Bài học vô thường

Bài học vô thường là bài học có tầm quan trọng hàng đầu mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni hay Gautama Buddha) muốn gửi đến nhân loại.

Tại sao?

1. Vì chúng ta hay quên

Từ lúc sinh ra đến nay, nếu kiểm điểm lại, rất dễ dàng nhận thấy rằng chúng ta chất chứa thêm trong tâm trí rất nhiều điều và chúng ta cũng quên đi không hề ít.

Nếu bạn tự hỏi:

“Tôi quá biết rành về vô thường, cần gì phải nhắc nữa?”

thì bạn hãy nghĩ kỹ lại:

“Có bao nhiêu đau khổ, mất mát của bạn mà không mắc mứu gì đến sự vô thường?”

1a. Vô thường của hình tướng vật chất:

Của cải tiền bạc trao tay đổi chác, đồ dùng mới mua sắm ngày nào nay đã hóa ra cũ nát, da vẻ mịn màng, nhan sắc trẻ trung xinh đẹp ngày nào mà giờ lại nhường chỗ cho các vết chân chim quanh mắt, vầng trán nhăn, lớp da khô dần…

Thân quyến, bạn thân, họ hàng lần lượt chia tay…

Giá như chúng ta có thể thấy rõ các tế bào sinh diệt của cơ thể chúng ta diễn ra nhanh như thế nào thì có lẽ chúng ta không quên được bài học vô thường.

Nếu đã cho rằng đã học tốt bài học vô thường thì sao bạn lại rơi lệ khi người thân thiết của bạn vừa qua đời?

Cái thân 32 tướng tốt của đức Phật mà Ngài còn cho là “không thật” thì sao bạn lại không vui khi nhận ra mình bắt đầu già và xấu đi?

1b. Vô thường của phi hình tướng vật chất:

Nếu hình tướng vật chất, thời gian, tiền bạc…biến đổi nhanh chóng và dễ nhận thấy, thì sự vô thường của phi hình tướng vật chất còn diễn ra nhanh hơn gấp bội bội lần.

Ví dụ như thử quan sát tâm trạng, ý niệm của người xung quanh rồi đến chính ta.

Nếu đã cho rằng con người ai chẳng học tốt bài học vô thường thì sao lại có lời ca “Đập vỡ cây đàn, giận đời đổi trắng thay đen, giận đời trở như bàn tay”?

Sao bạn lại buồn bã hay bực tức khi một sự việc bất như ý xảy ra do bởi con người nay vầy mai khác?

2.Vì giúp chúng ta giác ngộ lý vô thường

Giác ngộ lý vô thường tức là nhận chân ra một sự thật, một chân lý trong cuộc đời và nếu đã nhập tâm bài học vô thường, chúng ta sẽ có thêm năng lực của sự tỉnh thức.

Tỉnh thức là không u mê. U mê nhẹ thì hay dẫn đến lỗi lầm, nặng thì hay dẫn đến tội ác, cuối cùng dẫn đến đau khổ.

Bao nhiêu kẻ tình si tìm cái chết, bao nhiêu kẻ uất ức tự tử.

Vì đâu?

Vì họ đau khổ cùng cực.

Vì họ không học không kỹ hoặc không biết đến bài học vô thường.

Giác ngộ lý vô thường để không “chấp thường” và “chấp đoạn”.

Chấp thường là cứ nghĩ rằng cái già, cái bệnh, cái chết là của thiên hạ, còn lâu lắm mới đến lượt ta.

Chấp thường là cho rằng “cái đau khổ này của tôi” không bao giờ nguôi ngoai được:

“Con người đó tại sao lại ăn ở hai lòng”

“Ngày mới yêu tôi, anh/em ao ước được gặp mặt tôi, giờ thì cho rằng giá như không gặp anh/em thì đã đời tôi đã hay hơn biết mấy”.

