Triết học hiện sinh - Một nhân bản thuyết?

Một số người, khi nghe đến 2 chữ hiện sinh là liên tưởng ngay đến một mớ tư tưởng sa đọa, là nghĩ đến và chỉ nghĩ đến tới Sartre, Francoise Sagan hay các nhân vật của họ. Nói khác đi, chiếc nôi của luồng tư tưởng ấy không phải là triết học Đức Pháp, mà chỉ là khu trụy lạc Saint Germain-des-Pres ở Paris, trong các quán rượu dưới đất (caves existentialistes), nơi mà các chàng thanh niên và các cô thiếu nữ “đợt sống mới” tha hồ sống bừa bãi , lang chạ, suốt ngày la cà bên bàn rượu, giải khát bằng rượu mạnh và cà phê, thở hơi bằng khói thuốc, và cử động theo nhịp điệu Twiss và Be Bop. . nhưng phải chăng đó là tất cả triết lí hiện sinh? Hay đó chỉ là bộ mặt mỉa mai, xấu xí nhất của nó? Vậy cũng cần phải phân tích để hiểu triết lí hiện sinh là gì?

1. Sự ra đời chủ nghĩa hiện sinh

Chủ nghĩa hiện sinh hiện đại ra đời sau đại chiến I tại Đức. Trung tâm của triết thuyết này chuyển sang Pháp từ sau đại chiến II; tiếp đó thuyết hiện sinh truyền bá tới châu Âu, Á, Phi, thập niên 60 đến Mỹ. Tác động tiêu cực của sự phát triển khoa học kỹ thuật (KHKT) và tai họa của hai cuộc đại chiến đã tạo điều kiện cho thuyết hiện sinh phát triển mạnh, có thể nói nó là sản phẩm của khủng hoảng xã hội và khủng hoảng KHKT.

Trong thế kỷ XX, Hiện Sinh là triết học chủ yếu, đã đưa con người trở lại với con người. Con người của thế kỷ XX, từ chối vai trò Thượng Đế.

Nhưng khi nói về hiện sinh, thì phải xác định được là thứ triết hiện sinh nào? Vì thuyết này có nhiều trường phái, nếu ngược về nguồn gốc thì phải kể đến Socrate, thánh Augustin, thánh Bernado rồi Pascal, Maine de Biran…. Còn người được tôn làm ông tổ của thuyết hiện sinh hiện đại là Kierkeggard, rồi phong trào hiện tượng học của E. Husserl, Nietzche, Heidegger, Sartre, K. Jaspers, G. Marcel, chủ nghĩa nhân vị của Mounier…và có thể nói rằng có bao nhiêu triết gia hiện sinh thì có bấy nhiêu thứ triết hiện sinh, nhưng tất cả đều có chung một điểm là vạch ra những cái “điên” của con người thời đại là: “ bỏ quên thân phận của chính mình và tha nhân”

2. Vài khái niệm quen thuộc của phong trào hiện sinh

Trước khi đi sâu vào triết lý hiện sinh, thì cũng nên tìm hiểu một vài khái niệm phổ biến mà người ta hay nghĩ đến khi nhắc tới phong trào hiện sinh.

Phi lí và chán mứa

J. P Sartre cho rằng cuộc đời là phi lí và chán ngấy, vì chúng ta không thể cắt nghĩa chúng ta xuất hiện từ đâu, tại sao sống và sống để làm gì? Phi lí vì cuộc sống của tôi không cần thiết, nó có thể có mà cũng có thể không? Là thừa vì nó không cần thiết, không phải là một đấng nào sinh ra tôi mà tôi là “kết quả của một sự gặp gỡ ngẫu nhiên giữa 2 yếu tố đực và cái tại một hầm rượu hay quán bar”. Sự phi lí đó đưa tôi đến một cảm giác buồn nôn khi nghĩ đến cuộc đời, hơn nữa bản thân tôi đây chẳng hơn gì gốc cây, cục sỏi…nhìn xa thì còn có chút mỹ thuật nhưng nếu xem lại gần thì mang đến cho tôi một cảm giác nhày nhụa, ghê tởm và buồn nôn. Điểm hấp dẫn của Sartre là đã nói lên cái phi lí của con người sống không ngày mai, phiêu lưu và bất định, ông đã phân tích tỉ mỉ vấn đề và cảm giác theo phương pháp hiện tượng luận.

