
Thế mà, trong cuộc sống có rất
nhiều người luôn quan niệm hạnh phúc của cuộc đời họ là phải tìm cách hưởng thụ
càng nhiều càng tốt. Ở đây, chúng ta chưa cần bàn đến những điểm chưa đúng đắn
trong quan niệm sống này. Điều chúng ta quan tâm ở đây là, một cuộc sống chỉ có
sự an nhàn và hưởng thụ sẽ đem lại cho con người điều gì?
Giữa cuộc sống còn nhiều cực
nhọc, vất vả và có quá nhiều sự đua tranh về vật chất, dường như quan niệm
hưởng thụ nói trên càng dễ trở nên phổ biến ở nhiều người hơn. Đồng ý rằng khi
cuộc sống còn nghèo khổ, ai trong chúng ta cũng có quyền cố gắng để được ăn no
mặc ấm. Khi cuộc sống khá giả hơn lên một chút, chúng ta sẽ muốn được ăn ngon
mặc đẹp. Đây cũng là nhu cầu tất yếu không thể phủ nhận. Và nhất là khi đã trở
nên giàu có hơn, dư của ăn của để, chúng ta có thể nảy ra nhu cầu du lịch, đi
đây đi đó, tham quan, vui chơi, mua sắm... Nếu giàu có hơn nữa, chúng ta tìm
cách mua thêm nhà thêm cửa, xây biệt thự nghỉ mát, sắm sửa mọi tiện nghi hiện
đại trong nhà, mua thêm xe hơi, máy bay... Ngoài ra, còn gì nữa không? Sự thỏa
mãn về nhu cầu vật chất của bản thân ta cũng chỉ đến thế là cùng, ngoài ra
không có gì phong phú hơn nữa cả!
Thực tế mà nói, sự thỏa mãn hay
hưởng thụ về vật chất chưa hẳn đã mang lại cho con người hạnh phúc thật sự. Có
khi, tâm trạng bi quan, hời hợt, cảm thấy cuộc sống thật nhàm chán, vô vị, chán
đời... lại nảy sinh trong chính hoàn cảnh rảnh rỗi, thừa thãi về tiền bạc, vật
chất nữa. Bởi vì, sự thỏa mãn về vật chất thường chỉ mang tính chất lặp đi lặp
lại, ít khi đem lại cho con người những cảm nhận sâu sắc trong cuộc sống cùng
cảm giác mãn nguyện lâu dài. Thậm chí có khi tìm cách thỏa mãn xong rồi ta lại
cảm thấy lương tâm bị cắn rứt – nhất là khi phương cách thỏa mãn của ta lại
trái với các chuẩn mực đạo đức.
Xét cho cùng, sự giàu có về vật
chất và an nhàn hưởng thụ không hẳn đem lại cho con người hạnh phúc thực sự.
Cuộc sống của chúng ta khi còn ấu thơ có thể thiếu thốn về vật chất, nhưng
chúng ta lại cảm thấy hạnh phúc rất nhiều so với cuộc sống hiện tại đang no đủ.
Đó là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy sự giàu có về vật chất và hưởng thụ
không đem lại cho con người hạnh phúc thực sự.
Điều đáng tiếc là, nhiều người
ngày nay đang có những quan niệm không đúng đắn về hạnh phúc, khi họ xem hạnh
phúc chỉ là tìm cách hưởng thụ càng nhiều càng tốt. Chính vì quan niệm sống sai
lạc này mà họ tìm cách lao vào thỏa mãn hạnh phúc cho cá nhân hạn hẹp của mình.
Lòng họ lúc nào cũng cảm thấy xao xuyến, bất an vì đang phải tìm mọi cách đua
tranh, giành giật với câu hỏi: “Làm sao để được giàu có hơn người?”. Từ đó, con
người càng có khuynh hướng tìm cách “đè đầu, cưỡi cổ” người khác mà sống. Quan
hệ giữa người với người không còn là quan hệ yêu thương, hợp tác nữa, mà “người
với người là chó sói”, lúc nào cũng chỉ tìm cách giành giật để chiếm lấy phần
thắng! Chính vì vậy, phần đông con người luôn cảm thấy đau khổ chỉ vì cố chạy
theo những ước muốn không hợp lý: muốn giàu có hơn người khác, muốn hưởng thụ
hơn người khác, muốn được an nhàn hơn người khác...
