Vượt qua buồn chán và trầm cảm
xem ra là một chủ đề thú vị. Tất nhiên, bạn chẳng bao giờ biết sau khi vượt qua
kế tiếp sẽ là gì - thậm chí kết quả có thể còn tồi tệ hơn - nhưng tôi chắc chắn
rằng hầu hết mọi người đều mong đợi “vượt qua” mang một ý nghĩa tốt đẹp hơn.
Bài pháp thoại này chủ yếu là một
sự suy niệm dựa trên những kinh nghiệm rất phổ biến của con người mà chúng ta
ai cũng có. Buồn chán là một kinh nghiệm phổ biến cho tất cả mọi người, nhưng
tôi nghĩ kinh nghiệm này đang trở nên càng phổ biến hơn đối với những người
sống trong xã hội hiện đại, đặc biệt là giới trẻ. Trầm cảm cũng là một vấn đề
đối với nhiều người, vì vậy tôi nghĩ rằng chủ đề này sẽ là một nền tảng khá thú
vị cho sự suy niệm của bạn. Tôi chắc chắn không muốn tự cho mình là một chuyên
gia. Tôi không phải là bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý học, vì vậy các định
nghĩa của tôi đưa ra không phải là các định nghĩa theo tinh thần của y học, mà
mang vẻ của các báo cáo hơn, báo cáo của một con người đã quan sát và quán
chiếu các cảm giác, cảm xúc và trạng thái của tâm, và đã cố gắng để hiểu các
trạng thái này và cách làm thế nào để đối phó với chúng.
Buồn chán và trầm cảm thực sự là
hai trạng thái hoàn toàn khác nhau. Chán nản là một trạng thái tương đối đơn
giản của tâm. Trạng thái của trầm cảm là một vấn đề hoàn toàn khác, nó thuộc về
phạm vi phức tạp hơn nhiều của cảm xúc. Đối phó với trầm cảm thực sự khó khăn
hơn nhiều trong cả hai lãnh vực thảo luận và điều trị thực tế. Tuy nhiên, tôi
sẽ cố gắng làm việc với cả hai trong cuộc nói chuyện ngắn này.
Buồn chán chỉ đơn giản có nghĩa
là chúng ta không quan tâm. Trong tình huống này, sự việc không làm cho ta cảm
thấy thú vị. Chúng ta nói rằng chúng ta chán, hay nói theo cách mà chúng ta
thường nói, "Cái này chán quá! Đây là một nơi thực sự chán phèo! Phim này
nhạt quá! Cuộc nói chuyện này thật là vô vị! Cuốn sách này lãng nhách. Con
người đó tẻ nhạt quá!" v.v…. cứ vậy, đủ thứ để chán. Chúng ta thường xem
buồn chán được xem như là một cái gì đó đến từ bên ngoài. Đây là điều đầu tiên
tôi muốn chúng ta xem xét lại. Tôi không đồng ý với cách nói buồn chán là một
cái gì đó đến từ bên ngoài. "Chẳng có gì buồn chán cả" nói như vậy
mới thực sự chính xác, điều này cũng tương tự như nói là "Tất cả mọi thứ
đều chán như nhau." Cả hai lối nói này đều đúng với thực tại.
Buồn chán là kết quả đến từ tâm
của chính mình mà ra chứ không phải từ nơi nào khác. Không có gì là buồn chán,
nhưng có những cái tâm buồn chán. Tâm buồn chán. Đây là điều này là rất quan
trọng mà chúng ta phải hiểu và xem xét, nếu không chúng ta sẽ luôn luôn nói
rằng, "Đây là một nơi nhàm chán, chốn này có cái gì sao sao ấy!. Cuốn sách
này nhạt nhẽo quá, hãy kiếm cuốn khác đi. Xử lý cuốn sách tẻ nhạt bằng cách ném
nó ra bên ngoài và kiếm được một cuốn khác, thú vị hơn." Đó là cách chúng
ta tiếp cận cuộc sống. Chúng ta xử lý sự buồn chán bằng cách thay đổi hoàn
cảnh, cố gắng để làm cho nó trở nên thú vị hơn. Chúng ta không bao giờ thực sự
nhận diện nguyên nhân hoặc bản chất thật sự của vấn đề.
Buồn chán là sự chủ quan
Để minh họa điều này sẽ đưa ra
một kinh nghiệm của chính tôi. Như tôi thỉnh thoảng từng nói, tôi rất thích
khoa học viễn tưởng. Bữa nọ, tôi xem một bộ phim khoa học viễn tưởng trên
truyền hình, và tôi thực sự say mê. Bộ phim thật hào hứng, adrenaline chảy
trong máu và đầu óc tôi tỉnh như sáo. Rồi, tôi nhận thấy người đàn ông ngồi
cạnh tôi - ông đang ngủ gật! Làm sao mà hắn ta có thể ngủ được chứ? Bộ phim rất
thú vị, nhưng ông ta thì chán. Đó là một điều rất thú vị, phải không? Nó cho
thấy rằng không phải đối tượng là chán, mà chính là tâm của chúng ta buồn chán, tâm không cảm thấy
hứng thú với tình huống, điều kiện, hoặc kinh nghiệm đó. Sự buồn chán là một
kinh nghiệm rất chủ quan, một trạng thái rất riêng của mỗi cá nhân. Bạn sẽ thấy
rằng điều này là lẽ thực của hầu hết mọi thứ trên đời. Bạn đọc một cuốn sách và
thấy nó thú vị, nhưng người khác không thể đọc hết trang đầu tiên. "Thật
là chán, làm sao mà bạn có thể đọc được hết cuốn sách này chứ?"
