
Tiếng khen, địa vị, lợi dưỡng
luôn là điều mà ai ai cũng muốn có. Dường như đã trở thành một niềm vui thú vị
của con người dù biết rất rõ khi đạt được, phần lớn ta mất tự do, bị nó chi
phối, đau khổ.
Người tu, tiêu chuẩn mà người đời
thường đặt cho, trước nhất phải là người buông bỏ danh lợi. không theo quyền
hành, chức tước. Nhưng không phải người tu nào cũng có thể thực hiện tiêu chuẩn
đó. Nếu ta không dành thời gian để quán chiếu, chiêm nghiệm cũng như nhìn sâu
vào bản chất của danh lợi thì dứt khoát sẽ là nô lệ của nó.
Là một học Tăng nhưng tôi cũng là
một học sinh. Khi đóng vai trò của một học sinh, dù muốn hay không, tôi cũng bị
lôi vào vòng thắng thua bởi tài năng của tôi có phần trội hơn chúng bạn. Rồi
những cuộc thi học sinh giỏi khiến tôi lao tâm không ít. Không chỉ tốn thời
gian và sức lực cho việc “văn ôn, võ luyện” mà tôi còn bị chi phối, kéo vào
vòng xoáy hơn thua với những học sinh có năng lực hơn. Điều này làm tôi đau khổ
rất nhiều, vì tôi đã phụ lại chí nguyện xuất gia ban đầu cũng như đánh mất tiêu
chuẩn căn bản của một người tu: buông bỏ danh lợi.
Khi xem danh lợi là điều nhất
quyết phải đạt được bằng mọi cách thì ta không có được hạnh phúc, an lạc. Vì
không có an lạc nên ta mới tìm kiếm hạnh phúc ở bên ngoài, ở phía ngũ dục và
danh lợi. Ta không khác gì con thiêu thân lao vào lửa danh lợi để tận hưởng cảm
giác sung sướng nhất thời rồi tự chết bằng chính ngọn lửa danh lợi đó. Không
phải ta không biết chạy theo danh lợi là sai, là đau khổ. Nhưng vì ta không có
hạnh phúc thật sự và nhu yếu được đứng trên đầu thiên hạ trong ta quá lớn nên
ta đành phải làm nô lệ cho danh lợi. Vì thế, ta khẳng định có hạnh phúc hay
không chính là mấu chốt của việc ta có chạy theo hay buông bỏ được danh lợi.
Tuy nhiên, ta rất dễ lầm việc
chạy theo danh lợi và phát triển năng lực của cá nhân. Khi tranh tài với các
học sinh tại các kỳ thi học sinh giỏi, bắt buộc tôi và những học sinh khác phải
ra sức rèn luyện, nỗ lực học tập không ngừng nhằm đạt được kết quả cao nhất và
giật được những giải nhất, nhì, ba là cái đích mà chúng tôi hướng tới. Việc
treo giải như thế có tác dụng kích thích học sinh gia công học tập và nhờ đó,
năng lực, tài năng của học sinh được nâng cao, phát triển. Đó là tác dụng của
những kỳ thi học sinh giỏi. Nhưng hầu hết, tất cả những học sinh tham gia các
cuộc tranh tài đều không nghĩ như thế. Họ hướng ngoại, quyết đạt được giải,
quyết hơn những học sinh trường khác và rồi những tâm niệm danh lợi có dịp bùng
phát. Và luôn luôn, họ viện cớ tham gia các kỳ thi học sinh giỏi để khẳng định
bản thân, phát triển năng lực, nhưng thực chất là thỏa mãn danh lợi.
Không chỉ nhầm lẫn việc phát
triển cá nhân, ta cũng thường che lấp tâm danh lợi bằng nhiều mục đích khác.
Người Phật tử làm việc phước thiện cốt để được tiếng thơm, để được quý thầy,
các sư cô khen ngợi, người đó đang vướng vào danh lợi. Các thầy, các sư cô nếu
xem chuyện giảng kinh, thuyết pháp, công tác Phật sự là nơi khẳng định bản
thân, để thiên hạ biết về tài năng của mình, đó không còn là Phật sự nữa mà là Ma
sự. Bởi lẽ, tâm danh lợi, hơn thua đã chi phối toàn bộ các hoạt động đó. Và
công tác Phật sự chỉ là cái cớ để ta thỏa mãn cái bản ngã, tâm danh lợi không
hơn không kém của mình.
