Vấn đề phân biệt hay không phân biệt THIỆN - ÁC

Tôi có một người huynh đệ băn khoăn bởi một vấn đề. Đó là một đằng theo lời dạy của Lục tổ Huệ Năng “không nghĩ thiện không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục...?” tức là không còn so sánh, phê phán, nhị biên, để hòa mình, thâm nhập với Chân như. Đằng khác lại phải còn biết phải quấy để hành thiện, cải ác, tức là còn nhị biên.

Như vậy, người huynh đệ tự hỏi: chánh kiến là hành thiện, hay không thiện, không ác? Và đi xa hơn một chút, thế nào là định nghĩa đúng của chữ hành thiện (vì có rất nhiều cạm bẫy hiểu lầm: biết bao nhiêu kẻ quá khích lại tưởng mình hành thiện)?

Tôi có cảm tưởng rằng câu hỏi đặt ra cũng là câu hỏi chung của nhiều Phật tử, trong đó có tôi. Nỗi băn khoăn, khắc khoải đó hoàn toàn có căn cứ, và không phải là dễ dàng giải đáp.

Chúng ta nhiều khi đứng ở vào một tình thế khó xử, trước hai thái độ chủ trương bởi đạo Phật: một thái độ tạm gọi là chính thống, có tính chất phổ thông và mô phạm; và một thái độ phóng khoáng, dành cho hạng “thượng căn”, và đặt nặng vào trí tuệ. Nói một cách giản lược, một bên lấy “diệt khổ” làm cứu cánh, theo con đường vạch ra bởi các bộ kinh (Nikāya) của Phật giáo Nguyên thủy; một bên lấy “tuệ giác” làm cứu cánh, theo tinh thần Bát-nhã Ba-la-mật (Prajñā-pāramitā) của Thiền tông.

Nếu không phân biệt thiện-ác, thì làm sao mà hành thiện? Nhưng nếu phân biệt thiện-ác, thì còn vướng mắc vào cái nhìn thiển cận, méo mó, sai lạc của nhị biên, còn chưa thấy được cái Không của sự vật... Phải chăng một bên hướng về tục đế, là sự thật tương đối của cuộc đời, liên quan tới cách xử thế giữa những con người và với cả các sinh vật, với thiên nhiên; và một bên hướng về chân đế, là một sự thật không thể nào diễn tả được, một sự thật như như, sự thật trong sự thật?

Thật ra, tôi có cảm tưởng đạo Phật, trong căn bản, không phải là một triết lý mô phạm, một hệ thống luân lý, chỉ dạy cho con người phải làm cái này, không làm cái nọ, thiện như thế này, ác như thế nọ. Giới là để giúp định, định là để giúp tuệ. Tự giới không có nghĩa lý gì, chấp chặt vào nó còn là một chướng ngại cản trở việc tu hành (giới cấm thủ).

Ngay cả hai từ “thiện” và “ác” cũng không có trong đạo Phật nguồn gốc, mà là những chữ mượn tiếng Trung Hoa để dịch hai từ Pāli “kuśala” và “akuśala”. “Kuśala” gồm các ý muốn gây nên nghiệp tốt (kamma-cetana), đi cùng với 3 căn tốt là không tham (alobha), không sân (adosa) và không si (amoha). Ngược lại, “akuśala” gồm các ý muốn gây nên nghiệp xấu, đi cùng với 3 căn xấu là tham (lobha), sân (dosa) và si (moha). Như vậy thì những điều “thiện ” là những nhân tốt đưa tới những quả tốt, lìa phiền não, diệt khổ đau, và những điều “bất thiện” là những nhân xấu đưa tới những quả xấu, phiền não, khổ đau. “Thiện” hay “ác” là tính chất của những gì đưa tới hạnh phúc hay khổ đau. Con người muốn chọn hạnh phúc hay khổ đau chỉ cần hành thiện hay hành ác. Do đó, một trong những lời kinh quen thuộc nhất đối với người Phật tử là “Không làm các điều ác, Thành tựu mọi việc lành, Giữ tâm ý thanh tịnh, Ấy lời chư Phật dạy” (Kinh Pháp Cú, 183).