Vậy buồn chán là gì? Đó là một
kinh nghiệm mang tính chủ quan xảy ra khi tâm không có sự quan tâm, hứng thú
hoặc không có sự hào hứng, không thích những gì đang có trong hiện tại. Bạn
muốn một cái gì khác vì bạn đang chán. Bạn nói, "Cái này chán! Cái này
không chán!", Nhưng chính xác hơn thì phải nói, "Tâm đang chán".
Tâm đang chán bởi vì nó không muốn tình huống này, nó muốn cái gì khác, nó muốn
được ở một nơi khác, nó muốn có cái gì khác, muốn trải nghiệm một cái gì khác,
với một người khác, với một nơi khác...
Rất quan trọng để chúng ta hiểu rằng cội nguồn của sự buồn chán nằm trong
chính tâm của chúng ta. Hậu quả của việc không hiểu được điều này là bạn sẽ mãi
mãi cố gắng để thoát khỏi sự buồn chán bằng cách tìm những tình huống mới, kinh
nghiệm thú vị mới.
Nhưng nếu bạn cứ tìm cách thoát
khỏi sự buồn chán đó mãi thì nó sẽ bạn đi đến đâu? Đã bao giờ bạn nhận thấy
rằng với giới trẻ ngày nay, mười lăm và mười sáu tuổi, mọi thứ đều trở nên quá
nhàm chán? Việc gì nếu kéo dài lâu hơn năm phút thì đều trở nên buồn chán. Quả
là một thảm họa đối với giáo viên bởi vì họ rất khó để giữ sự sự chú tâm của
học sinh. Tại sao chúng phải chú tâm đến năm mươi phút để học một cái gì đó? Vì
vậy, họ phải tìm đủ mọi mánh lới. thủ thuật, trò chơi và những trò giải trí
khác để tiết dạy của họ có thể kéo dài 50 phút.
Các giáo viên nói với tôi điều
này khi họ mời tôi đến nói chuyện tại một trường học. Họ nói rằng khoảng thời
gian thu hút được sự chú ý của học sinh rất ngắn tôi không nên thất vọng nếu
chúng trở nên bồn chồn và bắt đầu nói chuyện vì chúng luôn luôn như thế. Đó
không phải là một điều tốt đẹp để nói về các học sinh của mình, phải không?
Trên thực tế, khi tôi nói chuyện, học sinh luôn luôn tỏ ra khá quan tâm bởi vì
tôi nhìn quá kỳ lạ. Các giáo viên luôn luôn hỏi, "Sư có mang theo một cái
gì đó cho học sinh xem để duy trì sự chú ý của chúng chứ?" Tôi không có
bất cứ thứ gì ngoại trừ bản thân mình, thế là đủ. Tôi ngồi đó rất lạ trong
chiếc y này, với cái đầu trọc, nói về một cái gì đó không thông thường, và điều
đó thường giữ được sự quan tâm, chú ý của bọn học sinh. Năm mươi phút không quá
dài đối với chúng trong tình huống đó, nhưng quá dài cho những bài học thông
thường: Xã hội học, số học, tiếng Anh, hóa học v.v…, rất khó cho giáo viên kéo
dài tiết dạy trong 50 phút. Tôi nghĩ rằng họ đang cố gắng giảm thời gian của
tiết học xuống chỉ còn 30 phút.
Tại sao các em học sinh dễ dàng
buồn chán? Bạn đã bao giờ xem xét những gì mà chúng đang tiếp thu? Bạn có bao
giờ xem xét tốc độ của sự kích thích các giác quan và sự ham muốn mà giới trẻ
hiện đang hấp thu? Hãy thử xem truyền hình đi. Tôi không thường xuyên xem
truyền hình, nhưng khi tôi xem, tôi thấy các giác quan của mình đang bị tấn
công tới tấp bởi vì mọi thứ diễn ra quá nhanh. Cảnh tượng, màu sắc, và âm
thanh, đặc biệt là trong các thước phim quảng cáo, ánh sáng nhấp nháy, âm thanh
dồn dập, mọi thứ diễn ra quá là nhanh. Có quá nhiều điều xảy ra trong vòng ba
mươi giây. Bạn có biết có bao nhiêu thứ đã được cô đọng lại trong 30 giây này
không? Bạn đang lao vào không gian, lướt trên những con sóng - tất cả trong ba
mươi giây! Các bộ phim cũng rất nhanh, một loại trải nghiệm nhanh gọn, rất kích
động và giật gân, được cô đọng vào trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Vì
vậy, các học sinh khi phải ngồi nghe một người nào đó nói về phản ứng hóa học,
chúng hoàn toàn buồn chán. Chỉ cần nghĩ đến việc phải làm một cái gì đó mất đến
một giờ thì thật là quá chán. Chỉ đơn giản là chúng không còn quen với nhịp độ chậm hơn bởi vì thời đại hiện nay
cung cấp những kích thích giác quan với tốc độ quá nhanh.
