Thân phận con người và cuộc đời
đã hiện hình dưới mắt Camus qua chiều thống khổ và nổi loạn. Con người sống
dưới một vũ trụ vô nghĩa, sống giữa một cuộc đời công thức chán phèo. Mọi người
đều nô lệ tập quán. Tất cả đều bị ràng buộc trong những chuỗi cử động, trong
nghề nghiệp, trong sự cơ giới hóa cuộc sống. Làm việc, ăn, ngủ, chơi … cứ theo
đuôi nhau tiếp diễn hết ngày nọ qua ngày kia. Thực là vô vị, thế mà ý thức mình
không hề hay biết, ý thức mình hoàn toàn bị máy móc hóa mất rồi. Con người lầm
lũi trong một nhịp sống nhạt nhẽo vô duyên như vậy cho đến một ngày kia, trong
một khoảnh khắc nào đó ý thức bừng dậy.
Sự bừng sáng của ý thức là một
cuộc sung động lớn lao trong tâm tư, làm cho tất cả đều bị thay đổi từ gốc rễ.
Giây phút ý thức bừng sáng đó phát sinh ngay trong cuộc sống thường ngày, không
cần phải ngồi trầm tư ở một nơi thanh vắng, mà trên đường, chen giữa đám đông,
sống giữa tiếng động cơ của đô thị thì tự nhiên cũng bắt gặp được giây phút
bừng sáng đó. Chính lúc này là lúc con người chợt nhận thấy tất cả cái phi lý
của cuộc sống, và chính lúc này là lúc khổ đau choán ngợp tâm tư con người.
Chính lúc này là lúc con người tự ghê tởm chính mình. Con người bắt đầu tìm
thấy một "kẻ lạ mặt" bấy lâu nay vẫn sống trong mình "Vì sao lâu
nay mình lại có thể đồng nhất với một kẻ không phải là mình". Đó là tiếng
kêu đau khổ của con người.
Khi ý thức bừng sáng, đã tự nhận
ra được từ xưa tới nay mình sống hoàn toàn bởi "kẻ khác", bao nhiêu
tình cảm, suy tưởng, hành động của mình đều là của người khác. "Kẻ khác"
đây thâm nhập vào tâm tư con người từ trước tới nay, qua tập quán, ngôn ngữ,
kinh nghiệm… của con người giữa cuộc đời để con người tự chấp nhận đó làm lối
rung cảm, suy tư, hành động của mình, thật là thảm thương. Nếu Sartre luôn luôn
lo sợ bị kẻ khác đánh cắp bản ngã của mình thì Camus lại đã thức giác được rằng
kẻ khác đã chiếm đoạt bản ngã của mình từ lâu rồi. Sự ghê rợn nhất là lúc ý
thức bừng sáng để thấy mình đối diện với một kẻ xa lạ trong mình, đến nỗi mình
phải rú lên chạy trốn, nhưng bi đát hơn nữa là chẳng bao giờ có thể trốn thoát
"kẻ lạ mặt" đó được.
Cuộc đời hiện ra dưới ánh sáng ý
thức tựa một dòng thời gian xuôi về cái chết, cái chết đã hiện ra ở cuối con
đường sống. Thôi rồi! tất cả đều trở thành vô nghĩa. Bao nhiêu công nghiệp, bao
nhiêu cố gắng, bao nhiêu hoài bão, bao nhiêu tham vọng, bao nhiêu tình tiết đều
bị tiêu ma hết. Như vậy cuộc đời còn gì đáng để ta chấp giữ nữa. Tới đây vấn đề
tự tử được kêu tới. Kêu tới sự kiện tự tử là chấp nhận quan niệm "đời
không đáng sống" nữa. Quan niệm này là đối đầu của quan niệm "đời
đáng sống". Trung tâm của triết học xưa nay đều chỉ nhằm giải quyết vấn đề
đời đáng sống hay không đáng sống. Camus đã giải quyết vấn đề "sinh
tử" này một cách hết sức tự tại và khổ đau, tuyệt vọng. Theo ông, khi ý
thức bừng sáng để mình thức giác được mình cũng là lúc đưa mình đi lần tới cái
chết trống trơn vô nghĩa. Cuộc sống đã bị sự chết làm cho mất hết ý nghĩa. Sống
đã không có ý nghĩa thì chết cũng chẳng có ý nghĩa gì cả.
