Lạm bàn về tính đố kỵ

Nhận diện “những cái hơn” thường bị người khác nẩy sinh lòng đố kỵ, trước hết là hơn về tài năng. Bởi vì tài năng là cái giá trị trên cao của một con người, nên nó là khởi điểm dễ khiến người ta ganh tỵ. Lại vì tài năng thường đem lại danh dự, thành công cho con người, từ đó cũng đem lại lợi ích về vật chất nhiều hơn, nên nó là nguồn gốc của sự ganh tỵ nhiều nhất.

Trong tâm lý sâu thẳm của mỗi con người nói chung, thường mong muốn cho mình được hơn mà không bao giờ chịu thua kém người khác. Từ đó nảy sinh lòng đố kỵ, bực bội vô cớ, tìm cách chỉ trích, chống đối, gây nên nghi kỵ, chia rẽ, làm cho suy yếu... Cứ như thế, bản thân người hay có tính đố kỵ đã không làm được việc gì cho ra hồn, mà còn làm cho người có tài năng cũng bị ảnh hưởng, không phát huy được hết năng lực của mình, dẫn đến yếu kém chung.


Viết đến đây, bỗng nhớ có lần người viết bài này đã được nghe từ người nào đó nói rằng, người Nhật Bản thường tự ví mình như một hòn đất sét nhỏ bình dị, còn người Việt Nam luôn tự hào mỗi người đều như một viên ngọc lóng lánh. Có điều, khi cần phát huy sức mạnh chung, thì nhiều người Nhật sẽ kết dính thành sức mạnh lớn hơn, còn những “viên ngọc” lóng lánh kia dù có cố liên kết lại, nhưng cứ buông tay ra là mỗi nơi đơn lẻ...một viên. Tuy nhiên, điều đó không phải xảy ra trong mọi hoàn cảnh. Thực tế cho thấy những khi gian khổ ác liệt, trong khói lửa chiến tranh giành giật giữa cái sống và cái chết, thì toàn dân tộc chúng ta thật sự là sát cánh, đồng lòng... Nhưng trong bối cảnh hoà bình cần chung tay xây dựng cuộc sống ấm no giàu đẹp, thì cái tính hơn thua, giành giật, bon chen lại có dịp nẩy sinh. Điều này cho thấy cái tính đố kỵ thường ngang nhiên thâm nhập vào đời sống con người một cách rất “tai ác”!?

Trong sự hơn nhau về tài năng, cũng đã nói đến hơn nhau về quyền lợi vật chất. Nhưng trong cái hơn nhau về quyền lợi vật chất, thì yếu tố tiền bạc là dễ làm cho người ta đố kỵ với nhau nhất. Kẻ giàu có, dư giả tiền bạc bằng những mánh lới làm ăn bất minh, thường tỏ ra xem thường những kẻ nghèo túng, nên ít quan hệ, bất hợp tác...Trong cuộc sống từ xưa đến nay, nhiều “tấm gương” giàu có về tiền bạc dẫn đến có hành động ngông cuồng, như công tử Bạc Liêu đốt tờ giấy bạc có mệnh giá lớn để soi tìm một vật bị đánh rơi có giá trị nhỏ; như các bị can Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng tiêu tiền vào những việc vô bổ khi còn đương chức đương quyền; như một số khá đông các vị quan chức làm dự án, công trình thời nay, thường là cứ phải “hơn thua” nơi bàn nhậu thì mới có thể được coi là “chơi đẹp”, là “thông thoáng”... ấy cũng là do cái sự ganh nhau về tiền bạc mà ra. Nhiều người vì sự ganh đua như vậy mà tan cửa nát nhà, lâm vào vòng lao lý, thậm chí bị chết bất đắc kỳ tử cũng đã có rồi…

Địa vị, chức vụ lại còn là lý do khiến cho có người ganh tỵ nhau đến tàn bạo. Vì địa vị, chức vụ mà người ta có thể giết hại lẫn nhau, như các vụ ám sát tổng thống, chính khách, nhân vật thủ lĩnh đối lập…đã xảy ra ở một số nước. Lại cũng vì địa vị, chức vụ mà người ta luôn tìm cách làm hại lẫn nhau, nhẹ thì đả kích, nói xấu, chia rẽ, bè phái..., nặng thì vu khống, đe doạ, khủng bố... làm cho thành người tàn phế suốt đời... Nguy hiểm hơn, chính cái sự ganh ghét, đố kỵ này vô hình chung gây ra một thảm hoạ xã hội. Bởi vì trước sự ganh ghét, đố kỵ của người đời, cũng có một số người can đảm đứng lên đấu tranh nhằm làm rõ phải trái. Nhưng số người như vậy không phải là nhiều, hầu như ở nơi đâu cũng chỉ là thiểu số cho nên dù có đấu tranh, phản bác mạnh mẽ thì cũng khó giành phần thắng. Bên cạnh đó, lợi dụng cơ chế lấy phiếu tín nhiệm ở môi trường “thích ai thì bỏ phiếu cho người đó”, những kẻ cơ hội thường thoả mãn cái tâm đố kỵ của mình bằng cách ra sức lôi kéo, mua chuộc những người nhẹ dạ cả tin…