Khi bạn thức dậy vào buổi sáng và
mở đài phát thanh, bạn có thể nghe thấy những gì đang xảy ra trên toàn thế
giới. Trong mười phút, bạn biết được những gì đã xảy ra trong 24 giờ qua. Bạn
có thể xem được bao nhiêu kênh truyền hình? Tôi không biết, nhưng với truyền
hình thế hệ mới thì quá nhiều thứ sẵn sàng để xem. Và âm nhạc! Khi bạn mở đài
phát thanh, có đủ mọi loại âm nhạc, và nó dồn dập, với một sự hoạt động tràn
đầy năng lượng.
Tất cả điều này chỉ đơn giản có
nghĩa là bạn bắt đầu trở nên mệt mỏi, các giác quan của bạn trở nên cùn nhụt.
Do chịu tác động của quá nhiều sự kích thích, các giác quan không còn nhạy cảm,
bằng không nó bị áp đảo các sự kích thích. Với tôi, xem truyền hình là một sự
áp đảo đối với các giác quan. Chỉ sau nữa giờ đồng hổ xem TV là tôi cảm thấy mệt
mỏi vì những kích thích giác quan quá mãnh liệt. Khi xem truyền hình thường
xuyên, bạn phải trở nên ít nhạy cảm hơn. Kết quả của việc này là bạn phải mất
nhiều thời gian hơn để phản ứng với các kích thích tương tự, với cùng một sự
quan tâm. Bạn thậm chí còn cần nhiều thời gian hơn nữa để tạo ra sự quan tâm,
hứng thú, và cảm giác hưng phấn trong cuộc sống.
Để minh họa cho điều này, tôi
muốn bạn hướng sự chú ý của mình đến một việc mà bạn cho là bình thường. Bạn về
nhà, bạn có một chiếc truyền hình, đài phát thanh và một chiếc ô tô. Bạn sẽ lái
xe về nhà hoặc có thể bạn sẽ đi xe lửa, xe buýt hoặc xe điện. Bạn nghĩ rằng
điều đó chẳng có gì đặc biệt cả, phải không? Một việc khá bình thường - một
chuyến đi nhàm chán trên xe điện. Về đến nhà bạn mở tủ lạnh, bạn lấy đồ uống
ướp lạnh, trái cây ra. Bạn bật công tắc và ánh sáng xuất hiện. Bạn đi vào nhà
vệ sinh, giật nước, và mọi thứ được dội sạch sẽ. Bạn mở vòi nước - nước tuôn
ra, nóng và lạnh. Tất cả những thứ đó đều rất bình thường, phải vậy không? và
chẳng có gì là thú vị cả.
Bây giờ hãy tưởng tượng một người
của khoảng 100 năm về trước ở trong cùng một tình huống - đôi mắt của người ấy
sẽ vọt ra ngoài : "Nhìn kìa! Cái đó là gì vậy? Một chiếc xe! Bạn có thể
lái nó! Một cái truyền hình, tủ lạnh, điện... tuyệt quá! Kỳ diệu quá! ". Nó
thật là kỳ diệu. Bật công tắc và các ngọn đèn sáng lên. Bạn thậm chí không cần
đứng lên để mở công tắc, chỉ cần ngồi một chỗ bấm nút điều khiển. Thật là kỳ
diệu, ngồi tại chỗ, bấm nút điều khiển và truyền hình, video, âm thanh stereo
được kích hoạt. Bạn có thể kích hoạt rất nhiều điều từ chỗ ngồi của mình. Bạn
có thể lái xe về nhà, bật công tắc và cánh cửa mở ra giống như trò ảo thuật
vậy!
Những người không quen với những
món này sẽ thấy chúng vô cùng hấp dẫn – Họ thực sự bị áp đảo. Họ sẽ không thấy
buồn chán chút nào hết. Họ có lẽ sẽ không ngủ được do bị phấn khích. Hãy tưởng
tượng họ bước đi trong ngôi nhà của bạn: Họ sẽ thấy vui thích với tất cả các đồ
dùng, tất cả những gì bạn có trong nhà của bạn, họ có thể sẽ không ngủ được tối
nay. Bạn có nghĩ rằng họ sẽ cảm thấy buồn chán không? Ngôi nhà của bạn có chán
không? Đã bao nhiêu lần bạn cảm thấy chán ngấy trong ngôi nhà của mình? Thực tế
là, hầu hết mọi người cảm thấy buồn chán khá thường xuyên.
Vấn đề nằm ở chỗ là tình huống
bản thân nó không nhất thiết là nhàm chán, nhưng chính cái trạng thái của tâm trở
nên buồn chán khi nó thấy tình huống đó bình thường, không còn hứng thú, không
còn thú vị để nó quan tâm nữa. Tình huống không tạo sự hứng khởi, không khơi
dậy bất kỳ sự quan tâm nào của chúng ta, vì vậy chúng ta rơi vào một trạng thái
thụ động buồn chán, nghĩ rằng, "Tôi muốn một cái gì khác, tôi muốn trải
nghiệm một cái gì khác, tôi muốn được ở một nơi nào khác. Tôi chán.” Đây là một
kinh nghiệm rất phổ biến.
Cách mà chúng ta thường đối phó
với tình huống này là tìm kiếm những trải nghiệm mới, tìm kiếm một cái gì đó
mới. Đó là những gì chúng ta đang được khuyến khích để làm, tìm một cái gì đó
mới. Bạn buồn chán, do đó, bạn đi ra ngoài và kiếm một cái gì đó mới: váy mới,
tủ quần áo mới, ô tô mới, video mới, bộ phim mới. Để không cảm thấy buồn chán,
bạn cứ việc tiếp tục mua sắm một thứ gì đó mới.
