Cái Chết và Hóa Thân

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi.....
Rồi một mai tôi trở về cát bụi....

Đó là câu ca đùa vui của Trịnh Công Sơn mà nhiều người nghe biết. Mà các đám kèn tang tóc đưa ma cũng hay thổi bài hát này khi đưa đám ma.

Thật ra thì làm gì chỉ có cát bụi mà lại làm thành thân tôi. Ai mà có cái thân người thì đều có cái thân ngũ uẩn. Phải đủ năm uẩn hòa hợp thì mới gọi là thân tôi. Chứ cát bụi thì làm sao mà thành người được. Đó chỉ là đùa vui của người nghệ sỹ.

Cũng chỉ là đùa vui bậy bạ không suy nghĩ để hiểu biết điều mà người ta chúc tụng nhau trong đám tang. Đó là cầu chúc nhau về thế giới vĩnh hằng. Đó là câu chúc đùa chơi cho vui, chứ làm sao mà hình dung cho được một thế giới vĩnh hằng. Nếu vĩnh hằng thật sự thì làm gì có thế giới và muôn loài. Vĩnh hằng là hằng hữu vĩnh viễn, như vậy là chết cứng ngưng nghĩ và tận diệt thành hư không vô vi. Chỉ có hư không mới vĩnh hằng. Và không còn gì nữa sau cái chết nên mới gọi là vĩnh hằng, vì vĩnh hằng là đoạn tận, dứt đẹp tất cả không còn gì như hư không vô biên.

Nhưng theo kinh điển Phật dạy thì khi vào định Phi tưởng phi phi tưởng xứ thì cũng chỉ là một giấc ngủ say không còn tư tưởng và vật chất chuyển động. Nhưng khi rời định ra thì cũng phải đọa vào tam đồ ác đạo như thường. Vậy thì làm sao có thể hình dung dung được cảnh giới nào là "Vĩnh- Hằng". Một sự thể không còn gì nữa thì có thể gọi là cái chết, nhưng gọi là vĩnh hằng thì thật không thể nào có một thế giới vĩnh hằng nào để đi đến sau khi chết. Vật chất có thể thành năng lượng vì năng lượng là vật chất. Nhưng tâm thức thì không thể biến thành vật chất. Tâm thức có thể chuyển động vật chất nhưng không phải là vật chất. Cái chết là chết cái thân chết, còn tâm thức không chết theo thân mà hóa sanh vào một tâm thức không phải là cái thân đã chết. Cái thức tinh anh của sinh thể khi rồi thân vật chất hư hoại thì liền hóa thân theo nghiệp của tâm thức. Vì vậy người sanh ra và chết đi thì có tâm thức hóa thân theo chứ không phải từ thân vật chất mà sanh ra tâm thức.

Vì vậy tổ Huệ Năng nói rằng: Xưa nay không một vật, bởi vì tâm thức không từ vật mà sanh ra. Không phải khi cha mẹ sinh ra cái thân người thì con người mới có tâm thức. Nhưng nếu cái thân đó, mà khi sanh ra, được đem cho khỉ vượn nuôi thì cái thân đó sẽ phát triển như khỉ vượn. Cái tâm thức trong cái thân chỉ phát triển như khỉ vượn, vì cái duyên của nó là duyên với khỉ vượn. Một cái thân người thì có đủ ngũ uẩn. Không thể nói do cát bụi mà hóa thân mà phải do nghiệp thức duyên sanh với thế giới.

Cái sự thật sanh già bệnh chết là sự thật mà thân người phải trải qua. Nếu mình nuôi cái ảo tưởng là ai chết thì chết, chứ mình chưa bị chết bây giờ và mình né tránh sự thật là mình phải chết. Như vậy là mình sợ hãi sự thật và né tránh sự thật. Do né tránh nên mình cũng không biết được tiến trình chết là gì. Chết chính là bài học cho sự tiến hóa. Mỗi kiếp người sẽ tiến hóa hay thoái hóa là do mình tạo duyên cho mình. Chứ thật ra chết không phải là đi về thế giới vĩnh hằng, cũng không phải tâm thức tiêu diệt theo cái thân hư hoại tan rã do duyên sanh diệt. Mà điều này phải do chính mỗi người tự thể nghiệm và phải thực chứng ngay trong hiện nghiệm của thực tại đang sống. Bởi vì nó không phải là kiến thức được truyền trao từ các thánh nhân hay kinh điển, mà nó chính là sự sống đang là của mỗi người.

Cái đang là của mỗi người thì mỗi người phải tự hiểu biết vì nó là sự sống của mình. Mình đang có cái thân ngũ uẩn chứ không ai khác, vậy thì mình không sống và không biết ngũ uẩn của mình, mà phải dựa vào kiến thức ở ngoài mình, của người khác, thì mình làm sao thấy đúng sự thật được. Mình không phải là hóa thân từ hạt bụi, nhưng mình lượm lặt cái kiến thức của người khác để cho rằng mình là hóa thân từ hạt bụi, nhưng hạt bụi thì làm sao có đủ ngũ uẩn đang là? Mà khi ngũ uẩn theo duyên tan rã của cái chết phải xảy ra, thì mình lại cho là mình trở về với cát bụi hoặc thế giới vĩnh hằng, đó chính là thật điên đảo. Hãy nhìn sự thật thì có bao giờ lại không có cái chết phải đến hay không? Có thật là có một thế giới vĩnh hằng như sự chúc tụng hay không? Có phải mình chỉ là hạt bụi hóa thân thành con người hay không?

