Xin cảm ơn cái mũi yêu thương này, chính vì cái mũi này tôi có thể nhận biết được hương vị và giá trị của cuộc sống … Chúng ta sẽ thực tập không tiếp nhận những hương vị làm đau khổ cho tôi, cho bạn và tất cả mọi người. Xin nguyện hãy dùng lỗ mũi này để thực tập quán chiếu hơi thở, sống trong tỉnh giác.
1. Dẫn nhập
Với trí tuệ toàn giác và cái nhìn đầy nhân bản về con người và cuộc đời, Đức Thế Tôn luôn đề cao khả năng của con người và giá trị được làm người, với chân lý tuyên ngôn “thân người khó được”,[1] . Thế nhưng, trong cuộc sống, không ít người do bị ngăn che bởi tấm màng vô minh dày đặc, phiền não chi phối, nên không nhận chân được giá trị đích thực của cuộc sống và giá trị về sinh mạng của chính mình. Từ đó đánh mất luôn cả hướng đi của đời mình. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ nêu lại những quan điểm đầy nhân bản của Đức Phật về giá trị của con người để chúng ta cùng nhau suy nghiệm và giữ gìn sự sống đầy quý báu này.
2. Trân quý đời người
Trong kinh Tạp A Hàm, quyển 15, kinh 406 Đức Phật đã đối thoại với tôn giả A Nan và dạy rằng:
“Ví như đất liền đều biến thành biển lớn, có một con rùa mù sống vô lượng kiếp, trăm năm mới trồi đầu lên một lần; trong biển có một khúc gỗ nổi, chỉ có một lỗ hổng, lênh đênh trên sóng nước theo gió trôi nổi Đông Tây. Con rùa mù một trăm năm mới trồi đầu lên một lần kia, sẽ gặp được cái lỗ hổng này không?” Tôn giả A-nan bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, không thể được. Vì sao? Vì con rùa mù này, nếu đến biển phía Đông, thì khúc gỗ có thể theo gió, hoặc đến biển phía Tây , Nam , Bắc. Cũng vậy, bốn phía xung quanh không dễ gì gặp được.” Phật bảo A-nan: “Con rùa mù và khúc gỗ nổi tuy trái chiều nhau, nhưng có thể gặp được. Phàm phu ngu si phiêu lưu trong năm đường, tạm thời được thân người còn khó hơn việc trên. Vì sao? Vì những chúng sanh này không thực hành nghĩa này, không thực hành pháp, không thực hành điều lành, không thực hành chân thật, lần lượt sát hại lẫn nhau, kẻ mạnh lấn áp người yếu, tạo ra vô lượng điều ác.”[2]
Từ những lời dạy của Đức Thế Tôn, chúng ta không khó nhận ra rằng làm được thân người thật khó. Do sự kết hợp của tinh cha huyết mẹ, trãi qua chín tháng mười ngày, thai nhi nhỏ bé mới được tượng hình. Trong thời gian ấy, người mẹ phải chịu nhiều sự khổ đau của thân và tâm, cũng như chịu sự thay đổi khắc nghiệt của môi trường sống xung quanh như: nắng, mưa bão táp … Ở một cách nhìn khác, trong vô tận luân hồi, chúng ta bị trôi lăn trong sanh tử nay mới được trở lại làm thân người. Nói chung để hình thành một con người không phải đơn giản. Chính vì thế, chúng ta phải ý thức và giữ gìn đời sống này. Sau Khi chúng ta ý thức được rằng thân người là khó, phải cố gắng giữ gìn. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, hãy nương vào xác thân này để thực hành những điều thánh thiện, thì đời sống sẽ có ý nghĩa hơn.
3. Bảo vệ và phát huy tự thân
Hạnh phúc nào bằng, khi hiện đời chúng ta làm được thân người với đầy đủ các căn! Ví như, có hai mắt để nhìn, hai tai để lắng nghe, hai tay để làm lợi ích cho đời, hai chân để đi về chánh đạo … Bởi trong đời này không ít người được làm thân người nhưng lại không đủ chân, tay, hoặc có người không được nhìn thấy ánh sáng, hoặc có người không nghe được âm thanh của cuộc đời. Nhưng làm thế nào để những chi phần trong ta trở nên có ý nghĩa? Trở nên dễ thương và thánh thiện? Hằng ngày, chúng ta hãy cùng nhau thực tập và quán chiếu.