Tiến trình này là gì và nó sẽ dẫn
chúng ta đến đâu? Nó gây ra cho chúng ta điều gì? Nó làm cho chúng ta càng ngày
càng ít nhạy cảm hơn, càng ngày càng ít hài lòng hơn, và càng ngày càng ít có
khả năng cảm nhận được niềm say mê của việc mình đang được sống, ngoại trừ
trong một số tình huống hiếm hoi khi chúng ta tìm thấy được một cái gì đó mới,
khi chúng ta đi một nơi nào đó khác lạ. Kết quả của việc này là hầu như trọn
cuộc sống của chúng ta là một sự nhàm chán. Cuộc sống sẽ càng ngày càng trở nên
nhàm chán nếu bạn cứ tiếp tục đi theo xu hướng này.
Người giàu, những người đã ở khắp
mọi nơi và làm mọi thứ, cảm thấy buồn chán khá thường xuyên. Thật khó tìm được
một thứ gì đó để làm cho họ phấn khích, Một khi bạn đã ăn tất cả các loại món
ăn, một khi bạn đã đến tất cả các nhà hàng ở Melbourne, chắc hẳn bạn sẽ thấy
nhàm chán. "Tôi có thể đi đâu để có một đêm thú vị?" Một khi bạn đã
xem thấy tất cả các chương trình... "Ôi trời, chẳng có gì hay ho trên
truyền hình cả. Quá chán!." Bạn ngày càng trở nên buồn chán hơn vì ngày càng
trở nên mệt mỏi hơn, ngày càng trở nên kém nhạy hơn cảm, và lệ thuộc vào những
thứ kích thích sự hưng phấn của bạn càng nhiều hơn. Giới trẻ ngày nay đau khổ
vì điều này.Không phải chỉ riêng có giới trẻ, nhưng giới trẻ chịu tác động
nhiều hơn, bởi vì họ đang được nuôi dưỡng trong môi trường với một sự kích
thích ở mức độ cao.
Người ta thường hay hỏi tôi về
cuộc sống của các tu sĩ, đặc biệt là khi tôi nói chuyện với học sinh tại các
trường học. Họ hỏi tôi làm những gì. Vâng, chúng tôi dậy vào lúc bốn giờ sáng
và chúng tôi hành thiền.
“Quý sư làm gì khi hành thiền?”
“Ồ, chúng tôi chỉ ngồi yên nhắm
mắt”
“Sau đó thì quý sư làm gì?”
“Chúng tôi uống trà và rồi làm
một số công việc lặt vặt, quét tước và dọn dẹp, chúng tôi ăn một ngày một bữa,
đọc một chút vào buổi chiều.”
“Thế quy sư có chơi thể thao
không?”
“Ồ không, chúng tôi không chơi
thể thao”
“Có giải trí không?”
“Không chúng tôi không được phép
giải trí, không ca hát, nhảy múa, không nghe nhạc, không xem TV, không xem phim
…”
“Không xem phim! Vậy quý sư có
thấy chán không? Chán lắm phải không? Quý sư ngồi suốt ngày trong rừng phải
không? Quý sư có tổ chức tiệc tùng không?”
“Không có tiệc tùng gì hết”.
“Chán quá phải không? Sư có thấy
chán không?”
"Ồ, vâng, thông thường mà
nói thì rất là chán, hoàn toàn buồn chán. Cuộc sống tu viện được thiết kế để
sống hoàn toàn nhàm chán, một cuộc sống nhàm chán hoàn hảo cho đến khi bạn trở
thành một vị thầy, sau đó –thật không may- bạn sẽ không có thời gian để được
chán nữa. "
Các vị sư có thấy chán không?
Chắc chắn, tất cả những ai đến ở tại tu viện đều thấy đời sống ở đó chán phèo,
và chuyện gì xảy ra? Chúng tôi có chơi nhạc hoặc đưa họ ra ngoài đi xem phim để
thoát khỏi sự buồn chán không? Không. Tại sao? Buồn chán là một trạng thái của
tâm, và việc rất quan trọng là con người phải hiểu được tâm của mình. Bạn không
cần phải tìm sự giải trí để giúp cho bạn vượt qua buồn chán Nếu bạn hiểu buồn
chán là gì, nó sẽ còn gây rắc rối cho bạn. Cội nguồn của sự buồn chán nằm trong
tim, trong tâm, trong cái cách muốn tìm một cái gì khác, cần cái gì khác, muốn
một cái gì đó mới. Đây là sự khao khát mà trong trong Phật giáo, chúng ta gọi là tanha, tham
ái.
Hiểu về trầm cảm
Trầm cảm phức tạp hơn buồn chán
nhiều. Thường xuyên buồn chán bạn có thể trở nên trầm cảm. Trầm cảm không liên
quan tới việc muốn một cái gì đó khác lạ hơn như buồn chán.
Buồn chán không phức tạp – Tôi
không muốn cái này, tôi muốn một thứ gì đó khác- trầm cảm không đơn giản như
vậy. Nó là một trạng thái cảm xúc mạnh mẽ hơn, thường là một sự buồn bã pha lẫn
với sự tuyệt vọng. Tựa như một thứ gì nặng nề và u ám, tất cả đều tối tăm và
tuyệt vọng, không có chút ánh sáng hy vọng, không có chút sinh lực.
Khi bạn chán, bạn thường vẫn có
năng lượng: "Vâng, tôi sẽ đi đâu đó và làm cái gì khác." Bạn không
muốn mình bị buồn chán và bạn có năng lượng để làm một cái gì đó để loại bỏ nó.
