Vượt qua nỗi cô đơn

Con người có những giây phút thích cô đơn
Để nghe thấy được những điều, có ai bên, không nghe thấy
Nhưng nếu kéo dài thành tháng năm những giây phút ấy
Con người sẽ héo mòn, đau khổ... bơ vơ!
Phạm Hổ


Nhà thơ ấy đã nói hộ nỗi lòng của bao người trong xã hội xô bồ, hối hả này. Đôi khi con người mong ước lạc đến một đảo hoang, tận hưởng cảm giác một mình, chỉ còn ta với ta. Thế nhưng, nếu cảm giác ấy cứ kéo dài vô tận, với những tháng ngày u uất, buồn thương tiếp nối trôi quá, con người sẽ chết ngạt trong không gian ấy mất. Bởi cảm giác cô đơn, lẻ loi vô cùng đáng sợ, đôi khi nó còn khủng khiếp hơn cả bệnh tật. Thế nên, bài viết này với mong muốn chia sẻ và đưa ra một vài phương pháp giúp bạn vượt qua nỗi cô đơn.

Nếu Xuân Diệu đi tìm khái niệm tình yêu và từng bất lực vì “làm sao cắt nghĩa được tình yêu” thì trạng thái cô đơn cũng không dễ lý giải chút nào. Cô đơn là “một cảm giác trống trải, buồn tênh,..... Cô đơn là những lúc chỉ có mình ta với ta, buồn không có ai tâm sự, vui không có ai sẻ chia.... Cô đơn là khi chúng ta tự tách mình ra khỏi gia đình, bạn bè và xã hội..... Người cô đơn là những người mang tâm hồn lặng lẽ...Có những người hàng ngày luôn tỏ ra vui vẻ. Nhưng biết đâu sâu thẳm trong những tâm hồn ấy lại chất chứa nỗi cô đơn....” (Nguồn: internet)

Hạnh phúc và niềm vui thì chỉ có một cảm giác nhưng cô đơn thì vô hạn định. Ở đây, chúng tôi muốn liệt kê một vài trường hợp khiến con người ta cô đơn:

- Chúng ta lạc lõng với cha mẹ, vợ/chồng, con cái, ngay trong chính ngôi nhà của mình. Bởi sâu thẳm trong lòng ta, nhiều u uất tâm sự không thể giải bày. Ta cảm thấy lẻ loi ngay giữa cuộc vui, cảm giác như mình chẳng tồn tại, chẳng thuộc về nơi đâu.

- Nhiều người thích sống một mình, trong một không gian tĩnh lặng vì họ đang chạy trốn những áp lực quá lớn từ cuộc sống, những mối quan hệ căng thẳng, ngột ngạt mà hằng ngày vẫn phải đối mặt và chứng kiến.

- Nhiều người do mãi lo làm việc, xây dựng một cuộc sống ổn định và mong cầu một vị trí trong xã hội. Đến khi ngoảnh mặt nhìn lại thấy mình đã lớn tuổi mà vẫn chưa có một nửa của riêng mình. Lúc đó, người ta bắt đầu thấy cô đơn...

- Khoảng cách giữa người già với con cháu của mình ngày càng lớn. Những câu chuyện xưa cũ, kỷ niệm về thời bao cấp, về cơm độn sắn đã trở nên cũ mèm với thế hệ sau. Các trò chơi trên internet, mạng xã hội đã ngốn hết thời gian và chúng không còn ham thích ở bên ông bà mình để nghe những câu chuyện cổ tích nữa. Và khai ấy, người già cảm thấy cô đơn và thừa thải.

Lý giải sự cô đơn, ở đây chúng tôi chỉ nói đến vài nguyên nhân chính:

1. Họ bất mãn với mọi thứ trên cuộc đời, không có niềm tin với mọi người xung quanh: gia đình, vợ/chồng, bạn bè. Sống trong một xã hội mà hằng ngày người ta phải nghe nhan nhản trên báo chí những câu chuyện vợ giết chồng, chồng giết vợ vì kẻ thứ ba hay vì tiền bạc; người thì bị lừa gạt tiền hoặc bị mất chồng do chính bạn thân của mình gây ra.... Lúc đó, người ta thấy niềm tin bị rạn vỡ. Những người đầu ấp tay gối, nói biết bao lời thế thốt yêu đương, lại có thể tàn nhẫn xuống tay sát hại chồng/vợ mình thì thử hỏi thế gian này, con người ta còn biết tin vào điều gì.