Mọi việc như vậy đã có vẻ sáng sủa và giản dị.

Hỡi ôi, cuộc đời không đơn giản, bởi vì chính con người không đơn giản. Triết gia Pháp Montaigne đã có câu: “Giữa thiện và ác, chỉ có một nửa vòng xoáy ốc”, tức là một đường tơ, kẽ tóc. Có một số điều thiện hay ác thật là phân minh, rõ ràng, nhưng cũng có một số điều thiện hay ác không rõ rệt chút nào, tùy theo hoàn cảnh, xã hội mà thay đổi trắng đen. Chẳng hạn như khi nhìn thấy cảnh tượng một con báo đuổi rượt một con nai, thì chúng ta lấy làm thương hại con nai và cầu mong cho con nai chạy thoát khỏi. Ta có thể lấy súng ra bắn con báo và cứu con nai, và như vậy làm việc thiện đối với con nai và cả gia đình nó. Nhưng làm như vậy cũng là làm việc ác đối với con báo, bởi vì nó sẽ chết hoặc bị thương và sẽ để đàn con nó chết đói. Trong một cuộc chiến tranh cũng vậy, đứng bên này chiến tuyến là người anh em, thiện hữu, bên kia chiến tuyến là kẻ địch, ác đảng. Chỉ cần thay đổi bên chiến tuyến, là thiện - ác thay đổi và làm quay mũi súng.

Lại nữa, một việc thiện mình làm chắc gì đâu đã là một việc thiện? Đó có thể là một việc thiện đối với mình, nhưng không phải việc thiện đối với người nhận. Có thể một việc thiện ngày hôm nay sẽ trở thành một điều ác ngày mai, chỉ có thời gian mới cho biết rõ.

Mình cũng phải tự hỏi rằng làm việc thiện đó là cho mình hay cho người? Nếu là để được tiếng khen, được biết ơn, được mát mẻ trong lòng hay để “lương tâm bớt cù”, thì đó còn phải là việc thiện hay không? Hành thiện đúng ra thì phải theo tinh thần “vô ngã ”, mà đã “vô ngã” rồi, thì không còn người cho, không còn người nhận, không còn người hành thiện nữa.

Cuối cùng, thiện - ác cũng là ở trong tâm của mình, chứ không ở nơi đâu xa lạ. Trong mình có Phật tính, nhưng cũng có Ma tính. Chừng nào chưa hiểu được điều đó thì mình vẫn chưa hiểu mình (hãy nhớ câu gnothi seauton của Socrate), vẫn còn vật lộn với chính mình, vẫn còn phân chia ra cái đầu và cái bụng...

Alan W. Watts, trong cuốn The Wisdom of Insecurity, có nhấn mạnh vào điều đó. Con người giống như con rắn mù Ouroboros luôn luôn tìm cách cắn chiếc đuôi của mình. Đó là một vòng luẩn quẩn nó chỉ thoát ra khỏi được khi sáng mắt ra, và ý thức được một cách rõ rệt rằng đầu và đuôi là một, thuộc vào một cơ thể đồng nhất. Ảo tưởng đầu và đuôi tách rời nhau, là do chính cái đầu tạo nên. Khi chúng ta dự kiến làm việc thiện, mà không làm được, đó là tại vì chúng ta tạo dựng nên ảo tưởng “thiện”, ảo tưởng “tương lai”, rốt cục chỉ là những vọng niệm không hơn không kém. Mộng mị về điều thiện cũng là mộng mị, chứ chẳng cứ là phải mơ tưởng tới điều bất thiện. Mong cầu giác ngộ, giải thoát cũng là vọng niệm, nghĩ đến việc phải làm, nghĩ đến tương lai cũng là vọng niệm (bạn hẳn còn nhớ câu “vô trí, diệc vô đắc... vô sở đắc cố... viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh Niết-bàn” trong Bát-nhã Tâm kinh).