Nhưng khi bạn chán nản (trầm cảm) bạn không có chút năng lượng nào, bạn đã mất
hy vọng, nó áp đảo bạn và bạn cảm thấy như bị nó nhấn chìm.
Trầm cảm có thể sinh khởi do
nhiều yếu tố. Những khó khăn về mặt cảm xúc, chẳng hạn như một sự thất bại,
hoặc một mối quan hệ trở nên chua chát, hoặc bạn bị những người mà bạn yêu
thương và tôn trọng chỉ trích mạnh mẽ, những thứ này có thể dễ dàng xô đẩy bạn
vào trạng thái trầm cảm. Thay vì phản ứng với sự tức giận, bạn bắt đầu nghĩ
rằng có lẽ họ đúng. Trầm cảm là một cảm giác u uẩn, tuyệt vọng.
Nếu bạn đang lâm vào tình trạng
buồn chán kinh niên và bạn không biết làm gì khác, như vậy không phải là bạn
chỉ buồn chán không thôi đâu, bạn cũng đã bị trầm cảm, bởi vì bạn đã mất hy
vọng. Vì vậy, trầm cảm là một gánh nặng. Nó làm mất đi năng lượng của cuộc
sống. Nó lấy đi hy vọng và niềm say mê, đó là một cảm giác tối tăm, u uẩn. Tất
cả chúng ta đều kinh nghiệm những mức độ khác nhau của trầm cảm, điều này khá
phổ biến, một số người có mức độ trầm cảm nặng hơn so với những người khác.
Bạn sẽ làm gì về để đối phó với
trầm cảm? Bởi vì nó là một tình trạng phức tạp, câu trả lời rõ ràng không phải
là đơn giản. Có rất nhều khía cạnh liên quan, nhưng tối nay tôi muốn đưa ra một
số phương pháp lượm lặt từ một trong những lời dạy của Đức Phật, có thể sử dụng
để đối phó với trầm cảm.
Một trong những điều Đức Phật dạy
được gọi là Bảy yếu tố của sự Giác ngộ. Đây là những bảy phẩm chất tâm linh cần
được tu tập để tiến tới sự Giác ngộ. Mặc dù Bảy yếu tố giác ngộ là những phẩm
chất khá đặc biệt được phát triển trên đường dẫn đến Giác ngộ, nhưng tôi muốn
nói đến chúng theo ý nghĩa đời thương hơn, vì những phẩm chất của bảy yếu tố
này có thể sử dụng trong việc đối phó với trầm cảm một cách hiệu quả. Những
định nghĩa của tôi về các yếu tố này có thể không truyền tải được toàn bộ sự
sâu sắc của chúng, nhưng bạn có thể thấy được sự hữu ích của chúng khi đem ứng
dụng trong cuộc sống hàng ngày của bạn.
Có bảy yếu tố, nhưng tối nay tôi
sẽ chỉ đề cập đến ba yếu tố mà thôi, bởi vì ba yếu tố này có tác dụng nâng cao
tinh thần, năng lượng và làm cho tâm phấn chấn, hồ hỡi, và vì vậy chúng là một
thứ thuốc giải độc rất tốt cho trầm cảm.
Yếu tố đầu tiên của ba yếu tố nói
trên là học hỏi của Giáo Pháp, hoặc có thể nói theo một cách khác là tìm hiểu
thực tại, bản chất của sự vật thuận theo quy luật của cuộc sống. Ví dụ, bạn
đang ở trong một vị thế mà ai đó bắt đầu chỉ trích bạn và chỉ ra tất cả những
lỗi lầm của bạn. Nếu nhiều người chỉ trích bạn, bạn sẽ bắt đầu tin những gì họ
nói về bạn là đúng. Một khi bạn bắt đầu tin nó, bạn có thể bị trầm cảm. Nếu bạn
không tin điều đó, bạn sẽ đáp trả: "Bạn đang nói gì vậy? Tôi tự biết mình
nhiều hơn bạn biết tôi. Bạn là ai mà có quyền nói về tôi như vậy?" Do bạn
không bị trầm cảm nên bạn giận dữ, và đáp trả. Nhưng khi cái khả năng cho rằng
họ đúng và bạn sai bắt đầu lẻn dần vào tâm thức của bạn, bạn có thể bị trầm
cảm. Bạn bắt đầu suy nghĩ : "Vâng, tôi thực sự đã làm rối tung mọi thứ,
tôi thật sự hết thuốc chữa." Bạn buông xuôi và điều đó thực sự hết thuốc
chữa. Bạn có thể làm gì bây giờ? Quá muộn rồi.
Hãy nhìn sự vật đúng với bản chất của chúng
Loại thái độ và phản ứng này sở
dĩ xảy ra là do chúng ta không hiểu rõ bản chất của cuộc sống. Bản chất của
cuộc sống là gì? Cuộc sống có cả khen và chê. Mọi người sẽ luôn được khen ngợi,
và họ cũng sẽ luôn chê trách. Bạn sẽ luôn luôn nhận được một số lời khen ngợi,
bạn sẽ luôn luôn nhận được một số lời chỉ trích, bất kể bạn đi đến đâu hoặc bạn
là ai. Bất cứ nơi nào bạn đến, bất cứ bạn là ai, bạn không bao giờ thoát khỏi
nó. Hãy nghe những gì họ nói về Chúa Trời - một người khen ngợi, một số người
nguyền rủa. Ngay cả Tổng thống của Hoa Kỳ cũng vậy - một số người reo hò khen
ngợi ông ta trong khi một số đang chế giễu. Ai cũng vậu thôi, ngay cả một tu sĩ
Phật giáo cũng chịu chung số phận. Khi tôi gần gũi với giới Phật tử, họ thường
đối xử với tôi rất tốt. Nhưng khi tôi ở đến gần những người không phải Phật tử
hoặc bước đi trên đường phố, họ nói những điều không tốt đẹp về tôi. Khen ngợi
và chê trách, cuộc đời nó là vậy. Không ai có thể thoát khỏi điều đó.
