cũng phải kế
thừa những thành quả của các cuộc cách mạng công nghiệp trước. Công nghiệp phát
triển theo những yếu tố nhân duyên được cung cấp và khi đầy đủ nó sẽ bùng nổ
ra. Hiện nạy nước Đức đang muốn làm cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vậy thì
từ lao động chân tay ban đầu, nó đi vào máy móc, đi vào sản xuất đại trà, đi
vào công nghệ số, nhưng bản chất lao động chân tay không hề mất đi. Và biết đâu
trong tương lai người ta lại đi vào nhiều cuộc cách mạng hơn nữa để phát triển
ngành công nghiệp.
Luân hồi có thể được hiểu như
người ta biến rác thành hoa, biến phế thải thành sản phẩm, biến nguyên vật liệu
thành một phương tiện có thể sử dụng được. Sử dụng xong một chiếc điện thoại và
ta bỏ nó vào thùng rác, nếu không đem tái chế thì tự thân cái điện thoại đó sẽ
đi vào lòng đất, biến chuyển theo các điều kiện môi trường mà nó tiếp xúc và
những vật chất mà nó mang theo. Không chỉ có con người hay muôn thú đều luân
hồi, mà vạn vật đều luân hồi. Luân hồi có thể được hiểu là hành trình của những
sinh diệt.
Luân hồi như một sự đi vòng quanh
và không biết bao giờ mới chấm dứt sự đi vòng quanh. Có đoạn hội thoại như sau,
Này Người đang đi vòng quanh hãy dừng lại, anh đi như thế để làm gì. Trả lời,
Tôi không thể không đi, và vì tôi không biết tôi đi đâu nên tôi đi vòng quanh.
Yêu cầu, Này người đang đi vòng quanh, anh hãy chấm dứt việc đi quanh. Trả lời,
Nhưng nếu tôi chấm dứt việc đi, thì tôi cũng chấm dứt tôi. Yêu cầu, Này người
đang đi vòng quanh, anh không phải là sự đi quanh, anh có thể đi nhưng không
cần đi quanh. Hỏi, Tôi có thể đi đâu? Trả lời, Anh hãy đi tìm người anh thương,
anh hãy đi tìm anh.
Chúng ta thích đi vòng quanh và
tái diễn sự đi vòng quanh. Có người nói với tôi, Con thấy con người sinh ra, đi
học, làm việc, cưới vợ sinh con, rồi bệnh, rồi già, rồi chết, cứ đi trong vòng
lẩn quẩn như vậy, có phải con đang đi vòng quanh không thầy? Thì ai cũng vậy,
ai cũng đi trong cái vòng đó và thỏa mãn với cái vòng đó, dù rằng sự thỏa mãn
này rất ảo. Luân hồi thực ra là luân hồi khổ đau. Khổ đau mà chúng ta gánh chịu
nó cứ xoay vần và chúng ta không đủ can đảm để dứt nó ra. Chúng ta chạy theo
tiền tài, sắc dục, danh vọng, hưởng thụ, mê đắm và nó xoay chúng ta trong cài
vòng khổ đau.
Nhiều người thích chạy lòng vòng,
nhiều khi có người chỉ cho việc chấm dứt việc đi lòng vòng nhưng không đủ can
đảm để dứt ra vì sợ khi dứt ra thì mình sẽ chấm dứt luôn. Có anh chàng chạy xe
lòng vòng trong thành phố vì không biết đi đâu nên cứ chạy như thế, đến lúc hết
xăng hay mệt mỏi thì giựt mình là đã đi quá xa, nên tìm cách đổ thêm xăng, ngồi
nghỉ chút và tiếp tục con đường chạy lòng vòng. Ta lòng vòng với sự nghiệp, ta
lòng vòng với thắng bại, với những còn
mất nên ta luân hồi trong cái lòng vòng đó. Ta khổ rồi ta vui rồi lại khổ rồi
lại vui, nhưng có những cái khổ lặp đi lặp lại hay có những cái vui lặp đi lặp
lại và ta cho đó là đời, là phải sống như thế.
