Lâu nay và nhất là gần đây, công
luận rất xôn xao và nhức nhối bởi các tệ lậu về đỏ đen nơi sòng bạc, thuốc lắc
ở vũ trường, đua xe trên đường phố, đánh nhau tại quán nhậu, đâm nhau trong
trường lớp...
Các kết quả tra cứu của ngành
công an khi truy xuất nguồn cội của các quý tử nói trên đều cho thấy, đa phần
trong họ là những tay "anh chị" và là con em của nhiều gia đình danh
giá.
Giá trị và danh vọng của những
gia đình đó được (hay bị) chính những người con này đem đánh đổi bằng sự đua
đòi xả láng, bằng lối sinh hoạt trác táng, bằng việc ném tiền qua cửa sổ và
nhiều khi ném cả mạng sống qua cửa xe hơi, phó thác cho... tử thần!
Trong khi các bậc song thân của
họ say sưa với văn hóa làm giàu và văn hóa quyền lực, thì họ lại mê mẩn với thứ
văn hóa "dựa hơi", văn hóa "cậy thế" hòa quyện trong những
thứ "văn hóa ăn chơi bạt mạng" để chứng tỏ đẳng cấp của mình trước
thiên hạ và bạn bè.
Họ xuất thân từ những gia đình có
văn hóa. Vâng, đúng vậy, vì bố mẹ của họ là những vị chức sắc, có tầm cỡ. Nhưng
khi làm những điều đó, chính các quý tử ấy, những cậu ấm cô chiêu ấy đã gây tổn
hại cho danh gia vọng tộc, cho VĂN HÓA GIA ĐÌNH.
Điều trớ trêu là không phải vị
song thân nào cũng "ngộ" ra điều đó cho tới khi con mình đứng trước
vành móng ngựa, thậm chí trong ngục thất!
Cũng không phải các vị đó mù
quáng mà không nhận ra. Vấn đề là có một khoảng cách giữa việc nhận ra và việc
chú tâm giáo dục sao cho đúng phép. Khoảng cách đó nói lên VĂN HÓA DẠY DỖ.
Nhiều người nhầm tưởng rằng hai
thứ này - văn hóa gia đình & văn hóa dạy dỗ (VHDD) là một, đồng nhất. Nhưng
thực tế không hẳn lúc nào cũng vậy. Thường là không có sự đồng nhât giữa chúng,
đặc biệt với những gia đình có nhiều quyền lực, nhiều quyền thế, và cả... nhiều
quyền lợi.
Phép cơ bản nhất trong VHDD là
luyện nhân tính, thay vì thả nổi để con cái chạy theo bản năng tầm thường. Càng
dấn sâu vào bản năng hưởng thụ vung vít hay bản năng bạo lực tranh giành thì
con người càng được "tôi luyện" chất "con" nhiều hơn chất
người, thú tính nhiều hơn nhân tính.
VHDD con cái dựa trên những căn
bản về tính nhân văn, về văn hóa làm người của mỗi con người. Trong đó, lấy văn
hóa ứng xử làm cốt cách. Trong văn hóa ứng xử thì coi trọng giá trị nhân cách
hơn giá trị đồng tiền và mọi thứ giá trị khác. Theo nghĩa đó thì làm người khó
hơn làm quan.
...Để thực hiện VHDD trong gia
đình, điều tối kỵ là không được dùng bạo hành. Không hình thức bạo hành nào
được chấp nhận, kể cả bạo hành hay ức hiếp về tinh thần mỗi khi con cái lầm
lỗi. Biện pháp được sử dụng nhiều nhất là gần gũi thân thiện để cởi mở và lắng
nghe, để thuyết phục trên cơ sở cùng nhau bàn bạc cách giải tỏa những bế tắc
nếu có.
Ngay cả biện pháp thuyết phục thì
tránh giảng giải một chiều, mà cốt để nghe con cái bày tỏ, trên nền tảng đó mà
phân tích điều hơn lẽ thiệt. Mặt khác, để có sức thuyết phục, không gì bằng tấm
gương chính diện của mẹ cha, của người lớn và của các bạn bè cùng tuổi.
Kèm theo thuyết phục là sự khích
lệ động viên được coi trọng hơn biện pháp khiển trách kỷ luật. Lấy cái tốt của
con làm điểm tưa để chế ngự và đẩy lùi cái xấu của nó. Ví dụ, nó thích xài
tiền, hãy thưởng tiền hay trả công xứng đáng cho nó mỗi lúc nó làm được việc
tốt. Không nên bổng dưng cho tiền, mà khi nó xài tiền thì nó hiểu rằng đây là
đồng tiền do nó làm ra bằng việc tốt, bằng công sức của nó, nó sẽ biết tiết
kiệm.
Có người hỏi, khi con mắc lỗi có
nên dùng biện pháp chế tài và cấm vận? Bác sĩ Benjamin Spock (chuyên gia hàng
đầu của nước Mỹ về tư vấn giáo dục gia đình và VHDD) có nói đại ý: Đó chỉ là
giải pháp tình thế, không nên lạm dụng. Khi nó lầm lỗi, có thể cắt chi viện
hoặc cấm giao lưu, nhưng hãy mở cho nó một lối thoát. Đó là lối thoát lập công.
Chỉ nên chế tài và cấm vận khi nó chưa lập công.
...Còn nhiều nữa trong VHDD. Trên
đây chỉ mởi khơi nguồn vài ý hướng thường nên có khi dẫn dắt con vào đời.
"Vào đời"- theo nghĩa tổng quát nhất mà BS. Benjamin Spock khái quát
là, tránh gây tội lỗi, và nếu lỡ bị lầm lỗi thì phải tìm cách lấy công chuộc
tội.
Ai đó đã nói trên nhật báo The
Straits Times... "Ăn chơi xả láng lúc bình thường là hoang phí. Còn ăn
chơi bạt mạng và quái đản thời kinh tế suy sụp thì không chỉ là xa xỉ, còn là
tội ác".
Nhận định đó thật không quá lời
khi mà quanh ta còn bao nhiêu dân lành lo chạy ăn từng bữa, còn khối người đang
thống khổ vì thất nghiệp, rất nhiều trẻ thơ còi cọt vì thiếu ăn...