Lo âu

Một chủ đề khác của thuyết hiện sinh là lo âu, khác với sợ sệt là có đối tượng, lo âu thì không, đó là một cảm giác triền miên không đối tượng, không biết là lo cái gì? Heidegger cho rằng ta lo ngại vì thấy mình có thể phạm tội và sẽ phải chịu sự phán xét trước mặt chúa. Heidegger và Sartre cho rằng con người luôn luôn lo âu là vì thấy mình có tự do, tự do đó có thể đưa mình đi rất xa đến những phương trời vô định. . lo âu vì tự thấy rằng mình là tác giả duy nhất của đời mình, của tương lai mình mà chính mình phải tự tạo và hoàn toàn chịu trách nhiệm. . lo âu vì không biết mình chết rồi sẽ đi về đâu?

Thân xác

Chống lại triết lí cổ điển chỉ chú trọng đến tinh thần, và xem thường thân xác, coi nó như là sa đọa, phong trào hiện sinh đã đặt lại vấn đề đề cao thân xác xem nó là yếu tố cấu tạo con người. Triết học duy lí xem con người chỉ như một tinh thần và nếu có nhận phần thân xác thì xem không hơn gì các sự vật khác trong nhiên giới. Ngược lại, phong trào hiện sinh cho rằng ta chỉ nhận ra con người và con người chỉ xuất hiện như con người nhờ thân xác và trong thân xác. Do đó thân xác cũng thiết yếu như là tinh thần, thật ra họ không phân biệt thân xác với tinh thần mà chỉ nói đến một thực tại duy nhất là con người, Grabriel Marcel viết trong Journal metaphysique: “Thân xác tôi không phải là một sự vật trong tổng số các sự vật, cũng không phải là vật gần tôi nhất…mà tôi là thân xác tôi” vì thân xác tôi chính là tôi. Quan niệm như vậy là đã tôn trọng giá trị của thân xác.

Tha nhân

Thuyết hiện sinh cho rằng tha nhân là yếu tố cấu tạo tôi, sống là sống với người khác, tôi không thể sống riêng lẻ mà luôn luôn liên hệ với người khác. Tôi không thể sống hay suy tưởng mà không có người khác. Và người khác cũng là những chủ thể có tự do như tôi, tương quan của tôi với tha nhân có thể là một mối giao hảo tốt đẹp hay chỉ là một cuộc tranh chấp không ngừng, nhưng tôi không thể rút mình ra, mà phải sống với cộng đồng. Chịu ảnh hưởng nặng nề của Hegel xem mối tương quan giữa con người trong lịch sử là tranh chấp, nên Sartre cho rằng sự hiện hữu của tha nhân là một sự đe dọa cho tôi, tha nhân là kẻ nhìn tôi, nhìn soi mói, trắng trợn là cho dự định và khí phách tôi bị tiêu tan, và tôi như bị chết đứng. Đối với Sartre, người khác là một tự do nhưng làm cho tự do tôi bị chết đứng, như vậy tha nhân xuất hiện trước mặt tôi như một chướng ngại mà tôi không thể lẩn tránh hay vượt qua.

Các triết gia hiện sinh công giáo như Karl Jaspers và G. Marcel thì cho rằng tương quan giữa con người và con người có thể có tình yêu, ông nói: “Không đau khổ nào cay nghiệt hơn là đau khổ vì thiếu tình thương”, Nếu Sartre phỏng lại lời của Descartes “Tha nhân nhìn tôi nên tôi hiện hữu” thì Emmanuel Mounier cho rằng: “Tôi yêu, nên tôi hiện hữu”.

Văn học hiện sinh

Triết học hiện sinh thường gắn với văn học. Có lẽ bởi nó là thứ triết học gắn liền với con người, cuộc sống và cái chết của con người, nghĩa là cùng có một đối tượng chung với văn chương. Văn học hiện sinh là văn mô tả, nhà văn hiện sinh mô tả sự vật, đặt sự vật dưới nhiều ống kính khác nhau. Lối mô tả này phát xuất từ Hiện tượng luận của Husserl, khác hẳn với lối mô tả trong văn hiện thực cổ điển, mà đoạn sau sẽ được đề cập đến.

