Sự Tiến Hóa của Lịch Sử dưới Cái Nhìn Biện Chứng của Hegel

Hegel cho rằng sự tiến hóa của lịch sử luôn luôn trải qua ba giai đoạn:

1. Chính đề (these, thesis)

2. Phản đề (antithese)

3. Hợp đề (synthese)

Lịch sử nhân loại tiến hóa theo con đường biện chứng nói trên. Mọi sự thay ngôi đổi chủ đều được vận hành một cách biện chứng. Biện chứng pháp của Hegel lý giải vì sao có sự thay ngôi đổi chủ trong xã hội loài người.

Đầu tiên là biện chứng pháp chủ-nô. Hegel cho rằng thoạt kỳ thủy, xã hội loài người được phôi dựng bằng một cuộc đánh nhau chí tử giữa hai con người. Động cơ và mục đích của cuộc ấu đả là tranh giành ngôi chủ. Tâm lý con người ai cũng muốn làm chủ, chẳng ai chịu làm nô. Vì không ai chịu nhường cho ai nên phải thách đấu bằng một cuộc đọ sức để phân thắng bại. Ai thắng sẽ làm chủ, ai thua phải chịu làm nô.

Có hai điều đáng lưu ý trong sự vụ này: một là đánh nhau chí tử mà không để cho đối phương chết; hai là bên thắng là kẻ không sợ chết. Đánh nhau chí tử mà không để cho chết vì nếu đối phương chết thì lấy ai để công nhận mình là người, là lấy ai tôn mình làm chủ?

Bên thắng trận là người không sợ chết. Vì sao không sợ chết đang khi ham sống sợ chết là bản năng mà ai cũng có? Phải chăng trong cuộc đánh nhau chí tử này kẻ không sợ chết có bản năng quyền lực mạnh hơn là bản năng sợ chết. Thêm vào đó y không có gì để mất - không tài sản không địa vị. . . Thông thường trong cuộc ẩu đả kẻ nào tuyên bố 'liều một phen', 'thí mạng cùi' đều làm cho đối phương khiếp sợ và phải đầu hàng. Bên thua trận vì muốn giữ lại mạng sống, tài sản, . . . nên đành chịu thua và đành chấp nhận làm nô, buộc phải công nhận quyển làm người của chủ. Ông chủ mới truất bỏ quyền làm người của nô. Truất bỏ quyền làm người của nô nhưng vẫn thừa nhận nô là người; vì chẳng lẽ ông chủ được công nhận quyền làm người bởi một con không phải là con người!

Sẽ xảy ra sự thể gì đây sau khi đã phân ngôi chủ tớ?

Nô với thân phận nô lệ hoàn toàn lệ thuộc vào chủ, sinh mệnh của nô nằm trong tay chủ. Nô trở thành công cụ lao động của chủ - một thứ công cụ sống - Nô bị mất chỗ đứng trong thế giới con người (le monde humain). Nô chỉ còn biết chinh phục thiên nhiên, khai thác thiên nhiên để làm chủ trong nhiên giới (le monde naturel). Nô phải nai lưng ra làm việc để phục vụ ông chủ. Đất đai là mẹ của tài sản, lao động là cha của tài sản. Nô tác động sức lực và cơ bắp của mình vào đất đai để làm ra tài sản cung phụng cho chủ. Khi cơ bắp được vận dụng thì trí não nô cũng được triển nở phát tiết. Nô làm chủ thiên nhiên và từ đó bắt đầu phục hồi ý thức làm chủ. Qua lao động con người nẩy sinh ra nhiều sáng kiến, phát minh để cải tiến lao động. Do nhu cầu nâng cao năng suất, nô buộc phải nghĩ ra những dụng cụ lao động đạt nhiều hiệu quả hơn. Thế là mọi tài sản trong xã hội đều do một tay nô làm ra. Còn chủ thì chỉ ngồi mát ăn bát vàng. Vì chỉ biết hưởng thụ, lười nhác lao động nên càng ngày càng trở nên ù lì trì trệ. Cái mầm của giai đoạn phản đề đã bắt đầu phôi thai.

