Con người ngày nay đang sống ở một khúc quanh lịch sử vô cùng quan trọng, rất hùng tráng mà cũng rất bi ai.
Hùng tráng, vì con người đang sống với những phát minh tân kỳ, mà xưa kia thiên hạ coi như là thần thoại. Con người đã chinh phục từ nguyên tử đến không gian, và đang như Đường Minh Hoàng, sửa soạn du nguyệt điện. Thiên hạ ngày nay đầy dẫy danh tướng, danh nhân, thần y, thánh dược. Thế giới càng ngày càng thêm ảo diệu, thần kỳ: con người đã chế được những máy móc tự động suy nghĩ, tính toán, phiên dịch, soạn nhạc thay người.[1]
Những bi ai, thì vẫn quá bi ai, vì dưới phiến diện vàng son, rực rỡ, nhân loại chất chứa bên trong biết bao là tang tóc, sầu bi, ai oán.
Mới trong 6, 7 mươi năm mà đã biết bao lần chinh chiến. Các khí giới giết người, các kỹ thuật hành hạ, đày ải, thủ tiêu người, đã được chế tạo, đã được phát minh tới mức độ tinh vi, cho nên trong vòng 5 chục năm chục năm nay cũng phải có hàng trăm triệu nhân mạng bị giết hại, tật nguyền, đầy ải, thủ tiêu…
Đó là mặt trái của thế kỷ XX gấm vóc, đầy tự do, và đầy ánh sáng văn minh khoa học!
Con người ngày nay, thực đáng oán than về thân phận mình, và lắm lúc xúc cảnh sinh tình, biết bao nhiêu kẻ đã phải ngâm lên mấy vần thơ não lòng của Cung Oán:
“Ngẫm thân phù thế mà đau,
Bọt trong bể khổ, bèo đầu đến mê.
Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ,
Đường thế đồ gót rỗ kỳ khu…”
Mọi người, y như sống phiến diện ngoài bì phu, chạy theo tiền tài, danh vọng, mặc cho ngoại cảnh khiên dẫn, đẩy đưa; uống mọi thứ nước đường, ăn mọi thứ bánh vẽ của các chủ nghĩa; toàn có những cuộc sống giả tạo, hoặc là khổ sở lao lung, hoặc là cuồng nhiệt thác loạn, mà ít khi tìm ra được một đời sống sâu xa, chân thực, lý tưởng, xứng đáng.
Sự thác loạn tinh thần của thế giới ngày nay, một phần sinh ra vì những đổ vỡ vật chất, một phần sinh ra vì sự mất tin tưởng vào con người, vào những giá trị vĩnh cửu nơi con người, cũng như vào sự hướng dẫn của các bậc lãnh đạo.
Bertrand Russell viết:
“Con người là kết quả của những duyên do vô tình vô ý chẳng hề hay biết những cố gắng của mình sẽ kết quả ra sao. Con người phát sinh hay tiến triển, ước mơ hay sợ hãi đều là do những sự va chạm ngẫu nhiên vô tình, vô ý của các vi tử vi trần. Dẫu hào hùng, hăng hái, dẫu tư tưởng cao xa, dẫu tình tứ thâm hậu, con người cũng chẳng thể kéo dài đời sống mình, một khi đã lỡ bước xuống mồ.
“Tất cả công trình lao tác của các thế hệ, tất cả những hy sinh, những cảm hứng, những tinh anh xán lạn của thần trí nhân loại, tất cả những cái đó rồi ra cũng tàn lụi khi thái dương hệ tiêu ma, và tất cả công trình con người rồi ra cũng sẽ như một đền đài vùi sâu dưới tàn tích của một vũ trụ hoang phế [2] … Tất cả những cái đó, dẫu người ta cố tình chối cãi, nó cũng vẫn là biểu tượng của một chân lý xác thực; đến nỗi bất kỳ một triết lý nào, nếu phủ nhận thực trạng đó, sẽ khó hy vọng tồn tại.” [3]
Tâm sự Jean Rostand cũng bi đát chẳng kém. Jean Rostand viết:
“Con người chẳng qua là một hạt bụi vô nghĩa lý lạc lõng trong một vũ trụ man mác, vô hồn.
Con người biết rằng có làm làm hăng hái đến đâu chăng nữa, cũng chỉ là một câu chuyện phù du tạm bợ, hữu hạn, vô nghĩa lý.” [4]
Con người ngày nay trở nên ngao ngán vì thấy sau những bộ mặt nhân nghĩa giả tạo bên ngoài, biết bao oán hờn, nghi kỵ đang âm ỉ bên trong, nghi kỵ oán hờn giữa đạo giáo với đạo giáo; giữa đạo giáo với chính trị, khoa học, triết học; giữa chủ nghĩa này với chủ nghĩa nọ, nước này với nước kia.
Hơn thế nữa, con người ngày nay đang sống trong một thế giới bấp bênh của quang tử, điện tử, bồng bềnh trên những làn sóng điện tử của Maxwell, trên những quang tử của Einstein, quay cuồng trong gió lốc thời gian, lênh đênh trên nhiều bọt bèo chủ nghĩa; nhìn vào các giải ngân hà, thì thấy ngân hà xô nhau chạy về vô cùng vô tận; nhìn vào tim gan vật chất, thì thấy lòng dạ chúng chứa đầy những chủng loại huyền kỳ: nào âm tử, dương tử, trung hòa tử, meson, neutrino, phản neutrino vân vân … cho nên tự nhiên thấy thần hôn, trí loạn, mắt hoa, mày quáng, không còn biết bám víu vào đâu; tin tưởng vào đâu; không còn biết đường lối, phương hướng ra sao nữa.
Con người đã đau đớn, thành khẩn mà hỏi những câu ai oán: “Có ông trời hay không có ông trời”; có hồn hay không có hồn; con người có giá trị hay vô giá trị; con người có định mạng gì sang cả hay chỉ là những bào ảnh, quang hoa nay còn mai mất; có hướng chiều nào nhất định mà đi, mà tiến, hay chỉ là những thân phận phù du, lạc lõng trên trùng dương thế hệ.
Sưu tầm
[1] cf. Cybernétique, électronique, automation. – Edition René Kister.
[2] “Que l’homme soit le produit de causes qui n’eurent jamais en vue le but de leurs efforts; que son origine, son développement, ses espoirs et ses terreurs ne soient que le résultat d’accidentelles collisions d’atomes…
Que ni feu, ni héroisme ni intensité de pensée ou de sentiment ne puissent prolonger une vie individuelle au delà de la tombe, que tous les labeurs des siècles, tout le dévouement, toute l’inspiration, tout l’éclat éblouissant du génie humain soit destiné à s’éteindre dans la vaste mort du système solaire, et que le temple tout entier de l’œuvre de l’Homme doive inévitablememt être enterré sous le débris d’un univers en ruines…
Lecomte du Noüy, L’homme devant la Science, page 198-199 - Note 1.
[3] Toutes ces choses, même si l’on peut les discuter sont cependant l’expression d’une vérité si proche de la certitude, que si elle les rejette, aucune philosophie ne peut espérer vivre.
Lecomte du Noüy, L’homme devant la Science, page 199.
[4] André Lamouche, Destinée humaine, page 154: “Atome dérisoire, perdu dans le cosmos inerte et démesuré, il sait que la fíévreuse activité n’est qu’un petit phénomène local éphémère, sans signification et sans but…”