Làm thế nào để biết ta đang vướng vào danh lợi?
Không có hạnh phúc, an lạc, không
có tình thương, hiểu biết thì ta đang vướng vào vòng danh lợi. Trong nhà không
có hạnh phúc, chắc chắn ta sẽ đi tìm những thú vui bên ngoài. Cũng thế, trong
tự thân không có hạnh phúc, không có pháp lạc thiền duyệt bằng sự tu tập chánh
niệm, tỉnh thức thì ta sẽ hướng ngoại để tìm những niềm vui thế gian vô thường
nhằm khỏa lấp, trốn tránh những khổ đau trong tự tâm. Và danh lợi cũng như các
món dục khác luôn là những thứ cám dỗ có thể khiến ta “táng thân, thất mạng”
trong tích tắc.
Khi vướng vào danh lợi, ta bị
cuốn vào trong vòng xoáy của hơn thua. Một khi đã ở trong vòng xoáy đó, nhất
định ta luôn có sự căm thù, ganh ghét, phân biệt. Tâm thức đầy tràn những tâm
hành tiêu cực có thể dẫn ta đến chuyện oán hận, bạo động. Ta hoàn toàn đánh mất
tình thương trong mình. Thắng thua chỉ là thước đo trong cuộc chơi. Nhưng trong
cuộc đời, thắng thua không có chỗ đứng. Tình thương giữa người và người, lòng
hiểu biết giữa tâm hồn và tâm hồn mới là điều quan trọng nhất. Có tình thương
trong trái tim, ta là người tự do, danh lợi không có chỗ đứng. Mất tình thương
trong người, ta là người danh lợi.
Đó là dấu hiệu đầu tiên và cũng
là dấu hiệu quan trọng nhất để đánh giá ta có chạy theo danh lợi, bị danh lợi
nhấn chìm hay không.
Danh lợi là một khúc xương khô và
kẻ danh lợi, nếu nói thẳng, không khác gì một con chó đói. Con chó chạy theo
khúc xương khô và cứ thế gặm nhấm mãi mà vẫn không thấy no. Nhưng con chó vẫn
tiếp tục nhai khúc xương. Vì lẽ, làm như thế cơn dãi dịch tiết của nó được thỏa
mãn chút phần.
Đó là hình ảnh mà Đức Phật dùng
để ví dụ cho người chạy theo ái dục cũng như danh lợi. Khúc xương khô, trong
trường hợp này là danh lợi. Chỉ cần nhìn tâm thức trong một ngày, ta có thể
biết mình có vướng vào danh lợi hay không. Ta như con chó đói khát gặm khúc
xương khô trong ví dụ của Đức Phật. Những suy nghĩ, tư duy của ta lúc nào cũng
có khuynh hướng mơ tưởng về tiếng thơm, lời khen. Ta khao khát được thể hiện
tài năng trước đám đông. Ta muốn thiên hạ biết về mình bằng một ánh mắt kính
trọng, nể phục. Ta hoàn toàn giao phó thân mạng, tâm thức mình cho những hình
ảnh đẹp mà đầy hư ảo đó để rồi đê mê một cách sung sướng. Rõ ràng với một tâm
hành như thế, ta là một người chạy theo danh lợi.
Kẻ chạy theo danh lợi, quyền
bính, bao giờ cũng muốn đứng trên đầu thiên hạ và không bao giờ chấp nhận mình
là kẻ đến sau. Hẳn nhiên, y không bao giờ muốn gần gũi những kẻ mà y cho là
thua kém, không xứng tầm với mình. Do đó, nếu thấy ta không thể gần gũi hoặc
khó chịu khi thấy những người thấp kém hơn về một phương diện nào thì ta đã là
nô lệ cho danh lợi.
Có những môn học tôi giỏi hơn
chúng bạn ở đời cũng như những bạn đồng tu. Nếu tôi lấy cái giỏi đó làm thước
đo để lựa chọn bạn cũng như phân biệt kẻ giỏi người dở, thì tôi là người chạy
theo danh lợi. Đời sống của tôi được làm bằng chất liệu danh lợi. Vô hình
trung, tôi là kẻ cô đơn, tự cho mình đứng cao hơn người để rồi phải sống trong
thế giới chỉ có một mình, vừa là chủ vừa là khách.
