Trong cơ thể ta có bao nhiêu bộ
phận và có bao nhiêu tế bào là ta có bấy nhiều điều kiện để tạo ra hạnh phúc
cho ta, nếu ta biết chăm sóc chúng bằng những thực phẩm và những sinh hoạt lành
mạnh của ta từ vật chất đến tinh thần.
Và nếu ta không biết chăm sóc
chúng bằng những thực phẩm và những sinh hoạt lành mạnh của ta, thì bất cứ bộ
phận nào hay bất cứ tế bào nào trong cơ thể của ta đều có thể tạo thành bệnh
hoạn và gây nên những khổ đau cho thân và tâm ta.
Một trong những nguyên nhân tạo
ra những xung đột, mất bình thường cho thân tâm ta là những hưởng thụ thái quá
hay là những ép xác thái quá.
Hưởng thụ vật chất hay hưởng thụ
tinh thần thái quá đều đưa tới cho ta một đời sống mất bình thường.
Sự điềm tĩnh và trong sáng là một
trong những thực phẩm nuôi tâm ta lành mạnh, và những thực phẩm chế biến từ
thảo mộc, không sử dụng hóa học là những thực phẩm nuôi thân lành mạnh.
Ta hãy nuôi dưỡng thân tâm ta
bằng những thực phẩm ấy hằng ngày, thì hằng ngày thân và tâm ta đều có sự điều
hòa, tạo nên sự an lạc trong đời sống của ta và hiến tặng cho ta hạnh phúc.
Và sự an lạc lớn nhất trong đời
sống của ta chỉ xảy ra khi ta biết ly dục. Vì tham dục càng nhiều thì khổ đau
càng lắm.
Đạo đức của xã hội xuống cấp trầm
trọng là do mọi sinh hoạt của xã hội đang quảng cáo và ngã sa vào hướng đa dục.
Người có đời sống đa dục, thì không thể nào thảnh thơi. Xã hội đa dục là xã hội
sinh hoạt về đêm. Và xã hội sinh hoạt về đêm là xã hội của ma đói mà không phải
xã hội của con người .
Ta mang thân người mà sinh hoạt
theo cách ma quỷ hay ma lanh thì làm sao mà thân ta không bệnh hoạn, tâm ta
không điên đảo.
Chỉ cần một tế bào nơi thân ta
không chịu hòa điệu với toàn thân là sự bình an và hạnh phúc của ta có nguy cơ
hủy diệt.
Bởi vậy, ta muốn có một thân thể
không tật bệnh, một tâm hồn không phiền não để sống an lạc và hạnh phúc là ta
phải biết điều hòa thân thể và tâm hồn. Khiến cho thân thể và tâm hồn của ta
hòa điệu tuyệt đối với nhau trong mỗi khi ta hành xử.
Vở kịch ngàn đời
Đời vốn là một vở kịch, bạn đừng
tạo thêm bất cứ vở kịch nào cho cuộc đời nữa.
Bởi bất cứ vở kịch nào do đầu óc
và con tim của con người nhào nặn để tạo ra đều phải hạ màn, nhưng những vở
kịch của cuộc đời, thì mãi còn trên sân khấu của cuộc đời.
Khen thuê, khóc mướn là những bi
kịch do lòng dạ của con người vì đam mê lợi nhuận, hay khiếp đảm trước bạo
quyền, khiến cho vở kịch ấy, thời nào và ở đâu cũng có người đóng, cũng có
người vỗ tay, nhưng cũng có lắm người mỉm môi cười nhạo.
Kẻ ngu, thì dựa vào nơi khả năng
diễn xuất mà khen chê người đóng kịch, nhưng những người có hiểu biết sâu xa,
thì không khen chê người đóng kịch mà khen chê kẻ viết kịch, và bậc có trí
trong đời khi xem kịch, không khen chê người đóng kịch, người viết kịch mà khen
chê người ra lệnh viết kịch.
Kẻ điêu ngoa, thì ra lệnh cho
người viết kịch một cách xảo trá, dối trên, lường dưới, gạt người chung quanh;
kẻ chân thực thì ra lệnh cho người viết kịch phơi bày sự thực cuộc đời cho ai
có mắt có thể nhìn thấy, có trí có thể nhìn ra sự thực và có tâm, thì có thể
cảm nhận được sự thực một cách sâu xa và thưởng lãm cuộc sống một cách có ý
nghĩa.
Vở kịch ngàn đời vẫn là vở kịch,
nhưng những vở kịch nào lột trần được gian nguỵ của người đời, nói lên được ý
nghĩa đích thực của cuộc sống, tấm lòng chân thực của con người thì vở kịch ấy
sẽ còn mãi với con người.
Ăn nhờ ở đậu
Có nhiều người than với tôi rằng:
Thầy ơi, mấy chục năm nay con không có nhà để ở, con phải đi ở đậu nhà người.
Tôi cười và nói: Đố quý vị, trong
thế gian này, ai là người không ăn nhờ ở đậu? Người thì ăn nhờ kiểu này; người
thì ăn nhờ kiểu khác; người thì ở đậu kiểu này; người thì ở đậu kiểu khác, nên
quý vị mặc cảm làm gì cho mệt cái tâm!
Trong thế gian này, có cái gì là
cái của mình đâu, ngay cả cái thân này nó cũng không phải là của mình nữa,
huống gì là cái nhà và bữa ăn.
Tâm là ngôi nhà đích thực của
mình, thế mà có mấy ai chịu ở trong ngôi nhà ấy đâu, người ta phần nhiều thích
ở đậu nơi những ngôi nhà bằng gạch, ngói, xi măng, cột sắt đó mà!
Nên, khi nào quý vị được ở trong ngôi
nhà tâm linh của quý vị, được sử dụng và tự do tiêu xài những báu vật trong
ngôi nhà ấy, thì lúc ấy quý vị mới hết mang tiếng là kẻ "ăn nhờ ở
đậu". Và nếu không, dù quý vị được pháp lý xã hội công nhận quyền sở hữu
nhà cửa và sử dụng đất đai, nhưng thực chất quý vị cũng chỉ là kẻ "ăn nhờ
ở đậu" thôi à!
Ngày xưa, Phật hỏi chú bé Tô Đà
Di rằng: Nhà con ở đâu? Chú bé trả lời: Bạch Thế Tôn! Ba cõi không đâu không là
nhà.
Tuy mới sáu, bảy tuổi đầu, nhưng
chú bé Tô Đà Di đã có cái nhìn độc đáo, cái biết thẳm sâu, chúng ta hãy cám ơn
chú và học tập những hiểu biết ấy từ chú, để ứng dụng vào đời sống thực tế của
chúng ta, để đời sống của ta thật sự nhẹ nhàng!