Trên vài thập kỷ qua, quan điểm của Đức Đạt Lai Lạt Ma về bản tính từ bi tiềm ẩn của con người dường như tiến bộ rất chậm tại Phương Tây, mặc dù đã có sự tranh đấu. Khái niệm về cách ứng xử của con người chủ yếu là ích kỷ, cơ bản là tìm kiếm cho chính mình, đã ăn sâu vào tư tưởng Tây Phương. Tư tưởng ấy không chỉ chúng ta vốn ích kỷ mà còn hung hăng và thù nghịch là một phần bản tính căn bản con người đã ngự trị văn hóa chúng ta nhiều thế kỷ. Đương nhiên, theo lịch sử có rất nhiều người có quan điểm đối nghịch. Chẳng hạn, vào giữa thế kỷ thứ 17, David Hume viết rất nhiều về "lòng nhân từ tự nhiên" của con người.
Và vào thế kỷ sau, ngay chính Charles Darwin cho rằng " bản năng đồng cảm" là của loài người. Nhưng vì một lý do nào đó, quan điểm bi quan hơn về nhân tính đã bén rễ trong nền văn hóa của chúng ta, ít nhất từ thế kỷ thứ 17, dưới ảnh hưởng của các triết gia như Thomas Hobbes, người đã có một quan điểm khá tối tăm về loài người. ông hình dung loài người như là hung bạo, tranh đua, luôn luôn trong xung đột, và chỉ quan tâm đến quyền lợi bản thân. Hobbes nổi tiếng coi nhẹ bất cứ khái niệm nào về lòng tốt căn bản của con người, một lần bị bắt gặp đang cho tiền cho một người ăn xin tại hè phố. Khi được hỏi về sự bốc đồng rộng lượng đó, ông nói "Không phải tôi làm như vậy để giúp đõ hắn, tôi làm vậy là để giảm bớt khổ đau của tôi khi nhìn thấy sự nghèo nàn của người đó".
Tương tự như vậy, vào đầu thế kỷ này, George Santayana, một triết gia sinh ra tại Tây Ban Nha, viết rằng những thôi thúc hào phóng, giúp đỡ, trong thời gian người ta tồn tại, thường là rất yếu, phù du, và không vững vàng trong bản tính của loài người nhưng, "chỉ cần phanh phui một chút dưới bề mặt đó bạn sẽ thấy một con người tàn bạo, cố chấp, hết sức ích kỷ ." Bất hạnh thay, khoa học và tâm lý học Tây Phương chộp lấy khái niệm đó, thừa nhận thậm chí khuyến khích quan điểm ích kỷ ấy. Ngay trong những ngày đầu của khoa học tâm lý hiện đại, đã có sự thừa nhận cơ bản chung tiềm ẩn là tất cả các động cơ thúc đẩy của con người chủ yếu là ích kỷ, hoàn toàn dựa vào quyền lợi bản thân.
Sau khi hoàn toàn chấp nhận tính ích kỷ chủ yếu của chúng ta là một tiền đề, một số khoa học gia lỗi lạc hơn trăm năm qua đã tăng thêm niềm tin vào điều này về bản tính thực chất hung hăng của con người. Freud nói rằng "khuynh hướng hung hăng là một thiên hướng trước tiên, tự tồn tại và bản năng." Ở cuối thế kỷ này, hai nhà văn, Robert Ardrey và Konrad Lorenz, nhìn vào kiểu hoạt động sinh vật ở một số loài ăn thịt sống, kết luận con người căn bản cũng là loài ăn thịt sống, có ham muốn bẩm sinh hay bản năng tranh giành lãnh thổ.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, xu thế có vẻ chống lại quan điểm hết sức bi quan về nhân loại tỏ ra gần hơn với quan điểm của Đức Đạt Lai Lạt Ma về bản tính tiềm ẩn của chúng ta là hòa nhã và tình thương. Trên hai hay ba thập niên qua, đã có đến hàng trăm nghiên cứu khoa học cho thấy tính hung hăng không nhất thiết là bẩm sinh và cách cư xử bạo lực bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố về sinh học, xã hội, địa dư và môi trường.