Tìm hiểu bản chất của chính bạn
cũng giống như tìm hiểu bản chất của cuộc sống. Bạn không hoàn hảo...bạn phải
biết là mình không hoàn hảo! Bạn có hiểu điều đó không? Bạn không hoàn hảo, bạn
có những lúc phạm sai lầm. Bạn không bao giờ có thể nhìn thấy mọi thứ trọn vẹn
và rõ ràng. Đôi khi bạn đánh giá sai, đôi khi bạn phạm những sai lầm thật ngớ
ngẩn Vâng, bạn là con người, mọi người đều phạm sai lầm.
Một số người, đặc biệt là Phật
tử, nghĩ rằng trong suốt cuộc đời mình Đức Phật không bao giờ phạm sai lầm, vì
Ngài là Đức Phật, bậc toàn tri và toàn giác. Tuy nhiên, một sự cố đặc biệt được
ghi lại trong Kinh điển luôn luôn hấp dẫn tôi và làm cho tôi cảm thấy tốt hơn
nhiều mỗi khi tôi làm điều gì sai lầm và nghĩ đến nó.
Ngày nọ, Đức Phật đã dạy cho Tăng
đoàn gồm rất nhiều các vị sư. Đề mục thiền mà Ngài dạy không phải là chánh niệm
trên hơi thở. Đó là một đề mục cụ thể hơn rất nhiều. Một trong những kỹ thuật
thiền định mà Đức Phật đã đặc biệt dạy cho chư Tăng, Ni thời đó là quán sát cơ
thể. Đôi khi nó được gọi là quán sự về sự bất tịnh hoặc không khả ái của cơ thể.
Trong hình thức thiền định này, bạn dùng tâm mổ xẻ cơ thể và xem nó như là một
đối tượng không hấp dẫn, như là một túi da chứa đủ thứbất tịnh.
Bắt đầu với tóc ở trên đầu, việc
quán niệm di chuyển qua bên phải và đi khắp toàn bộ cơ thể, mô tả tất cả những
gì có bên trong. Việc quán niệm này nghe có vẻ khá khủng khiếp khi bạn bắt đầu
mổ xẻ cơ thể. Ðức Phật đã cho các nhà sư đề mục thiền rất tốt này, khuyến khích
họ thực hành siêng năng trong khi Ngài rút lui ẩn cư, để lại chỉ thị rằng không
ai được làm phiền Ngài ngoại trừ vị tu sĩ mang thức ăn cho Ngài mỗi ngày một
lần.
Đức Phật đã để lại các nhà sư
hành thiền với nhau. Họ đã hành thiền, và rất tinh tấn. Họ thiền và thiền về sự
bất tịnh của cơ thể, và nhiều người trong số họ bắt đầu đạt một sự ghê tởm
khủng khiếp đối với cơ thể, cái bao đựng những thứ ô uế này: "Ồ, khi nào
thì tôi sẽ được thoát khỏi cái thân này? Khi nào tôi sẽ thoát được cái bao đựng
những thứ ghê tởm này?" Đây là cái quan kiến mà họ đã phát triển được.
Trên thực tế nó là tà kiến, nó không phải là mục đích thực sự của kỹ thuật
thiền định này, nhưng do không có sự hướng dẫn, việc này có thể xảy ra. Nó chỉ
là một sự thay đổi trong nhận thức, xinh đẹp trở thành xấu xí. Họ nhìn thấy cơ
thể thật là kinh tởm.
Một số người trong nhóm quá ghê
tởm cơ thể của mình đến độ họ tìm đến một vị ẩn sĩ, người đang sống một cuộc
sống thiền. Họ nói với ông: "Nghe này ông bạn, chúng tôi hoàn toàn ghê tởm
cái thân này. Làm ơn hãy giết chúng tôi.
Nếu ông bạn giết chúng tôi, ông bạn có thể lấy y và quả bát của chúng tôi."
Vị ẩn sĩ là một người khá đơn giản: "Các bạn có chắc là việc đó tốt cho
các bạn không? Việc đó có giá trị cho các bạn chứ?" Họ trả lời "Vâng.
Đó thực sự là những gì mà chúng tôi muốn." Vì vậy, vị ẩn sĩ dùng thanh
kiếm của mình để giết các tu sĩ trẻ, nghĩ rằng ông đã làm một điều tốt.
