Nói “của rất nhiều người Việt” là
để dễ lọt tai, thật sự cầu thị thì phải nói là Một số thói xấu của người Việt
thời nay bởi vì những thói xấu này đang rất thịnh hành và phổ biến. Nói “người
Việt hiện nay” là để giới hạn thời gian trong một số những thập kỷ gần đây, có
thể người Việt xa xưa và người Việt trong tương lai không mắc những thói xấu
này.
Thói gian lận
Từ điển Tiếng Việt 1994 định nghĩa
gian lận là “có hành vi dối trả, mánh khóe, lừa lọc”. Dẫn từ điển cho chắc ăn
thôi chứ nhắm mắt vào cũng thấy rõ người ta gian lận, dối trá thế nào, có khi
còn thấy rõ hơn.
Trong buôn bán, từ nửa lạng cà
chua, dăm ba quả táo đến hàng tấn cá ba sa, hàng tấn xi măng sắt thép đều có
thể bị cân điêu, chỉ cần gian lận lấy nửa lạng là người ta đem nhét thật nhiều
bánh đúc vào cái diều con gà, nếu gian lận được nửa yến thì sẵn sàng bơm thuốc
phọt cho gà lợn rau quả mau tăng trọng, bất chấp những tai hại khôn lường, đồ
xấu đánh tráo vào với đồ tốt rồi tính thành tiền đồ tốt, hàng ôi thiu thối rữa
kém chất lượng đem tẩy rửa mông má lại để bán ra thành hàng tươi ngon…
Trong sản xuất thì bớt xén nguyên
vật liệu, rút ruột công trình, làm hàng giả hàng nhái, gian lận giấy tờ sổ sách
kế toán để moi tiền dự án bất chấp là dự án ODA hay dự án quốc gia, rút được
tiền chia chác thì làm, không thì bỏ, bất kể chất lượng tốt xấu…Lại còn cái
kiểu hùa nhau bỏ thầu thật thấp, chộp giật, cứ thắng thầu cái đã, làm nửa chừng
thì bỏ đấy, một bên hết vốn, bên kia muốn hoàn thành kế hoạch lấy thành tích
thi đua thì xin mời bỏ tiền vào…
Trong giáo dục thì trường trường
lớp lớp đua nhau cho điểm vống lên, học sinh lên lớp hết để lấy thành tích, cán
bộ cỡ muốn có bằng thì có người đi học thay, dân tứ chiếng muốn có bằng thì
mua, điểm thi thì tẩy xóa xin xỏ, giấy báo kết quả thì mạo điểm mạo danh, vào
thi thì mang theo phao, cấm đoán thế nào cũng không xuể, cha mẹ thì chạy trường
chạy lớp phờ cả người, nghĩ mà kinh…
Về mặt xã hội thì kể không biết
bao nhiêu thí dụ cho xuể, này nhé: lên phường lên xã vào bệnh viện thì bị xoay
đủ kiểu nhưng cứ có ít “ngan nằm” là được việc, ra đường gặp đủ cách gian lận
giao thông, kể từ bằng lái rởm đến xe rởm, kể từ người đi bộ, đi xe máy đến
công-tơ-nơ siêu trường siêu trọng, hễ gian lận được đường là gian lận, có mắc
mớ thì kẹp “nó” vào giấy tờ rồi nhờ nộp hộ vào kho, em vội phải đi không cần
lấy hóa đơn, thế là xong.
Tiền của chính phủ cho người
nghèo ăn tết, tiền từ thiện cũng bị ăn chặn ăn bớt. Trộm đạo tứ tung, trộm to
như tham nhũng, man trá thuế khóa, nhập lậu xuất lậu …đến nhỏ như trộm cái đinh
bù loong, cái thanh tà vẹt, con gà con cá… (trộm cá bằng kích điện là phổ biến
từ Nam
chí Bắc !). Người dân xây nhà hễ gian lận được dù chỉ một vài mét đất công là
lấn tới, người dân buôn bán hễ làm luật được là chiếm luôn vỉa hè…
Trong văn hóa tư tưởng thì đạo
văn đạo nhạc, đạo thơ đạo họa đủ cả, cũng chạy giải thưởng cho có danh, đánh
bóng mạ kền cho sáng tên tuổi…Một phần không ít thanh niên học hành làm việc
thì lười mà chỉ muốn có tiền nhanh, chỉ muốn tiêu xài xì tin, váy cộc chân dài
tóc bờm dựng ngược, nay vũ trường mai nhà nghỉ…
Có những cuộc vận động hoặc thi
tìm hiểu mà ai cũng biết có phần không phải, ai cũng có phần không phải nhưng
vẫn bất chấp, vẫn bỏ tiền bỏ của bỏ thời gian lao vào làm. Khủng khiếp nữa là
gian lận giữa ý nghĩ với lời nói, người ta sẵn sàng nói cái điều mà người ta
không nghĩ thế, từ đấy dẫn đến gian lận giữa lời nói và việc làm, tôi có thể
rao giảng anh đừng vào nhà nghỉ khi tôi vừa từ nhà nghỉ bước ra…
Gian lận dối trá giằng chéo đan
xen ngang dọc trên dưới lớn bé to nhỏ trong suốt một thời gian rõ dài đã vượt
quá một cái nếp xấu, một thói quen xấu để trở thành một thói xấu của tôi của
anh của chúng ta nếu bạn không muốn nói là của người Việt bây giờ.
