Sự khác biệt giữa tưởng tượng, hoang tưởng, và giác ngộ

Đôi lúc trong cuộc sống ta rất khó phân biệt hư thực như thế nào. Nếu các bạn đọc Thánh kinh hay kinh Phật thì sẽ thấy trong lịch sử nhân loại có rất nhiều nhà tiên tri (prophet). Những nhà tiên tri này tiên đoán được sự xuất hiện của các thánh nhân trên quả địa cầu. Gần đây hơn thì ta có Nostradamus viết ra những bài thơ tiên đoán thời cuộc. Nhưng rồi nếu các bạn đi một vòng nhà thương điên thì sẽ gặp khá nhiều các “nhà tiên tri” cho rằng mình là thánh tại thế và tiên đoán ngày tận thế. Những bệnh nhân này bị chứng tâm thần phân liệt (schizophrenia) hay tình cảm lưỡng cực (bipolar). Nếu bạn không khéo thì họ có thể thuyết phục được bạn đó. Có lẽ những nhà tiên tri lúc họ còn tại thế được cho là kẻ “điên” vì những gì họ tiên đoán chưa hiện ra. Nhưng cũng có những kẻ điên được người ta theo và tôn thờ như vị giáo chủ (cult leader).

Như thế hư thật lẫn lộn với nhau. Làm sao mà ta biết được sự thật như thế nào? Một số người dựa trên kinh điển và tin tuyệt đối vào những gì họ hiểu được. Thí dụ như một số người Hồi giáo tin rằng những người Thiên chúa giáo là ngoại đạo cần bị thủ tiêu. Hay cũng có thể có người nào đó đọc kinh Phật hiểu rằng con người cần phải giữ giới không sát sanh, nên họ tìm cách phá hoại những phòng thí nghiệm giết thú vật để làm nghiên cứu khoa học. Những thí dụ đưa ra trên đây không phải để nói xấu tôn giáo mà chỉ để cho các bạn thấy rằng tín ngưỡng quá độ đôi khi cũng dẫn đến những hành động cực đoan. Nói một cách khác từ tín ngưỡng đi qua mê tín chỉ có một lằn gạch rất mỏng.

Nếu chỉ dựa trên sự nhận xét qua lời nói thì những kẻ điên đôi khi cũng có những suy luận khá đúng dựa trên những hoang tưởng (delusion) của họ. Nếu ta nghe qua loa cũng có thể dễ bị thuyết phục. Như một số người bệnh tâm thần có hoang tưởng rằng họ bị những người hành tinh khác bắt cóc và bị bắt làm vật thí nghiệm trên dĩa bay, sau đó họ được thả ra nhưng có cảm tưởng rằng người hành tinh lạ theo dõi từng đường đi nước bước của họ. Hiện nay cũng có một số người còn tin vào dĩa bay và họ còn có những website riêng của họ để nuôi dưỡng cái hoang tưởng này. Rồi cũng có một số người không bệnh tâm thần cũng tin theo.

Chỉ gần đây với sự phát triển của kỹ thuật chụp hình hoạt động của não bộ (fMRI, PET scan) kèm với não đồ EEG thì các nhà tâm lý học mới có cơ hội tìm hiểu về cách hoạt động của tâm lý và não bộ. Ðến bây giờ thì khoa học mới bắt đầu tìm ra những bí mật của não bộ. Nói tóm lại khi ta nghiên cứu sự hoạt động của não bộ kèm với những kỹ thuật phân tích tâm lý (psychoanalysis) thì ta có thể phân biệt được một phần nào hư với thực. Hiện giờ chưa có cách đơn thuần nào để có thể giúp ta phân biệt những sản phẩm của sự bệnh hoạn tâm thần và những sản phẩm của sự giác ngộ (enlightenment). Khi phân tích kho tàng văn chương thì ta thấy có nhiều nhà văn bị chứng bệnh trầm cảm hay tình cảm lưỡng cực, thậm chí tâm thần phân liệt. Họ vẫn có thể sáng tác những tác phẩm rất đặc sắc. Tóm lại, khoa học kết hợp tâm lý và hình não bộ này còn rất mới và sẽ còn nhiều cơ hội phát minh và phát triển trong tương lai.

