Ước muốn của con người

Trong giáo lý Phật giáo, ước muốn của con người thường được giảng giải như là đầu mối của mọi rối ren, bất an và đau khổ. Luật Sa di coi ước muốn là gốc rễ của sinh tử luân hồi: "Sinh tử căn bản dục vi đệ nhất". Từ đó, đề ra nhiều phương thức khác nhau để đoạn trừ các ước muốn (dục). Cũng vì vậy, người hiểu lầm cho rằng giáo lý đạo Phật triệt tiêu sự sống, là bi quan yếm thế, mơ tưởng về thế giới khác (không có dục).

Người ta sống mà không có năm thứ dục thì cuộc đời có gì vui? "Đa dục vi khổ, vô dục vi lạc", nói không có dục là sướng, là một vấn đề không dễ thuyết phục mọi người. Một cách nhìn khác cho rằng, dục chính là đời sống, lập nên sự sống. Vậy, diệt dục là diệt sự sống, ít nhất cũng cản trở sự phát triển của xã hội.

Dục, tiếng Phạn là Kama, tức sự ham muốn về năm đối tượng: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ; hoặc sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm dịu. Ham muốn năm thứ ấy là bị đau khổ và sinh tử luân hồi.

Dưới góc độ là động lực của sự sống, dục hay ước muốn khởi lên là do nhu cầu tự nhiên. Ví dụ, muốn ăn là do nhu cầu thân thể cần thức ăn. Do muốn ăn nên siêng năng làm lụng, lao động. Con người muốn mọi thứ nên phải kiếm tiền, muốn ăn ngon, mặc đẹp, phương tiện xe cộ, máy móc… ước muốn từ những nhu cầu căn bản cho đến cao xa như vị trí xã hội, tri thức, tâm linh...

Nhu cầu sống đi đôi với ước muốn hưởng thụ, tức muốn có một cuộc sống sung sướng. Cái gì thỏa mãn sự ước muốn ấy, đều tạo nên sức mạnh chi phối hành vi của con người. Con người có thể nêu ra những mục tiêu cao đẹp, thánh thiện, nhưng nếu không có niềm vui và lợi ích cho ước muốn hưởng thụ, thì sẽ dễ buông bỏ nửa chừng, bởi "Có thực mới vực được đạo". Vì nhu cầu tầm thường, con người có thể bị lệ thuộc vào các thế lực phàm tục, kể cả thế lực thần thánh. Cầu nguyện để trúng số, người ta có thể cầu khấn bất cứ ai: gốc đa, tảng đá, ông cọp, cho đến các vong hồn vất vưởng hay một kẻ độc ác như Pol Pot ở Campuchia (người ta thường cầu trúng số đề nơi mộ ông ta) v.v…, không nhất thiết đối tượng cầu phải là Phật Thánh cao siêu.

Vì vậy, những vấn đề được coi là cao siêu như lý tưởng giải thoát, niệm Phật cầu vãng sanh hay công đức từ thiện, xã hội… đôi khi có động lực cụ thể là thỏa mãn nhu cầu cấp thấp. Một hành động anh hùng nhiều lúc chỉ vì một ánh mắt hay một nụ cười của mỹ nhân.

Vì sao người ta có những ước muốn ấy? Vì có các nhu cầu căn bản như: nhu cầu sống, ăn uống, ngủ nghỉ, duy trì nòi giống, an ổn, tự vệ; nhu cầu hưởng thụ: vui vẻ, sung sướng, khoái lạc (dục ái). Nhu cầu phô trương bản ngã (hữu ái), muốn khẳng định giá trị của mình trong xã hội, kể cả thể hiện ý chí của mình sau khi chết. Nhu cầu triệt tiêu đau khổ (vô hữu ái), muốn chấm dứt sự khó chịu, muốn chết hay không sợ chết. Có trường hợp khi gặp một tai họa không chịu đựng nổi, người ta muốn tự tử để thoát khỏi nỗi khổ ấy. Trên thế giới, tự tử là nguyên nhân chết người thứ hai sau tai nạn giao thông, theo thống kê mỗi năm khoảng 12.000 người chết vì tự tử (ở Pháp). Nguyên nhân là họ không chịu nổi cảm giác đau khổ trong cuộc sống hay một nỗi cô đơn tận cùng… Theo Phật giáo thì họ thất vọng về cuộc sống, họ muốn thoát ra khỏi tình trạng tuyệt vọng và khốn đốn ấy, họ muốn hủy diệt chúng. Điều đó hàm ý rằng, họ đi tìm một thế giới khác dễ chịu hơn thế giới này.

Nhu cầu bản năng như là một thiên tính, là nghiệp lực của con người. Vì vậy, nó đeo đuổi, gắn chặt, điều động cuộc sống con người, không chừa lĩnh vực nào kể cả các danh nghĩa cao siêu nhất, làm cho con người sống trong dòng ô nhiễm, như một loài sinh vật cấp thấp. Dục, trong ý nghĩa dục vọng bản năng, thật quả gây khổ hơn là hạnh phúc.