Vậy, tại sao ta lại phải tự tử để
nhận thấy cái chết mau hơn. Việc đổi sống lấy chết là một việc vô nghĩa, Camus
nhất định không chịu đổi như vậy. Ông cho rằng tự tử là ly khai với chân lý.
Chân lý ở đây không phải là một nhân vật thần thoại, cũng không phải là cuộc
sống vật chất nhớp nhếch, và cũng không phải là một hoài vọng để tự mình lừa
dối mình, mà chân lý là chính cái giây phút sáng khởi của ý thức. Giây phút ý
thức sáng khởi đã giúp cho ta thấy được sự thực về cuộc đời, đã gây cho ta một
tâm trạng thao thức bất an và đau khổ. Giây phút quý giá đó đã bừng dậy, ta
không thể để cho nó chìm trong giấc ngủ ngàn đời. Ta cần phải nuôi giữ nó. Ta
phải sống để bảo tồn nó, vì nó mới là chân lý. Nó là sự đối chất thường trực
của con người với sự tăm tối của chính con người. Nó là sự đối diện thường trực
của con người với chính bản thân con người. Vậy, nhất định cứ sống. Sống, không
cần đạt mục đích gì, mà là để bắt tay, đối diện thường xuyên với những chân
tướng khổ đau thực tại của cuộc đời.
Camus đã tiếp tục đi trên con
đường của Nietzsche là muốn đặt vinh quang của con người ngay trên cuộc sống vô
nghĩa này. Con người phải làm theo nghiệp dĩ của mình để làm cho cuộc đời không
có nghĩa này thành như là có nghĩa, mặc dầu thâm tâm mình luôn luôn nhận thấy
nó chẳng thấy có nghĩa gì cả. Nghiệp dĩ con người đúng là một diễn viên trên
sân khấu. Biết rằng sau khi tấm màn đỏ buông xuống mình sẽ hết vai trò, nhưng
mình vẫn đóng trọn vai trò của mình. Chỉ khi nào làm tròn nghiệp dĩ của mình
đồng thời hiểu được đó là một sự kiện một hành động vô ích thì mình mới tìm
thấy lòng thương yêu bao dung và cao rộng.
Nếu Nietzsche muốn tạo ra mẫu
người siêu nhân, lập lại mọi giá trị cuộc sống, thì Camus tìm ra được một con
người giác ngộ, giác ngộ được sự phi lý cuộc đời. Nhưng không buông trôi mà là
chọn lựa sự phi lý của nghiệp dĩ mình để sắm trọn vai trò dù biết vai trò đây
cũng là sự phi lý. Chỉ có người nào khi đã thức giác được tính cách vô nghĩa
của cuộc sống mà vẫn can đảm nhận lãnh việc đời, thì sự cố gắng của người đó
mới thực là sự cố gắng không ngừng. Vũ trụ đối với họ không còn vô dụng nữa. Sự
tranh đấu tiến tới điểm tột đỉnh của chủ quan vòi vọi cũng đủ lấp đầy mọi
khoảng trống tâm hồn họ.
Camus đã tạo nổi một tia sáng cho
hạnh phúc con người, tức là đưa con người từ những đau khổ của cuộc đời tương
đối vào ý thức sáng khởi tự đối của mình để mình chấp nhận những đau khổ của
cuộc đời tương đối như một nghiệp dĩ không sao tránh được. Camus vừa chối bỏ tự
tử vừa chối bỏ hy vọng, để nhận một thái độ đề kháng thường xuyên. Có đề kháng
thường xuyên như thế mới giữ nổi giây phút ý thức sáng khởi; mà chỉ có sự sáng
khởi của ý thức, con người mới tìm nổi bản ngã hiện sinh đích thực của mình.
Nếu giây phút quý báu đó tắt đi, lập tức con người bị "kẻ xa lạ" là
quan niệm sống của thói đời xâm chiếm mất. Lúc đó mình không còn là mình nữa,
mình sẽ mãi mãi ngủ vùi trong mộng ảo tăm tối.