Thói vô trách nhiệm
Lại dẫn từ điển tiếng việt 1994:
Trách nhiệm: 1-phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm
làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả. 2- Sự ràng
buộc đối với lời nói, hành vi của mình, bảo đảm đúng đắn, nếu sai thì phải gánh
chịu phần hậu quả.
Cứ theo như định nghĩa trên, cho
tới bây giờ, hầu hết những kết quả không tốt đều chưa có đâu phải gánh chịu.
Như thế là thói vô trách nhiệm.
Nếu như trách nhiệm của mình chưa
ba năm rõ mười thì ai ai cũng nghĩ rằng đó là trách nhiệm của người khác, của
ngành khác, của cơ quan khác. Phủi tay.
Ngày trước, người ta bảo vệ cây
ven đường bằng cách quét vôi quanh gốc. Lúc đầu người công nhân quét rất cẩn
thận, nước vôi trắng vừa đủ, vôi không rớt xuống chung quanh. Càng về sau, nước
vôi càng loãng, vôi tung tóe ra đường, cho tới một lúc thấy họ chỉ gạch chéo
vào gốc cây mấy cái, coi thế là xong.
Quần áo loại dành cho người ít
tiền mua về thì đường chỉ xiêu vẹo, chưa mặc đã tụt khuy, xe máy đem đi bảo
dưỡng thì người ta mở ra lau qua rồi lại lắp vào như thế gọi là bảo dưỡng,
nhiều công trình bị rút ruột dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo, nhà
bị đổ, cầu bị sập…
Người dân lên xã phường quận
huyện hoặc những cơ quan công quyền khác thường bao giờ cũng phải dăm lần bảy
lượt, nhẹ nhàng cũng là người có trách nhiệm đi tập huấn, cô chú cứ chờ. Đầy đủ
cả rồi mà không thích thì hỏi tại sao cái đơn lại viết thế này, chữ như chữ bác
sĩ ai mà đọc được, về viết lại rồi đem lên đây…
Cả con đường mới làm to đẹp như
thế tự nhiên chình ình ra một phần cái nhà, rõ là phải giải phóng ngay từ đầu
mà vẫn không đi không dỡ không phá. Lại còn cái việc đổ trộm vật liệu phế thải
ra đường nữa chứ, cứ đêm đến đổ ra ngồn ngộn, nói xin lỗi chẳng khác gì cái
việc ị ra đường hàng đống tướng. Những gì là của công, của cộng đồng thì việc
giữ gìn bảo quản thật khó, chặt phá xâm lấn vẽ bậy bỏ bẩn một cách hết sức hồn
nhiên. Ra đường thấy kẻ cắp móc túi mà không hô hoán, gặp người bị nạn thì rất
đông người xúm lại để…xem nhưng vẫn dửng dưng.
Công chức ở cơ quan, xin nói thật
nhé, chẳng lấy đâu ra chuyện tám giờ vàng ngọc, trừ một vài người làm cật lực
còn đâu thì tranh thủ đi chợ, đưa đón con, giặt quần áo khi nhà mất nước, sắc
thuốc cho đỡ tốn điện nhà, trà nước, đọc báo buôn chuyện chơi gêm…Đủ cả. Người
dân ở đường phố thì vứt rác vứt chuột chết ra đường, thải rác xuống sông xuống
cống thoải mái, có khi ngang nhiên đào ống nước ngang qua đường, rửa xe máy thì
phun cả nước vào người qua lại, mở cửa hàng bún chả thì cả phố hít khói với mùi
thịt nướng, mở cửa hàng sắt thì ngày đêm bốn chung quanh nghe uỳnh uỵch xuống
hàng, mở cửa hàng bán vô tuyến thì loa eo éo suốt ngày, bước ra đường thì bụi
cát mù trời…
Nhiều người có tiền, bỗng dưng có
rất nhiều tiền thì phè phỡn và bất chấp.