Hai nhân vật tiêu biểu cho hai loại văn học hiện sinh rất khác nhau và cũng rất gần gũi với nhau: Jean-Paul Sartre và Albert Camus

Với Sartre, tự do là tự do cụ thể, nên nó là thứ tự do để. . . hành động. Nhưng là hành động đích thực, tức hành động do con người gánh vác trong hoàn cảnh và tình thế mà nó đang sống, nhất là khi nó đã vượt lên hoàn cảnh và tình thế đó bằng chính hành động của mình
Tư tưởng này đã được Sartre thể hiện trong nhiều tác phẩm văn học của ông như: tiểu thuyết hồi ký thì có Buồn nôn, Bức tường, Đường về Tự do, Chữ nghĩa . . . Kịch luận đề thì có Ruồi, Kín cửa, Chết không mồ, Gái điếm mà lễ độ, Tay bẩn, Quỷ thần và Thượng đế. . . Tiểu luận chính trị hay văn nghệ thì có các tập Nhận định, Văn học là gì? Các cuốn phê bình văn học như Baudelaire, Saint Genet, thằng hề và kẻ tuẫn đạo và Flaubert. . .

Tư tưởng hiện sinh của Camus xoay quanh hai khái niệm mấu chốt là cái phi lý và sự nổi loạn. Cuộc đời, thực ra, tự thân nó không phi lý, cũng như tự thân con người không phi lý. Nhưng tính chất phi lý nằm ở chỗ một bên là cuộc đời đầy rẫy trái tai gai mắt mà bên kia con người sáng suốt lại đòi hỏi mọi sự phải rạch ròi. Hai bên đối lập nhau như vậy, mà lại phải hiện hữu bên nhau hàng ngày. Qua các tiểu thuyết Người xa lạ, Ngộ nhận, Caligula, Camus muốn nói rằng tính chất phi lý này là sự thật chủ yếu của cuộc đời chúng ta.

Từ một số khái niệm bình dân hóa nêu trên để người đọc dễ dàng đi sâu vào bình diện thuần túy triết học mà người viết trình bầy tiếp theo sau đây:

3. Sự khác biệt của triết học cổ điển và triết học hiện sinh

Triết học cổ truyền từ Platon, Aristote đến Descartes, Kant, Hegel là thứ triết học thuần túy tư biện và xa cách con người.

Triết học cổ truyền Tây phương, thay vì giúp con người suy nghĩ về thân phận và định mệnh mình, lại chỉ khuyến khích con người quên mình để tìm hiểu những lẽ huyền vi của tạo hóa.

Trong cả bộ triết học Aristote, không dành phần nào cho con người hiện sinh hết, không bàn đến tự do, không bàn đến nhân vị, không bàn đến định mệnh và những gì đợi chúng ta sau khi chết. Vũ trụ to quá, át tất cả. Con người bị bỏ quên.

Vũ trụ quan của Aristote cho ta thấy một con người bị chìm trong vũ trụ. Hơn nữa, triết học cổ truyền, vì mải tranh luận về con người phổ quát, vì mải tìm đến con người lý tưởng, cho nên dễ bỏ qua con người bằng xương bằng thịt đang sống cuộc hiện sinh này

Descartes với sự khám phá ra chủ thể tính con người và tự do mang nặng chất hiện sinh, đã hé nhìn thấy đường đi của triết học. Đối với Descartes, không thể có triết học về vũ trụ mà chỉ có khoa học về vũ trụ và triết học về tinh thần. Đáng tiếc là Descartes đã chỉ dừng lại ở tinh thần con người mà không tìm hiểu con người như một thực thể sinh tồn, có thần, có xác.

Kant và Hegel còn đẩy xa tinh thần hơn nữa thành thử triết học vẫn luẩn quẩn trong thái độ ý niệm, coi con người là một vật thể, cho con người là thế này, thế kia. Trong khi con người có thể thế này mà cũng có thế thế kia, có thể là quỷ hay là thánh, có thể sống làm thân trâu ngựa, sướng đời con vật, hay trái lại cũng có thể chọn đời tù ngục, miễn là nói được sự thực và sống xứng đáng tự do.

