Đừng Chạy Bươn Theo Hướng Ấy!

Trong Phật giáo, giáo lý mười hai duyên khởi giúp cho ta cái thấy rằng, danh và sắc gắn liền và có mặt cùng nhau. Danh chính là tâm và sắc chính là những năng lượng vật chất. Sáu quan năng nhận thức do duyên vào danh và sắc mà hiện khởi.


Cam, bản chất là ngọt, cung cấp cho đời sống con người rất nhiều sinh tố bổ dưỡng. Nhưng, ta trồng cam không đúng chất đất, cam sẽ bị biến chất, và ta hái cam không đúng thời, cam sẽ không cho ta vị ngọt mà cho ta vị đắng, chát và chua.

Cam bị biến chất và trở thành chát, đắng và chua là do người trồng cam, hái cam, chứ không phải là do cam.

Cũng vậy, con người sinh ra trong đời, tự nó có bản chất hoàn hảo của cõi người và có phước đức của con người ở nơi tự thân của nó. Nhưng, những bậc làm cha mẹ, không có tầm nhìn đúng và toàn diện, nên đã nuôi và giáo dục con mình đi theo hướng không hoàn hảo và không toàn diện ấy, khiến cho từ một người con vốn vô tư, hoàn hảo trở thành một con người không vô tư và không hoàn hảo chút nào!

Nó không hoàn hảo, vì môi trường tư duy không hoàn hảo đã xúc tác lên nó và nuôi nó mỗi ngày, khiến cho những gì hoàn hảo của nó từ thuở ban sơ tự động biến chất. Và những tính chất tốt đẹp của nó đã biến thái và trở thành những chất liệu kiến chấp độc hại.

Phần nhiều các nhà làm văn hóa, giáo dục, chính trị và tôn giáo, cũng nhắm tới hướng dẫn và uốn nắn con người theo khuynh hướng mà họ đã thấy rõ và định sẵn.

Khuynh hướng mà những vị ấy đã thấy và định sẵn, có thể là hoàn hảo và cũng có thể là không hoàn hảo hoặc chưa hoàn hảo.

Hoàn hảo, vì họ thấy con người đối với phàm hay thánh, thiện hay ác vốn là vô tự tính. Và bởi vì là vô tự tính, nên tính gì cũng có thể xảy ra cho con người. Nếu ta đặt một trẻ em vào trong một môi trường giáo dục tốt, tiếp xúc với một nền văn hóa lành mạnh, thì những tính tốt nơi em ấy sẽ lớn lên và tính ấy sẽ trở thành em ấy. Và nếu ngược lại thì cũng như vậy.

Vì vậy, những vị có cái nhìn hoàn hảo về con người, họ sẽ nuôi dưỡng và giáo dục cho con người phát triển về toàn năng. Phát triển toàn năng là phát triển toàn hảo đối với sáu quan năng nhận thức của con người, khiến cho con người có khả năng tiếp xúc và nhận biết những gì liên hệ về đời sống của chính nó, và tiêu thụ những gì liên hệ đến đời sống của nó một cách hợp lý.

Phát triển toàn năng về cả thân và tâm. Tại sao? Vì không có con người nào trên đời nầy sinh ra mà không bao gồm cả thân và tâm. Hoàn toàn không có việc thân sinh ra trước, rồi tâm sinh ra sau; hoặc tâm sinh ra trước rồi thân sinh ra sau, nơi thế giới con người.

Tâm sinh ra trước, thân sinh ra sau hay thân sinh ra trước, tâm sinh ra sau, điều ấy có thể xảy ra chăng là ở những thế giới khác.

Vì vậy, bất cứ nền văn hóa, giáo dục, chính trị, tôn giáo nào dạy cho con người nghiêng về tâm hay nghiêng về thân đều là những nền văn hóa, giáo dục, chính trị, tôn giáo bị khuyết tật.

Trong Phật giáo, giáo lý mười hai duyên khởi giúp cho ta cái thấy rằng, danh và sắc gắn liền và có mặt cùng nhau. Danh chính là tâm và sắc chính là những năng lượng vật chất. Sáu quan năng nhận thức do duyên vào danh và sắc mà hiện khởi.

Do đi từ cách nhìn duyên khởi ấy, khiến cho nền giáo dục nhân bản trong Phật giáo không dạy cho con người nghiêng về một phía là tâm hay vật. Nghiêng về vật là một cực đoan, và nghiêng về tâm lại là một cực đoan khác. Người đệ tử Phật phải vượt ra khỏi hai cực đoan ấy để thực tập đời sống trung đạo.

Trung đạo không phải là con đường giữa, mà là con đường vượt thoát gọng kềm của hai nhận thức cực đoan, để sống cuộc đời tự do và lành mạnh, đem lại sự an hòa cho cả thân lẫn tâm, khiến ngay trong đời sống hàng ngày “thân không rơi vào tật bệnh và tâm không rơi vào phiền não”.