Ta còn phân biệt, phân chia, kỳ
thị trên thước đo kẻ giỏi người dở tức là ta đang vướng vào danh lợi. Cũng vì
tự cho mình hơn người nên người chạy theo danh lợi không có cơ hội học hỏi thêm
nữa. Người tự do là người mỗi ngày luôn học được một điều mới, luôn có được
những khám phá tuy nhỏ nhoi nhưng đầy ắp niềm phúc lạc của học hỏi. Người danh
lợi cho mình hơn người nên đánh mất rất nhiều cơ hội học hỏi. Ta chỉ hơn người
kia về một phương diện trong cuộc sống nhưng ở phương diện khác, ta làm sao có
thể bằng? Nhân vô thập toàn, ta không thể nào hơn người ở tất cả các phương
diện. Do đó, muốn nhận biết mình trở thành người danh lợi hay chưa thì hãy nhìn
vào đời sống thường nhật của mình.
Nếu thấy mỗi ngày ta luôn học hỏi
từ mọi người ta gặp gỡ thì ta đang là một con người tự do. Nếu mỗi ngày, kiến
thức ta vẫn thế, cái thấy của ta vẫn như cũ, ta không hề mở mang trí óc để biết
thêm về thế giới thì ta là người danh lợi.
Làm thế nào để biết ta đang bị danh lợi chi phối bằng những mục đích
trá hình khác?
Ta phải nhìn kỹ tâm của mình
trong đời sống thường nhật. Làm phước thiện, Phật sự là điều rất tốt và nếu
nghĩ tới những công tác đó, ta luôn thấy hình ảnh cá nhân được đề cao mà không
nghĩ đến mục đích chính đáng của các công tác từ thiện thì những chuyện phước
thiện, Phật sự đang là tay sai của danh lợi.
Làm phước thiện mà nghĩ đến cảnh
được chư tôn đức, các thầy, các sư cô khen ngợi biểu dương, hoặc đi thuyết pháp
mà toàn nghĩ đến hình ảnh ngồi thuyết pháp sáng tỏa rực rỡ trong chúng hội thì
đó là sự trá hình của danh lợi dưới hình thức là làm phước thiện, Phật sự. Ta
không nghĩ tới mục đích chính của công tác đó là giúp cho người bớt khổ, tuyên
dương chánh pháp để mọi người tu tập và chuyển hóa.
Làm bất cứ việc gì mà ta luôn
nghĩ đến cảnh mọi người biết đến mình bằng sự kính trọng thì ta đang bị danh
lợi chi phối bằng những mục đích trá hình khác.
Làm thế nào để thoát khỏi danh lợi?
Căn cứ trên những nguyên nhân
khiến ta trở thành người danh lợi thì ta sẽ biết cách thoát khỏi lợi danh. Sở
dĩ người tu, kể cả xuất gia lẫn tại gia, vướng vào vòng danh lợi là vì người đó
không tìm được niềm vui trong sự tu tập. Họ đang gặp vấn đề trong sự hành trì
đối với pháp môn mà họ đang tu tập. Chính vì không có niềm vui trong sự tu tập
nên họ hướng ngoại để tìm tiếng thơm, lời khen, tuyệt ảnh ảo để tìm những cảm
xúc khoái lạc nhất thời thay thế cho niềm pháp lạc đã mất. Người tu, thoát khỏi
danh lợi, không khó. Chỉ cần tìm được niềm vui ngay trong khi thực tập thì danh
lợi không lôi cuốn ta được.
Hạnh phúc của người tu là gì?
Đừng dài dòng, hạnh phúc của người tu là tu. Hạnh phúc của người xuất gia là
gì? Chính là xuất gia. Do đó, ta phải nếm được pháp lạc trong khi tu tập, phải
tận hưởng niềm hạnh phúc của sự thực tập, hành trì. Nhờ đó, ta có thảnh thơi,
có tình thương. Đó là gia tài quý nhất của một người tu.
Trong Cư Trần Lạc Đạo Phú, Tổ
Trúc Lâm Đại Sĩ có nói: “Kinh nhàn đọc dấu, trọng lòng rồi trọng nữa hoàng kim”
nghĩa là “người tu Phật yêu chuyện đọc kinh xem luận, cho nếp sống thanh thản
còn quý giá hơn cả hoàng kim”. Đó là sự tự do của người tu và Thiền sư Nhất
Hạnh bình luận rất sâu sắc: “Điều mà người tu phải thực hiện trước tiên là đạt
tới sự thảnh thơi của tâm, điều đó còn quý hơn cả vàng, quý hơn cả bạc, quý hơn
tất cả những thứ như công danh lợi dưỡng”. Ta có sự thảnh thơi, tình thương,
hiểu biết trong ta hay chưa? Thực tập được tiêu chuẩn này là ta cũng đủ sức để
thoát khỏi danh lợi.