Triết học Hiện Sinh xây dựng trên chủ thể tính, không coi con người là một sự vật của toàn bộ vũ trụ như trong triết học cổ điển nữa mà coi con người như một hữu thể đứng trên vũ trụ và có quyền gán cho vũ trụ một giá trị tùy quan điểm của mỗi người.

Khi con người đã ý thức được chủ thể tính của mình thì vũ trụ liền mất vẻ thần thánh của nó: những sấm sét, những tinh tú, mặt trời, mặt trăng không còn là những thần linh cao cả nữa . . . Con người nhận định một cách sáng suốt rằng: Không có sự vật gì có giá trị tuyệt đối.

Con người hiện sinh là con người tỉnh ngộ, dám nhìn thẳng vào sự thật với nhãn quan, với khả năng của mình. Nhãn quan này không phải là nhãn quan của Thượng Đế, cũng chẳng phải là nhãn quan của thần linh, của các bề trên, của vua chúa đời xưa, của lãnh đạo, lãnh tụ đời nay, của ông thầy hay của bất cứ ai ban bảo. Mà là nhãn quan của cá nhân mình.

Tự do ở đây không phải là cái tự do của thế giới tự do. Tự do ở đây là tự do hiện sinh, tức là tự do bên trong, tự do phát xuất từ bản thể. Tự do lựa chọn, tự do quyết định. Tự do ở đây là dám là mình. Nếu tôi cứ sống như cái máy, ở trên bảo sao tôi làm vậy, người ta bảo sao mình làm vậy, thì tôi mới chỉ sống như một sinh vật, chưa sống cái kiếp người của tôi. Cuộc sống ù lì đó, sống chỉ để sinh tồn, sống như cây cỏ đó, Sartre gọi là buồn nôn, Camus cho là phi lý, Heidegger gọi là tầm thường, và con người muốn vượt khỏi cuộc sống tầm thường, buồn nôn, phi lý, thì phải vượt lên trên mình, phải sống một cách độc đáo (unique), phải là một chủ thể độc đáo (subjet unique). Độc đáo ở đây không có nghĩa lập dị mà chỉ có nghĩa là tự do chọn lấy một lối sống riêng, không bắt chước người khác và cũng không chịu sự sai bảo, kiềm chế của người khác. Độc đáo là tự xác định nhân vị của mình. Nhân vị và tự do là nội dung của Hiện Sinh.

J. P. Sartre có một tóm tắt rất nổi tiếng về triết học hiện sinh: Hiện sinh có trước bản chất. Đây chính là điều khác biệt về căn cốt giữa triết học hiện sinh và triết học cổ truyền. Một đằng cho rằng hiện sinh có trước bản chất, đằng kia quyết đoán rằng bản chất có sẵn trong hiện sinh của mọi sự vật và quyết định sự vật.

4. Các trường phái của triết học hiện sinh

Triết học hiện sinh có nguồn gốc từ tư tưởng của triết gia duy tâm thần bí S. A. Kierkegaard (1813-1865), triết gia hiện tượng luận E. Husserl (1859-1938), triết gia chủ nghĩa trực giác H. Bergson (1859-1941), triết gia thuyết duy ý chí F. Nietzsche (1844-1900). Các nhà văn Dostoyevsky, Kafka được coi là có tư tưởng hiện sinh. Trong các triết gia hiện sinh có người thuộc phái hữu thần như K. Jasspers (1883-1969), G. Marcel (1889-1978) v. v. . . và phái vô thần như M. Heidegger (1889-1976), J. P. Sartre (1905-1980) v. v. . .

A) Hiện sinh hữu thần

Từ Kierkergaard -bắt nguồn từ những truyền thống Hy Lạp (Socrate) và Thiên Chúa Giáo- hướng về Thượng Đế.