Xin cảm ơn đôi mắt dễ thương này, chính đôi mắt này tôi đã thấy được ánh sáng, thấy được con đường đúng sai, thấy được chân lý và phi chân lý… Chúng tôi sẽ thực tập không để những vật dụng ô nhiễm của đời làm hoen ố đôi mắt này, và xin nguyện hãy nhìn bằng ánh mắt của từ ái, yêu thương tất cả mọi người.
Xin cảm ơn đôi tai xinh đẹp này, chính đôi tai này tôi có thể nghe được những âm thanh của cuộc đời, tôi có thể lắng nghe chánh pháp và nhận ra được tà pháp… Chúng ta sẽ thực tập không lắng nghe âm thanh của nhiễm ô, những âm thanh dẫn đến khổ đau. Xin nguyện hãy dùng đôi tai xinh đẹp này lắng nghe chánh pháp, để hướng đời mình vào con đường hạnh phúc.
Xin cảm ơn cái mũi yêu thương này, chính vì cái mũi này tôi có thể nhận biết được hương vị và giá trị của cuộc sống … Chúng ta sẽ thực tập không tiếp nhận những hương vị làm đau khổ cho tôi, cho bạn và tất cả mọi người. Xin nguyện hãy dùng lỗ mũi này để thực tập quán chiếu hơi thở, sống trong tỉnh giác.
Xin cảm ơn cái miệng đáng yêu này, bởi chính cái miệng này tôi có thể giao lưu với tất cả mọi người, chúng tôi sẽ thực tập không nói lời ác ngữ, không nói dối, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời kiều diễm mê hoặc người. Xin nguyện nói lời chân thật, lời từ ái, lời nhu hòa, lời dễ thương, lời hữu ích.
Xin cảm ơn đôi bàn tay này, nhờ bạn mà tôi có thể cầm nắm được chất liệu sống của đời. chúng tôi sẽ không dùng tay này nắm thuốc lá, nắm những chất độc… xin nguyện hãy thực tập dùng đôi tay này nâng niu và giúp đỡ cho mọi người, xin dùng đôi tay này để dâng hiến cơm nước cho Mẹ và Cha...
Xin cảm ơn đôi chân này, nhờ có bạn mà chúng tôi có thể đi đến chân trời của hạnh phúc, chúng tôi sẽ thực tập không để đôi chân này đi đến những nơi ô nhiễm của thế gian. Xin nguyện dùng đôi chân này để thực tập kinh hành thiền quán, giúp cho đời sống an trụ trong chánh niệm.
Xin cảm ơn trái tim này, bạn đã cho chúng tôi năng lượng sống. Chúng ta sẽ thực tập không để trái tim bị tim nhiễm bởi chất độc. Xin nguyện đem trái tim này để thực hành hiểu và thương.
Trên đây tác giả chỉ nêu lên những chi phần tiêu biểu để chúng ta hãy phải biết bảo vệ thân và tâm của mình, bằng cách thực tập chánh niệm tỉnh giác trong từng ý nghĩ, lời nói và hành động. Luôn phải trang điểm đời mình bằng những thiện pháp, đánh thức đời mình bằng chất liệu của thiện nghiệp, nhằm hướng đến đời sống thanh cao của kiếp người này.
