Đây là thời kỳ, cách đây năm mươi
năm Le Bon đã từng nói, những hoạt động vô thức của đám đông thay thế cho những
hoạt động có ý thức của cá nhân. Sự thay thế này lúc đó không chỉ có vẻ vô hại
mà còn được mong đợi. Một số người đã kích động đám đông bạo động. Marx và các
tông đồ của chủ nghĩa xã hội, thay vì chỉ từ xa chiêm ngưỡng ý nghĩa những hành
động của mình, họ đã chuẩn bị cho một cuộc nổi loạn.
Giá họ biết, cái đám đông đang
leo lên sự thống trị, sẽ tuyệt đối không thực hiện lý tưởng của nhân loại như
họ nghĩ, thậm chí, vì cần phải tha bản thân, tha sự hiện hữu và tính cách theo
mình, đơn giản họ sẽ xóa hy vọng về khả năng thực hiện toàn bộ các lý tưởng, họ
sẽ không ký các văn bản cách mạng của các tông đồ một cách dễ dàng như thế.
Nếu ngày hôm nay Marx, Engels,
Lassalle hoặc bất kỳ ai trong đám cách mạng đó tỉnh dậy, nhìn xem cái gì đã xảy
ra, đã thức tỉnh đám đông hào hứng thế nào, chắc chắn những người này sẽ đắm
chìm vào suy nghĩ. Tôi quả thật không nghĩ nó sẽ như thế này, kẻ tội nghiệp sẽ
lắp bắp khi tự kết án mình.
Đám tông đồ đều đã từng tin
tưởng, thiên thần sẽ thức tỉnh từ đám đông. Ngày nay giá họ nhìn thấy, không hề
như vậy. Quái vật đã thức tỉnh thì đúng hơn.
Thay thế hoạt động có ý thức của
cá nhân là những hoạt động vô thức của đám đông. Các tông đồ sẽ tận mắt nhìn
thấy, xã hội phụ thuộc vào cái khác.
Đám đông thống trị là những hoạt
động hỗn loạn, mù quáng, mờ mịt, vô thức thay thế những hoạt động sáng sủa, có
tri thức, có ý thức của cá nhân, dìm loài người xuống sự tăm tối. Đấy chính là
điều những người cách mạng không nghĩ tới.
Nhưng nhiều người khác đã nhìn
thấu suốt bản chất thống trị của đám đông. Họ hiểu, đây không phải vấn đề thống
trị. Tình thế của thế giới đã thay đổi.
Quá trình này không phải quá
trình xã hội mà sâu sắc hơn: một quá trình cơ bản của đời sống. Trên bề mặt xã
hội, đám đông nổi trội lên, kèm theo, sự vô thức cũng trồi lên như một sự tất
yếu.
Tư duy và hoạt động tỉnh táo của
cá nhân bắt đầu phụ thuộc vào sự vô thức và hỗn loạn của đám đông. Thứ giản dị
có nội dung phụ thuộc vào thứ mù quáng và hỗn loạn. Thứ phát triển cao phụ thuộc
vào thứ thấp kém. Vị trí lộn ngược tấn công, con người bắt đầu sống bằng cái
đầu lộn xuống dưới. Và những hậu quả của nó không thể lường trước.
*
....Xuất hiện những kẻ ngay từ
phút ban đầu hiểu ra ngay tình thế. Trước hết là Kierkegaard và Nietzche. Sau
đó là cả một đạo quân nhỏ, không xếp theo thứ tự và chưa đầy đủ: Feguet,
Merezskovszkij, Pannwitz, Evola, Bergyajev, Valéry, Ortega, Jaspers.
Điều họ nhìn thấy: đám đông từ
trước tới nay ở dưới đáy bắt đầu xông lên những tầng lớp xã hội cao hơn. Đi
cùng với nó là sự tàn bạo, không như trước, trong thời kỳ di dân, tấn công vào
kẻ ở tầng lớp phát triển cao từ xa, từ bên ngoài, mà giờ đây từ dưới lên và từ
trong ra.
Trong con người vô thức nổi lên,
trong xã hội, đám đông xuất hiện. Đây là một dạng di dân mới, là sự đột nhập
thẳng thừng của sự tàn bạo. Tình thế không chỉ thay đổi từ bên ngoài; mà trạng
thái tâm lý con người cũng bị đảo lộn cùng sự xua đuổi những cá nhân ưu tú và
có vị thế cao hơn.
Những gì đã từng ở trên, rơi
xuống dưới, những gì từng ở dưới giờ nổi lên trên. Vô thức lên trên và ý thức
xuống dưới. Tri thức không ở trên, mà là bản năng, không phải ánh sáng, mà là
sự tăm tối, không phải paradiso, mà là inferno, không phải thứ phát triển mà là
thứ thấp kém, không phải trật tự và sự tử tế, mà là sự hỗn loạn và dục vọng.