Có thể nói Camus đã cố gắng tự
gạn lọc tiềm thức mình để tìm lấy ngã thức nguyên vẹn lẫn lộn giữa mớ hỗn tạp
của tiềm thức. Khác với Sartre ở điểm là Sartre đã quên đi tất cả những ý niệm
thông thường, quên cả ý thức mình nữa để hòa đồng với bản thể vô thức của vạn
hữu, còn Camus thì chỉ gạt bỏ những quan niệm thông thường để giữ lấy ý thức
của chính mình, tức là tìm tới tột đỉnh chủ quan. Vì, nếu có gạt bỏ đi tất cả
thì rồi, sau đó không lâu, ý thức đích thực của mình sẽ lại bừng lên để phân
biệt mình với ngoại vật. Cuộc thể nhập với bản thể vô thức của Sartre bất thành
cũng chính vì sự phục hồi của ý thức mình, mà Sartre đã gọi đó là khoảng trống
hư vô không thể hòa đồng với bản thể dầy đặc tăm tối được. Ở Sartre vấn đề ngã
thức mới chỉ là một thể mường tượng chưa được chỉ định dứt khoát, còn với Camus
thì ngã thức đã là một thể quyết định, một thể linh động toàn vẹn nội tại trong
mỗi người, của riêng đích thực của mỗi người. Chính nhờ ngã thức xuất hiện qua
giây phút ý thức hằng sáng mà đã cho mình phân biệt nổi chính mình và những cái
không phải là mình, để mình tỉnh táo sống với sự thực khổ đau của cuộc đời.
Lối nhìn cuộc đời bằng con mắt
can đảm và chân thành của Albert Camus đã trùng hợp với lối nhìn của đạo Phật.
Đạo Phật đã nhận cuộc đời này là một sự thực khổ đau vô nghĩa. Con người sống
triền miên, trong vòng sinh bệnh lão tử luân hồi, sống say mê mụ mẫm giữa tuồng
tham, dục, sân, si. Mọi hiện tượng vật lý đều bị nằm trong định luật vô thường
ảo hóa. Mọi hiện tượng tâm lý đều nhuốm nặng đặc tính thống khổ tuyệt vọng. Con
người hoàn toàn chìm ngợp trong trạng huống tăm tối sai biệt. Ý thức bị quay
cuồng trước những dữ kiện giả tạo của vọng niệm, để rồi những dữ kiện giả tạo
đó chế ngự triệt để tâm thức mình, tạo ra trên bình diện tâm thức những chiều
rung ứng. Khi rung ứng đã thành thói quen thì bảng tâm lý được thành lập như
một công thức lưỡng diện: sướng khổ, vui buồn, mừng giận, yêu ghét…
Ý thức con người phải chấp nhận
và sống rập mẫu với những công thức đó một cách rất chân thành say đắm, luôn
luôn khát vọng để rồi luôn luôn thất vọng. Con người hoàn toàn trầm mình trong
cảnh sống vô thường khát vọng và thất vọng. Nên nền tảng của đạo Phật đã đặt
trên bốn Sự thật màu nhiệm tức là Tứ diệu đế mà Sự Thật Thứ Nhất là "Khổ
Đế" (Sự khổ).
Trong biển khổ mênh mông, con
người như một cánh bèo phiêu dạt trên ngọn sóng vô thường, như cánh hoa sớm nở
tối tàn, như con thiêu thân chết giữa ánh lửa chập chờn . Nhưng khác với cánh
bèo, khác với bông hoa và khác với con thiêu thân, con người có khả năng tự
đối, tự giác để tự chủ mình, khiến cho mình nương theo ngọn sóng vô thường mà
vươn lên khỏi bể khổ. Khiến cho thân xác mình dù có tàn héo nhưng tâm thức vẫn
hằng tươi rực rỡ. Khiến cho mình là ánh sáng chan hoà chứ chẳng phải cục than
dưới ánh lửa. Hãy đi vào nội tâm tự đối, để tìm thấy bản chất của cuộc đời vô
thường. Có nhận đúng được thực trạng của cuộc sống vô thường đầy khổ đau tăm
tối tuyệt vọng mới giác ngộ được thân phận của mình, tìm ta được khả năng
thường hằng của tâm thức mình để mình tự gạn lọc hết những vẩn đục trong tâm
thức, làm cho tâm thức sáng suốt trong trinh bao la tràn đầy vạn hữu.
Camus đã tìm thấy một "kẻ lạ
mặt" lẩn trốn trong tiềm thức ông làm cho ông giật mình ghê tởm, muốn lẩn
trốn nó mà không có cách gì lẩn trốn nổi, đành phải dùng biện pháp bắt ý thức
phải luôn luôn tỉnh thức, tức là duy trì giây phút ý thức sáng khởi mãi mãi.
