Chân thường giữa dòng biến dịch

Bốn mùa luân chuyển, hoa nở rồi tàn, trăng tròn lại khuyết… Dòng biến dịch đẩy xô con người đến tận cùng hoang vu, thinh lặng. Người lữ khách mãi lang thang, ruổi rong muôn vạn nẻo, lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa, xem sông núi mây ngàn là tri kỷ tri âm, chợt một ngày bước chùn gối mỏi, ngẩn ngơ bên quán trọ trần gian. Ôi! Áo sờn vai bạc đầu.

Biển đời vẫn lặng lờ trôi. Từng con sóng nhấp nhô, rì rào, vỗ về bờ cát trắng đã cuốn đi biết bao hạt cát vào lòng bể khơi. Có bao giờ ta tự hỏi: Sóng sẽ về đâu? Hạt cát còn hay mất giữa đại dương mênh mông? Còn điều gì lung linh, mầu nhiệm bên trong lớp áo vô thường, biến dịch?

Kiếp người, với khoảng thời gian bất định 60 năm-một cuộc đời, có thể hơn thế nữa và cũng có thể chỉ 20 năm, 10 năm… Có người chưa một lần nếm đắng cay bùi ngọt mà cuộc đời ban tặng đành chịu vùi xác thân dưới lòng đất sâu, đêm đêm nghe côn trùng rả rích.
Với con mắt Tuệ, các vị Thiền sư đã nhìn vào lòng vạn vật. Bằng âm sắc thi ca, bằng hình tượng nghệ thuật, các Ngài đã thức tỉnh chúng ta, chỉ cho chúng ta biết sự mong manh của kiếp người. Thân người chỉ như bóng chớp, như lá cỏ:

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn vật xuân vinh thu hựu khô”.

(Thân như bóng chớp chiều tà
Cỏ Xuân tươi tốt, thu qua rụng rời)
(Vạn Hạnh Thiền sư)

hay:

“Thân như tường bích dĩ đồi thì
Cử thế thông thông thục bất bi”.

(Thân như tường vách thuở lung lay
Ai chẳng thương tình cuộc đổi thay)
(Viên Chiếu Thiền sư)

Chúng ta cứ mãi lo tô điểm cho cái thân giả hợp này. Đâu biết rằng, thân thể chúng ta giống như tường vách lung lay, xiêu vẹo, không biết sẽ sụp đổ cuốn đi lúc nào trước cơn lốc vô thường.

Thân người vô thường, lúc còn là một Thái tử, đức Phật đã nghĩ đến vô thường khi nhìn Da-du-đà-la: “Chúng ta rồi sẽ già yếu và xấu xa. Thời gian sẽ phủ lên đầu những lớp tro bạc. Ôi! Mắt trong của em rồi sẽ mờ đục. Môi đỏ của em rồi sẽ úa màu. Ta nghe trong ta, trong em và trong tất cả mọi người mỗi ngày mỗi đổ vỡ dưới sức tàn phá của búa thời gian. Chúng ta ôm giữ một cách tuyệt vọng, như ôm giữ một cái bóng, như nắm bắt một làn hương”.

Về hoàn cảnh vô thường, gợi cho ta nhớ câu “thương hải tang điền”. Biển xanh một ngày nào đó trở thành bãi dâu. Mọi việc, được-mất, hơn-thua, phải-trái, ở đời rơi rụng theo hoa buổi sớm, lợi danh cũng như trận mưa rào qua đêm.

“Thị phi niệm trục triêu hoa lạc
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn”.

(Phải trái rụng theo hoa buổi sớm
Lợi danh lạnh với trận mưa đêm)
(Trần Nhân Tông)

Tất cả các hiện tượng, hành động tạo tác, tập hợp bởi sắc và tâm không thường còn. Chúng không đứng im nhất định mà luôn ở trạng thái biến động, dịch chuyển vô tận. Sinh diệt diễn tiến mãi. Tâm ta thay đổi không ngừng, mỗi niệm mỗi khác theo dòng chảy của thời gian. Một Thiền sư có viết:

“Tâm như chàng họa sĩ
Vẽ ngũ ấm thế gian
Tất cả thế giới kia
Do tâm mà tạo tác”.