2. Có người vì tan vỡ với mối tình trong mộng, ngay cả khi họ lấy vợ/chồng, họ vẫn cảm thấy cô đơn, trống vắng:

“Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẻo của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người”
Hai sắc hoa Tygôn – TTKH

Đó cũng là bi kịch, một nỗi đau, bởi lẽ lúc ấy con người ta sống trong hoang vắng, trong sự chết dần chết mòn về cảm xúc và tình yêu

3. Cũng có người chấp nhận một cuộc sống cô đơn vì họ chưa thể tìm được một nửa đích thực của đời mình.

4. Nhiều người già lấy vợ hoặc chồng ở tuổi xế chiều, gần đất xa trời không phải do nhu cầu thể xác mà vì để khoả lấp sự đơn độc và buồn tủi khi mà con cái không còn hiểu và quan tâm đến mình nữa.

Còn rất nhiều những trạng thái cô đơn mà chúng tôi không thể liệt kê hết. Đôi khi, nó trở thành một căn bệnh thật kinh khủng, còn đáng sợ hơn cả ung thư. Và lúc đó, nhiều người vì muốn trốn chạy cảm giác trống vắng, lạc lõng trong tim mình đã tìm quên trong rượu, ma tuý, trong những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, thậm chí là cả cái chết. Người ta thấy mọi thứ trên cuộc đời này đều trở nên vô nghĩa.

Vậy, chúng ta làm sao để vượt thoát cảm giác cô đơn đang tràn ngập và xâm chiếm tâm hồn mình. Một vài phương pháp được nêu ra như sau:

 - Chúng ta cô đơn có khi vì thấy mình thừa thải và trơ trọi, không có ai cần mình, không ai hiểu mình. Hãy thử mở rộng tấm lòng mình, đón nhận những thanh âm khác từ cuộc sống. Đó là những đứa trẻ không cha, mẹ, thèm khát sự ôm ấp, vỗ về từ những người xa lạ như chúng ta. Những người già nơi các trung tâm từ thiện xã hội đang mong mỏi chúng ta từng ngày không chỉ về vật chất mà đôi khi chỉ cần chúng ta ngồi lặng nghe những câu chuyện không đầu không cuối. Bạn hãy thử cất bước, hoà mình vào các công tác từ thiện, lúc đó bạn sẽ thấy vơi đi nỗi cô đơn trong lòng mình.

- Với những Phật tử, hãy vượt thoát cảm giác cô đơn, buồn chán bằng những cách như: đến chùa làm công quả. Hãy tạm rời xa căn phòng lạnh lẽo nơi mình đang sống, tạm rời xa những cuộc mua vui chỉ càng làm ta buồn hơn sau khi tàn cuộc mà cất bước đến chùa hằng đêm. Bạn hãy thả hồn mình trong tiếng ngân vang của chuông chùa, của âm thanh lời kinh tiếng kệ, đối trước đức Phật bộc bạch hết nỗi lòng của mình. Mỗi lần cúi lạy cầu xin sám hối, tâm hồn ta lại nhẹ đi một ít. Nhất là với những người già, cách thoát khỏi cô đơn đồng thời gieo tạo phước đức là thường xuyên đến chùa, niệm Phật và làm công quả. Chúng ta không còn thời gian để hứa hẹn nữa mà hãy mau mau tu tập, để chuẩn bị tinh thần khi cái chết đến.

- Phương pháp thứ ba nhưng cũng không dễ để làm đó là tập quán chiếu mọi thứ đều vô thường, kể cả gia đình, công việc, danh lợi... Cuộc sống cô đơn của chúng ta lúc đó không còn cảm thấy khổ đau. Chúng ta không còn thấy phiền não vì bị tác động bởi xã hội, người thân, gia đình. Một khi đạt được sự hỷ lạc về Thiền như thế thì ta vẫn an lạc ngay cả khi sống một mình.

Trên đây là một vài nhận định của chúng tôi về cô đơn và những phương pháp giúp vượt qua nỗi cô đơn. Ai trong cuộc đời này đều từng trải qua cảm giác đơn độc, trơ trọi nhưng đừng để mình chìm sâu vào cảm giác đó. Bởi thế giới này còn biết bao nhiêu niềm vui và hạnh phúc, đôi khi trong nỗi đau, người ta tìm thấy được bình an. Điều quan trọng, mỗi người nên thay đổi quan niệm sống, thường tinh tấn và hành lời Phật dạy, chúng ta sẽ tìm thấy ý nghĩa sống chứ không chỉ là tồn tại.

Nhuận Đoan
Nguồn: tuvientuongvan.com.vn
Previous Post
Next Post