Cách đây hơn hai năm rồi, có một
bạn đọc blog gửi cho tôi cái link với lời nhắn nhủ: "X. đọc đi, đọc để
thấy lòng nhẹ nhàng hơn". Không biết bây giờ bạn ấy có còn đọc blog của
tôi không nhưng tôi rất cảm ơn bạn về cái link đã gửi. Thậm chí, tôi còn copy
về file word trên máy và đặt cho nó một cái shortcut nằm chính giữa cái desktop
để nghiền ngẫm cho tới tận bây giờ. Trong đó, tôi thích một đoạn nói về sự bình
an:
"Khi tâm an, ta sẽ nhìn nhận
lại vấn đề ở một tầng hiểu biết khác. Ta không còn thấy sự việc bất thành hay
đổ vỡ kia là điều quá kinh khủng, không còn thấy thái độ khó chịu hay lầm lỗi
của người kia là đáng phải trừng phạt nữa. Cho nên khi tâm an thì ta không còn
muốn thay đổi hoàn cảnh, ta có một khả năng có thể chấp nhận mà không thấy khó
khăn hay đau đớn gì. Ta từng thấy có những người trông rất an ổn và vui vẻ, mặc
dù trong họ đang có những mất mát rất lớn lao. Không phải họ đang cố gắng che
đậy để trình diễn trước mọi người mà chính nhận thức và dung lượng trái tim của
họ đã giúp họ ôm ấp được hoàn cảnh. Đó là những người không đặt hạnh phúc của
mình quá nhiều vào sự toại nguyện từ bên ngoài nên khi hoàn cảnh bất toại nguyện
thì họ không dễ bị khổ đau.
Trong quá khứ ta từng sống thiếu
tỉnh thức và hiểu biết, vì để nắm bắt những nhu cầu hưởng thụ cao cấp từ vật
chất đến sự công nhận của người đời mà ta đã coi rẻ tâm hồn mình, đem tâm hồn mình
ra cho hoàn cảnh hay kẻ khác giày xéo. Ta sẵn sàng nổi giận, hờn ghen, nghi
ngờ, kỳ thị, độc tài, hơn thua và cả thù hận để có được cái này, cái kia mà
thực chất chỉ là những thỏa mãn cảm xúc. Ta chưa bao giờ có cơ hội để nhìn kỹ
lại tâm mình, trừ phi bị thất bại hay mất mát chua cay nhưng đó là những lần
quay về trong muộn màng với những đống tàn tro. Kết quả thường là buồn chán và
tuyệt vọng chứ chưa bao giờ có một chương trình thanh tịnh hóa tâm hồn cho
nghiêm túc.
Ai đã trải nghiệm nhiều năm trong
cuộc đời đều cũng thấm thía rằng chỉ có sự thanh thản và bình an trong tâm hồn
mới là khát khao lớn lao nhất của con người".
Có một câu chuyện khác nữa mà tôi
cũng rất tâm đắc. Đó gần như là một giai thoại về nội của tôi. Hầu hết những
người sống xung quanh khu vực nhà thờ chánh tòa Long Xuyên đều biết tới ông bà
nội tôi bởi lối sống đức hạnh và mẫu mực. Năm đó, cô họ của tôi mở một cửa hàng
kinh doanh lớn ở Sài Gòn. Cô vốn rất thương và kính nể nội nên chạy từ Sài Gòn
về Long Xuyên chỉ để hỏi ý ông về việc đặt tên cho cửa hàng. Ông nội tôi đã nhẹ
nhàng trả lời, đại khái rằng: "Trên đời này không có gì quý hơn sự bình
an...". Cô tôi hân hoan ra về và đặt tên cho cửa hàng của mình là Bình An.
Xưa giờ, tôi vẫn có thiện cảm với
những người lấy tên Bình An để đặt cho công ty, cửa hàng hay thậm chí là tên
con cái họ. Chắc hẳn họ đã có những trải nghiệm đáng giá để cảm nhận và trân
trọng sự bình an mà họ có được. Suy cho cùng bình an hay bình yên đều là một,
là thứ mà con người ta vẫn kiếm tìm sau những giờ phút bon chen, vất vả, ganh
đua, mê mải, mệt nhoài, khó khăn. Đó còn là thứ mà ai nấy trong thiên hạ đều
mưu cầu cho tới tận khúc cuối của cuộc đời. Phải nói là càng lúc tôi càng thấm
thía hai chữ "bình an" quý giá mà nội tôi đã nói.
Hôm nọ, chị em gặp nhau mừng mừng
vui vui. Sau những câu chuyện rất thường tình, sau những tràng cười giòn bất
tận, chị em tôi bắt đầu nói về sự bình an. Rồi bất chợt, chị dòm tôi: "Chị
hỏi thiệt chớ, cho tới giờ phút này, em đã cảm nhận được sự bình an ở trong
lòng chưa?". Tôi chỉ cười: "Chị nhìn vô mắt em coi, chị có thấy bình
an ở trong đó không?". Chị cười nheo mắt nói: "Chị tin là có".
Và cái con nhỏ hay cười rất giòn nhưng cũng rất mau nước mắt là tôi lập tức đổ ứa
lệ.
Đêm ấy, tôi về nhà, nằm chéo
chân, để tay ngang bụng, ngó lên trần nhà, khoan thai. Tôi đã tự hỏi mình:
"Có bình an không sau những ngày mưa bão tơi bời?", câu trả lời là
"có" (chứ sao không). Thậm chí, tôi còn biết rõ tường tận nó từ đâu
mà tới...