Như thế có nghĩa là Camus luôn luôn đặt con người trong một quan niệm sống khắc
khổ phòng ngự thường xuyên. Biện pháp này chỉ là một biện pháp đối phó hơn là
một biện pháp tự vượt. Muốn đạt tới mức tự vượt con người không chỉ nhận khổ
đau với sự thật hiện tại của nó mà đủ. Con người phải tìm biết nguyên nhân của
sự khổ đau đó từ đâu mà đến với mình.
"Kẻ lạ mặt" ẩn lấp
trong người của mình, theo Camus, đây là những quan niệm của xã hội, những
thành kiến, những hiện tượng của ngoại giới len lỏi xâm nhập vào tiềm thức, rồi
lâu đời thành hình "kẻ lạ mặt" không phải là mình mà vẫn bắt mình
phải tuân theo những nhận thức của nó, đạo Phật gọi sự "thành hình của kẻ
lạ mặt" đó là "Tập đế" (nguyên nhân sự khổ). Con người luôn luôn
mở rộng tiềm thức mình một cách buông lung bừa bãi đế chấp chứa tất cả mọi quan
niệm, mọi sự kiện, mọi hiện tượng vô thường của người khác, của cuộc đời, của
vũ trụ rồi tự nhận đó làm chính mình, làm của riêng mình. Càng muốn chấp chứa
nhiều, càng nhiều tham dục chiếm hữu ngu muội, thì càng nhiều khổ đau. Sự kết
tập đó không phải chỉ nằm trong một kiếp, mà nó đã liên tục chấp chứa trong
nhiều kiếp trước để thành nghiệp dĩ khổ đau của mình.
Với Camus, sau khi ý thức bừng
sáng để loại trừ "kẻ lạ mặt" ra khỏi sinh hoạt của ý thức mình thì
ông chấp giữ lấy giây phút mà ông cho là quý báu đó của ngã thức, rồi ông tiếp
tục sắm hết cái vai trò của mình mà nghiệp dĩ đã bắt buộc. "Cái ta" ở
đây đã được Camus lọc lõi hết sức rốt ráo để thành một "cái ta" thuần
tuý cô đọng. Nhưng đó chỉ là đối với hiện kiếp này thôi. Còn biết bao nhiêu
nhân duyên sinh hoạt ngoài sự kiểm soát của ý thức, ở những kiếp khác xa xăm
hoặc ở chính kiếp này để làm thành một "cái ta" có nghiệp dĩ khổ đau
mà Camus chưa tìm thấy.
Vì chưa tìm thấy "kẻ lạ mặt
vô thức", đứng sau "kẻ lạ mặt ý thức" của "cái ta",
nên cái ta vẫn phải tuân theo nghiệp dĩ của kẻ lạ mặt vô thức ấy. Bởi thế khổ
đau vẫn hiện hình dưới chiều nghiệp dĩ mà ý thức đành phải cúi đầu vâng phục.
Camus đã cúi đầu nhận chịu nghiệp dĩ, chính vì ông còn chấp nhận một cái ta,
một thứ ngã thức của một kẻ lạ mặt vô thức sản ra mà ý thức con người chưa kiểm
soát nổi. Chưa kiểm soát nổi, chính vì còn tham lam muốn chấp giữ những nhân
duyên của vô thường làm "cái ta" nên cái ta vẫn bị nằm trong trạng
thái vô thường ảo hóa khổ đau. Để thoát khỏi trạng huống vô thường. Đạo Phật đã
đề ra một Sự Thật Thứ Tư là "Đạo đế".
Từ muôn kiếp trước, từ những dây
liên hệ truyền thống, từ những cuộc sinh hoạt tăm tối của tham dục con người và
chúng sinh đã kết tập không ngừng để làm thành một hiện tượng tâm lý độc lập.