Ngày nay khoa học tìm ra được sự khác biệt đáng kể giữa bệnh tâm thần và những người có trực giác (intuition) do tâm tĩnh lặng là ở chỗ sự phối hợp của hai vùng não là võ não và hệ thống limbic. Khi ta tưởng tượng (imagination) thì nói chung hoạt động vỏ não ở thùy thái dương (temporal lobe) làm việc nhiều hơn. Nếu vùng này không kết hợp với vùng limbic thì cái thế giới của ta gần giống như những bức tranh siêu thực của Picasso. Ðó là những bức tranh mà những vị trí của những bộ phận trong cơ thể không gắn liền với nhau như trong thực tế. Con mắt có thể nằm ở vị trí lỗ tai chẳng hạn. Ta suy luận để đơn giản hóa thế giới trong tưởng tượng. Ta không có khả năng nhìn thấy cái trật tự toàn diện và không có khả năng kết hợp hài hòa những yếu tố tương phản trong cuộc sống. Ta dễ đi vào con đường thái cực của sự hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai. Khi không có liên kết với vùng limbic thì ta mất đi trực giác. Trực giác là cái địa bàn, không có nó thì ta mất định hướng trong cuộc sống.

Ngược lại nếu hệ thống limbic làm việc quá độ (hyperactive) thì cường độ của tình cảm phát triển quá nhiều nên lấn át khả năng suy luận. Lúc đó dễ đưa đến sự điên loạn (psychosis). Thí dụ như lo âu (anxiety) trở thành đa nghi (paranoia). Người bị chứng đa nghi mất khả năng nhìn ra sự thật. Khi bệnh nặng thì họ có hoang tưởng, có nghĩa là họ mất khả năng suy luận. Họ mất khả năng so sánh những gì mình cảm nhận liên quan như thế nào với những diễn biến thật sự. Họ bóp méo những diễn biến đó theo cái cảm nhận của hoang tưởng. Thí dụ khi có ai nhìn họ thì họ tin rằng đó là cái nhìn căm thù hay soi mói chẳng hạn. Kỹ thuật nhồi sọ (brain wash) dựa trên những diễn biến này. Muốn áp dụng nhồi sọ thì ta tìm cách kềm chế khả năng suy luận của cá nhân, chỉ cho họ thấy có một hướng mà thôi. Cùng lúc, ta tìm cách khơi dậy những tình cảm lo sợ và căm thù. Khi suy luận bị áp chế và tình cảm tăng một cách mãnh liệt thì đó cũng là một cách nhân tạo sản xuất ra cuồng tín và hoang tưởng.

Nói về tôn giáo, tin là một điều tốt. Nhưng nếu tin một cách mù quáng mà không đi kèm với suy luận hai chiều thì tin sẽ trở thành mê tín lúc nào mà ta không hay. Khi suy luận hai chiều, ta không cho ta hoàn toàn đúng và sẵn sàng cân nhắc những suy nghĩ của đối phương. Ta hiểu rằng hai tư tưởng khác nhau vẫn có thể tồn tại song song với nhau. Vì thế, suy luận hai chiều giúp ta mở mang được nhận thức và thông cảm đối tượng của ta. Mê tín sẽ dẫn đến cuồng tín. Ðến lúc đó thì tâm người cuồng tín bị bất an, lúc nào cũng nghi kỵ kẻ khác muốn ám hại tôn giáo mình. Họ nuôi dưỡng cái hoang tưởng đó và hoàn toàn mất khả năng suy luận hai chiều. Hiểu như thế, thì hành động tử đạo để bảo vệ niềm tin (thí dụ như tự thiêu) thật khác với hành động tử đạo bằng cách giết chết những người khác vì hoang tưởng mình được cứu độ.