Chấp đoạn là cho rằng chết là hết tất cả, là có một sự “Không tuyệt đối”, là chấm dứt đau khổ của kiếp nhân sinh.

Trong kinh Kim Cang (Cương), đức Phật đã đả phá cái thói cố hữu “chấp tướng” đến tận cùng (“Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”), nhưng Ngài cũng nói rằng Ngài không hề chủ trương thuyết đoạn diệt.

Khoa học hiện đại đã minh chứng :

“Năng lượng không tự sinh ra cũng không tự mất đi, nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác…”

Giác ngộ lý vô thường để nhận ra tính tương tục.

Một cây nhang (nén hương) đang cháy, bạn quay vòng nó thật nhanh và mắt bạn sẽ thấy tựa như có một vòng lửa.

Màn ảnh xem phim, màn hình TV đang chiếu những chuỗi hình ảnh mà thực chất chúng là những điểm chớp tắt liên tục với tốc độ rất nhanh và tính lưu ảnh của mắt bạn đã đánh lừa bạn hết sức êm ái.

Vô vàn tế bào cơ thể của bạn sinh diệt cực nhanh cho nên bạn không dễ gì nhận ra trong tích tắc được mặc dù sự thực chúng đang diễn ra.

Cái nghịch lý ở chỗ là sự vô thường hay làm cho bạn đau khổ, càng lớn tuổi càng nhận ra vòng đời ngắn ngủi thì cũng chính sự vô thường diễn ra quá nhanh trở thành đặc tính tương tục khiến bạn vẫn ung dung “còn lâu cái khổ của sự già nua, của bệnh, của cái chết mới đến với tôi và người thân của tôi”.

Giác ngộ lý vô thường ở mức độ sâu sắc nhất định, bạn sẽ nhận ra rằng vô thường có nghĩa là luôn biến đổi, có nghĩa là không tồn tại sự chấm dứt hay đứng yên tuyệt đối, và không có nghĩa chết là dấu chấm hết tuyệt đối.

Quan sát thật kỹ loài sâu bướm, loài ve sầu từ cái trứng cỏn con, chúng đã lột xác, bỏ kén, để thăng hoa thật kỳ diệu.

Nhưng còn những thứ phi hình tướng mà mắt phàm của chúng ta không dễ gì thấy được thì còn linh diệu hơn nhiều.

Người xưa thì làm gì biết có sự hiện hữu của các tia bức xạ, các dạng sóng, các dạng năng lượng để chế tạo điện thoại di động, TV, máy chụp X-quang…và chỉ tin cậy vào “mắt thấy tai nghe”.

Càng giác ngộ lý vô thường, bạn càng trân quý thời gian sống, làm cho thời gian sống có phẩm chất cao hơn.

Một là vì quên hay không học kỹ bài học vô thường nên bạn sẽ dễ lãng phí thời gian hoặc không biết thưởng thức cuộc sống hoặc thưởng thức với phẩm chất sống thấp kém.

3. Vì không muốn chúng ta lạc vào tà pháp (giáo)

Vô thường là một trong ba pháp ấn của Phật giáo (hai pháp ấn còn lại là khổ và vô ngã).

Pháp ấn là chứng thực phân biệt giữa giáo lý của đức Phật và giáo lý của các tôn giáo khác hay học thuyết khác, để Phật tử hậu thế không lạc vào tà pháp / tà giáo.

Học kỹ ba bài học này là để có kiến giải về cuộc sống thấu đáo hơn, giảm bớt những khổ đau do u mê (tham / sân / si) mà ra.

Thực tế cho thấy nhiều hệ phái đạo giáo lợi dụng giáo pháp của đức Phật, họ nói vô thường, nói khổ nhưng tính trọng ngã của vị giáo chủ thì ngày càng tăng biểu hiện qua cuộc sống phóng túng, buông thả phẩm hạnh, buộc tín đồ có trách nhiệm cung phụng thỏa mãn lòng tư dục của bản ngã.

Previous Post
Next Post