Nhiều nhà báo nhúng bút vào sự
thật thì bị đe dọa, có trường hợp bọn xấu bắn đạn chì nhà báo lại trượt vào đùi
nhà thơ mới bi hài làm sao !
Rất đông thanh niên công khai nói
rằng sống trung thực thì chỉ thiệt thòi. Cũng rất đông thanh niên chỉ ham chơi,
đua đòi, sống ngày qua ngày không lý tưởng (lý tưởng hiểu theo nghĩa có mục
đích tốt để phấn đấu), không có mẫu hình nào để noi theo (như một thời những
Nguyễn Văn Trỗi, Lê Mã Lương…)…
Không kể hết được. Chỉ tóm lại
một câu hỏi: đâu chịu trách nhiệm về những kết quả không tốt ấy ?
Đã nhiều năm rồi người ta quen vô
trách nhiệm, vô trách nhiệm nghề nghiệp, vô trách nhiệm lương tâm, tới mức trở
thành dửng dưng, vô cảm, trở thành tín đồ của chủ nghĩa ma-ke-no, một thói xấu
của tôi, của anh, của chúng ta nếu như bạn không muốn nói đó là của người Việt
bây giờ.
Thói cơ hội chủ nghĩa
Định nghĩa một cách đơn giản nhất
theo Từ điển tiếng Việt 1994 là: 1- Quan điểm, chủ trương lợi dụng cơ hội, mưu
cầu những lợi ích trước mắt và cục bộ, bất kể việc làm đúng hay sai. 2- Khuynh
hướng tư tưởng-chính trị trong phong trào công nhân, chủ trương chính sách tùy
thời, thỏa hiệp.
Chủ nghĩa cơ hội đã len lỏi, xâm
nhập vào từng cá nhân, trở thành một thói xấu là thói cơ hội chủ nghĩa theo đó
người ta bất chấp đúng sai, tùy thời thỏa hiệp, đón gió trở cờ để mưu cầu lợi
ích cho riêng mình.
Xu thời nịnh bợ tràn lan, còn
quyền thì còn đeo bám bợ đỡ, hết quyền thì lập tức quay lưng nói xấu, xoay ngay
sang kẻ khác đang quyền. Những người được nịnh bợ thì đều biết chúng nó nịnh
mình, nghe mãi thành quen, nghe điều trái tai thì chịu không được, lại cũng có
yêu cầu phải dùng chúng nó, biến chúng nó thành lũ đệ tử em út để mà sai bảo
mưu cầu lợi ích riêng, kể từ chuyện nhỏ như con thỏ là đi nhà nghỉ mát-xa đến
chuyện lớn là xí phần đất cát, chung cư, dự án…Thế là kẻ xu nịnh và đứa được bợ
đỡ hai bên đều cần nhau, xoắn vào nhau, đều tùy thời thỏa hiệp, tạo thành một
thể thống nhất, có anh này thì có anh kia, cứ thế luân hồi tưởng như không bao
giờ chấm dứt.
Đấy là chưa nói đến những mưu đồ
phản trắc, lừa lọc cài bẫy, vu oan giá họa, bơm vá xì tút bóp méo sự thật, xúi
bẩy khích bác, a dua….chỉ vì những lợi ích cá nhân. Suy cho cùng, đấy cũng
chính là thói cơ hội chủ nghĩa
Lại còn hiện tượng này nữa: những
kẻ xấu thì kéo bè kéo cánh, có nịnh bợ trên có đe nẹt dưới, có tham mưu có tư
vấn, có liên kết móc nối, còn người tốt thì đơn độc, trơ trọi, không biết dựa
vào đâu. Đành ngu ngơ ngậm miệng, nhắm mắt cho qua, bực dọc bức xúc thì về nhà
chửi bâng quơ cho bõ tức thế thôi, suy cho cùng cũng là cơ hội chủ nghĩa.
Thói cơ hội chủ nghĩa đang làm
biến dạng trái tim và tâm hồn tôi, anh, đang phá hoại niềm tin của chúng ta đối
với những giá trị tinh thần cao đẹp.
Thói chí phèo
Không cần phải dẫn định nghĩa, ai
cũng hiểu thói chí phèo là gì. Chỉ nói thêm dân gian còn một từ khác để chỉ
thói xấu này, đó là từ “bầy hầy”.