Có lẽ báo cáo bao quát nhất về nghiên cứu mới nhất được tổng kết trong bản Tuyên Bố Seville 1986 về Bạo Lực do 20 khoa học gia đứng hàng đầu trên khắp thế giới soạn thảo và ký. Đương nhiên trong tuyên bố này họ thừa nhận cách cư xử bạo lực đang xẩy ra, nhưng họ khẳng định là theo khoa học khi nói rằng chúng ta kế thừa khuynh hướng để gây chiến tranh và bạo lực là sai. Cách cư xử ấy không phải do di truyền đặt vào bản tính con người. Họ nói rằng dù chúng ta có bộ máy thần kinh bạo hành thì cách cư xử ấy cũng không tự động hoạt động. Không có gì trong sinh lý học thần kinh bắt buộc chúng ta bạo hành. Khảo sát vấn đề bản tính căn bản của con người, hầu hết các nhà nghiên cứu trong lãnh vực này hiện cảm thấy cơ bản là chúng ta có tiềm năng phát triển thành người hòa nhã, chu đáo hay bạo lực, hung hăng, khuynh hướng hành động được nhân mạnh nhiều vào vấn đề huân luyện.
Những nhà nghiên cứu đương đại nay đã bắt bẻ không chỉ khái niệm về tính hung hãn bẩm sinh của con người, mà cả khái niệm con người bẩm sinh vị kỷ và ích kỷ cũng bị công kích. Những người điều tra nghiên cứu như C. Daniel Batson hay Nancy Eisenberg của Đại Học Tiểu Bang Arizona đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu trong những năm vừa qua cho thấy con người có khuynh hướng về cách đối xử vị tha. Một số nhà khoa học như Tiến sĩ xã hội học Linda Wilson cũng tìm cách khám phá tại sao điều này lại như vậy. Đức tính vị tha theo lý thuyết của bà là một phần bản năng sinh tồn - hết sức đối lập với lý thuyết của những nhà tư tưởng trước đây cho rằng thái độ thù nghịch và hung hãn là tiêu chuẩn xác nhận bản năng sinh tồn của chúng ta. Nhìn vào trên hàng trăm thảm họa tự nhiên, Tiến sĩ Wilson tìm thấy một mẫu hình mạnh mẽ về lòng vị tha trong số những nạn nhân thảm họa dường như là một phần của tiến trình khôi phục. Bà thấy rằng cùng nhau làm việc giúp đỡ lẫn nhau có khuynh hướng tránh các khó khăn tâm lý sau này có thể xẩy ra do chân thương.
Khuynh hướng liên kết chặt chẽ với những người khác, hành động vì phúc lợi của người khác cũng như cho chính mình, đã ăn sâu trong bản tính con người, được tôi luyện trong quá khứ xa xăm khi người ta cùng liên kết lại và trở thành thành viên của một nhóm có cơ may sống sót cao hơn. Nhu cầu thiết lập quan hệ xã hội chặt chẽ vẫn còn dai dẳng cho đến ngày nay. Trong những cuộc nghiên cứu, như trong cuộc nghiên cứu của Tiến Sĩ Larry Scherwitz, khảo sát những nhân tố rủi ro về bệnh động mạch vành tim, cho thấy những người thích nổi bật (những người thường nhắc mình bằng cách dùng những đại từ như "Tôi", và "của tôi" trong các cuộc phỏng vấn) dễ bị bệnh động mạch vành nhiều hơn, cả khi những cách đối xử đe dọa sức khỏe được kiềm chế. Các nhà khoa học khám phá ra rằng những người ít có mối liên hệ xã hội, dường như bị kém sức khỏe yếu, mức độ bất hạnh phúc cao hơn, và dễ bị căng thẳng hơn.
Chìa tay giúp đỡ người khác có thể là cần thiết cho bản tính chúng ta cũng như giao tiếp. Ta có thể làm một sự so sánh với sự phát triển ngôn ngữ, giống như khả năng có tình thương và lòng vị tha, là một trong những nét đẹp của loài người. Những khu vực đặc biệt của bộ não dành riêng cho tiềm lực về ngôn ngữ. Nếu chúng ta được đặt vào hoàn cảnh môi trường phù hợp, tức là, một xã hội biết nói, thì những nơi kín đáo của não bắt đầu phát triển và hoàn thiện và khả năng về ngôn ngữ tăng trưởng.