Không phải thứ tư duy có ý thức, mà là một thứ cặn bã (reziduum) và thần tượng(
mitosz). Bởi vậy trong sự chọn lựa, trong cách đánh giá các giá trị, trong thứ
bậc và trong nhu cầu xuất hiện một trật tự đảo lộn.
*
Trong đám đông, tri thức cá nhân
bị thủ tiêu.
Đám đông có một đặc tính hoàn
toàn khác, độc lập hoàn toàn với tất cả hành vi của một cá nhân. Chính vì vậy
nó là vô thức. Là sự cả tin, dao động, một chiều, lạc hậu, chuyên quyền, tăm
tối, u mê, hay thay đổi; đám đông không có tri thức, không có khả năng phán
xét, không biết đánh giá, dễ dàng bị chinh phục, và còn dễ dàng bị lừa gạt và
dẫn dắt hơn nữa.
Người thông thái nhất rơi vào đám
đông cũng từ từ trở nên ngu đần. Bộ óc bị thả lỏng, hoạt động trí óc ngừng lại,
tri thức tắt dần, thay vào đó họ bước vào một sự tê liệt phân vân, mờ mịt, hỗn
loạn, là những đặc tính đặc trưng cho đám đông. Trí tuệ sáng suốt và tỉnh táo
ngủ yên, những bản năng ngự trị con người không kiểm soát được bắt đầu dẫn dắt
họ. Và con người bị tan vào đám đông một cách không để lại dấu vết. Người ta
tan vào thành một linh hồn duy nhất trong đám đông.
*
Họ tưởng kẻ thù đe dọa chiến
thắng của họ. Họ không nhận ra rằng, nếu ai có cất lời cũng chính vì quyền lợi
của họ.Có một sự hợp tác không lời giữa các thành viên của đám đông rằng cần và
được phép giết kẻ nguy hiểm
Kinh nghiệm cho thấy trên mọi
lĩnh vực của xã hội, đám đông đã chà đạp có hệ thống, cho dù một cách bản năng
những người mà họ đánh hơi thấy có gì mới. Họ được phép đánh gục thực thể này,
cần phải và được phép cướp bóc, đầy đọa, lừa gạt. Không cho phép người ta lên
tiếng. Đây cũng là một đặc điểm có thể nhận ra sự đồng lõa câm lặng của đám
đông.
*
Giờ đây chỉ còn đúng một vấn đề
chưa được giải quyết còn lại: ý nghĩa của chủ nghĩa duy vật hiện đại. Không là
gì khác ngoài bản thân toàn bộ ý nghĩa của chủ nghĩa duy vật .
Không thể động đến vấn đề này,
nếu như chưa xuất hiện một nhà tư tưởng đặc thù, người có một trực giác đặc
biệt hiểu về những điều khó nhất và tận cùng nhất. Đấy là Franz Baader, một
người trong thời gian gần đây một phần bị lờ đi, một phần bị quên lãng, đúng
vậy, nhưng là một nhà tư tưởng rất giỏi. Baader đưa ra câu trả lời, như thể
người ta mang đến thẳng cho ông câu hỏi của hiện tại.
Khi con người biến thành kẻ duy
vật, hay nói cách khác, khi con người bắt đầu tin thế giới sinh ra từ vật chất
và là vật chất, người ta gắn chặt và bám lấy thứ vật chất này, và sự ưu tiên,
môi trường, dục vọng, tôn giáo dành cho vật chất khiến con người lờ mờ cảm thấy
họ cũng như một cái gì đó bị rơi ra, bị đứt đoạn, đổ vỡ, hóa bụi, bị rơi vào
đường cống và đám rác.
Con người từ bỏ mối quan hệ với
những sức mạnh thần linh của thiên nhiên, trở thành một tàn tích bị mắc kẹt lại
trong hậu quả của tai hoạ khủng khiếp tách ra khỏi vũ trụ. Nó đánh mất liên hệ
tinh thần, bởi vậy nó lạc hậu trở lại và chìm xuống. Với quan điểm này có thể
thấy rõ những lũ đê tiện mông muội hiện đại vì sao là những kẻ duy vật và vì
sao cần phải trở thành như vậy. Và có thể hiểu được tôn giáo đám đông vì sao
cần trở thành duy vật cho dù về lịch sử hay về những cái khác. Đám đông chỉ còn
duy nhất một khả năng sống cuối cùng, và đấy là vật chất.
*
Cần phải hiểu lại toàn bộ từ đầu
các sự việc để hiểu được tình thế hôm nay.
Hoặc, quan trọng hơn nữa: ai muốn
hiểu được toàn bộ sự việc trong tình cảnh mới, cần bắt đầu lại từ đầu.
Và còn có một thứ quan trọng hơn
nữa: con người chưa bao giờ lại cần đến ánh sáng tinh thần của thượng đế giúp
đỡ như bây giờ, khi cần phải hiểu lại từ đầu mọi sự vật.
Dịch giả Nguyễn
Hồng Nhung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary
Câu chuyện vô hình và đảo (Hamvas
Béla) (NXB Tri Thức, 2012)