Nhìn chung quanh mình thấy không
ít những kẻ “cào lưng ăn vạ”. Xin kể ra đây một thí dụ điển hình. Trong một
cuộc họp, một cán bộ bị phê bình, tức quá không kìm được bèn rút điện thoại di
động ra nói để tôi gọi cho Chủ tịch nước hỏi xem phê bình thế có đúng hay không
! Anh ta thường khoe là quen với Chủ tịch mà. Chí phèo đến thế thật đã hết chỗ
bình luận.
Trong mỗi cơ quan thế nào cũng có
một vài anh cứ xoay ngang ra, mọi người làm một đường anh ta phát biểu ý kiến
một nẻo. Một số người sai toét mà cứ ôm đơn đi kiện, không ăn được thì đạp đổ,
bầy hầy hết chỗ nói mà phải chịu đấy. Một số anh về hưu rồi nhưng hàng ngày cứ
đến cơ quan, cứ giữ phòng làm việc, cứ góp ý tùm lum hết cả. Trong sinh hoạt
dân phố, đốt bếp than tổ ong khói xộc vào nhà người ta hàng ngày, người ta có ý
kiến thì quắc mắt thách đứa nào dám động vào bếp của ông. Vứt rác ra đường, có
ý kiến thì la lối tao vứt ra đường chứ tao có vứt vào nhà vào mả chúng mày đâu,
vác cưa máy mang ô tô đi cưa trộm cây gỗ quý giữa lòng Hà Nội…Khiếp quá !
Tham gia giao thông thì thấy ngay
thế nào là chí phèo. Những chuyện bầy hầy như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều,
phóng xe trên vỉa hè…chả là cái đinh gì so với chuyện khi phạm luật thì hất
cảnh sát giao thông lên nắp ca-pô rồi bỏ chạy mấy chục cây số, bật diêm đốt xe
máy giữa đường, ngồi lỳ trên xe máy để cảnh sát phải khiêng cả người cả xe về
trạm, gây tai nạn rồi bỏ chạy, mặc xác người bị nạn…
Rủ nhau đi cướp gà toi, khi phóng
viên chụp ảnh lại còn giơ mấy con gà dịch lên khoe, đi hội hoa thì chen chúc,
dẫm đạp, bẻ cành ngắt hoa, hành khách đi xe thì bị nhốt vào tiệm cơm tù, xe
buýt bị chặn lại để cướp khách, ra đường động va chạm một tí là đe chém đe
giết, rải đinh ra đường cho xe xịt lốp rồi hành nghề vá xe…..Đúng là có đến một
ngàn lẻ một kiểu chí phèo.
Thói chí phèo làm cho người ta
nhờn với pháp luật và coi nhẹ một số những giá trị tinh thần, là thói xấu mà
tôi, anh và chúng ta bây giờ có thể nhận rõ trong rất nhiều những hành xử hàng
ngày. Dân gian gọi những người mắc thói chí phèo là những người bị đứt dây thần
kinh xấu hổ, những dân ngụ cư ở phố hàng thớt !
*
Trên đây là một số thói xấu của
nhiều người Việt chúng ta trong nhiều thập kỷ vừa qua. Những thói xấu này gắn
bó với nhau, liên quan qua lại, có khi cái này là cái kia, trong cái này có cái
kia, không khó để nhận biết bởi vì người ta cũng chẳng cần che dấu là mấy.
Chủ đề không mới nhưng vẫn đáng
nhắc lại để một lần nữa chúng ta nhìn lại và nhận biết hơn chính chúng ta, với
tư cách là một cá nhân, một tập thể, một tổ chức. Nhắc lại với nhau mà cùng
biết xấu hổ, đó là điều may, còn nhắm mắt bịt tai, coi như mình đã tốt cả rồi
thì đó là bất hạnh.
Thế nào cũng có bạn hỏi những
thói xấu trên có là thuộc tính, là bản chất bản ngã gì gì đấy của người Việt
hay không. Chắc chắn là không. Những nghĩa cử tốt đẹp, những trái tim trung hậu
giàu lòng nhân ái, vị tha, đồng cảm còn nhiều lắm và đó mới là bản tính người
Việt. Thế thì những thói xấu trên ở đâu quàng vào chúng ta? Nếu thực sự có một
câu hỏi như thế thì nó đã vượt quá sức của người viết bài này, bởi vậy phải xin
ý kiến của các nhà quản lý xã hội, các nhà nghiên cứu về xã hội, về văn hóa, lịch
sử…Và để mọi người cũng có cơ hội bày tỏ ý kiến, nói cho rõ ra đâu là đen đâu
là trắng thì phải chăng nên mở mục thăm dò ý kiến rộng rãi về mấy thói xấu trên
và nguồn gốc của nó.