Chung quy, tất cả đều tuân theo định luật hòa hợp - ly tán vô thường. Vì chúng là huyễn chất, giả hợp, duyên hợp. Đây là một định luật bất biến, một chân lý hiển nhiên “Tất cánh như thị vô thường”. Dù đức Phật nói hay không nói, giác ngộ hay chưa giác ngộ, nó cũng hiện hữu trên cuộc đời mãi mãi, bởi vì bản tính nó vốn như vậy.

Khi ta hiểu vô thường trong giáo pháp tương tức tương nhập thì đích thực vô thường là vô ngã. Chúng tuy hai mà một. Khi đứng về phương diện thời gian là vô thường - sanh, trụ, dị, diệt; khi đứng về không gian là vô ngã-thành, trụ, hoại, không. Ngã tính là đồng nhất. Vô thường là tính thay đổi. Một khi cái gì thay đổi thì nó không còn tính đồng nhất của nó. Do đó, nó vô ngã. Nhận chân được điều này nên các Thiền sư thong dong, tự tại giữa cuộc đời:

“Nhược đạt tâm không vô sắc tướng
Sắc không ẩn hiện nhiệm suy di”.
(Thấu lẽ tâm không, không sắc tướng

Sắc-không ẩn hiện mặc vần xoay)
(Viên Chiếu Thiền sư)

Mặc dù, sống trên thế gian đầy rẫy những cạm bẫy, cám dỗ bởi danh lợi, tài sắc… nhưng tâm các Ngài vẫn bình lặng, không vướng mắc trần lụy:

“Tâm khôi ra giác mộng      
 Bộ lý đáo thiền đường”.

(Nguội ngắt lòng danh lợi
 Am thiền rảo gót qua).
(Trần Quang Triều)

Các Thiền sư vẫn lặng yên nhìn ngắm cuộc đời lắng nghe một sự hòa điệu sâu xa giữa ta và vạn vật:

“Như kim khám phá đông hoàng diện
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng”.

(Chúa xuân nay đã từng quen mặt
Nệm cỏ ngồi yên ngó rụng hồng)
(Trần Nhân Tông)

Khi dùng chìa khóa vô thường và vô ngã để mở cửa thực tại thì chúng ta có cơ hội tiếp xúc được bản thân thực tại nhiệm mầu, đó là Niết-bàn. Niết-bàn có mặt ngay bây giờ, chứ không phải là một đối tượng tìm kiếm ở tương lai. Ngay trong ta, trong mọi vật đều có bản tính thanh tịnh. Bên trong lớp áo vô thường vốn chứa sẵn cái chân thường. Đó chính là:

“Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.
(Đêm qua sân trước một cành mai)
(Mãn Giác Thiền sư)

Hay:

“Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn”.
(Xuân cỗi còn dư một tiếng chim)
(Trần Nhân Tông)

Vận dụng Tam pháp ấn hay Tam giải thoát môn vào trong đời sống, ta tiếp nhận và hành trì kinh điển, dùng trí tuệ để quán sát và phân biệt. Từng bước cởi bỏ ái nhiễm, đoạn tận khổ đau thì đó là Hữu dư y Niết-bàn. Diệt hết phiền não, bỏ xả thân này không còn tái sanh, đây là Vô dư y Niết-bàn

Bởi vì Niết-bàn không hạn cuộc, nó vô tướng, vắng lặng và tịch tĩnh, biến khắp cả pháp giới, nên gọi là vô trụ xứ Niết-bàn. Vô trụ, vô sở trụ là cõi pháp vô tận của Như Lai “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”.

Theo Pháp luân
Previous Post
Next Post