Bạo lực ơi, xin dừng chân

Thế giới loài người đã tiến bộ càng lúc càng nhanh. Khoa học kỹ thuật trang bị cho loài người những công cụ hiện đại và hiệu quả. Lô gíc thông thường bảo rằng loài người đã có cuộc sống tốt hơn xưa rất nhiều. Lô gíc thông thường ấy dĩ nhiên là đúng ít nhất về phương diện phô diễn bên ngoài: Nhà cửa, xe cộ, nội thất, phi cơ, tàu lặn, du thuyền... Rất không may, con người sống tốt hơn như vậy lại không đồng nghĩa với sống hạnh phúc hơn, ít âu lo hơn, và an toàn hơn.

Thông tin về chiến tranh hay cận chiến tranh, chết chóc, nghèo đói, hủy diệt thiên nhiên, bệnh tật... dồn dập hằng ngày trên các kênh truyền thông. Thông tin bi thảm quá, tổn thương quá, đau lòng quá, cứ hàng ngày hàng giờ dồn dập đến đỗi con người nói chung một cách vô thức đã tự động thiết lập một cơ chế tâm-lý-tự-bảo-vệ để khỏi rơi vào khủng hoảng niềm tin.

Cơ chế này theo cách nói phổ thông là lơ là, tảng lờ, hay còn gọi là vô cảm. Cứ như là những việc đau lòng xót mắt đó không liên quan đến mình. Cơ chế thờ ơ vô cảm đã lừa chúng ta rằng hàng triệu người đang sống trong lửa đạn, hàng tỷ người thiếu ăn, thiếu nước sạch để uống, thiếu nơi ngủ thích hợp, đều không có liên quan đến mình. Cơ chế đó cũng nói dối rằng hàng tỷ người bệnh tật mà không có thuốc men không liên quan gì đến mình.

Cơ chế tâm-lý-tự-bảo-vệ một mặt có tác dụng lấp mắt, ngơ tai, khiến cho lương tâm khỏi bị tổn thương khi tiếp xúc với những thông tin tiêu cực, một mặt nó kích thích, đánh lạc hướng, làm cho con người tổng thể vui vẻ, hưng phấn, đối với những thông tin tích cực như kem dưỡng da mới, dầu gội đầu mới, thuốc chống ung thư mới, cụ thể hơn là những thông tin về khả năng chống lão hóa của y học. Y học đại diện của những ngành khoa học dân dụng đang có trong tay chiếc đũa thần, có thể khiến một người xấu thành đẹp, già thành trẻ, bệnh thành khỏe. Dẫu sao thì cũng phải thừa nhận y học có những thành tựu vượt bậc.

Trong những đỉnh cao của y học ngày nay là khả năng thay tim, đổi thận và những bộ phận khác thuộc lục phủ ngũ tạng bên trong. Còn bên ngoài là những loại thiết bị càng lúc càng tinh vi, càng tiện dụng, để thay thế chân tay cho người bình thường và con người khuyết tật. Rất không may, sức mạnh của nền y học với vị thế là công nghệ điều chỉnh, săn sóc, bảo dưỡng, sức khỏe và tính mạng của con người, tiến được một bước thì sức mạnh của chiến tranh với vị thế là công nghệ sản xuất vũ khí nhằm tàn phá, gây thương tật, sát thương, cướp đi sức khỏe và sinh mạng của con người, tiến bộ mười bước. Một bước làm sao so với mười bước.

Một đội bác sĩ lành nghề làm việc nhiều giờ trong phòng giải phẫu mới cứu vãn được một trái tim hư hỏng, nhưng chỉ cần một tay súng trong vài phút đã có thể làm cho vài chục trái tim còn tốt phải chịu ngừng đập. Có khi là trái tim của những đứa bé thơ ngây, hồn nhiên và chưa làm gì nên tội. Chưa dám nói đến những loại vũ khí chuyên dụng lớn hơn, hiện đại hơn, với độ sát thương quy mô hơn mà tổng thể khuynh hướng của loài người ngày nay vẫn lao vào để phát triển. Những bộ óc thông minh nhất, tinh hoa nhất của nhân loại được dùng để phát minh ra những vũ khí mới, kể cả vũ khí sinh học, hóa học. Vũ khí đối với con người là như vậy, còn đối với thiên nhiên thì sao? Để có một cánh rừng xanh tươi mát mẻ, người ta phải tốn nhiều tiền và phải chờ hàng trăm năm săn sóc, chăm bón, bảo vệ; để phá hoại chỉ cần rải vài tấn chất độc màu da cam và ngồi chờ vài ngày. Tốc độ vài ngày để phá lại hơn hẳn tốc độ vài trăm năm để chắt chiu, gầy dựng, chăm nom.