Một trong những ám ảnh dai dẳng của người hành giả là sự an ninh. Chúng ta sợ sự bấp bênh, nên muốn tìm một cái gì vững chắc, một chiếc kim chỉ nam, một bàn thạch để mà dựa lên, bám víu vào đó. Nhưng càng bám víu vào, lại càng cảm thấy nó trơn tuột, càng chới với giữa dòng nước chảy xiết, càng vùng vẫy lại càng cảm thấy chìm xuống nhanh. Chỉ có cách là bình tĩnh buông thả mình, nương theo dòng nước, rồi mới dần dần xáp lại bờ. Cuộc đời vốn là vô thường, không có gì là vững chắc, phải chịu là như vậy. Nếu đợi cho biển cả lặng im rồi mới nhổ neo, thì e rằng sẽ không bao giờ rời bến.

Cứ luẩn quẩn tự hỏi phải làm thế nào, phương pháp ra sao, đi theo chiều hướng nào, con đường nào... Theo pháp môn nào, chùa nào, thầy nào... Tất cả đều là trật lất!

Chỉ có một chuyện phải làm, đó là ý thức và sống một cách tỉnh thức phút giây hiện tại. Không có bí quyết gì ngoài: “Hãy sống! Hãy nhìn!” (Sois! Regarde!)

A. Watts lấy một thí dụ: bạn đang nghe một bản nhạc. Tôi bỗng nhiên hỏi bạn: “Hiện giờ, bạn là ai?” Định thần một lát, bạn sẽ trả lời: “Tôi tên là... sanh ngày... ngụ tại... làm nghề... một vợ... con”. Nhưng câu trả lời này trả lời về quá khứ, chứ không phải về hiện tại của bạn. Lúc nghe câu hỏi, bạn đang nghe nhạc, thì câu trả lời phải là bản nhạc. Bạn đang sống bản nhạc, thì đáng lẽ ra bạn phải trả lời bằng cách hát lại cho tôi nghe bản nhạc đó.

Giả dụ như tôi (TNP), tôi hỏi bạn: “Hiện giờ bạn là ai?” thì bạn chỉ cần trả lời bằng cách tiếp tục đọc những dòng chữ này, bởi vì bạn đang sống giữa những dòng chữ này...

Những câu chuyện đối đáp giữa các thiền sư và thiền sinh, hay những hành động đập gậy la hét, véo mũi véo tai, cũng chỉ nhằm kéo hành giả trở về kinh nghiệm sống hiện tại, tức là sự thật duy nhất mỗi người có thể chứng thực được.

“Không làm các điều ác, Thành tựu mọi việc lành...”, lời kinh Pháp cú vẫn còn vọng lại trong tai của mỗi người Phật tử. Và không phải chỉ riêng trong đạo Phật, mà trong mọi tôn giáo khác, trải qua mọi thời đại, người ta luôn luôn kêu gọi làm việc lành, tránh việc ác, yêu thương lẫn nhau, xóa bỏ hận thù, hướng về tương lai...

Nhưng mặc dù có cái văn hóa “hướng thiện” phổ biến đó, chúng ta có thể tự hỏi vì sao lịch sử loài người đầy rẫy những điều ác độc, những cuộc chiến tranh, những vụ thảm sát, máu chảy thành sông, xương chất thành núi, gây những đau thương không thể nào tả xiết? Vì sao trong xã hội luôn luôn phải có luật pháp trừng trị và đe răn? Vì sao, sau bao nhiêu thiên niên kỷ phát triển của loài người, với bao nhiêu thành quả đáng kể về khoa học, kinh tế, xã hội, thế giới chúng ta vẫn sống trong những giờ phút tối tăm của lịch sử, giữa nghèo đói và bạo động, mà tác nhân chính vẫn là con người?

Phải chăng là con người không biết đâu là “thiện”, không biết đâu là “ác”? Hay là biết đâu là “thiện” nhưng không làm được, biết đâu là “ác” nhưng không tránh được?