Có những loài vật ăn thịt loài
vật khác nhưng chính nó lại bị loài khác ăn thịt. Như con gà ăn con giun và con
gà có thể bị con cáo hay chính con người ăn lại. Con cáo có thể bị con hổ ăn và
con người có thể bị những loài vi khuẩn nhỏ bé ăn. Chúng ta dường như là đang
ăn nhau và chưa thể chấm dứt tình trạng ăn nhau. Chúng ta đang luân hồi bằng
cách ăn nhau như thế. Người này muốn ăn hiếp hay lấn lướt người kia cũng là một
muốn ăn người kia, muốn giành ăn với người kia. Khi giành ăn thì sẽ có kẻ thắng
và kẻ thua. Kẻ thua không ăn được nên ốm yếu gầy mòn, kẻ thắng đã ăn gián tiếp
kẻ thua. Nói nghe ghê vậy chứ thực tế là vậy. Sự nghiệp làm chúng ta trầy da
tróc vẩy, sắc dục làm chúng ta đứng ngồi không yên, sự hưởng thụ làm chúng ta
bào mòn. Mấy thứ này làm chúng ta đi lẩn quẩn và luân hồi trong mấy thứ đó
luôn.
Phật dạy, Này thầy Anan, bản tính
của chúng sinh vốn chân thật trong sạch, vì vọng kiến mà sinh tập khí, bao gồm
nội phần và ngoại phần. Nội phần là phần trong của chúng sinh. Do lòng ái nhiễm
phát khởi vọng tình, vọng tình được tích lũy không dứt, sinh ra ái thủy, nên hễ
nghĩ đến thức ăn ngon thì chảy nước miếng, nhớ đến người xưa, hoặc thương hoặc
buồn thì chảy nước mắt, tham cầu của báu sinh tâm ham muốn thì thấm nhuần nước
tham, sinh tâm dâm dục thì hai căn nam nữ tự nhiên chảy dịch. Những ái dục ấy
dù khác, nhưng sự chảy nước là đồng, tính nước thấm ướt chẳng lên được, tự
nhiên sa đọa, gọi là nội phần.
Này thầy Anan, ngoại phần là phần
ngoài của chúng sinh. Do lòng khao khát sinh ra vọng tưởng, vọng tưởng tích lũy
mãi không thôi, sinh ra thắng khí. Chúng sinh thực tập giữ giới thì thân nhẹ
nhàng, tâm hùng dũng, muốn sinh cõi trời thì chiêm bao thấy bay lên, nhớ cõi
Phật thì thắng cảnh thầm hiện, phụng sự thiện tri thức thì tự khinh thân mạng.
Những vọng tưởng dù khác, nhưng sự nhẹ nhàng bay lên là động, bay động chẳng chìm,
tự nhiên vượt lên, gọi là ngoại phần. Tất cả chúng sinh trên thế gian, sống thì
thuận theo tập khí, chết thì biến đổi theo dòng nghiệp…
Chúng ta có thói quen huân tập
những thói quen và nếu thói quen tốt thì đời sống sẽ lành mạnh hơn, thói quen
không tốt thì đời sống bớt đi tính lành mạnh. Thói quen lâu dài trở thành tập
khí mà tập khí không bỏ được thì thành nội kết. Nội kết là sự dính mắc vào một
đối tượng nào đó và lúc nào cũng khao khát tầm cầu đối tượng đó. Trong đời
sống, ta thường hành xử theo tập khí và chạy theo những nội kết. Nội kết làm ta
khổ dù biết rằng nó chắc chắn sẽ dẫn đến khổ, nhưng nó đã ăn sâu vào thân tâm
rồi nên dứt ra rất khó. Muốn dứt ra phải tập thói quen từ bỏ hay có những thói
quen tốt khác được thực tập để lấn lướt hay thay thế dần các thói quen tạo nội
kết.
Từ nhỏ ta không biết hút thuốc,
lớn lên chút thấy mọi người hút thuốc hay được mời mọc nên tập tành hút. Đến
lúc ghiền rồi muốn bỏ hút cũng khó, nên phải tập lại cái thời không hút thuốc.