Kierkergaard nhìn thấy trong kinh nghiệm sống của mình, ba giai đoạn hiện sinh:

Giai đoạn đầu là giai đoạn hiếu mỹ: thời còn sinh viên, chìm đắm trong sắc dục, bị cám dỗ. Kierkergaard bắt đầu suy nghĩ về tội lỗi, về buồn chán, về khổ đau. . Giai đoạn thứ nhì là giai đoạn đạo hạnh: Kierkergaard yêu người con gái tên Régine Olsen, ông chấm dứt thời kỳ phiêu đãng, ăn chơi. Ông muốn người yêu cùng với mình vươn lên tới sự cao cả.

Giai đoạn thứ ba: giai đoạn tôn giáo. Đặc tính của đời sống tôn giáo gồm hai chữ độc đáo và tin yêu. Theo Kierkergaard, con người tôn giáo là con người đã tìm được nhân vị của mình, không còn bị trói buộc bởi những luật lệ phổ quát của luân lý nữa. Nếu hỏi: Tại đâu con người có thể biết mình là một nhân vị độc đáo? Kierkergaard trả lời: Tự ý thức về tội lỗi. Chính tội lỗi là cái làm cho con người tự cảm thấy đơn độc. Tội lỗi làm cho con người có tương quan với tuyệt đối, dám tiếp xúc với thực tại cao cả nhất là Thượng Đế. Kierkergaard đã thật sự mang triết học về với con người

B) Hiện sinh vô thần

Từ Nietzsche -bắt nguồn từ những tư tưởng ngược chiều với truyền thống Hy Lạp- Nietzsche chủ trương tiêu diệt Thượng Đế để tiến tới con người, con người siêu nhân (surhomme).

Nietzsche chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của Schopenhauer, triết gia Đức đầu thế kỷ XIX. Tư tưởng Schopenhauer có ba điểm chính:

* Vai trò vô cùng quan trọng của chủ thể. Schopehauer chủ trương: Vũ trụ là cái nhìn của tôi. Câu này chứng tỏ không có một vũ trụ bất biến cho tất cả mọi người mà chỉ có những cái nhìn từ những quan điểm nhất định nào đó về vũ trụ. Schopenhauer xác định chủ thể tính là một trong những tính chất cơ bản của triết học Hiện Sinh.

* Điểm thứ nhì là vai trò quan trọng gán cho ý chí. Các triết gia trước Schopenhauer đều coi trí tuệ là thành phần chủ lực trong con người. Nhưng Schopenhauer chủ trương và chứng minh rằng: "Ý chí mới là yếu tố căn nguyên và nền tảng trong con người; chính ý chí hướng dẫn và cai trị trí tuệ và tiềm năng". Theo ông, chân lý bao giờ cũng là một thái độ của một người đối với một hoàn cảnh nhất định. Cho nên chỉ có chân lý khi có tôi và đối tượng của tôi. Không có chân lý viết sẵn cho tất cả mọi người.

* Điểm thứ ba: Vai trò quan trọng của thân xác và nhân vị. Schopenhauer cho rằng: "Chủ thể tri thức là một người sống thực, một nhân vị với thân xác nhất định. Sở dĩ tôi nghĩ thế này mà không nghĩ như anh A, anh B và tất cả mọi người khác vì tôi là một nhân vị độc đáo. "

Tóm lại, ba yếu tố chủ thể, ý chí và thân xác trong triết học Schopenhauer sau này sẽ là những thành tố quan trọng của triết học Hiện Sinh.

Từ ảnh hưởng Schopenhauer, Nietzsche đã xây dựng nền triết học của mình trên hai cơ sở:

một. Phê bình các giá trị cổ truyền và dựng thuyết siêu nhân tức thuyết con người mới của Nietzsche. Ngay từ những tác phẩm đầu tay như Nguồn Gốc Của Bi Kịch và Sự Phát Sinh Của Triết Học (La naissance de la philosophie), Nietzsche đã đả phá triệt để triết học duy niệm mà ông coi Socrate là tổ phụ.

2. Theo Nietzsche, không thể có chân lý trừu tượng. Chân lý trừu tượng chỉ là một thứ tri thức do người khác dạy và ta chấp nhận mà không xem lại. Cái hợp lý là cái trừu tượng, nó lạnh lùng như xác chết nên nó vô bổ cho cuộc hiện sinh. Nietzsche tranh đấu cho một tri thức mới: tri thức cụ thể gắn liền với thực tế sống động. Tri thức cụ thể nằm trong cuộc sống hiện sinh của mỗi người và nó có những thước đo khác nhau tùy theo quan điểm của từng người.