Cũng giống như vậy, tất cả ai cũng được phú cho "hạt giống của tình thương". Khi được đặt vào hoàn cảnh thích hợp - ở nhà, hay ở ngoài xã hội nói chung, và sau đó nhờ vào những cố gắng rõ rệt của mình - "hạt giống" ấy sẽ thăng hoa. Với khái niệm ấy trong tâm, các nhà nghiên cứu hiện đang tìm cách khám phá ra những hoàn cảnh môi sinh tốt nhất để hạt giống quan tâm và tình thương chín muồi nơi con cái. Họ đã nhận biết một số nhân tố: có những bậc cha mẹ có thể điều hòa được cảm xúc, làm gương về cách đối xử chu đáo, dạy bảo giới hạn về tư cách đạo đức của con cái, truyền đạt cho chúng hiểu trách nhiệm về tư cách của chúng, và dùng lý luận để giúp con cái hướng sự lưu tâm tới các trạng thái cảm xúc hay những hậu quả về cách đối xử của chúng đối với người khác.
Nhìn lại sự thừa nhận cơ bản của chúng ta về bản tính tiềm ẩn của con người, từ bản tính thù nghịch đến có ích, có thể mở ra nhiều khả năng. Nếu chúng ta bắt đầu bằng việc thừa nhận mô hình tư lợi trong tất cả các cách ứng xử của con người, thì một đứa trẻ nhỏ có thể là một thí dụ hoàn hảo làm "bằng chứng" cho lý thuyết này. Sanh ra, đứa trẻ hình như đã được lập trình việc duy nhất trong tâm chúng: thỏa mãn nhu cầu của chính chúng, đồ ăn, tiện nghi vật chất và vân vân...
Nhưng nếu chúng ta không theo sự ích kỷ căn bản này, một bức tranh hoàn toàn mới sẽ hiện ra. Chúng ta có thể dễ dàng nói đứa trẻ này sanh ra đã được lập trình cho một điều duy nhất: có khả năng và mục đích là đem lạc thú và niềm vui đến cho người khác. Chỉ cần quan sát một đứa trẻ khỏe mạnh, rất khó có thể chối bỏ bản tính hiền hòa tiềm ẩn của con người. Từ ưu thế mới này, chúng ta có thể tán thành khả năng mang niềm vui cho người khác, người chăm sóc, là bẩm sinh. Thí dụ, ở đứa trẻ sơ sinh,khứu giác phát triển chỉ bằng 5 phần trăm của người lớn, và vị giác phát triển rất ít. Nhưng ở các trẻ sơ sanh cái tồn tại ở những giác quan đó hướng về mùi và vị của sữa mẹ. Việc cho con bú không những cung cấp dinh dưỡng cho đứa trẻ, mà còn làm giảm căng thẳng cở ngực. Cho nên chúng ta cũng có thể nói đứa trẻ sinh ra với khả năng bẩm sinh đem lạc thú cho người mẹ bằng cách giảm thiểu sự căng thẳng của nhũ hoa.
Về mặt sinh học, đứa trẻ sanh được lập trình là để nhận biết và phản ứng trước các gương mặt, chỉ có một số ít người không tìm thấy niềm vui đích thực khi thấy trẻ nhỏ ngấy thơ nhìn vào mắt họ, và mỉm cười. Một số nhà dân tộc học đã đề ra lý thuyết về điều này, cho rằng khi một đứa trẻ mỉm cười với người chăm sóc nó hay nhìn thẳng vào mắt người này thì đứa trẻ đó đang theo đuổi "kế hoạch sinh học" sâu xa theo bản năng, "đưa ra" cách ứng xử quan tâm, hòa nhã, dịu dàng từ người chăm sóc nó, người đó cũng đang tuân hành nhiệm vụ bản năng bắt buộc tự nhiên. Vì có thêm nhiều nhà điều tra nghiên cứu phấn đấu khám phá một cách khách quan bản tính của con người, khái niệm đứa trẻ ít có tính ích kỷ, một bộ máy ăn và ngủ, đang phải nhường chỗ cho cách nhìn nhận một con người ra đời với bộ máy bẩm sinh là để làm vừa lòng người khác, chỉ cần đến điều kiện môi trường thích hợp để cho "hạt giống tình thương" tiềm ẩn và tự nhiên được nẩy mầm và phát triển.
Một khi chúng ta kết luận bản tính căn bản của nhân loại là tình thương hơn là hung hăng, mối quan hệ với thế giới chung quanh chúng ta thay đổi tức khắc. Nhìn những người khác như căn bản là thương yêu thay vì thù nghịch và ích kỷ giúp chúng ta bớt căng thẳng, tin tưởng, sống thoải mái, làm chúng ta hạnh phúc hơn.