Tuy nhiên, khi ông nghĩ về những
gì mình đã làm, ngẫm nghĩ rằng giết người là một việc xấu, ông bắt đầu cảm thấy
hối hận. Khi vị ẩn sĩ ra bờ sông để rửa cho thanh kiếm của mình sạch máu, ông
hết sức ăn năn. Vào lúc đó, theo như câu chuyện kể, Ma- vương hiện ra trong
nước như một vị thần và nói với ông ta, "Ồ, không, thưa ông, đó là một
việc làm cao thượng và có công đức nhất của ông, ông đã giúp cho những thanh
niên đó vượt qua đại dương của sinh tử luân hồi và được giải thoát. Đó là một
hành động phước báu vô lượng, sẽ đem lại lợi ích lớn lao cho ông trong đời hiện
tại và cả vị lai." Vị ẩn sĩ trở nên hoàn toàn phấn chấn vì tin rằng mình
đã tạo được phước báu lớn lao. Nghĩ rằng mình nên tiếp tục làm việc như vậy
nhiều hơn nữa, ông đã đến nơi các tu sĩ Phật giáo đang tu tập, vung thanh kiếm
của mình và đi từ phòng này sang phòng khác, gọi, "Ai muốn được đưa qua bờ
bên kia? Ai muốn được giải thoát?"
Câu chuyện nói rằng trong một
ngày ông ta đã chặt đầu nhiều người và giết hàng chục, hàng trăm nhà sư. Tất cả
điều này được cho là đã xảy ra mà không một ai báo cáo cho Đức Phật biết. Sau
thời gian ẩn cư, Đức Phật ra khỏi rừng, và khi Ngài đi qua tu viện với thị giả
của Ngài là Ananda, Ngài nhìn quanh: "Ananda, chuyện gì đã xảy ra? Tại sao
các nhà sư ở đây còn ít quá? Tất cả họ đã đi đâu, A -nan đa?" Chỉ đến lúc
đó, A-nan-da mới kể cho Đức Phật những gì đã xảy ra.
Sau đó, Đức Phật triệu tập các
nhà sư lại và nói: "Này các Tỳ khưu, tốt hơn là các ông hãy thay đổi đề
mục thiền." Ngài sau đó bắt đầu hướng dẫn cho họ thiền tập trên hơi thở
vào và hơi thở ra, chánh niệm trên hơi thở. Đức Phật nói rằng phương pháp thiền
này là tốt hơn nhiều và đã đưa ra một danh sách toàn bộ những lợi điểm của nó.
Cho dù câu chuyện này là một sự
kiện lịch sử hay không, tôi không biết. Tuy nhiên, bởi vì nó là một phần nằm
trong Kinh điển, nó cho thấy rằng ngay cả Đức Phật cũng có thể đã đánh giá sai
về kết quả giảng dạy của mình. Điều như vậy chưa từng bao giờ xảy ra đối với
tôi, nhưng tôi nghĩ rằng tôi sẽ rất đau khổ nếu tôi dạy một cái gì đó mà nó đưa
lại kết quả như vậy. Vì vậy, từ câu chuyện này, có vẻ như ngay cả Đức Phật có
thể làm những gì, mà theo cách chúng ta thường nói, gọi đó là một sự sai lầm.
Vâng, bạn là người - vì vậy bạn
phải phạm những việc sai lầm! Có lẽ sai lầm đó là cách mà bạn nuôi dạy con cái
của bạn... có thể bạn không phải là người cha hoàn hảo, không phải người mẹ
hoàn hảo. Vâng, bạn không hoàn hảo, bạn không phải là toàn năng, không phải
toàn tri.
Học hỏi Giáo Pháp, có nghĩa là
tìm hiểu bản chất của cuộc sống, cuộc sống là như thế, nó luôn có hai mặt. Có
khen, có chê, có thành công, có thất bại. Chúng ta không thể biết hết mọi thứ,
quan điểm của chúng ta có giới hạn, chúng ta mắc sai lầm. Vâng, cuộc sống là
như vậy. Sự hiểu biết về bản chất của sự vật giúp cho chúng ta bắt đầu đánh
được quy luật vận hành của thiên nhiên và giúp chúng ta có niềm tin nơi cuộc
sống. Chúng ta không cảm thấy bị áp lực khi gặp gì sai trái, khi chúng ta rơi
vào tình trạng nào đó, khi chúng ta chỉ trích hay bị bệnh.
Ngày nay nếu người ta nói với bạn
rằng bạn bị ung thư thì không chỉ cái thân của bạn bị bệnh thôi đâu mà bạn còn
bắt đầu cảm thấy chán nản và mang mặc cảm của một người có tội: "Ồ, ung
thư, bệnh này gây ra do bởi căng thẳng – chắc chắn mặt tinh thần tôi đã có gì
sai trái." Vậy thì đã sao? Bạn không hoàn hảo, bạn chưa giác ngộ. Chúng ta
phải có những sai lầm trong cuộc sống.
Sự hiểu biết về bản chất của sự
vật, sự đánh giá đúng bản chất của thiên nhiên, sự hiểu biết của chúng ta về
cái chết và những giới hạn của của chính mình, có nghĩa là chúng ta sẽ không để
bị các tình huống đè bẹp hay làm cho chúng ta chán nản. Đây là cách cuộc sống
vận hành. Ngay khi bạn nhận thức được rằng bạn không hoàn hảo, rằng bạn có thể
phạm sai lầm, một gánh nặng đã được quẳng đi. Kết quả này có được là do từ việc
đánh giá đúng bản chất sự vật, từ việc học hỏi, nhìn kỹ hơn bản chất của cuộc
sống cũng như con người chúng ta, bản chất của thân và tâm.
Đây là một ví dụ mà trong Phật
giáo chúng ta gọi là học hỏi Giáo Pháp, yếu tố đầu tiên trong ba yếu tố quan
trọng có thể giúp vượt qua trầm cảm.