Có một chuyện thật như đùa rằng, một vị phó trưởng phòng trình độ yếu kém, rất ít uy tín trong đơn vị. Thế nhưng trước một lần bỏ phiếu tín nhiệm vào buổi chiều, thì trưa hôm đó anh ta liền lấy xe ô tô mời tất cả các chị em trong phòng đi ăn trưa và… gội đầu. Kết quả nhờ số chị em phụ nữ khá đông nên phiếu của anh ta vẫn đạt quá bán. Thế là anh ta lại nghiễm nhiên tại vị cho đến ít nhất một nhiệm kỳ tiếp theo! Một số đông khác thì tỏ thái độ cam phận im lặng để cầu mong lấy hai chữ “bình an”. Tiếc thay, nhiều người hiền lành tốt bụng không thèm chấp nhặt, ganh đua, thậm chí mặc cái sự đời..., cho nên một số không ít các vị trí có vai vế trong xã hội lại rơi vào tay những người mang nặng tâm đố kỵ! Cứ theo chiều hướng đó, hầu như ở mọi lúc mọi nơi vẫn cứ có đất dung thân cho những kẻ mang lòng đố kỵ nhỏ nhen. Mà đã là đố kỵ nhỏ nhen lại có chút chức quyền, thì đó chính là thảm hoạ mà xã hội phải gồng mình chịu đựng!

Nói về danh tiếng, thực ra là nói về cái gì đó rất hão huyền. Nhưng trong thực tế, danh tiếng cũng là một thứ để người ta tranh giành hơn thua với nhau. Người viết bài này nghĩ rằng, giống như con gà tức nhau tiếng gáy, con ễnh ương, con dế mèn... ganh nhau tiếng kêu to, thì những con người chưa đủ tầm trí tuệ, chưa đạt đến độ hiểu biết cần thiết để nhận ra thực sự danh tiếng chỉ là thứ hão huyền, do vậy mới vì danh tiếng mà đố kỵ với nhau chăng?

Còn về bạn bè? Có nhiều người nhận thấy người khác có nhiều bạn thân, còn mình thì không được mấy người quan tâm, thăm hỏi mà ngấm ngầm tỏ lòng bực bội. Nếu như mọi người ai ai cũng biết rằng, người có nhiều bạn tốt là do bản thân có tấm lòng chân thật, thẳng thắn nhưng không làm mất lòng ai, lối sống hoà đồng nhưng lành mạnh, biết đề cao lòng tự trọng, chịu khó học hỏi, hiểu biết nhiều nhưng khiêm tốn, giản dị...; trái lại, người ít bạn trước hết là do từ chính bản thân mình, hoặc cũng có khi là do hoàn cảnh khách quan đem lại mà phải chấp nhận. Hiểu được như vậy, thì chắc sẽ không còn ai mang cái tâm đố kỵ nữa cũng nên!

Ngoài những chuyện nói trên, trong cuộc sống cũng còn nhiều điều khiến con người ta mang lòng đố kỵ. Như chuyện cổ tích ngày xưa, nàng Bạch Tuyết vì xinh đẹp quá mà bị đương kim hoàng hậu tìm mọi cách loại trừ, thì ngày nay sắc đẹp vẫn cứ là một trong những cái cớ để những người đẹp lườm nguýt lẫn nhau! Thi đấu thể thao mà lập thành tích cao hơn, thì trong sự hân hoan chào mừng của những người lập thành tích thấp hơn, thế nào cũng khó tránh khỏi sự ganh đua bực tức! Bên nhà hàng xóm mới mua được cái tivi lớn có màn hình phẳng, mà nhà mình chưa có, thế là tủi thân và cảm thấy nhà hàng xóm kia thật... đáng ghét. Mà cũng thật lạ, nếu nhà hàng xóm là một ông bà ngoại quốc từ phương trời Tây xa lạ đến đây, thì dù họ có xây nhà cao 5 tầng, 10 tầng hay gì gì đi nữa, thì bên nhà mình vẫn cứ... “ăn no ngủ kỹ” như thường. Nhưng nếu nhà hàng xóm đích thực là đồng bào với mình, thì xem chừng cái sự hơn thua, ganh tức đã như thành lệ sẵn. Chuyện đến mức như thế, thì quả là cái tính đố kỵ thật đáng lên án biết bao!