Ngoài ra, trong Kinh Trung A Hàm, Đức Thế Tôn đã dạy các học trò qua hai đoạn kinh mang đậm ý nghĩa sống, ở đây xin được nêu lên để chúng ta thấy được rằng, nếu tinh tấn thực thập các chi phần của tự thân, thì an lạc sẽ hiện hữu. Kinh ghi chép rằng:
Đoạn thứ nhất: “Hiền Thánh đệ tử với hai tai nhất tâm nghe pháp. Vị ấy sau khi với hai tai nhất tâm nghe pháp, đoạn một pháp, tu một pháp, tự thân chứng đắc một pháp. Vị ấy sau khi đã đoạn được một pháp, tu một pháp, tự thân chứng đắc một pháp rồi, liền được chánh định. Hiền Thánh đệ tử sau khi đã được chánh định, liền đoạn trừ hết tất cả dâm, nộ, si. Như vậy là Hiền Thánh đệ tử chứng đắc tâm giải thoát, giải thoát rồi liền biết mình đã giải thoát, biết đúng như thật rằng: ‘Sự sanh của ta đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.[3]
Đoạn thứ hai: “Do điều được nói, với lời nói trầm tĩnh, xả bỏ sở kiến của mình, xả bỏ ý kết oán, xả bỏ tham dục, xả bỏ sân nhuế, xả bỏ si ám, xả bỏ kiêu mạn, xả bỏ bất ngữ, xả bỏ tật đố, không háo thắng, không ép người, không chấp chặt khuyết điểm, nói nghĩa nói pháp. Sau khi nói nghĩa nói pháp, khuyên dạy, rồi lại khuyên dạy cho bỏ, tự mình hoan hỷ, khiến người kia cùng hoan hỷ. Thuyết nghĩa như vậy, thuyết sự như vậy, là Thánh thuyết nghĩa, là Thánh thuyết sự; nghĩa là đã cứu cánh tận diệt hết lậu.”[4]
Từ dẫn chứng hai đoạn kinh văn, chúng ta có thể suy luận rằng, nếu thực tập nhĩ căn lắng nghe chánh pháp, lời nói thánh thiện của khẩu nghiệp và tất cả các chi phần khác cũng như vậy, thì kết quả vượt thoát khổ đau, chứng đắc giải thoát vẫn hiện hữu trong đời sống này.
4. Thực hiện điều tốt trong phút giây hiện tại
Sau khi chúng ta ý thức được giá trị của đời người, hơn bao giờ hết ngay lúc này chúng ta phải tinh tấn đoạn trừ ác pháp, nuôi dưỡng thiện pháp, để hướng về con đường hạnh phúc. Trong Kinh Tạp A Hàm cũng như Biệt Dịch Tạp A Hàm đã ghi chép lại cuộc đối thoại của Đức Thế Tôn và Bà La Môn hết sức ấn tượng về điều này. Kinh kể rằng, khi Đức Phật đang cư ngụ tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. lúc bấy giờ, có một Ba-la-môn đi đến chỗ Phật, cung kính thăm hỏi, sau khi chào hỏi xong ngồi lui qua một bên, rồi thưa với Phật:
Thưa Ngài! Đời vị lai sẽ có bao nhiêu vị Phật xuất hiện? Đời vị lai sẽ có rất nhiều Phật xuất hiện như số cát sông hằng, Đức Phật trả lời. Sau khi nhận được câu trả lời của bậc Thầy khả kính, Bà la Môn suy nghĩ rằng, nếu đời vị lai có nhiều Phật xuất hiện, vậy ta đâu cần lo gì tu tập ngay lúc này, hãy đợi sau này sẽ tu vẫn chưa muộn. Bà la Môn rời nơi Phật cư trú trên đường đi về, đi được nữa đường thì chợt suy nghĩ, ta mới hỏi Phật về sự xuất hiện của các vị Phật ở đời vị lai, sao lại quên mất không hỏi Phật về sự xuất hiện của các vị Phật trong quá khứ. Liền ngay lúc đó Bà La Môn quay gót thẳng tiến đến tinh xá gặp Thế Tôn rồi chấp tay trang nghiêm thưa thỉnh, thưa Thầy!