Trạng thái giác ngộ chỉ có được khi hai vùng não kể trên được kết hợp hài hòa. Kiến thức mà hiện thời khoa học có là do phân tích những sự kiện bên ngoài của vũ trụ. Não của loài người là một vũ trụ nhỏ phản ảnh cái vũ trụ lớn bên ngoài. Khi ta đi thám hiểm cái vũ trụ nhỏ này thì ta có khả năng thấu hiểu cái vũ trụ lớn bên ngoài một cách nhanh chóng hơn. Sự hoàn toàn thấu hiểu gọi là đại giác ngộ. Ðứng trên khía cạnh não bộ mà nói thì cái mà ta cho là “tôi” chỉ là phần hoạt động giới hạn của vỏ não (cortex), còn cái phần hoạt động sâu rộng hơn của các hệ thống khác của não bộ, như điều hòa nhịp tim, điều hòa chức năng của các tế bào và cơ quan trong cơ thể thì ta không ý thức được. Nói một cách khác tuy nói thân thể này là “tôi”, nhưng ta không nắm vững được tình hình hoạt động của cơ thể ta ở mức độ từng tế bào.

Sự khó khăn ngàn đời của nhân loại là ta không thể dùng suy luận để đi vào tiểu vũ trụ của não bộ. Thế gian có hàng vạn chủ thuyết của các triết gia nhưng không có chủ thuyết nào đứng vững và tồn tại qua thời gian. Chủ thuyết chỉ là cái nhìn giới hạn, chỉ đúng trong một hoàn cảnh hay thời điểm nào đó mà thôi và sau đó thì sẽ lỗi thời. Ta cũng không thể nhìn từng tế bào thần kinh dưới kính hiển vi để hiểu sự hoạt động của não. Ta có thể cắt xén con tim ra để tìm hiểu hệ thống tuần hoàn, nhưng khi ta cắt xén não ra thì ta không thấy cấu trúc cơ thể học gì (anatomical structures) giúp cho ta hiểu được sự hoạt động của não bộ. Ngoài ra càng suy nghĩ nhiều – võ não hoạt động nhiều – thì sự phối hợp hai vùng não bộ càng khó khăn. Nói một cách khác khi suy nghĩ nhiều thì ta tạo ra sóng b ở điện não đồ EEG. Sóng này không thích hợp cho sự phối hợp hai vùng não. Chỉ khi nào tâm ta tĩnh lặng thì mới đạt đến dạng sóng a hay d. Dạng sóng này mới giúp hai vùng não trên phối hợp được.

Hiện này chỉ có một số nhỏ những nhà tu hành phối hợp được một phần nào 2 vùng não này. Những kinh nghiệm của họ kể lại có những điểm giống như các bậc thánh nhân ghi lại trong kinh điển. Họ cảm thấy gắn liền và hòa mình với vũ trụ. Cùng lúc, cái cảm giác cá nhân riêng biệt bị mỏng dần. Sự nhận thức và thông cảm của họ rộng rãi hơn. Có thể nói nhận thức này là sự kết họp hài hòa của hiểu biết và trực giác. Khi quan sát hành vi của họ thì điểm khác biệt với người có hoang tưởng là họ không muốn lập bè đảng. Họ có lòng vị tha và lúc nào cũng từ tốn không vỗ ngực vinh danh cá nhân mình. Trong lịch sử gần đây thì ta có gương của mẹ Theresa, thánh Gandhi và Krishnamurti. Những nhân vật này tuy có tín ngưỡng khác nhau nhưng hành động nhân bản và lòng vị tha thương người thì không khác. Ta có thể nói họ là những vị đã “giác ngộ”. Nói theo khoa học não bộ, họ đã thành công phối họp 2 vùng não bộ. Lúc đó thì cái khôn gắn liền với ngoan (wisdom).

Thái Minh Trung, MD
Previous Post
Next Post