Góc nhìn thay đổi cuộc đời cũng đổi thay.
Sự thành tựu vượt bậc của khoa kỹ
thuật đã đem lại cho loài người một sự sở hữu vật chất vô cùng đồ sộ, và nó
cũng góp phần làm thăng hoa những giá trị đời sống của nhân loại. Đó là mặt
tích cực thật đáng ca ngợi khích lệ và chúc mừng. Thành tựu đó là cả một quá
trình nghiên cứu và đóng góp của không biết bao nhiêu nhà khoa học và các tầng
lớp trí thức…
Nhưng mãi đến năm 1735 là thời
điểm đánh dấu bước tiến mới của khoa học, khi chiếc máy dệt sợi đầu tiên được
chế tạo thành công để thay cho lao động chân tay con người, và đến ngày hôm nay
chúng ta có thể nói khoa học đã thực sự rực sáng. Nhưng liệu rằng giá trị đó có
thực sự đem lại lợi ích cho cộng đồng không hay ẩn chứa bên trong là những mối
nguy hiểm và bất hạnh. Cuộc sống vật chất là một guồng máy vô cảm cuốn hút tất
cả những gì mà nó đi qua, mà con người lại chính là nạn nhân
Khoa học càng phát triển vật chất
phụng dưỡng cho con người ngày một đã đầy, thì con người lại chúi đầu vào hưởng
thụ. Những cuộc truy hoan, những thú vui nhục dục, những ánh đèn màu muôn sắc
đã – đang và sẽ tiếp tục là những ảo giác đánh lừa niềm hạnh phúc chân thực của
con người. Một hệ lụy đáng buồn kéo theo đằng sau đó là bao nỗi thương tâm và
vô vọng, nó đã làm cho tình người phải cách xa, mà khoảng giữa chính là tiền
bạc, nó đã đẩy các mối quan hệ trong xã hội thêm phức tạp, và khiến mọi ngưới
sống với nhau bằng sự ích kỷ, tranh đua, giành giật nhau!
Tổ chức WHO đã đưa ra cảnh báo:
hằng năm có 150 ngàn người chết do thay đổi khí hậu dẫn đến các bệnh dịch, nhà
kính… và ô nhiễm nước gây sấp sỉ 14 ngàn người chết mỗi ngày. Theo ước tính năm
2020 sẽ có khoảng 75 đến 250 triệu người dân châu Phi sống trong tình trạng
thiếu nước sinh hoạt và canh tác.
Sự thống trị của thế giới vật
chất cộng chung với lối sống hưởng thụ đã làm cho nền văn minh bị xô lệch, các
mối quan hệ trong xã hội thì đảo lộn… Những của cải vật chất hay nói đúng hơn
là những thành tựu của khoa học đã khiến cho con người thêm cuồng vọng mê lầm.
“Hỡi ôi! sắc chất - tiền tài, lợi
dưỡng đều là thuốc độc vô hình. Ăn ngon uống kỹ, dâm loạn, cờ bạc như dao sắc
giết người! Phú quí như bọt nước danh vọng như sương mai”
Và rằng, chúng ta phải đối diện
với cái thế giới mới đang cuốn chúng ta đi, và chúng ta đặt nền tảng cho sự
hiểu biết và hành động về tương lai của chúng ta trên những khái niệm cơ bản
nào?
Chúng ta dựa trên cơ sở lý thuyết
nào để suy ngẫm và vượt qua những đổ vỡ lớn lao càng ngày càng lan rộng?
Nói như G.Lich-Ten-Bec trên nhiều
nấm mộ đáng lẽ ra phải ghi như thế này “Chết năm 30 tuổi - chôn năm 60 tuổi”. Đây
là một câu nói hay và ý nghĩa và bạn có suy ngẫm gì về nó… Với tôi, ‘Sứ mệnh
chân chính của con người là sống chứ không phải là tồn tại’. Một cuộc sống có ý
nghĩa là phải bỏ đi lối sống theo kiểu ‘vì mình và với mình’, thay vào đó phải
là quan niệm sống ‘xả kỷ vị tha’. Việc trọng yếu nhất của đời người là sanh tử,
bất luận chúng ta có trải qua sự vinh hoa phú quí như thế nào đi nữa thì cũng
không tránh khỏi được cái chết. Chúng ta sống như thế nào gọi là đáng sống và
chết như thế nào gọi là đáng chết, nếu chúng ta không hiểu được vấn đề này thì
cuộc đời của chính mình trở nên vô nghĩa, cũng có thể nói là ‘mê muội mà đến,
mê muội mà đi’
Trên đây là những sự thật mà
chúng ta cần phải biết và ở đây người viết không hề cố ý xê dịch và chuyển
hướng người đọc theo cái nhìn của tôn giáo, mà người viết muốn mọi người nhìn
ra điều chân lý ngay ở trước mặt mình để cân bằng thế giới khách quan và nội
tại của chính mình, để chúng ta không đi quá xa để rồi lạc lõng viễn vong. Điều
đó có nghĩa chúng ta phải có cái nhìn thông minh vào hiện thực, bởi lẽ hiện
thực là chân lý. Sự hình thành một thế giới quan duy lý khiến cho sự thật bị
bóp méo, chân lý thì đảo lộn và xói mòn niềm tin tôn giáo.