Tính cách độc lập của tâm lý mỗi ngày một trưởng thành và rõ rệt để rồi phát
khởi ý thức. Ý thức là sự phân biệt khách chủ thể và sự sắp loại các hiện tượng
dữ kiện đã đi vào thành nếp. Ý thức do sự kết tập của tham dục mà có, nên ý
thức luôn luôn mang đặc tính tham lam, nhằm vụ vào việc thoả đáp, đòi hỏi của
chủ thể khát vọng. Ý thức vừa cố gắng thỏa đáp khát vọng của chủ thể , vừa tiên
liệu được rằng những khát vọng đó đều lâm vào tình trạng thất vọng. Đòi hỏi
"cái sướng" là vì đã có cái khổ xuất hiện trên ý thức hay đã, đương
tự thân tiếp thụ cái khổ đó, được cái sướng rồi thì phải lo bảo vệ cái sướng đó
thêm lâu. Như thế có nghĩa là ý thức bị đặt trong tình trạng báo động khổ cực
thường trực. Thế rồi "bức tường chết" đột nhiên hiện ra dưới sự tiên
liệu của ý thức.
Mọi giá trị cuộc đời lúc này hoàn
toàn bị phủ nhận. Con người lâm vào cảnh tuyệt vọng. Tuyệt vọng vì ý thức luôn
luôn vươn tới viễn vọng thường hằng, mà thực tại cuộc sống lại giới định trong
cảnh vô thường. Giải pháp xóa sạch vết tích của ý thức tuyệt vọng thống khổ
thường được dùng là tự tử. Camus không nhìn nhận giải pháp này vì làm như vậy
là đã thủ tiêu luôn giây phút quý báu là sự sáng khởi của ý thức. Tạm nhận là
đúng, nhưng cũng chưa phải là phương pháp bảo vệ sự sống khổ đau này một cách
hữu hiệu. Vì, với con người hiện sinh thì đã phi lý toàn triệt, tất cả đều vô
nghĩa thì cái giây phút ý thức sáng khởi còn có nghĩa gì mà phải bảo vệ. Hơn
nữa mấy ai có can đảm nuôi nấng mãi cái giây phút khổ đau kia để rồi cuối cùng
vẫn rơi vào cái chết vô nghĩa ngoài cuộc hiện sinh này. Đến đây thì mọi giải
pháp cứu vãn tự tử trở thành quá mỏng manh rồi.
Tuy cùng một quan niệm đời là
những đợt khổ cực chồng chất lên nhau, thế mà người theo đạo Phật chẳng bao giờ
có ý tự tử cả. Vì giải pháp tự tử đã mất hết hiệu nghiệm khi con người còn nằm
trong vòng luân hồi. Tự tử mới chỉ hủy hoại được sự sống của hiện kiếp, rồi sau
vụ tự tử đó con người lại vẫn phải mặc nhiên tiếp tục sinh hóa trong cái vòng
luân hồi luẩn quẩn miên tục. Nhưng đạo Phật lại cũng không để mặc con người nằm
mãi trong nghiệp dĩ luân hồi ấy. Đạo Phật đã tìm thấy một phương pháp hiệu
nghiệm để chuyển nghiệp tức là "đạo đế". Đạo đế ở đây không phải là
phương pháp thủ tiêu sinh lý, tâm lý một cách đột ngột. Mà đích ra chỉ nhằm vào
mục tiêu là diệt khổ. Đã biết khổ do tham dục sản ra. Nên diệt khổ là diệt trừ
tham dục.
Khổ đau vơi đi theo với tỷ lệ
thuận của tham dục. Tham dục hết thì khổ đau do đó mà hết. Tham dục, đã chứa
chấp thành nghiệp dĩ của mỗi người. Bởi vậy chuyển nghiệp là từ bỏ tham dục. Mà
nghiệp đây là mệnh hệ, là thân phận, là bóng dáng, là lẽ tất yếu của "cái
ta" mỗi người. Còn chấp chặt cái ta nên còn nghiệp. Mà còn nghiệp thì con
người vẫn còn nằm trong vòng luân hồi ảo hóa; do đó, con người phải lần lần cởi
bỏ ngã thức, bằng phương pháp tu chứng của Đạo đế (phương pháp diệt trừ nguyên
nhân sự khổ). Đạo đế, là phương pháp tu chứng để tự giác ngộ, để tự thể nghiệm
trạng thái sinh không siêu thoát. Do đấy tất cả giáo lý của Phật chỉ là những
phương pháp hướng dẫn cho mỗi người, để giúp mỗi người tùy duyên, tùy nghiệp
mình mà giải thoát tâm tư mình thôi.