Phải chăng con người chỉ có nhu cầu bản năng và phô trương bản ngã? Con người có nhu cầu khác, thầm kín hơn nhưng không kém phần mạnh mẽ, đó là nhu cầu thoát khỏi sự trói buộc của bản năng, của thú tính, có thể gọi là nhu cầu giải thoát, hoặc nhu cầu tâm linh. Đó là tiếng gọi của nguồn tâm sâu thẳm vốn bị che kín bởi bản năng dục vọng. Tiếng gọi ấy sẽ mạnh dần lên theo tuổi tác và kinh nghiệm sống. Nó là một nhu cầu cấp cao. Theo nhà tâm lý học Maslow, sau khi thỏa mãn nhu cầu cấp thấp, con người sẽ hình thành nhu cầu cấp cao. Điều này có thể đúng với một số trường hợp, nhưng theo Phật giáo, có những trường hợp nhu cầu cấp cao hình thành sẵn nơi một người mà ta thường gọi là có thiện căn, còn gọi là Bồ đề tâm. Đây là cơ sở để đạo Phật thiết lập con đường hướng thượng và các phương thức thực tập, tạo cơ hội cho năng lực tâm linh phát triển. Nói khác, chúng kích thích phát triển nhu cầu cấp cao.

Kinh Thánh Cầu (Ariyapariyesana Suttam), Đức Phật dạy rằng ước muốn của con người có hai loại: Một là ước muốn phàm tình, hai là ước muốn thánh thiện. Ước muốn phàm tình là những ước muốn hưởng thụ các dục lạc, muốn đạt được các giá trị vật chất như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng… ước muốn ấy sẽ đưa đến tái sinh và đau khổ. Người hướng đến mục tiêu vật chất, theo Đức Phật, mục tiêu đó là ảo ảnh. Ở Mỹ, có câu chuyện đua chó tại Florida: Đàn chó đua săn đuổi theo con mồi là một con thỏ điện tử. Sau hai vòng đua, con thỏ phát nổ và bốc cháy. Đàn chó lúng túng, con thì dừng lại thở hổn hển, con thì quá cuồng nhiệt đột nhiên mất mục tiêu chạy đâm vào thanh chắn gãy xương, con thì quay lại cắn cái đuôi của mình, một số khác thì ngước mặt lên trời tru inh ỏi. Chúng ta cũng vậy, đều có một con thỏ làm mục tiêu là tình hay tiền… Điều gì xảy ra nếu những mục tiêu tương lai của mình đột nhiên tan biến? Đức Phật dạy: "Những người bị trói buộc, bị tham đắm, bị mê say các đối tượng dục lạc… đó là những người đã rơi vào bất hạnh, rơi vào tai họa, đã bị ác ma sử dụng theo ý nó muốn" (Kinh Thánh Cầu). Ngài khuyên không nên đặt mục tiêu nơi đối tượng dục lạc mà hãy nuôi dưỡng một ước vọng cao đẹp, thánh thiện là đạt được an lạc tuyệt đối, Niết bàn.

Ước muốn thánh thiện hay nhu cầu cấp cao cần phải được khơi nguồn, phải kích thích và nuôi dưỡng để nó lớn dần lên. Ước muốn thánh thiện biểu hiện ở nơi hành vi và ngôn ngữ, nhưng phần lớn chúng ở nơi sâu thẳm trong tâm thức của mình dưới dạng năng lượng. Chúng khó phát triển vì ước muốn phàm tình bao giờ cũng mạnh mẽ và dễ thỏa mãn. Mặt khác, ước muốn phàm tình có một hệ thống vững chắc. Một là, nó được cài đặt từ quá khứ, là động lực đưa ta sinh ra trong cõi đời này, nên nó có khả năng chi phối hệ thống tâm thức, tạo thành một dòng sống tự nhiên. Hai là, chúng được xã hội hóa, nghĩa là mọi người trong xã hội đều hướng đến tìm kiếm giá trị vật chất, chúng là thước đo của thành công và hạnh phúc. Người từ bỏ giá trị vật chất, tìm kiếm giá trị tinh thần thường bị mọi người coi là… không bình thường.

Bắt đầu bằng sự nhìn thấy rõ những mục tiêu phàm tục là ảo ảnh và khổ đau - tính tự giác sẽ xuất hiện. Một sự soi sáng lóe lên trong tâm thức, làm lay động thành trì và hang động của ma vương. Sự hình thành một ước vọng, có tác dụng kích thích, làm năng lượng thánh thiện trong sâu thẳm tâm thức thoát ra ngoài, mọi sự mầu nhiệm đều có thể xảy ra. Khi ta có một ước muốn, nếu ước muốn đó mạnh hơn tất cả những ước muốn khác, thì ta bắt đầu định hướng cho số phận của mình.

Tóm lại, ước muốn của chúng ta có nhiều sắc thái khác nhau và ý nghĩa khác nhau. Quan niệm về ước muốn có hai hướng: ước muốn cấp thấp (kamachanda) và ước muốn cấp cao (dhamma chanda). Ước muốn cấp thấp bao gồm các nhu cầu sinh lý như ăn uống, ngủ nghỉ, nhu cầu an ổn và hưởng thụ các lạc thú. Ước muốn cấp cao bao gồm nhu cầu giải thoát khỏi sự trói buộc của dục vọng thấp hèn, nhu cầu thể nhập thế giới tinh thần tâm linh siêu thoát, nhu cầu đạt được đời sống vĩnh cửu. Cả hai nhu cầu ấy đều có trong mỗi con người.

Mỗi người đều có một mong cầu, ước muốn riêng. Mục tiêu chính yếu của chúng ta là hoàn thiện những điều chưa hoàn thiện. Suốt trong cuộc hành trình vô tận của kiếp người, điều căn bản là làm thế nào để thỏa mãn nhu cầu cấp thấp mà không tổn hại đến nhu cầu cấp cao. Đó chính là ý nghĩa tu học của chúng ta.

Previous Post
Next Post