Có lẽ cả hai câu trên đều đúng: “thiện/ác” chưa chắc gì đã phân biệt được dễ dàng, và là một điều hết sức tương đối, như chúng ta đã đề cập đến. Và dù phân biệt được, lý trí con người chưa chắc gì đã thắng được những cái đam mê (passions), mà trong đạo Phật thường gọi là tam độc (tham, sân, si)...

Theo nhà triết học Mỹ Nagel,  các lý thuyết đạo đức có thể được phân chia ra làm 2 loại khác biệt: một bên là những lý thuyết “suy luận” (déductive), hay “độc đoán” (autoritariste) dựa lên những tiên đề (axiomes a priori) hoặc những điều tự nó hiển nhiên (évidents en soi), về tốt và xấu, điển hình là triết lý của Kant. Trong đó cũng có triết lý “vị lợi” (utilitaire), như của Bentham: việc “thiện” là việc làm lợi cho mình và cho người khác, mang lại thú vui hay hạnh phúc cho mình và cho người khác. Bên kia là những lý thuyết “qui nạp” (inductive), với sự từ chối mọi tiền đề siêu hình hoặc chủ thuyết. Chúng không có tính chất ép buộc, xơ cứng, mà ngược lại, cởi mở và có tính chất tiến hóa (évolutive). Như Spinoza, khi ông nói: “Chúng ta không thể nào biết được một cách chắc chắn cái gì tốt hay xấu, nếu không thực sự hiểu được sự vật...” Như vậy, chỉ có trí tuệ mới giúp được con người phân biệt tốt/xấu, thiện/ác.

Thí dụ như khi được biết rằng con bọ ngựa (mantis religiosa) cái, ngay sau khi giao cấu với con đực (bé nhỏ hơn nhiều), giết ngay ông chồng mình và ăn thịt nó một cách ngấu nghiến, thì chúng ta lấy làm gớm ghiếc. Nhưng khi hiểu rằng con bọ ngựa cái làm như vậy là để nuôi trứng của mình bằng chất đạm cần thiết cho sự phát triển của chúng, thì chúng ta thấy rõ rằng hành động tự nhiên của con bọ ngựa cái chỉ nhằm bảo tồn loài giống, chứ không có lý do gì khác. Bọ ngựa cái không “ác” vì tội “giết chồng”, mà bọ ngựa đực cũng không là người cha “gương mẫu”, tự “hy sinh” cho đàn con của mình. Dù sao, sau 6 tiếng đồng hồ giao cấu, nó cũng kiệt lực và sớm muộn gì cũng chết, vậy thì làm thức ăn bổ béo cho vợ con nó thì cũng là một điều tiện lợi, phù hợp với nguyên lý tiết kiệm của thiên nhiên!

Nhìn những gì xảy ra trong thiên nhiên, chúng ta sẽ thấy không có “thiện” mà cũng không có “ác”. Thiên nhiên không hiền từ mà cũng không ác độc, không thiên vị mà cũng không lãnh đạm. Bởi vì nó không biết đạo đức là gì, đạo đức chỉ là những giá trị mà con người và xã hội tự đặt ra cho mình. Trong thiên nhiên, tất cả những gì xảy ra đều là do sự “tất yếu” (nécessité), bởi vì nếu không xảy ra như vậy thì sẽ không có như vậy, như vậy... do luật tiến hóa chung của vũ trụ.