C) Hiện tượng luận của Husserl

"Husserl (1859-1938) đã coi khoa Hiện tượng học là một cái nhìn cách mạng triệt để, chấm dứt thời kỳ ngây thơ của những triết gia và khoa học gia đi trước ông. Ông thường gọi Hiện tượng học là Căn để chủ nghĩa (radicalisme), vì nó có chủ đích tìm hiểu đến nguồn ngọn tri thức của con người dưới tất cả mọi hình thức, từ hình thức thường nghiệm đến hình thức khoa học. "

Trước Husserl đã có hai quan niệm cổ điển về vũ trụ. 1) Vũ trụ bất biến, con người phải tìm ra cái nhìn đích thực về vũ trụ. 2) Chủ thể có quyền tuyệt đối về vũ trụ tức là chủ thể xác định vũ trụ. Hiện tượng luận của Husserl dung hòa hai quan niệm trên và đưa ra cái nhìn mới để ghi nhận những biến thái muôn mầu của vũ trụ.

Theo Husserl, chủ thể không có quyền tự đặt mình làm tuyệt đối và đối tượng (tức sự vật) cũng không phải là bất biến. Bởi vì cùng một sự vật mà mỗi người chúng ta thấy nó một cách khác nhau. Đối với Husserl, thì tôi coi sư vật là đối tượng, tức là môt hiện diện, sự vật là một hữu thể đang đối diện và đối thoại với tôi. Cho nên tôi và sự vật (hay vũ trụ) là đồng hạng với nhau, không ai có quyền tuyệt đối trên ai.

Hiện tượng luận không dành ưu tiên cho bất cứ một cách nhìn nào về sự vật, về vũ trụ, nhưng nó quyết tâm tra vấn những cái nhìn đó, không coi cái nhìn nào là tất nhiên nữa, và quyết chí tìm cho ra cái nền tảng căn do đã làm cho ta nhìn thế này mà không nhìn thế kia.

Hiện tượng luận dựa trên phương pháp khoa học được Husserl gọi là những giảm trừ (reduction). Có ba giảm trừ chính:

- Giảm trừ triết học: buộc ta phải xét lại tất cả những học thuyết của tiền nhân.

- Giảm trừ yếu tính: giúp ta đặt vũ trụ hiện hữu vào trong ngoặc đơn để chỉ nhắm nó như một hiện tượng.

- Và sau đó là giảm trừ Hiện tượng luận: nhờ đó ý thức được gỡ ra khỏi tất cả những bám víu của thái độ duy nhiên trước đây để chỉ còn là những cái nhìn thuần túy, trắc, diện về mọi sự, kể cả những tâm tình của chủ thể.

Jean Paul Sartre đã áp dụng Hiện tượng luận vào mọi thể loại văn học của ông, từ phê bình đến truyện ngắn, kịch . . . Ví dụ cách mô tả nhân vật của Sartre qua Roquentin trong Buồn Nôn. Ông đã mổ xẻ đến kiệt cùng sự nhận thức của Roquentin về chính mình, về từng động tác, từng cảm giác, từng tri giác của chính mình. Trong truyện ngắn Le mur, Bức Tường, Sartre đã dùng Hiện tượng luận để mổ xẻ nỗi sợ của con người, chủ yếu là của những tử tù trước khi chết. Trong Les Mots, Chữ Nghĩa, Sartre đã dùng Hiện tượng luận để mổ xẻ xã hội trưởng giả mà ông xuất thân, qua ngôn ngữ của chính nó. Trong Quest ce que la littérature, Văn Chương Là Gì?, Sartre dùng Hiện tượng luận để tra khảo văn chương, tìm đến nguồn cội của sự viết, cách viết, tại sao viết . . . Tóm lại, Hiện tượng luận cho phép tác giả đi đến kiệt cùng một hiện tượng, một vấn đề mà tác giả muốn trình bầy cho người đọc.