Ban đầu ta đã có thói quen không hút thuốc nhưng do dính mắc nên hút, rồi dẫn
đến phải hút và tình trạng không hút thì không thể được. Các hãng thuốc lá được
khuyến cáo phải đăng tải Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi, nhưng đã nghiện
thì vẫn cứ phải hút. Có người đã dứt được việc hút nhưng nội kết vẫn chưa trừ
được nên rất dễ bị tái nghiện. Có câu, Nhớ ai như nhớ thuốc lào – Đã chôn điếu
xuống lại đào điếu lên. Nghiện rồi tái nghiện, phạm giới rồi lại tái phạm. Ta
cần đủ dũng khí và môi trường cũng như các phương tiện cần thiết để chấm dứt
thói quen không tốt, và từ đó nội kết dần dần được hóa giải.
Nội kết có thể dẫn đến nghiệp.
Cái gì mà dính mắc, tham cầu và luyến ái đều dẫn đến nghiệp hết, và chủ yếu là
nghiệp bất thiện. Nội kết hút thuốc thì gây ra nghiệp bệnh. Bệnh là một thứ biểu
hiện của nghiệp. Ta sống đây cũng do nghiệp, ta bệnh đây cũng do nghiệp, ta
chết đi cũng do nghiệp và ta luân hồi theo cái nghiệp của ta. Dù tình yêu đẹp
đẽ cách mấy, dù sự nghiệp rỡ ràng cách mấy, dù tiền tài chất đống cách mấy, dù
danh vọng tột bực cách mấy, ra đi vẫn buông hết không mang theo được gì, nhưng
cái mà mình mang theo là cái nghiệp mình đã từng tạo ra. Nhưng trong tình yêu
mà mình từng dính vào có sự biểu hiện của nghiệp và dáng dấp của nghiệp mới.
Tương tự đối với sự nghiệp, tiền
tài, danh vọng. Ta có cách hành xử trong lúc ta theo đuổi sự nghiệp. Sự nghiệp
hiện tại ta đang làm thấm nhuần nghiệp quá khứ và tiếp tục được vun bồi bởi
nghiệp trong hiện tại. Nếu làm ăn thành công, ta biết là đã từng gieo trồng
những hạt giống tốt lành. Nhưng nếu tâm tham nổi lên, ta bắt đầu nghĩ đến việc
làm ăn bất chính và không chịu giữ giới, nghiệp lành kia dần hưởng hết hoặc
tiêu hao rất mau và tiếp theo đó là chuỗi ngày dài của sự thất bại. Cần hiểu
rằng có những tỉ phú vẫn phá sản như thường, trong một đêm mà mất hết toàn bộ
tài sản. Ta luân hồi theo cái nghiệp của ta, lúc thì hạnh phúc lắm, nhưng cũng
lắm lúc khổ đau ghê gớm.
Nghiệp cũng là một vòng lẩn quẩn
và ta đi vòng quanh trong dòng nghiệp. Ta cứ mãi tạo nghiệp nên ta xoay trong
cái vòng nghiệp đó thôi. Ta đừng có trách ai mà hãy trách ta, ta đã làm gì mà
phải chịu khổ đau. Nhưng đừng mất thì giờ ngồi trách ta, mà tìm ra nguyên nhân
của khổ đau để không làm ra các nguyên nhân đó nữa. Hạnh phúc là vắng mặt của
khổ đau, tức là vắng mặt những nguyên nhân gây ra khổ đau, hay nói cách khác là
không hun đúc những nguyên nhân gây khổ đau nữa.
Dẫu biết rằng đời luôn thay đổi
Cớ sao người vẫn đi vòng quanh
Để cho hiện tại trôi qua cửa
Thơ thẩn bàn tay đôi chiếu manh.
Mẹ trở dạ buổi sáng bình minh
Là lúc con ra đi một mình
Một kiếp luân hồi vừa chớm nở
Từng hơi thở con đi giữa trời xanh.
Con đã từng là làn mây trắng
Dưới làn nước con là cá tung tăng
Giữa rừng sâu con là nai ngơ ngác
Nơi địa ngục con tát từng khổ đau.
Được sinh ra con thấy đời nhiệm mầu
Trong đêm thâu con tắm dòng nước mát
Bao mơ mộng xây lâu đài trên cát
Con đã thôi khao khát đi vòng quanh.