Khi xã hội phát triển, biện chứng chủ nô biến dạng thành biện chưng giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Giai cấp thống trị đóng vai trò trung gian nghiểm nhiên hưởng thụ mọi thứ và tài sản càng ngày càng trở nên kếch sù. Giai cấp thống trị giàu có sung mãn ham mê hưởng thụ sinh ra sợ chết. Giai cấp thống trị càng ngày càng củng cố quyền lực để có thể thống trị lâu dài. Giai cấp bị trị dần dần bị tước đoạt hết quyền tự do. Mâu thuẫn giữa hai giai cấp càng ngày càng trở nên sâu sắc và một phản động lực bắt đầu hoạt hiện triển nở. Thế là giai đoạn chính đề đã qua giai đoạn phản đề. Giai cấp bị trị cần thiết phải quật khởi để giành lấy quyền con người, quyền tự do. Tự do hay là chết. Sống cho ra sống hay chấp nhận cái chết. Đó là một sự lựa chọn mang tính mặc định. Danton, nhà cách mạng Pháp 1789 đã từng than lên rằng: "Ôi!Mỗi bước tiến của thần Tự Do là một viên đá để xây mồ". Trong cuộc đấu tranh sống mái giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, thế tất thắng nghiêng về giai cấp bị trị do các yếu tố sau đây:

- Giai cấp thống trị có nhiều cái để mất: QUYỀN LỰC, TÀI SẢN, DANH VỌNG, ĐỊA VỊ. . .

- Vì quen lối sống hưởng thụ, lười nhác lao động, ngại khó ngại khổ

- Sự sợ hãi làm cho con người thiếu sáng suốt, mất bình tĩnh và suy yếu ý chí chiến đấu.
 Nhưng, yếu tố quan trọng nhất là sợ chết.

Trong khi đó giai cấp bị trị không có gì để mất, đã từng kinh qua khó khăn gian khổ, từng làm chủ thiên nhiên, làm chủ khoa học kỹ thuật, lại có lợi thế là chiếm đa số. Thế là kẻ chiến thắng trước đây nay thành kẻ chiến bại. Một tổng hợp đề mới khác ra đời.

Biện chứng pháp của Hégel có ảnh hưởng không ít về cách tư duy, lập luận của các triết gia sau này. Về bản thể luận, Hegel cuối cùng đi đến kết luận yếu tính điều động và chi phối tất cả mọi hiện hữu là ý tưởng tuyệt đối (l'idée absolue). Có lẽ vì vậy mà sau này người ta gọi triết học Hegel là triết học duy tâm. Karl Max, học trò của Hegel đã vận dụng biện chứng pháp của thầy mình để luận về chủ nghĩa tư bản (capitalisme) hình thành một phương pháp biện chứng mới: biện chứng pháp duy vật sử quan. Điều trái ngược giữa Hegel và Karl Max là một bên cho rằng ý tưởng tuyệt đối, một bên cho rằng vật chất tuyệt đối. Truyền thống triết học tây phương nặng về duy lý: có hoặc không có vấn đề là ở đó (to be or not to be that question).

Truyền thống triết học đông phương tiêu biểu như Nho, Phật, Lão vượt lên trên hai đầu cực đoan: có hay không có vấn đề không phải ở đó (to be or not to be that not question). Thuyết trung dung của Khổng Mạnh, thuyết trung đạo của Phật gia và thuyết vô tránh của Lão Trang đều có cái nhìn tổng hòa nhất quán về hiện hữu, tạo ra sự hòa điệu trong mọi sinh thành của vũ trụ và nhân sinh. Từ đó tạo ra sự cân bằng và hòa hợp trong mối quan hệ tứ trụ: THẦN - NHÂN - THIÊN- ĐỊA

Làm thế nào để hóa giải những mâu thuẫn trầm kha trong lịch sử cũng như trong xã hội để cho lịch sử được tiến hóa trong chiều hướng tích cực. Đây là vấn đề luôn luôn được bỏ ngỏ.

Nguồn: vuphamdatnhan.blogspot. com
Previous Post
Next Post