D) Hiện sinh Phi tư tưởng của Krishnamurti

Đầu thế kỉ thứ 20, Krishnamurti đã đi rao giảng khắp thế giới một thứ triết lý mà ta có thể tạm gọi là “hiện sinh phi tư tưởng”. Ông cho rằng con người phải sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại, ở trạng thái phi tư tưởng thì sẽ cảm nhận được một sự hạnh phúc và sẽ có một cảm giác hòa lẫn với vũ trụ, trong đó mọi sự xung đột nội tâm đều chấm dứt. Mà đã phi tư tưởng thì sẽ không còn đau khổ, đau khổ là sản phẩm của tư tưởng, con người do tích trữ quá nhiều tri thức, kinh nghiệm rồi dựa vào đó để “nhìn”, để có quan điểm và chính kiến về một việc nào đó, và nếu thấy điều gì khác với những cái được tích lũy trong đầu của mình, trái với ý mình thì sẽ phát sinh tư tưởng phản đối và loại bỏ. Đau khổ sẽ phát sinh do mâu thuẫn nội tại.

Kết luận

Tóm lại có thể tóm tắt rằng triết học Hiện Sinh là một thứ triết học của sự phản kháng, phản kháng vai trò lu mờ của con người và nó đã đưa con người trở lại với con người, con người bằng xương bằng thịt, từ chối vai trò Thượng Đế trong việc hướng dẫn thái độ sống cho con người. Con người tự quyết định số phận của đời mình, tự do sống theo ý mình thích. Từ câu hỏi “đời người có nghĩa hay vô nghĩa?” tiến sang một thái độ sống chỉ có một bước, bước đó tùy ở việc ta chấp nhận ý nghĩa của cuộc đời mà ta lựa chọn và như thế có thể nói Triết hiện sinh là triết học của sự chọn lựa”. Nhưng do sử dụng quyền tự do cá nhân quá nhiều, suy nghĩ quá nhiều lại đưa tới sự xung đột nội tâm và không thể thoát ra mạng lưới tư tưởng do con người tự tạo cho mình. Do vậy, việc trở lại với trạng thái hiện sinh “Phi tư tưởng” là điều cần thiết nếu con người muốn có hạnh phúc trong cuộc sống, đó là một thứ có thể tạm gọi là triết lý sống được rao giảng bởi Krishnamurti.

Và vì triết học hiện sinh gắn liền với văn học cho nên nhà văn hiện sinh cũng từ chối vai trò sáng tạo theo phong cách Thượng Đế của các thế kỷ trước, nghĩa là "biết tất cả". Nhà văn hiện sinh, nhũn nhặn trở lại địa vị con người, sáng tác bằng những gì thuộc khả năng của mình, họ viết với tri giác, với trí tưởng tượng và hồi ức của họ dựa vào Hiện Tượng luận của Husserl đã đưa ra cách mô tả mới. Đó là cách nhìn sự vật từ nhiều hướng khác nhau, giúp các tiểu thuyết gia có những phương tiện mới để nhận thức về sự vật. Nếu đi sâu vào Hiện tượng luận thì nhà văn sẽ khó có thể bí đề tài, bởi bất cứ một đề tài nào, ta cũng có thể đào bới nó bằng trăm cách nhìn, cách viết khác nhau: Một mái đình làng, một cuộc lễ hội, một đám cháy v. v. . . tất cả đều có thể được khảo sát đến vô cùng bằng phương pháp nội soi vừa khoa học, vừa triết học, vừa văn chương của Hiện tượng luận. Đây là cũng một loại văn học của sự phản kháng, phản kháng lại cách nhìn phiến diện của nền văn học cổ điển trước kia. Tất cả đều là sự phản kháng, sự nổi loạn để đòi hỏi vị trí làm chủ của con người trong vũ trụ. Nhưng ông chủ cũng có khi tự giết mình do sử dụng quá đáng sự tự do cá nhân trong việc hưởng thụ vật chất và mâu thuẫn trầm trọng với tha nhân và chính mình trong việc xung đột tư tưởng…. .  

Hoàng Nguyên
Nguồn: sachxua. net
Previous Post
Next Post