Xưa nay tôn giáo và khoa học luôn
luôn đối đầu trực tiếp với nhau trong một trận đấu chỉ có một bên thắng, trong
đó những lý giải khoa học làm suy yếu những lý giải theo nghĩa đen của tôn
giáo. Điều mà tôi muốn nói với các bạn ở đây là chúng ta hãy cùng bắt tay để
tìm ra con đường chung giữa khoa học và tôn giáo thay vì là một cuộc chiến kéo
dài và mãi mãi. Là một tôn giáo, Phật giáo không quá coi trọng chủ nghĩa duy
vật mà cũng chẳng xem nặng trường phái duy tâm. Nói đến Phật giáo là duy ngộ,
vấn đề là chúng ta phải hiểu và lãnh ngộ đúng những gì đang xảy ra ở nơi mình
và xung quanh.
Cũng như trong triết học biện
chứng và siêu hình là hai phương pháp tư duy trái ngược nhau. Trong đó tôn giáo
là một vấn đề tưởng chừng như cũ kỹ nhưng thực chất nó luôn mới mẻ, bởi vì tôn
giáo là một bộ phận của xã hội cho nên cùng với sự phát triển của loài người,
tôn giáo cũng có những biến đổi dù là nội dung hay chỉ là hình thức. Tôn giáo
một hiện tượng xã hội phức tạp, cho nên chúng ta chỉ có thể giải thích nó một
cách khoa học dựa trên những nền tảng của triết học duy vật về lịch sử cũng như
nhận thức duy vật khoa học. Dựa vào đó các nhà khoa học nhận định ‘Tôn giáo là
một hình thức phản ảnh hư ảo, xuyên tạc đời sống hiện thực’.
Wright Mills trong tác phẩm The
Sociologica Imagination đã tóm tắt quá trình này ‘Đã có thời thế giới chứa đầy
những cái thiêng - trong tư tưởng - thực hành và thể chế: sau thời kỳ cải cách
và phục hưng, những lực lượng hiện đại hóa đã quét qua địa cầu và thế tục hóa
dẫn đến một quá trình lịch sử theo nó đó là sự ngự trị của cái thiêng’
Những ý kiến trên của các nhà tư
tưởng thì không sai, nhưng theo tôi nó chưa hoàn toàn đúng khi đặt tất cả các
tôn giáo lên một cán cân chung như vậy. Các nhà tư tưởng là những con người
phiền toái nhất, họ muốn mọi thứ theo họ hay nói đúng hơn là họ muốn sắp xếp
cái thế giới này theo một cực. Tôn giáo là một vấn đề hết sức nhạy cảm và phức
tạp, chúng ta không thể mơ hồ kết luận một cách nông nổi chủ quan duy ý chí của
chính mình được. Điều quan trọng là bản thân mình hiểu mong người khác hiểu,
còn vấn đề theo tôn giáo nào thì hãy để tự mỗi cá nhân quyết định, vì đó là
quyền và cuộc sống của mọi người.
‘Đến với tôn giáo là đến với niềm
tin và sự tôn thờ’, mọi người chúng ta hãy bình tâm suy xét và tìm hiểu một tôn
giáo phù hợp với chính mình nhất, và hơn hết, tôn giáo đó phải đem lại cho mỗi
bản thân sự thăng hoa và lối sống lành mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần. Trước
khi đến với Phật giáo, tôi vẫn mong các bạn giữ một thái độ khách quan phù hợp
như vậy.
Trên con đường truyền bá và du
nhập, Phật giáo luôn thực hiện song hành hai điều là khế lý và khế cơ. Khế lý
là nói về mặt tư tưởng, nhờ có khế lý dù ở thời gian và không gian nào, giáo lý
Phật đà cũng hợp với chân lý, tư tưởng vẫn luôn luôn phong phú và sâu sắc mà
vẫn giữ được bản chất duy nhất của mình, đó là giáo vị giải thoát. Khế cơ thì
thiên trọng về mặt lịch sử cho nên trong hoàn cảnh và quốc độ nào thì sự sinh
hoạt, thể hiện luôn luôn đa dạng. Phật giáo tùy nghi phương tiện theo từng vùng
miền để truyền bá giáo lý Phật đà nhưng không làm mất đi bản sắc của chính
mình, đó là ứng hợp với mọi tầng lớp và căn cơ của chúng sanh.
Suốt chiều dài lịch sử, một khi
Phật giáo truyền vào quốc gia nào thì đều hòa mình vào dòng lịch sử của dân
tộc, cùng đóng góp cống hiến cùng nếm chịu bao thăng- trầm hưng- suy. Phật giáo
ở Việt Nam
cũng vậy! Từ khi được du nhập Phật giáo luôn nỗ lực thực hiện phương châm
‘Phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường Chư Phật’ để tô bồi cống hiến tài
- trí lực cho đất nước từ sách lược chính trị phong triều đến bá tánh dân
thường góp phần xây dựng đất nước ổn định phát triển vững mạnh và phồn vinh.
Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, đầu Công nguyên với Chử Đồng Tử học
đạo với nhà sư Ấn Độ. Với kinh đô Luy Lâu và cũng là một trung tâm quan trọng
của Phật giáo.
Nhưng Phật giáo phát triển rực rỡ
và nổi bật nhất vào các triều đại Đinh - Lê - Lý - Trần với sự xuất hiện của
nhiều nhà sư lỗi lạc và xuất chúng như Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh… Có
thể nói Phật giáo đã thấm nhuần vào máu tủy và nó đã trở thành một phần cuộc
sống của người dân. Hình ảnh và sắc thái của Phật giáo đã để lại những dấu ấn
thật sâu sắc trong tư tưởng và nếp sống của người dân với những câu ca dao đồng
quê quen thuộc như:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng…
Hoặc bằng những câu tục ngữ như
‘Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt’ một câu tục ngữ với ba địa danh nhưng có
hai địa danh là Phật giáo rồi. Lý ra, với những tiền đề vô cùng thuận lợi như
thế, Phật giáo phải thiết lập một tư tưởng tôn giáo độc tôn trong nhân dân mới
đúng, nhưng tại sao Phật giáo có khi cũng phải gặp pháp nạn. Ở đây, tôi thiết
nghĩ chân lý là cái được mọi người chấp nhận và tự giữ gìn, chứ không phải là
những cái bị ép thúc và giá trị đó còn tùy thuộc vào thời gian, châu địa quốc
gia và bản xứ từng vùng miền. Đó cũng chỉ là chân lý khả dĩ của chân lý thời
đại và chân lý dân gian.
Điều cốt yếu và quan trọng hàng
đầu của một tôn giáo chân chính là phải đem lại an lạc hạnh phúc và thanh thản
cho con người chứ không phải ở số lượng nhiều hay ít. Bởi đó mà trong lịch sử
Phật giáo sẵn sàng tiếp thu những nguồn tư tưởng đạo học khác như Khổng - Lão…
để hình thành một quốc gia mang nhiều màu sắc văn hóa phong phú với những câu
hiệu như ‘Tam giáo đồng nguyên’, ‘Tam giáo đồng quy’, Nho giáo lo tổ chức xã
hội, Lão tử lo đời sống thể xác cho con người, Phật giáo lo đời sống tâm linh
kiếp sau cho con người. Vì vậy mà xuất hiện hình ảnh ‘Tam giáo tổ sư’ với Từ
phụ Thích Ca ngự ở chính diện, Lão Tử ở bên trái và Khổng Tử ở bên phải, đã in
sâu vào tâm trí của người Việt.
“Một niềm tin thiếu cơ sở dẫn đến
sự trực nhận của con người về sự chế ngự của thế giới siêu nhiên. Đặc biệt là
ngôi vị thượng đế có uy quyền được tuân phục, dẫn đến sự trực nhận trong cuộc
sống. Một tôn giáo đươc xây dựng ở niềm tin thần quyền, xưng tội, cầu nguyện tế
lễ và hi vọng vào một sự sống vĩnh hằng trong tương lai. Phật giáo là một tôn
giáo không đặt nặng niềm tin vào thần linh giáo điều, thần khải mà tin vào
chính mình”. Phật giáo chẳng phải là một tôn giáo, cũng không phải là một nền
triết học mà nó vượt lên trên cả tôn giáo và triết học. Nói Phật giáo là một
tôn giáo đó cũng chỉ là phương tiện.
Vậy tại sao Phật giáo không phải
là một tôn giáo? Bởi lẽ, đặc trưng của tôn giáo phải có một nội dung tín ngưỡng
là giáo lý, một đối tượng tín ngưỡng gọi là thần linh, một phương thức tín
ngưỡng gọi là lễ nghi và một chủ tể tín ngưỡng gọi là tín đồ và tổ chức giáo
hội… Hầu như tất cả các tôn giáo đều nói về một đấng chúa tể nhưng Đức Phật thì
không. Ngài không ép buộc chúng ta, Ngài cũng không bảo rằng hãy cứ tin ta đi,
Ngài cũng không nói rằng chỉ có lòng tin mới sanh về thế giới Cực lạc, Ngài
cũng không bảo rằng nếu không tin Ta các ngươi sẽ rơi xuống địa ngục. Trong
Phật giáo không có những điều ấy. Đức phật nói về duyên sinh và sự thành - trụ
- hoại - diệt của con người và vũ trụ. Ngài nói về nhân quả nghiệp báo và mọi
chúng ta phải chịu trách nhiệm về hành động của chính mình.
Hôm nay nhân ngày Phật thành đạo
đem ánh sáng nhiệm màu mà cứu độ chúng sanh. Nguyện cầu cho thế giới được hòa
bình nhân dân an lac. nguyện cho mọi người luôn sống trong tình yêu thương và
ánh từ quang của chư Phật
Một lần nữa con xin kính đầu đảnh
lễ từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật .
‘Nguyện một ngày gần nguyện xin gần mãi
Theo gót chân ngài muôn kiếp Thế Tôn ơi!’
Tác giả: Thích
Nhuận Hiển