Càng chạy theo những ước muốn
không hợp lý này, chúng ta chỉ càng cảm thấy mình nhất định phải “đè” người
khác xuống, để mình thừa cơ “ngoi” lên. Tật lười biếng, thói ỷ lại, tính ích
kỷ, thích hưởng thụ... đó là những kẻ thù của lòng hướng thiện. Sống giữa một
cuộc sống mà ai cũng bị người khác “đè” xuống, bản thân mỗi người sẽ luôn phải
đối mặt với một thực tế đầy đau khổ, không còn chỗ đứng cho hạnh phúc.
Điều nguy hại hơn nữa là, quan
niệm và lối sống sai lạc trên một khi đã xâm nhập vào tâm hồn tuổi trẻ thì hậu
quả cho xã hội tương lai sẽ càng tồi tệ hơn. Tôi biết có một bộ phận thanh niên
có thừa sức trẻ và đang sống tranh giành, chấp nhặt hơn thua người khác bằng
thái độ độc ác, ích kỷ một cách tệ hại. Tôi lấy làm tiếc cho những thanh niên
như vậy! Nếu họ cứ trượt dài theo lối sống đó, họ sẽ chẳng bao giờ có thể cảm
nhận thế nào là một cuộc sống với niềm hạnh phúc thực sự!
Làm sao hạnh phúc được khi lúc
nào cũng an nhàn và cảm thấy “chẳng có gì để làm”. Nếu họ chỉ quyết chí đi tìm
mọi cách để thỏa mãn ước muốn hưởng thụ cho riêng mình thì xem ra quan niệm của
họ về hạnh phúc cá nhân là quá hạn hẹp, không thể nào khiến họ cảm thấy mãn
nguyện lâu được. Nhàn cư vi bất thiện! Sống hưởng thụ, nhàn nhã lâu ngày sẽ chỉ
đem lại cho bản thân ta cảm giác chán chường của kẻ mang mặc cảm sống thừa,
không sáng tạo nên điều gì có ích và dễ có khuynh hướng bị cám dỗ chạy theo
điều xấu, đánh mất đi phẩm giá làm người của mình.
Thật vậy, cuộc đời chúng ta ngắn
ngủi lắm! Nhưng chắc hẳn nó phải có những ý nghĩa lớn lao hơn là chỉ lo cho bản
thân ta. Hãy suy nghĩ, liệu ta nên sống với lòng hướng thiện, hướng đời mình
đến những mục đích trong sáng, cao cả hơn, để tích cực phục vụ người khác, hay
là chỉ bó hẹp đời mình trong những mục đích, toan tính cá nhân, ích kỷ, hạn
hẹp? Chắc hẳn đến đây, mỗi chúng ta đều đã tìm thấy câu trả lời xác đáng cho
bản thân mình!
Một trong những hạnh phúc lớn
nhất của con người là được sống đơn giản không chạy theo vật chất và nỗ lực
phục vụ người khác. Nếu quả thực chúng ta không có một thiện chí và nỗ lực phục
vụ người khác thì cuộc đời ta chẳng có ý nghĩa gì cả! Nói cách khác, mọi sự cố
gắng trong cuộc đời của ta chỉ có ý nghĩa khi đó là những cố gắng phục vụ người
khác. Không thể gọi là sống hướng thiện một khi con người chỉ biết chạy theo
những đòi hỏi nhằm thỏa mãn tính ích kỷ cá nhân của mình mà không biết đến nỗi
đau của những người xung quanh, không có một chút thiện chí nào để phục vụ tha
nhân!
Nếu sự thỏa mãn về vật chất
thường chỉ mang tính chất thường xuyên lặp lại và ít khi đem đến cho chúng ta
cảm giác mãn nguyện lâu dài, thì nỗ lực phục vụ người khác lại khiến tâm hồn
bạn luôn giàu cảm xúc, phong phú, thăng hoa, không còn chỗ cho sự nhàm chán,
đơn điệu. Thật vậy, tự trói buộc cuộc đời ngắn ngủi của mình vào những nhu cầu
vật chất của riêng cá nhân mình, đó là một sự trói buộc rất vô lý và vô bổ!