Yếu tố thứ hai là năng lượng,
khơi dậy năng lượng, tương tự như khơi dậy sự thích thú. Chúng ta có thể khơi
dậy năng lượng trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta không thể ngồi chờ đợi
cho năng lượng chảy vào trong chúng ta, cũng như chúng ta không thể chờ đợi một
cái gì đó thích thú đến với chúng ta. Chúng ta có để có thể khơi dậy năng lượng
của chúng ta. Hãy đứng dậy và làm một việc gì đó. Bạn sẽ làm gì nếu bạn đang
chán nản? Hãy đứng dậy, khơi dậy năng lượng để cố gắng làm một cái gì đó. Hãy
làm một điều gì tốt. Làm vườn, đi dạo, hít thở không khí trong lành và sưởi ấm
dưới ánh sáng mặt trời, hãy đi ra ngoài nhìn ngắm các hàng cây và lắng nghe
chim hót. Chỉ cần bạn khơi dậy một chút ít năng lượng, nó sẽ giúp bạn tạo thêm
nhiều năng lượng hơn nữa, và việc đó giúp cho bạn lên tinh thần và giúp bạn
thoát khỏi sự trầm cảm. Bất cứ điều gì đó giúp tạo ra năng lượng đều tốt. Đừng
chờ cho cuộc sống truyền năng lượng cho bạn, bạn phải truyền năng lượng vào
cuộc sống, tạo ra nội lực từ trong con người của chính mình.
Tương tự như tôi nói chúng ta có thể khơi dậy sự thích thú trong
quá trình thiền tập, chúng ta có thể khơi dậy năng lượng trong cuộc sống hàng
ngày của chúng ta. Nếu chúng ta chán nản, chúng ta có thể khơi dậy năng lượng.
Làm điều gì đó cho người khác. Tới hội Phật Giáo và làm điều gì đó cho mọi
người. Làm điều gì đó cho cộng đồng, bởi vì khi bạn tạo ra năng lượng để làm
một cái gì đó cho người khác, làm một điều gì tốt, trầm cảm sẽ nhanh chóng giảm
sự đè nặng lên bạn.
Yếu tố tiếp theo là sự hoan hỷ
hay niềm vui. Khi chúng ta khơi dậy năng lượng, chúng tôi khơi dậy sự thích
thú. Trong thiền tập, khi chúng ta khơi dậy sự quan tâm đến đối tượng, tâm
chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui do kết quả của sự định tâm. Cũng vậy, nếu chúng
ta khơi dậy năng lượng và quan tâm trong cuộc sống của chúng ta, làm những gì
tốt đẹp, làm những việc để phụng sự, trái tim của chúng ta sẽ có được niềm vui.
Bạn cảm thấy hoan hỷ khi bạn làm những điều tốt đẹp. Khi bạn sống và phụng sự,
bạn sẽ cảm thấy tròn đầy.
Thật là ngạc nhiên, phải vậy
không? Khi chúng ta sống hoàn toàn ích kỷ, chúng ta sẽ cảm thấy hoàn toàn trống
rỗng và đau khổ, khi chúng ta sống cuộc sống phụng sự cho người khác, nuôi
dưỡng thiện pháp trong các hình thức khác nhau, đủ lạ để chúng ta cảm thấy thỏa
mãn, chúng ta sẽ cảm thấy hoan hỷ, chúng ta cảm nhận được lòng tự trọng. Khơi
dậy năng lượng để đứng dậy và làm điều gì đó tốt nhằm tạo cho chúng ta sự hoan
hỷ bởi vì việc đó làm cho tâm của chúng ta phấn chấn. Nó không giống chúng ta
thấy hạnh phúc khi được vừa lòng. Hạnh phúc theo nghĩa thông thường của nó đôi
khi làm cho bạn cảm thấy xuống tinh thần, đặc biệt là khi nó gắn liền với những
điều không khéo tác ý hoặc bất thiện. Bạn không cảm thấy hoan hỷ. Bạn có thể
cảm thấy hứng thú và niềm vui, nhưng không phải là sự hoan hỷ. Hoan hỷ trong ý
nghĩa này luôn gắn liền với điều tốt, bởi vì nó làm cho tâm thấy ánh sáng. Có
lòng tự trọng và niềm vui trong tim.
Ba phẩm chất này có thể giúp bạn
đối phó với hoặc vượt lên trên trầm cảm. Học hỏi để thực sự hiểu được bản chất
của cuộc sống. Phần lớn trầm cảm phát sinh thực tế là do chúng ta đã không đánh
giá được hoặc không chấp nhận bản chất tự nhiên của cái chết, bản chất của cuộc
sống của chúng ta. Chúng ta càng hiểu về những điều này, chúng ta càng ít bị
trầm cảm. Đó là bản chất của sự vật. Nếu chúng ta có thể khơi dậy năng lượng để
làm những gì tốt đẹp, nó mang lại cho ta sự hoan hỷ. Điều này có thể được thực
hiện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta và nó cũng có thể được thực hiện
trong thiền tập. Nếu bạn làm điều đó trong thiền tập, tâm sẽ không còn bị trầm
cảm. Nếu bạn làm điều đó trong cuộc sống hàng ngày, bạn sẽ không còn bị ảnh
hưởng bởi trầm cảm.
Theo: Going beyond Boredom and
Depression
Chuyển ngữ sang tiếng Việt:
Supañña Thiện Trí