Cũng cần nói thêm rằng, những kẻ có tính đố kỵ thường hay chỉ trích để tìm cách hạ uy tín của người giỏi, người làm việc tốt. Có thể họ cũng là người rất hiểu lý luận, biết lẽ đời... nhưng quan điểm của họ về đạo đức chưa rõ ràng, chưa vững vàng nên lòng đố kỵ vẫn tồn tại! Ở mức nặng, lòng đố kỵ có thể biến thành tâm địa độc ác, dễ làm chuyện xằng bậy, điên rồ, gây hậu quả khó lường. Ở mức nhẹ, người có lòng đố kỵ thường hay có hành vi quấy phá lặt vặt nhằm hạ uy tín, chia rẽ, cô lập người tốt hoặc nếu có khen ai thì cũng không thực lòng.

Cũng như muôn vàn hiện tượng, sự vật khác đều phải tuân theo quy luật khách quan, cụ thể ở đây là quy luật nhân - quả, thì nguyên nhân làm nảy sinh tính đố kỵ là do con người ta thường chỉ thấy bản thân mình là quan trọng, là cần được và nhất thiết phải được thừa hưởng mọi quyền lợi có thể có. Chính từ quan niệm sai lệch đó mà con người ta cứ nuôi dưỡng mãi trong lòng mình cái thói tự tôn vô vị, tự cho mình hơn mọi người dù cho chính mình cũng không biết mình có ưu điểm gì là nổi bật(?) Thậm chí thói tự tôn còn xấu hơn cả thói kiêu mạn, vì khi kiêu mạn người ta còn dựa vào một ưu điểm nào đó của mình để thấy mình hơn người, lấy đó làm điều thích thú.

Thêm vào đó là cái thói xấu không muốn thua kém ai, nhưng lại không có cách gì để mà hơn người, thế là xuất hiện tâm lý thù ghét một cách vu vơ bất kỳ ai “dám” hơn mình. Đó là thói vị kỷ. Chính thói tự tôn kết hợp với thói vị kỷ làm thành tâm đố kỵ, tức là lòng thù ghét một cách vô cớ bất kể những ai hơn mình.

Rõ ràng nguyên nhân của tính đố kỵ là xuất phát tự lòng người mà ra. Vậy làm thế nào để chữa trị được “căn bệnh” đố kỵ này? Ai cũng biết biển sâu còn có thể dò, trời cao còn có thể bay lên… còn lòng người thì thăm thẳm khôn cùng, làm sao có thể đo, có thể dò cho xiết?

Vì thế, nếu đặt vấn đề là làm thế nào để khắc phục, triệt tiêu cái tính đố kỵ, thì xin hãy phấn đấu cho đến một ngày xã hội thực sự có một nền giáo dục thật tốt, một môi trường văn hoá - xã hội thật lành mạnh… Còn hiện tại, cách cần nhất là phải chú trọng đến việc đề phòng tâm đố kỵ. Đó là mỗi một con người chúng ta, hãy luôn luôn cầu mong cho người khác tiến bộ, tài năng, thành đạt và ấm no, hạnh phúc hơn mình! Phải cố sức tìm thấy ưu điểm nào mà người khác hơn mình để mà ngưỡng mộ, noi theo. Thấy bạn thành công thì lòng mình hoan hỷ và thành thật kính trọng. Gặp người có trí tuệ, nhân cách cao cả thì coi họ như thầy của mình. Nghĩ được như vậy, làm được như vậy là cái tâm của mình trong sáng, sẽ không còn chỗ cho cái tâm đố kỵ nương náu nữa. Trong trạng thái được tự do lựa chọn, hãy ra sức khai thác phần trong sáng của tâm hồn, làm cho ánh sáng của lương tri và trí tuệ lấn át hẳn bóng đen của sự đố kỵ, rồi sẽ đến lúc cái tính đố kỵ, ganh ghét nhỏ nhen sẽ bị chôn vùi trong quên lãng của người đời./.

Cũng vì thói ghen tỵ mà một số người có thái độ ứng xử rất vô lý. Thấy có người mặc một cái áo đẹp giống như mình, họ tỏ vẻ khó chịu. Thấy người khác mua sắm được một vật dụng hay một tiện nghi mới nào, họ cũng săm soi để ý. Rõ ràng, đó là một thói quen ứng xử kỳ quặc! Bỏ tật ghen tỵ đi, chúng ta sẽ biết quan tâm đến những đau khổ của người khác, giúp đỡ họ, tự nguyện tìm cách giảm thiểu hố sâu ngăn cách giữa người với người trong cuộc sống. Và khi sống được như vậy, cuộc đời ta nhất định sẽ có những thay đổi đáng kể và cuộc sống của người khác cũng sẽ được thay đổi đáng kể..

Previous Post
Next Post