Khoa học cho chúng ta biết rằng ngay trong cơ thể của các sinh vật, trong các tế bào, đã có một hiện tượng gọi là apoptose, tức là sự chết có chương trình (mort programmée) của các tế bào, dường như mỗi tế bào sinh ra đã mang trong mình một qui định về sự hủy diệt của nó. Ngoài sự qui định đó ra, còn nhiều sự qui định khác nằm trong các gien di truyền, là nền tảng của các hormones và hệ thần kinh có tác động quyết định trên tập tính các động vật. Chẳng hạn như con ong thợ, khi làm những công việc như hút mật hoa mang về tổ, hay xả mình quyết chiến với những kẻ thù muốn xâm nhập tổ ong để bảo vệ ong chúa, thì nó không hề biết “thiện/ác” là gì, không hề biết hành động của mình là một hành động hy sinh, quên mình vì tập thể. Nó chỉ thể hiện cái bản năng, cái “chương trình” mang trong các gien của nó, và chương trình đó chỉ nhằm một mục đích: bảo tồn nòi giống. Con báo hay con rắn cũng vậy, khi chúng vồ hay cắn mồi, một con “nai vàng ngơ ngác” hay một “cánh chim bay về tổ ấm”, hành động đó cũng chỉ nhằm bảo tồn sự sống, theo qui định của thiên nhiên.

Chỉ có con người mới đặt ra vấn đề “thiện/ác”, vì đã mất tự nhiên và hồn nhiên...

Trở về các triết lý đạo đức, thì quan niệm của Socrate cũng không khác gì mấy Spinoza, khi ông cho rằng “không có kẻ nào ác một cách cố tình” (nul n’est méchant volontairement). Hành động ác là do một lý do bất thường nào đó thúc đẩy. Khi hiểu được lý do đó, thì người ta dễ thông cảm và tha thứ hơn. Và nếu hiểu rõ được mình, người và sự vật, thì người ta đã không làm ác. Do đó triết lý sống phải dựa lên trên sự hiểu biết. Mạnh tử cũng quan niệm rằng “nhân chi sơ tính bản thiện”, và Rousseau cho rằng chính xã hội làm hư hỏng con người, làm mất cái bản tính hồn nhiên hoang sơ của nó.

Đạo Phật từ xưa đến nay vẫn đặt nền tảng vào trí tuệ. Trong những lời dạy của đức Phật trong kinh điển Pāli, đức Phật luôn luôn dùng lý luận và ẩn dụ để dẫn mỗi đệ tử đi tới kết luận của chính mình. Đạo đức của đạo Phật không có tính chất xơ cứng ép buộc, điển hình là khi nói đến Bát Chánh đạo, đức Phật không định nghĩa thế nào là chánh, ngài để cho mỗi người tự mình biết thế nào là chánh, thế nào là bất chánh. Và kinh Kalama cũng là một trong những lời dạy căn bản của đức Phật: hãy giữ tinh thần phê phán, hãy giữ tự do suy tư của mình, đừng đi theo lời đồn đãi, lời truyền thống, lời dẫn giải của bất cứ ai, hãy theo kinh nghiệm của chính mình mà tiến bước, tự mình thấy điều gì tốt thì theo, điều gì xấu thì bỏ...

Mặc dầu đôi khi người ta cảm tưởng trong Phật giáo có những truyền thống cứng nhắc (như giới luật, nghi lễ, hay thái độ đối với phụ nữ trong Bát Kỉnh Pháp), nhưng đó không phải là điều cốt yếu trong đạo Phật. Có hay không có những truyền thống đó, cũng không thay đổi gì trong sự phát triển và cách áp dụng đạo Phật trong đời sống hàng ngày. Theo tôi, nếu phải xếp loại theo Nagel, thì tôi sẽ đặt triết lý đạo đức Phật giáo vào loại “qui nạp” (inductive), ngược lại với các tôn giáo khác. Tức là không có tính chất xơ cứng, giáo điều, bất di bất dịch, mà sẵn sàng mở rộng cho mọi phê bình, mọi tiến hóa. Đạo Phật nguồn gốc đã như vậy rồi, nhưng với tinh thần Bát-nhã của Đại thừa, với sự phân biệt tục đế và chân đế, với tánh Không vào tinh thần Thiền tông thì điều đó lại rõ ràng hơn nữa.