Trong quá khứ đã có bao nhiêu vị Phật xuất hiện? Đức Cồ Đàm Gotama trả lời rằng, có hằng hà sa số Đức Phật đã xuất hiện. Nghe đến đây Bà La Môn mới giật mình tư duy rằng, chư Phật đã xuất hiện trong quá khứ, tại sao tôi không được gặp chứ? Vậy trong tương lai liệu có đủ nhân duyên phúc báu để gặp chăng? Tại sao ta không phát tâm dõng mảnh để thực hiện đời sống an lạc giải thoát ngay lúc này chứ? Ngay sau khi những câu hỏi ấy vừa chấm dứt thì Bà la Môn bắt đầu phát tâm xuất gia đầu Phật với Thế Tôn, sống đời sống phạm hạnh an vui trong chánh pháp và ngay trong phút giây hiện tại này.[5]
Thông qua cuộc đàm thoại của hai vị hiền triết, chúng ta nhận ra thông điệp rằng, hãy dẹp tan mọi ý niệm ỷ lại của thời gian, hãy đoạn tận tâm niệm lười biếng, mà trái lại hãy làm cho những thiện pháp được phát triển, hãy thai ngắn và nuôi dưỡng hạt giống thánh thiện, hãy thực hành những điều tốt đẹp mang lại lợi ích thiết thực cho tự thân và tha nhân ngay trong phút giây thực tại này, ngay trong đời sống này. Có như vậy chúng ta mới không hối hận bởi những gì chưa làm được với đời sống này. Thiết tưởng, nếu chúng ta làm được như vậy, thì hạnh phúc có mặt ngay chính lúc này, hiện pháp lạc trú cũng tại nơi đây.
5. Kết luận
Từ những thảo luận trên, chúng ta cần ý thức rằng, làm được thân người là vô vàn khó khăn, hãy biết nâng niu và làm đẹp cuộc sống này, bằng cách hãy dang rộng vòng tay nhân ái để cứu đời, hãy dùng đôi mắt của tình thương để nhìn đời, hãy đem trái tim yêu thương của từ bi hiến tặng cho đời …
Trong mỗi người chúng ta hãy nỗ lực làm những điều phước thiện, đem lại an lạc và hạnh phúc cho mình, cho người và cho toàn xã hộ. Chúng ta cũng nên hiểu một cách sâu sắc rằng, khi thân mạng này mất đi thì không bao giờ kiếm lại được, hay chúng ta gây ra tội ác, đem lại nỗi bất hạnh đau thương cho người khác thì tương lai của chính mình cũng không còn. Mong sao, con người hãy cùng sống trong năng lượng của từ bi và hiểu biết để cuôc đời bớt đi những nghiệt ngã đau thương!
Hãy làm sạch thân tâm, chuyển hóa thân tâm bằng chất liệu của tỉnh giác, tỉnh giác trong từng ý nghĩ, lời nói và hành động. Hãy nỗ lực hướng dẫn đời mình đi về con đường sáng, con đường hạnh phúc, con đường giải thoát ngay trong phút giây hiện tại mầu nhiệm này.
Thiết tưởng, lúc này, và hơn bao giờ hết, những lời dạy của Đức Phật về giá trị của sự sống là vô cùng thiết thực và quý báu đối với con người và cuộc đời, nếu con người và xã hội biết đón nhận, lắng nghe và hành theo những lời Phật dạy thì những nghiệt ngã và đau thương trong cuộc sống ắt sẽ giảm đi rất nhiều.
[1] Kinh Tạp A Hàm, quyển 42, Đại chánh tạng 02, trang 305, dòng 22b-25.
[2] Kinh Tạp A Hàm, quyển 15, kinh 406, Đại chánh tạng 02, trang 108, dòng 6c-20.
Việt dịch: Thích Đức Thắng, Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ, KinhTạp A-Hàm, quyển 15, kinh 406.
[3] Kinh Trung A Hàm, phẩm đại, kinh thuyết xứ, Đại chánh tạng 1, trang 609, dòng 18a-23.
[4] Kinh Trung A Hàm, phẩm đại, kinh thuyết xứ, Đại chánh tạng 1, trang 609, dòng 5a-13.
[5] “Tạp A Hàm Kinh”, quyển 34, kinh 946, Đại chánh tạng 2, trang 242, dòng 8a-27.
“Biệt Dịch Tạp A Hàm Kinh”, quyển 16, kinh 339, Đại chánh tạng 2, trang 487, dòng2b-16.