Những người chỉ biết hưởng thụ,
không biết phục vụ người khác, luôn rảnh rỗi và lúc nào cũng muốn làm cái gì đó
để giết thời gian nhàm chán. Thế nhưng, họ càng tìm cách giết thời gian thì họ
lại càng cảm thấy rảnh rỗi, vô nghĩa và nhàm chán hơn. Còn đối với những người
có thiện chí và nỗ lực phục vụ người khác, họ luôn cảm thấy hạnh phúc vì có
biết bao nhiêu việc cần làm và phải làm. Và dù đã làm được bao nhiêu, họ vẫn
không bao giờ cảm thấy là đủ. Bởi vì, những bề trái của cuộc sống vẫn còn
nhiều, những đau khổ và bất hạnh của người khác quanh ta vẫn còn nhiều lắm! Thực
tế đó chẳng gợi lên trong sâu xa tâm hồn bạn một khát vọng mạnh mẽ, mong được
nỗ lực phục vụ người khác hay sao?
Dù làm bất cứ công việc gì, chúng
ta cũng phải luôn tự hỏi: “Mình làm việc này có phải xuất phát từ tấm lòng yêu
thương người khác hay không? Mình có sẵn sàng chịu đựng vất vả, khó khăn để
giúp đỡ cho những con người đáng giúp đỡ hay không? Mình có chấp nhận một công
việc hy sinh phục vụ người khác mà tiền bạc không có là bao không?”. Mỗi ngày,
ngoài thời gian dành để làm việc mưu sinh, bạn có tranh thủ thời gian và dành
tâm huyết để theo đuổi một lý tưởng phục vụ nào không?
Một khi bạn nỗ lực phục vụ người
khác, bạn sẽ không phải gánh chịu thiệt thòi chút nào đâu. Bởi vì, cuộc sống sẽ
mang lại cho bạn tất cả những gì tốt đẹp nhất mà bạn đã mang lại cho cuộc sống,
bằng nhiều hình thức khác nhau.
Nỗ lực phục vụ người khác chẳng
những không làm bạn bị héo mòn đi, nhưng trái lại, bạn sẽ luôn cảm thấy mạnh
mẽ, tràn đầy sức sống. Một cuộc sống với thiện chí và nỗ lực phục vụ người khác
sẽ đem lại cho tâm hồn ta niềm hạnh phúc giản dị, nhẹ nhàng mà sâu lắng, bất
tận! Đó chẳng phải là những phần thưởng vô giá cho cuộc đời của mỗi chúng ta
hay sao?
Chỉ khi nỗ lực phục vụ người
khác, bản thân ta mới xứng đáng đón nhận được hạnh phúc của cuộc sống. Nỗ lực
phục vụ tha nhân, đó là chân lý tất yếu mà mỗi chúng ta cần phải biết và phải
làm nếu muốn đem lại cho cuộc đời mình hạnh phúc và ý nghĩa thực sự.
* * * * *
Nói đến lý tưởng phục vụ tha
nhân, chúng tôi không có ý khuyên bạn lúc nào cũng phải tối tăm mặt mũi vì công
việc, lúc nào cũng chỉ lo phục vụ người khác mà quên mất bản thân mình. Cuộc
sống của mỗi chúng ta rất cần có những khoảnh khắc được thảnh thơi, nhàn nhã
chứ! Điều chúng tôi muốn nói ở đây là, sự nhàn nhã mà chúng ta được tận hưởng,
phải là sự nhàn nhã sau khi chúng ta đã tận tụy làm được thật nhiều việc hữu
ích. Nói cách khác, phải nỗ lực làm được nhiều điều có ích cho bản thân và cho
người khác, chúng ta mới có quyền được nhàn nhã.
Một điều cần lưu ý ở đây là, nhàn
nhã không phải là một sự nghỉ ngơi vô bổ và thụ động. Trái lại, những khoảnh
khắc nhàn nhã là lúc ta có cơ hội suy ngẫm về bản thân, về ý nghĩa cuộc đời
mình, về những gì mình đã làm, để từ đó có thể phục vụ tha nhân một cách đắc
lực hơn nữa! Bạn đã bao giờ trải nghiệm một sự nhàn nhã như vậy chưa? Một sự
nhàn nhã như vậy đáng khao khát lắm!