Phải chăng về mặt cấu trúc tâm lý, con người tổng thể đang có nhiều khuyết tật cần điều chỉnh. Trong số những khuyết tật đó, khuynh hướng bạo lực áp đặt và khuynh hướng sa đọa rất nổi trội. Khuynh hướng bạo lực thể hiện rất rõ trong những trận đấu trên võ đài có tên gọi khá đẹp là thể-thao-đối-kháng. Đó là những đôi mắt rực lửa trong hàng cử tọa, những tiếng gầm thét cuồng nhiệt khi thấy cú đấm bật máu hay chết người. Tiền bạc theo đó mà tuôn ra để đầu tư, để trả giá. Giá không hề thấp chút nào. Điều nghịch thường, phi đạo lý vẫn ngự trị. Một đội bác sĩ chuyên ngành tốn công sức và nhiều thời giờ để có thể điều chỉnh, săn sóc một chiếc mũi hàm ếch hay dị dạng, để làm thành một chiếc mũi lành lặn và dễ coi thì được trả công cho vài ngàn đô la; một tay võ sĩ đập vỡ, làm dị dạng một chiếc mũi đang lành lặn thì được trả công cho vài chục ngàn thậm chí vài trăm ngàn đô la. Điều nghịch thường, phi đạo lý xảy ra thường xuyên đến độ trở thành bình thường. Con người đang đi lộn ngược đường rồi chăng?!

Có thể nói tâm lý sùng bái bạo lực và tâm lý sa đọa của con người tổng thể chưa từng thuyên giảm. Kết quả trước mắt và lâu dài là chiến tranh, chết chóc, nghèo đói, tàn phá thiên nhiên, bệnh tật, khủng hoảng khí hậu, về tâm lý là thù hận triền miên. Tất cả những thứ đó chỉ thay đổi về độ tinh vi, độ nguy hiểm chứ chưa từng thay đổi hay thuyên giảm về mức độ quy mô hay cường độ khủng khiếp. Con người tổng thể đã đành là như vậy. May thay, con người cá nhân thì khác. Trên quả địa cầu này đã có những cá nhân thắp lên những ánh đuốc soi sáng vào thế giới tâm lý để nhận diện khuyết tật của con người tổng thể.

Từ thời cổ đại với ý thức về mối liên hệ giữa thiên nhiên với con người, Socrates đã nói: “Người giàu nhất là người vừa lòng với cái ít nhất, vì vừa lòng là sự giàu có của thiên nhiên” (He is richest who is content with the least, for content is the wealth of nature). Hoài cổ một chút, ngày xưa con người sinh hoạt hữu hảo với hầu hết các loài khác, cuộc sống thật bao dung hài hòa; ngày nay con người tổng thể đã loại hết các loài khác ra khỏi cuộc sống của mình chỉ còn chừa lại một ít chủng loại như chó mèo để làm nô lệ với dụng từ hoa mỹ là vật cưng cho đỡ cô đơn. Cuộc sống trở nên nghèo nàn đi rất nhiều. Được biết tốc độ diệt chủng hiện nay càng lúc càng nhanh chóng. Hàng ngàn chủng loại sinh vật bị tiệt diệt mỗi năm. Đó chỉ là số lượng được ghi nhận và được thống kê, có tên họ và ghi vào sổ sách. Còn những loài sinh vật từng hiện hữu và bị tiệt diệt âm thầm, ai mà biết được.

Trước Tây lịch, Đức Khổng Tử đã nói: “Phàm thị nhân, giai nhu ái, thiên đồng phú, địa đồng tải” tức là phàm là người thì đều thương yêu như nhau, cùng được trời che, cùng được đất chở. Lão Tử dạy: “Thượng thiện nhược thủy. Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xứ chúng nhân chi sở ố, cố cơ ư đạo hỹ" (Đạo Đức Kinh, đệ bát chương) có nghĩa là, người tốt thì giống như nước, nước làm lợi ích cho vạn vật mà không đua tranh. Nước ở nơi dơ thấp mọi người chê, do vậy mà gần với đạo. Khổng Tử và Lão Tử đều nhận ra chỗ dung thông giữa đạo lý con người và đạo lý thiên nhiên. Chỗ dung thông đó, con người càng lúc càng đánh mất. Con người đã đề ra và áp dụng, có khi không cần đề ra mà chỉ mặc nhiên áp dụng những điều luật bất khoan dung giữa con người với con người, nói gì đến giữa con người và thiên nhiên.

