Con người suy thoái từ người khổng lồ?

Tượng khổng lồ trên đảo Phục sinh.
Ai đã xây nên các tượng đá khổng lồ cao đến 20 m trên đảo Phục sinh? Trong thế kỷ 20, nhà khoa học Macmillan Brawn từng giả thuyết rằng đảo Phục sinh là nghĩa địa của giống người khổng lồ và những tượng đài được xây nên để tưởng nhớ người đã khuất. Một cuốn sách mới của nhà khoa học Nga cũng đưa ra lý tuyết tương tự.

Theo truyền thuyết của nhiều dân tộc khác nhau thì tổ tiên của con người hiện đại là những người khổng lồ. Một nhóm các nhà khảo cổ học do Alecxand Belov đứng đầu đã tiến một bước khá xa trong quá trình tìm kiếm lời giải cho điều bí ẩn đó của trái đất. Gần đây, kết quả nghiên cứu của họ được tập hợp trong cuốn sách mang tựa đề "Cuộc phiêu lưu khảo cổ học" do nhà xuất bản Bằng chứng và Sự kiện Nga ấn hành. Theo lý thuyết tiến hóa mới, tất cả các hình thức sống trên trái đất hiện nay không xuất hiện do quá trình tiến hóa mà là do quá trình suy thoái của chính tổ tiên chúng ta: con người văn minh đã có thời muốn sống gắn bó với thiên nhiên, họ bỏ chạy khỏi các thành phố văn minh và đi vào rừng. Họ sống trong đó quá lâu, suy thoái dần và trở thành khỉ và vượn. Dĩ nhiên, không phải ngay lập tức mà là trong thời gian hàng triệu năm và qua rất nhiều hình thức suy thoái trung gian.

Ngày nay, các nhà khảo cổ học đã khám phá được trên trái đất có rất nhiều nền văn minh bị hủy diệt. Rất nhiều nơi còn sót lại những đống đổ nát im lìm, còn dân địa phương không biết gì về nguồn gốc của các tượng đài bằng đá, kim tự tháp và thậm chí cả các thành phố lớn. Đảo Phục sinh là một thí dụ. Khi người Hà Lan đến đó lần đầu tiên, họ đã phải kinh ngạc trước những tượng đài bằng đá khổng lồ. Ai đã xây dựng chúng? Một thí dụ khác ở trên lãnh thổ Peru, thuộc dãy núi Andes có một thành phố cổ mang tên Tiaunaca được xây dựng từ những khối đá khổng lồ nặng tới 200 tấn. Trên một số tượng đài còn có cả các vật trang trí bằng bạc đúc nặng tới nửa tấn. Khi thực dân Tây Ban Nha chinh phục và phát hiện được thành phố này thì ở đó đã không còn một ai sinh sống. Dân địa phương bỏ chạy và không còn ai hiểu biết hoặc có khái niệm về kiến trúc, về công nghệ luyện kim.

Vào cuối thế kỷ 19, trong các khu rừng rậm ở Đông Phi, giữa hai dòng sông Zambezi và Limpopo, các nhà thám hiểm đã tìm thấy một lâu đài bằng đá bỏ hoang có tháp cao tới 15m và còn để lại dấu ấn của các lò luyện kim. Nhà nghiên cứu người Pháp Mubo còn phát hiện thấy một kỳ tích kiến trúc trong các khu rừng rậm ở Đông Dương, đó là Angco Vat. Trên diện tích khoảng 7 km2 là cả một thành phố chết bao gồm cung điện, thành quách và các lâu đài. Trên thế giới có tới hàng trăm công trình kiến trúc hoang phế khổng lồ tương tự với những tượng đài đồ sộ mà chưa rõ ai là người xây dựng.

Theo các nhà khảo cổ học Nga, tổ tiên chúng ta là những người khổng lồ. Ít nhất đã có 4 thảm họa xảy ra trong lịch sử loài người: một lần băng giá và 3 lần hồng thủy. Sau mỗi lần thảm họa, dân số giảm đến mức chỉ còn lại một vài gia đình. Trong số các bộ tộc, những người sống sót bắt đầu bị suy thoái trong những điều kiện phức tạp. Cùng với thời gian, họ biến thành người mọi rợ, người giống khỉ. Chỉ còn một số rất ít người sống sót và hình thành nên loài người ngày nay.

Hiện có rất nhiều điều nghi vấn đối với học thuyết của Darwin. Thí dụ, nếu theo học thuyết này, tổ tiên của loài người là những người đi săn và sống bằng thịt động vật. Nếu vậy thì tại sao hàm răng của người cổ đại trong các phát hiện khảo cổ lại mong manh thế? Bởi vì, cũng theo Darwin, trong buổi sơ khai, tổ tiên của loài người chưa biết đến lửa và không có cách gì để làm mềm thịt. Thêm nữa, hệ thống tiêu hóa của người ít thích nghi với việc tiêu hóa thịt sống, còn hệ thống xương và cơ bắp thì dễ dàng thích nghi với điều kiện sống trên cây.

Học thuyết Darwin cũng không giải thích được vì sao con người bị rụng lông, nhưng tóc lại mọc rất dài trên đầu. Trong khi đó, rất nhiều công trình thí nghiệm chứng tỏ khỉ hoàn toàn không có khả năng tiến hóa thành người. Khi quan sát khỉ ở vườn bách thú, chúng ta thấy chúng có thể hát đồng ca, đọc, khóc và dùng tay đấm vào ngực, biết gật đầu thậm chí bắt tay. Để có thể lấy được một quả chuối treo trên sàn, khỉ có thể dùng các hòm xếp chồng lên nhau để trèo lên lấy quả chuối. Vì sao khỉ biết làm điều đó? Câu trả lời thật đơn giản: Trước mắt con người, khỉ nhớ lại những thói quen đã từng biến mất thời xa xưa.

KH&ĐS (theo AIF, Nga)
Previous Post
Next Post