Phô trương sư nghiêm túc

Người khát nước nhất là người lữ hành ngồi trên lưng con lạc đà không đem theo vò nước. Người khao khát công lý nhất là người làm cách mạng sống trong chế độ không có công bằng xã hội. Thường, đối với mỗi con người chúng ta, cái thiếu nhất là cái chúng ta cần nhất.

Theo lô-gic đó, thì người khao khát đôi chân nhất là người cụt mất đôi chân. Người khao khát tình yêu nhất là người đang yêu bị mất người yêu. Người khao khát chỗ ở nhất là người không có nhà để ở. Người khao khát tiền bạc nhất là người trong túi rỗng không…

Và theo lô-gic như vậy thì những nhà văn, nhà phê bình khao khát sự nghiêm túc nhất là những người bên trong thiếu sự nghiêm túc. Do vậy, thường những người thiếu sự nghiêm túc, nhất là những tay viết phê bình thường lớn tiếng phê phán, chỉ trích, buộc tội những người viết có khả năng và tài năng khi thể hiện sự khôi hài.

Lịch sử cho thấy những nghệ sĩ thực sự, những tài năng thực sự không bao giờ họ phô trương sự nghiêm túc. Trong mỗi tác phẩm của họ, dù ít dù nhiều luôn có tiếng cười thoải mái tự nhiên. Ngay cả Ipxen nổi tiếng là nghiêm khắc cũng không bao giờ làm con ngáo ộp hù dọa mọi người để trưng ra tính nghiêm khắc của mình. Trong các vở hài kịch của ông, đặc biệt là “Con vịt trời” tuôn trào những trận cười như sấm. Đôxtôepxki với vẻ ngoài khắc khổ, cũng không thua kém tác giả “Con vịt trời” khả năng trào lộng, bông đùa trong “Cá sấu” và “Giấc mộng ông chủ”. Tônxtôi hài hước khi tả một người đàn bà hôn chồng mà nơm nớp sợ chiếc áo mình bị nhăn. Xtơrinbec thì khắc họa thành công một kẻ tha hóa xấu xa nhưng lại luôn mồm răn dạy đạo đức…

Chính sự lô-gíc cũng cho thấy rõ những nhà văn, nhà phê bình được coi là nghiêm túc lại rất thiếu nghiêm túc trong hành xử và trong tác phẩm. Họ luôn cố gắng phô trương cái sự nghiêm túc mà bản thân họ và tác phẩm họ không hề có được.

Theo Paxcan: “Con người là một cây sậy biết suy nghĩ”. Cậy sậy có biết suy nghĩ hay không, tôi không thể nói chắc. Nhưng cây sậy không biết cười như một con người là điều hiển nhiên.

Khi không nhìn thấy gương mặt biết cười, chẳng những tôi không thể hình dung ra sự nghiêm túc của người đó, mà tôi còn không thể tưởng tượng nổi kẻ đó lại có phẩm chất của con người.

Vì vậy, có lẽ không cần phải chứng minh rằng tôi không chút kính trọng đối với những kẻ (trong đó có nhà văn, nhà phê bình) luôn bằng mọi cách để giữ vẻ nghiêm túc, phô trương cho được cái sự nghiêm túc và cũng chính là phô trương sự giả dối.

 R.Akutagawa (Nhật)
Previous Post
Next Post