Có lẽ đó cũng là một nơi gặp gỡ giữa Phật giáo và khoa học. Dĩ nhiên khoa học tự nó không có đạo đức, nhưng các nhà khoa học, các cộng đồng khoa học, trong khi áp dụng sinh học vào đời sống, nhiều khi gặp phải những vấn đề đạo đức, và bắt buộc phải giải quyết những vấn đề này ngoài khuôn khổ của tôn giáo. Thí dụ như những vấn đề sinh đạo đức (bioéthique) đặt ra trong cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 này: ngừa thai, thụ thai trong ống nghiệm, ghép bộ phận, kiến tạo di truyền, sinh sản vô tính, v.v... Những bước tiến của khoa học - kỹ thuật, những đổi thay của xã hội, bắt buộc các nhà khoa học phải áp dụng một triết lý đạo đức uyển chuyển, cởi mở, với khả năng sửa đổi, phê bình, và đặt lại vấn đề các tiêu chuẩn đạo đức, để giải quyết những vấn đề mới xuất hiện, với những dữ kiện mới, trong một khung cảnh văn hóa mới. Đó là cái mà nhà thần kinh sinh học Pháp J.P. Changeux gọi là “đạo đức từng bước nhỏ” (éthique des petits pas), một nền đạo đức không thần khải, không siêu hình, không lý thuyết, không cố định, vì phải luôn luôn được xây dựng từng bước một, để phù hợp với thực tế.

Siêu việt “thiện/ác” không có nghĩa là coi “thiện/ác” như nhau, là chủ trương thế nào cũng được, và con người muốn làm gì cũng được trong xã hội.

Trong một xã hội, một đoàn thể, phải có những giá trị đạo đức, những mốc, những tiêu chuẩn để qui định những lề luật cuộc sống. Những đèn đỏ, những bảng stop để tránh những va chạm, những đụng độ làm mất hòa khí giữa nhau. Thiện và ác là những giá trị đạo đức, cũng như tiền bạc, hàng hóa là những giá trị kinh tế đã được qui định giữa những con người, không thể thiếu sót được, tuy biết rằng đó chỉ là những qui ước tương đối và tạm bợ.

Siêu việt “thiện/ác ” là vượt lên khỏi “thiện/ác”, không còn bị vướng mắc, bận tâm về vấn đề đó nữa, bởi vì việc thiện đã trở thành tự nhiên rồi, khi đi đứng nằm ngồi, từ thân khẩu ý sinh ra đều là hành thiện, đều gây nghiệp tốt, nghiệp lành. Những người siêu việt được “thiện/ác” như vậy - có thể gọi là đã giác ngộ - quả là hiếm hoi, muôn người chưa có một. Phải tu tâm dưỡng tánh bao nhiêu năm trời (hay bao nhiêu kiếp sống?) mới được như vậy. Nhưng tôi tin rằng con người cũng có thể, trong những giây phút nào đó, siêu việt được “thiện/ác”. Nếu sống thật trong hiện tại, một cách hồn nhiên, giản dị, không tiếc gì, cầu gì, lo gì, muốn gì...

Rốt cục, “thiện/ác ” cũng là ở cái tâm của mình.

Trong truyện Kiều, Nguyễn Du cũng tỏ ra là một người hiểu sâu xa đạo Phật khi ông kết luận: “Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (Trần Trọng Kim giải thích là cái tâm của nhà Phật bao hàm thống nhất được cả ba phương diện của đạo Nho là tam tài: thiên, địa, nhân).

Đối với tôi, người Phật tử vừa phải hướng thiện một cách tự nhiên, trau dồi cái thiện tâm và thiện cảm (empathie) của mình đối với mọi người, mọi sinh vật, vừa phải giữ một cái nhìn sáng suốt, siêu việt thiện/ác. Phải hiểu mình, hiểu người, hiểu những qui luật của thiên nhiên để đừng bị dằn vặt bởi những mâu thuẫn nội tâm và những vướng mắc do lối nhìn nhị nguyên, xa rời thực tế và chỉ cản trở sự tu học của mình.

Trịnh Nguyên Phước
Nguồn Tập San Pháp Luân 35
Previous Post
Next Post