Sự hiện hữu của vạn pháp trong vũ
trụ đều là mối quan hệ mật thiết qua ba thời theo nhịp đập của nhân quả duyên
sinh. Nếu thiếu sự tương quan thì các pháp không hình thành được, dù cho con
người có tồn tại thì cuộc sống cũng trở thành vô nghĩa. Cho nên, giữa cuộc đời
muôn hình vạn trạng, giữa nhân loại tư tưởng bất đồng, giữa hữu tình, vô tình…
tất cả hằng hiện hữu trong nhau không thể thiếu. Vậy, để cuộc sống có ý nghĩa
ta phải làm gì?
Chúng ta thấy, tri ân và báo ân
là hai yếu tố không thể thiếu để hoàn thiện nhân cách của một con người. Con
người ban sơ đón nhận trực tiếp tình thương của cha mẹ, rồi lớn dần, thầy bạn,
xã hội… đã cho ta cuộc sống, nhờ sự huân tập hoàn cảnh xung quanh và tự giác
của mỗi cá nhân mà ta trở thành người tốt hay xấu. Nhưng dù là ai, ta vẫn mãi
mãi còn mang ơn cuộc đời, còn mang ơn tất cả mọi người, mọi vật xung quanh
mình. Vì vậy, chúng ta phải luôn có tâm trân quý mọi người, trân quý tất cả. Đức
Phật dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và tất cả chúng sanh đều có khả
năng thành Phật”.
Cho nên, với người tặng niềm vui
ta phải biết quý trọng, với kẻ cho nỗi khổ ta vẫn phải tri ân. Con người được
trưởng thành, được hoàn thiện là nhờ học hỏi cái hay của thánh hiền và từ bỏ
tật xấu nơi phàm phu, nên tất cả mọi người đều là thầy của mình. Đức Khổng Tử
cũng đã nói: “Trong ba người đi chung đường, trong đó có thầy ta”. Chính vì thế
mà trong cuộc sống ngoài việc tu tập cho bản thân, ta phải luôn biết tri ân, có
bổn phận và trách nhiệm với mọi người xung quanh, để cùng mọi người kết thành
một khối tình thương chung trong nhân loại. Hơn nữa, một sự hiện hữu là một
nhân tố tăng thêm ý nghĩa sinh động của cuộc đời. Như trong thực tế:
Là con chim, thì nó còn phải hót ca để dâng tặng cho đời;
Là chiếc lá, thì nó còn phải xanh tươi để cho đời bao sức sống;
Là dòng sông, thì dòng sông thường bồi đắp phù sa cho ruộng đồng thêm
màu mỡ….
Còn chúng ta phải làm gì? Ca dao
Việt Nam
có ghi:
“Ăn một bát cơm, nhớ ơn người cày ruộng
Ăn dĩa rau muống, nhớ ơn người làm ao
Ăn một quả đào, nhớ ơn người vun gốc
Ăn một con ốc, nhớ ơn người đi mò
Sang đò, nhớ ơn người chèo chống
Nằm võng, nhớ ơn người mắc dây
Đứng mát gốc cây, nhớ ơn người trồng trọt.”
Hôm nay, cuộc đời đã cho ta quá
nhiều. Thuở chào đời cha mẹ cưu mang, đến lớn khôn ơn thầy giáo dưỡng… Từ đất
trời vạn vật bao la, đến cỏ cây, hoa lá, muôn loài… đã cho ta đầy đủ phương
tiện nương gá huyễn thân này để học hỏi tu tập, để được thăng hoa trong cuộc
sống. Vì thế, ta phải hằng tôn kính, tri ân tất cả.
Như lời của thi sĩ Bùi Giáng:
“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”
Như vậy để cuộc sống mỗi ngày có
ý nghĩa, xứng đáng hơn, ta phải thường tưới tẩm và gieo vào tâm thức mình những
hạt giống lành mang đầy tình thương và sự hiểu biết, để làm nhân tố thánh thiện
cho hiện tại và mai hậu. Bằng cách là hành trì trong thực tế, với lối sống biết
tri ân và báo ân. Hiếu kính cha mẹ, tôn thờ sư trưởng, kính nể người trên, ôn
hòa người dưới; sống trong chánh niệm, buông xả, vị tha, thiểu dục tri túc. Gạt
bỏ những tâm niệm ích kỷ nhỏ nhen, những hơn thua bỉ thử.... biết tùy hỷ với
niềm vui của người. Không tự ti mặc cảm khi thua kém người, cũng không ngã mạn
khoe khoang khi có chút tài năng hiểu biết.
Chúng ta nên biết, con người dù
có nhiều tật xấu đến đâu, trong họ vẫn luôn tồn tại cái hay cái đẹp, khi quán
sát kỹ ta sẽ thấy rõ. Với những vật vô tri có những lúc lại là yếu tố không thể
thiếu cho cuộc đời, cho con người. Như: hình ảnh một chiếc lá khô cũng đủ để
tăng thêm giá trị cho một bức tranh tuyệt tác; một tia nắng hồng nhỏ nhoi quẹt
qua sườn núi đủ làm tăng thêm vẻ ngoạn mục nơi miền sơn cước khi buổi hoàng
hôn… Những điều tuy nhỏ bé tầm thường nhưng vẫn không thể thiếu trong cái tổng
thể lớn lao. Thế mới biết, sự hiện hữu của con người, hàng tối linh trong loài
hữu tình là nhân tố trọng yếu. Cuộc đời khổ đau hay hạnh phúc cũng chính từ
đây.
Tóm lại, cuộc đời là sự kết nối
chặt chẽ giữa chúng hữu tình và vô tình, là chuỗi nhân quả duyên sinh trùng
trùng mà vạn pháp không thể thiếu nhau, trong đó con người đóng vai trò chủ
động. Tuy nhiên, con người độc lập thì không thể thành tựu sở nguyện, mà cần
phải nương vào nhiều yếu tố trợ duyên. Cho nên ta phải hằng biết tri ân tất cả.
Và để thể hiện lòng tri ân, thực tế ta phải hoàn thiện nhân cách đạo đức chính
mình. Bằng tình thương và tuệ giác, ta phải biết trân trọng cái hay cái tốt của
người, để đưa họ dễ hòa nhập với cuộc sống cộng đồng nhân sinh, ngõ hầu khai mở
tâm thức thánh thiện tiềm ẩn trong mọi người, để mình và người cùng được sống
trong hạnh phúc. Nếu mọi người đều thực hành được như vậy thì Tịnh độ sẽ hiện
hữu ngay ở nhân gian này.
Thích Nữ Thiện Tâm