Ở điểm này đạo Phật đã đưa tới
một kết luận cuối cùng là phá chấp pháp. Người giác ngộ chân chính là người
không còn chấp trược ngã, nhân, coi danh lợi như cỏ rác mới thật là người tròn
đầy. Người sáng suốt tròn đầy không biên giới của đạo Phật là một người hiện
sinh tuyệt đối. Hiện hữu cùng với vũ trụ hiện hữu. Tuy vậy không thể nhất thiết
bất cứ ai cũng có thể thành ngay được người tròn đầy. Bởi đấy người tu theo đạo
Phật trước hết phải nương theo giáo pháp để tu chứng. Phương pháp tu chứng
trong đạo Phật có rất nhiều lối, tùy khả năng và duyên nghiệp của mỗi người tự
chọn lấy một lối tu riêng, nhưng khởi đầu thì phật tử phải tu theo "Bát
Chính Đạo", tức lời nói chân chính, việc làm chân chính, đời sống chân
chính, chuyên cần chân chính, suy nghĩ chân chính, hiểu biết chân chính, tưởng
niệm chân chính, định tâm chân chính.
Có nghĩa là chính xác rung cảm,
suy nghiệm và hành động trong những nhân duyên vô thường để xây dựng một con
người và cuộc sống toàn diện ở cõi tương đối; rồi từ những khởi điểm tốt lành
chân xác trong cõi tương đối này con người tiến vào chủ quan tự đối để tìm thấy
chân tướng của mình và của vạn hữu, căn nguyên của khổ đau; sau đó tự vượt
thắng mình, thăng hóa ý thức mình thành tuệ giác, và siêu hóa ngã chấp để thể
nhập vào với trạng thái sinh không thường hằng tuyệt đối của chân tâm. Nói khác
đi, phương pháp tu chứng của đạo Phật để xây dựng con người hiện sinh tròn đầy
giải thoát là phương pháp khắp mặt đi từ việc chính xác mọi vấn đề thuộc cảnh
tương đối khách quan hợp lý để vào nội tại chủ quan tự đối phi lý, cuối cùng
làm nổ tung ngã chấp để thể nhập vào với cảnh tuyệt đối hiện sinh siêu lý của
vạn hữu, tức là đồng nhất với đặc tính hằng hữu của vũ trụ.
Cuộc tâm tình nổi loạn của thế kỷ
hai mươi chính là một cuộc đi vào nội quan tự đối, để làm nổ tung ngã chấp của
mình, rồi thể nhập với dòng sống bao la của vũ trụ. Như vậy phong trào hiện
sinh là đợt thứ hai của phương pháp tu chứng Phật giáo. Phong trào hiện sinh đã
khai triển các góc cạnh của giai đoạn thứ hai để chuẩn bị bước sang giai đoạn
thứ ba là giai đoạn sống minh nhiên của đạo giác ngộ. Nhân loại sẽ sống trong
một cảnh sống giác ngộ sáng suốt, sống trong tình thương bao la của niềm yên
vui. Đây không phải là một câu nói mơ mộng vu vơ, mà đây là một sự thể nghiệm
lịch sử tư tưởng nhân loại. Sau những thời hình thức lý luận tương đối hợp lý,
nhân loại đã, đương tiến sâu vào tâm tình thức giác tự đối phi lý để rồi vươn
lên cõi giác ngộ tuyệt đối siêu lý. Chỉ khi nào con người bước sang lĩnh vực
siêu lý này thì bức tường chết mới bị chọc thủng, tâm tư của con người mới được
đất phơi phới dâng lên vô cùng bất tận. Con người thảnh thơi nhập cuộc để sáng
tạo mình, sáng tạo đời và sáng tạo tất cả. Đạo Phật gọi đây là Sự Thật Thứ Ba
tức là "Diệt đế" (sự khổ bị tiêu diệt, giải thoát).