Các nhà làm văn hóa, giáo dục, chính trị và tôn giáo, nếu không có cái nhìn sâu để thấy rõ, mọi sự hiện hữu giữa thế gian là hiện hữu trong quan hệ duyên khởi vô tự tính, thì khi tiếp xúc với mọi sự vật, khó có sự rung cảm với trái tim toàn diện và khó có cái nhìn không khuyết tật đối với mọi sự hiện hữu và ngay cả chính bản thân mình.

Tâm hay vật đều là duyên khởi, nên không có bất cứ tính thể nào là bất biến cho chính nó, đó là một thực tế, là chân như của mọi sự hiện hữu. Giáo lý duyên khởi không phải là học thuyết và lại càng không phải là triết lý của học thuyết. Duyên khởi là tự thân của con người và các pháp sinh diệt. Ai thấy được nó thì giác ngộ, ai không thấy được nó, thì không giác ngộ; ai thấy được nó thì thấy Phật, ai không thấy được nó là không thấy Phật; ai chứng nhập với tính - không nơi duyên khởi là chứng nhập Niết bàn và ai không chứng nhập được với tính không nơi duyên khởi, thì không chứng nhập Niết bàn.

Do không nhìn thấy tính duyên khởi là tính trung đạo nơi mọi sự hiện hữu, mà con người sinh ra sự hiểu biết cực đoan đối với mọi sự hiện hữu. Do cái nhìn cực đoan, khiến cho con người đi từ những cách nhìn khuyết tật nầy, đến những cách nhìn khuyết tật khác.

Cách nhìn khuyết tật là cách nhìn thiếu thực tế. Do thiếu thực tế nơi nhận thức, khiến dẫn sinh thiếu thực tế nơi hành động và hành sử không hoàn hảo giữa con người với con người và giữa con người với muôn vật.

Nền văn hóa, giáo dục, chính trị và tôn giáo không thiết lập trên nền tảng của cái thấy, cái biết về duyên khởi, tự chúng dẫn sinh ra những kiến chấp cực đoan, và đã tạo nên những thảm kịch cho xã hội con người.

Chiến tranh không hề xảy ra cho xã hội loài người, từ những cái nhìn hỗ tương toàn diện, mà từ những cái nhìn thiển cận và phiến diện.

Cái nhìn chính xác và toàn diện là cái nhìn thấy con người không có tính ngã. Không có tính ngã thì làm gì có chiến tranh. Tự thân của hòa bình là duyên khởi không tính ngã. Con người sống với hòa bình là con người buông bỏ tính ngã. Ở trong đời, những ai có tấm lòng vị tha càng lớn, thì tính ngã nơi họ càng teo lại, và có tình thương không biên giới, thì tính ngã nơi họ không còn.

Bởi vậy, bất cứ nền văn hóa, giáo dục, chính trị và tôn giáo nào khích động tính ngã, thì chính những cái ấy khích động xã hội con người chiến tranh và chính nó là con rối và cướp mất bình an của xã hội con người vậy.

Ngã có mặt ở đâu, thì ở đó có vọng tưởng và phân biệt, có kỳ thị và phân hóa, có chia rẽ và chiến tranh, có oán kết và hận thù. Tác dụng tự nhiên của tính ngã là vậy, huống gì tính ấy, lại được khích động và phát triển bởi những nền văn hóa, giáo dục, chính trị và tôn giáo phát triển theo định hướng ấy, thì nó nguy hiểm cho an bình của xã hội con người đến chừng mức nào?

Cũng vậy, bản chất của cam là ngọt, nhưng con người không hưởng được vị ngọt của cam, là do người trồng cam và người hái cam để dùng, chứ không phải tại cam. Và cũng vậy, thế giới con người rất đẹp và rất mầu nhiệm, so với những loài kém hoàn hảo và phước báu, nhưng bản thân con người không thừa hưởng được phước báo và sự hoàn hảo ấy của mình, bởi do sự chấp ngã của con người, và lại phát triển sự chấp ngã ấy, trở thành nền văn hóa thần ngã, nền giáo dục cục bộ, nền chính trị khép kín và nền tôn giáo thần ngã quyền năng.

Vì vậy, bản chất của cam là ngọt, nhưng nó không ngọt là do người trồng cam không phù hợp chất đất và người hái cam vội vã không đúng thời.

Cũng vậy, tự thân của mọi sự hiện hữu giữa cuộc đời là hoàn hảo và mầu nhiệm, nhưng con người không nhận được sự hoàn hảo và mầu nhiệm ấy từ cuộc đời, để sống vui, sống đẹp, sống có ý nghĩa và rộng lớn là do tính chấp ngã nơi con người. Và bất hạnh lớn nhất cho xã hội con người hiện nay là mọi sinh hoạt của nó đang bị khích động chạy bươn theo hướng đa dục!

Và nếu nền văn hóa, giáo dục, chính trị và tôn giáo hiện nay của những quốc gia nào khích động con người chạy bươn về hướng hữu ngã, thì khiến cho đời sống con người nơi những quốc gia ấy, càng ngày càng trở nên ích kỷ, rỗng tuếch, kiêu ngạo, cuồng tín, tàn bạo, vô ơn và tự hủy diệt môi trường sống của nó một cách thê thảm và ngu muội!

Tác giả: Thích Thái Hòa
Previous Post
Next Post