Ở trường học, tôi là một học sinh
giỏi văn. Nhưng chưa chắc tôi giỏi toàn diện. Giỏi là giỏi cái gì? Và dĩ nhiên
cũng có cái tôi không giỏi. Do đó, tôi luôn luôn đặt mình trong thế người học
hỏi. Tôi chăm chú quan sát, lắng nghe tất cả những người tôi tiếp xúc. Tôi nhìn
từng cử chỉ, từng hoạt động, cố gắng nhận biết rõ ràng tài năng cũng như khuyết
điểm của họ để so sánh đối chiếu với tài năng của mình. Nhưng lạ một điều,
những người tuy gọi là quá quen thuộc nhưng mỗi lần quán sát, lắng nghe họ, tôi
vẫn thấy trong họ những điều hay hơn tôi mà tôi chưa hề biết.
Luôn luôn đặt mình trong tư thế
của người học hỏi đối với tất cả mọi người dù người đó yếu kém, thua thiệt ta
về một phương diện nào đó là cách thoát khỏi danh lợi rất dễ thực tập và có
nhiều hạnh phúc.
Trong một cuộc đua, bao giờ ta
cũng bị cuốn vào vòng hơn thua. Ta dễ có ác cảm với người tranh đua với mình.
Và ta rất ngây ngô khi phủ nhận toàn bộ tài năng của họ. Vì ta cho họ là đối
thủ của mình. Ta chỉ nhìn khuyết điểm của họ và đạp đổ tất cả tài năng trong
họ. Nhưng với sự thực tập này, ta dễ dàng thoát ra khỏi vòng hơn thua đó. Và
cuối cùng, ta đi vào trong thế giới của sự học hỏi điều tốt và gạn lọc khuyết
điểm. Như thế, còn đâu hơn thua, mà một khi hơn thua không còn thì danh lợi chỉ
là bọt nước thôi!
Khi thấy mình thua kém người
trong tư thế người học hỏi, ta rất dễ có thiện cảm với người đó. Ta rất dễ gần
gũi họ hơn để hiểu thêm con người của họ. Ta có thêm rất nhiều người bạn và với
bất cứ người bạn nào, ta cũng thấy trong họ một người thầy và ta luôn luôn phải
học hỏi. Nhờ đó, ta sống trong khung cảnh của tình người, tình bạn và ta dễ
dàng thoát khỏi sự phân biệt, chia rẽ của những người danh lợi. Trong trường
hợp này, tình người sẽ xóa tan đi danh lợi.
Ta sống bằng tình người, bằng tình bạn hay đang sống bằng danh lợi?
Khi tôi nói những điều này, nhiều
người sẽ cho rằng tôi phản đối việc có danh lợi. Tôi không phản đối danh lợi.
Tôi chỉ phản đối những tâm niệm hẹp hòi, ích kỷ, tự cao tự đại khi con người có
danh lợi. Chư vị Hòa thượng vẫn được mọi người
tặng cho những tiếng khen, những giải thưởng lớn. Nhưng tâm niệm của chư vị
không bao giờ đặt nặng phải có những lời tặng, giải thưởng đó. Các Ngài hoàn
toàn đặt tâm niệm của mình vào việc hoằng pháp lợi sanh, giúp nước độ đời. Danh
lợi lúc đó là hệ quả tất yếu cho những công tác độ sanh không biết mệt của các
Ngài. Các Ngài không cho danh lợi là hạnh phúc của mình mà hoàn toàn an trụ
trong hạnh phúc của sự thực tập, của sự hành trì. Và các Ngài không bị xem là
người danh lợi mà luôn được xem là người tự do.
Có danh lợi chưa hẳn ta là người
danh lợi. Chỉ khi nào ta xem hạnh phúc của danh lợi là hạnh phúc quan trọng
nhất của mình thì ta mới là người danh lợi. Nếu có danh lợi mà ta không xem nó
là hạnh phúc của mình, hoàn toàn sống trong niềm hạnh phúc của pháp lạc, của sự
tu tập Phật pháp. Lúc này, ta đích thực là người tự do với tất cả ý nghĩa của
con người thoát khỏi danh lợi.