Diệt đế, theo đạo Phật tức là đạt
tới cảnh tâm tư phẳng lặng tròn đầy, không còn chấp chặt bất cứ điều gì, hiện
tượng gì nữa, vì chỉ đạt tới trạng thái vô chấp mới thực sự là tịch diệt mà
thôi. Đạo Phật thường dùng danh từ đạt Niết bàn để chỉ trạng thái này. Niết bàn
ở đây tức là đạt tới trạng thái hiện sinh tuyệt đối của Kierkegaard. Nhưng rõ
ràng hơn Kierkegaard, đạo Phật đã quyết định: đạt tới trạng thái hiện sinh
tuyệt đối vĩnh cửu, thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, là đạt tới trạng thái vô
ngã. Vì có vô ngã mới hết được nghiệp dĩ khổ cực. Còn ở Kierkegaard dù sao cũng
vẫn bị thành kiến cá nhân chủ nghĩa của Văn minh Tây phương khống chế, nên
Kierkegaard chưa dứt trừ nổi ngã chấp, hiện tượng chấp, bởi đấy khi trình bày
về vấn đề hiện sinh tuyệt đối tư tưởng của ông đã vấp phải nhiều khúc mắc, vì
vậy sự diễn đạt tư tưởng không được mạch lạc rõ rệt, đã gây ra rất nhiều ngộ
nhận cho người theo dõi.
Bế tắc của thức thuyết Hiện sinh
Tây phương chính là chưa tự vượt nổi ngã chấp. Chưa từ bỏ được ngã chấp, nên
chưa vượt nổi "bức tường chết" vô nghĩa. Bức tường chết ở đây thực ra
chỉ là một dấu hiệu ghi lại trên dòng hiện sinh vĩnh cửu những đợt chuyển hóa
của vô thường mà thôi. Khi nào con người gạn lọc được những vẫn đục của tâm tư,
những tham chấp vô thường mà tham chấp cuối cùng là ngã chấp, thì chân tâm mới
xuất hiện. Chân tâm vốn thoát khỏi mọi hình tướng và giới hạn của hiện tượng vô
thường. Nên chân tâm có đặc tính thường hằng vĩnh viễn. Nhưng chân tâm lại cũng
không là một thể biệt lập với vạn hữu. Chân tâm nội tại nơi vạn hữu để duy trì
sự hằng hữu của vũ trụ. Vì dù cho vũ trụ có biến ảo vô thường tới đâu thì sự
thật hiển nhiên và tuyệt đối là vũ trụ vẫn hiện hữu. Vũ trụ hiện hữu chính là
nhờ có chân tâm thường hằng.
Trong sự bình lặng đồng nhất của
chân tâm vốn sẵn có sự khởi động của kiến phần để tạo ra cảnh sai biệt vô
thường. Kiến phần làm vũ trụ sai biệt nên vũ trụ có tướng phần, rồi các tướng
phần tương quan sinh hóa làm thành các cảnh biến ảo vô thường. Con người mang
trên mình ba phần Tâm, Kiến, Tướng. Tướng phần xuất hiện trước ý thức như một
đơn vị độc lập luôn luôn bị không gian ma sát, thời gian giới hạn, và nhân gian
tranh cướp. Ý thức chấp nhận đó là sự kiện khổ cực tuyệt vọng. Ý thức đây là
con đẻ của kiến phần. Kiến phần vốn mang đặc tính vô định, không bị hạn định
khắc khe như tướng phần. Vì, kiến phần chỉ là sự vọng chấp tự nhiên, nói khác
là phần động của vũ trụ. Do đấy ý thức mang tính chất vô định có khả năng vươn
tới vô hạn tuy chưa hẳn là vô hạn. Chính vì đòi hỏi của ý thức là vô định nên
xung đột thường xuyên với tướng phần hạn định của mình. Mối đau khổ bởi đó thêm
trầm trọng hơn lên.
Người giác ngộ là người tu luyện
làm sao cho mình tự thăng hóa ý thức thành tuệ giác, siêu hóa kiến phần thành
chân tâm để đạt tới trạng thái trong trinh tròn đầy, đấy là trạng thái Tuyệt
đối hiện sinh vô hạn. Đạt tới trạng thái đó tức là không còn nội ngoại giới,
tất cả vạn hữu là ta và ta là vạn hữu. Vì ta đây không còn là "cái
ta" nhỏ hẹp mà là cái Ta bao la nội tại vạn hữu. Tướng phần của ta còn hay
không còn sinh hoạt cũng là vấn đề tuỳ duyên vô thường mà thôi, không còn gây
cho ta và cho tất cả vạn hữu sự đau khổ nữa. Cảnh vô thường dù có rời đổi thì
ta và chân tâm vũ trụ và là một thể bình lặng trong trinh hằng hữu nội tại
trong cảnh vô thường đó mà chẳng còn vướng khổ đau.