Đồng đại với Đức Khổng và Lão, Đức Thích Ca đã dạy về đạo lý từ bi hỷ xả, thậm thâm vi diệu. Đến đầu thiên niên kỷ vừa qua Đức Jê-su đã dạy: Phúc là những người thương yêu kẻ khác, vì họ sẽ được kẻ khác thương yêu (Fortunate are the merciful, for they shall find mercy - Mathew 5:7). Sau 600 năm, tiên tri Mohamad xuất hiện và dạy hãy tha thứ, hãy khuyên những điều tốt, và hãy tránh những người ngu – Koran 7:199 (Show forgiveness, enjoin what is good, and turn away from the foolish). Tất cả những vị trên đều cố gắng làm cho nhân loại tốt hơn, phát triển theo chiều hướng hòa hợp và thương yêu hơn. Con người tổng thể dẫu sao vẫn mang tính tổng thể và vô hình. Con người cá nhân thì cụ thể và hiện thực hơn. Từ quá khứ đến hiện tại đã có và đang có nhiều người, và càng ngày càng có nhiều người hơn nữa hướng đến ánh sáng của sự hòa hợp và tình thương yêu, đó là những cá nhân con người chân thành khắc kỷ song song với trong sáng vị tha, phục vụ tha nhân song song với việc hoàn thiện phẩm giá và nhân cách của chính mình.

Phải nói rằng về tiến bộ vật chất và khai thác vật chất, tài nguyên thiên nhiên, con người đã đi bằng những đôi hia bảy dặm. Về tâm lý hay tâm linh, con người vẫn loay hoay với những ràng buộc, những phản ứng tâm lý được mặc định lâu đời, dễ thấy là tâm lý bạo lực áp chế như đã nói; tinh vi và bí ẩn hơn là tâm lý sa đọa gần như đã được tự động hóa tự bao giờ. Quả thật, không lúc nào bằng lúc này con người cá nhân hãy buông bỏ tâm lý bạo lực, bạo hành, soi mình vào những lời dạy về hòa ái và yêu thương của những bậc Thánh nhân.

Khi nhân loại đã sản xuất và tích lũy khí tài chiến tranh đến mức độ tràn trề với hàng chục nước có đầu đạn hạt nhân với số lượng hàng trăm, có nước thậm chí lên tới hàng ngàn đầu đạn thì lý tưởng hòa bình trở nên bức thiết. Chỉ một đầu đạn đã đủ sức hủy diệt cả Nagasaki lẫn Hiroshima và có thể dìm cả một đảo quốc xuống lòng đại dương. Khi nhân loại đang tiếp tục thiếu thốn về thuốc men và săn sóc y tế …, thì lý tưởng thương yêu trở nên mệnh lệnh của lương tâm, mệnh lệnh của lương tri con người. Khi các định chế quân sự và chính trị lơ là trong chuyện bảo dưỡng thiên nhiên như là ngôi nhà chung của nhân loại, như là chiếc thuyền chung đang chở hết thảy muôn loài; và hình như, các định chế đầy uy quyền đó đang giằng co, kèn cựa, áp lực, muốn dồn nhau vào chân tường thì lý tưởng hòa bình không còn có thể là lý tưởng xa xôi nữa mà phải là nhu cầu phải có vì rằng nó là yếu tố quyết định nhân loại có còn là nhân loại hay không.

Quả thật, không lúc nào bằng lúc này con người tổng thể và đặc biệt là con người cá nhân hãy buông bỏ tâm lý bạo lực áp đặt và bạo hành, soi mình vào những lời dạy về hòa ái và yêu thương của những bậc Thánh nhân để bản thân được thăng hoa, được an lạc và mọi người nhờ vậy mà được ảnh hưởng niềm an vui, phúc lạc.

Tác giả: TT. Minh Thành Ph.D
Previous Post
Next Post