Tất cả câu hỏi như vậy thì chỉ có mình tự trả lời thì mới thỏa đáng cho chính mình. Nhưng nếu theo danh từ mà gọi một định nghĩa cho danh từ thì không thể nào cắt nghĩa được có một thế giới vĩnh hằng hay có một con người mà sống mãi không chết. Cũng không thể nào có một hạt bụi mà lại có thể hóa thân thành con người với hợp thể ngũ uẩn. Vật chất sanh ra ý thức đó là tư tưởng duy vật. Nhưng chúng ta hiểu rằng cái máy compurter dù được lập trình hay tiến bộ như thế nào thì cũng không phải là tâm thức như con người. Vật không thể sanh tâm. Nhưng không có vật thì tâm không biểu hiện cho mình nắm bắt được. Tất cả phải thực nghiệm và thực chứng chứ không phải hồ đồ mà biết đúng được.

Có một anh bạn bơm nhậu, năm 1975. Do khó khăn của đời sống mà anh chàng té ngã vào rượu, trở thành bợm nhậu. Suốt ngày anh ta cứ than thở anh ta chỉ là một con tinh trùng của ông già anh ta. Mỗi khi tôi gặp anh thì cứ lúc nào cũng nghe anh ta nói: Bố của tao nói rằng tao dù có là cái gì quan trọng trong xã hội này thì cũng chỉ là một con tinh trùng của ông ta! Thật là điên khùng và buồn cười hết nói nổi. Nhưng người ta vẫn có người tin rằng đó là sự thật vì có y học làm chứng.

Nhưng tôi mắng anh ta rằng tại sao mày chỉ là con tinh trùng? Cái cơm mày đang ăn, cái rượu mày đang uống có phải là mày hay không? Nếu phải thì mày là cái gì vậy? Nếu không phải thì tại sao nó làm cho mày cử động và nói năng theo một chiều hướng như đang là vậy? Nếu mày chỉ là con tinh trùng thì mày đã chết từ khi nó rời khỏi cơ thể của lão bố mày. Phải có nhiều điều kiện cấu kết với nhau mới có mày. Nếu không có bà mẹ và đồng bào Việt Nam thì ai gọi mày là người Việt Nam. Chẳng lẽ cả nước VN đều là con tinh trùng của Ba mày hay sao? Khi người ta gọi mày là người VN, vậy ba mày dám gọi mày là con tinh trùng như vậy hay không? Mày có dám hỏi ông ấy như vậy hay không? Trong cái một có cái tất cả,nhưng nếu nắm một cái mà cho là tất cả thì điên đảo rồi vậy.

Trong cái sống đã có cái chết chờ sẵn đó. Nhưng sống và chết không phải là hai cái khác nhau. Nếu sợ chết mà quên sống hay tham sống mà sợ chết thì đều điên đảo vì không thể chẻ đôi sống chết trong một sinh thể. Nếu quán vô thường hàng ngày thì đã tiếp xúc với sự thật chứ không chạy trốn sự thật. Không chạy trốn sự thật thì biết sống trọn vẹn một mình, độc hành , độc bộ, cô đơn không cùng tất cả các duyên nương dựa để trốn tránh. Do không trốn tránh nên sống trọn vẹn với ý nghĩa sống chết cùng tất cả thế giới đang hiện sinh. Không phải cái này không phải cái kia nên sanh tử đại sự là sự thật luôn đối diện. Chỉ khi nào mình chạy trốn cái chết thì cái chết mới trở thành ông kẹ hù mình. Không tham sống thì phải nhìn thẳng cái chết. Do thấy được cái chết hiện tiền mà sống trọn vẹn không sợ hãi, bởi vì không ai có thể nhảy qua cái bóng của mình và chối bỏ bốn sự thật mà ĐứcThế Tôn đã chuyển Pháp Luân...

Từ nơi bốn sự thật. Khổ, Tập , Diệt, Đạo mà Bốn Hoằng Thệ được phát nguyện:

1.- Chúng sanh vô biên thề nguyện độ.
2.- Phiền não vô tận thề nguyện đoạn.
3.- Pháp môn vô lượng thề nguyên học.
4.- Phật đạo vô thượng thề nguyên thành.

Bởi vì chúng sanh không có biên giới nên sanh tử không có biên giới. Phải phát nguyện chuyên chở chúng sanh không biên giới nên không còn phân biệt được biên giới của sanh tử.

Bởi Phiền não thì không bao giờ cùng tận nên nếu yêu thương thật sự thì yêu thương cũng không bao giờ cùng tận.

Bởi Pháp môn thì không có hạn lượng được nên cái học không bao giờ chấm dứt. Chỉ có Thánh quả vô học mới không có cái học của thế gian. Nhưng vẫn phải tiến lên đến vô tận chúng sinh.

Phật đạo không trên thì phải thành tựu mới được vô tranh tam muội, duy ngã độc tôn của quả bồ đề không trên của Phật chánh giác. Vì vậy không bao giờ được môt ít mà cho là đã đủ.

Do đó tất cả họa quả phước trí đều do vô thường quán mà đi vào giác ngộ. Buông bỏ niệm chết ra thì tham dục sẽ phát sinh, và sân si phiền não sẽ sanh khởi theo duyên buông lung của hành giả.

Vì vậy được đọc bài Cái Chết của Đức Đạt Lai Đạt Lai lạt Ma là một duyên rất lành cho hành giả nắm lấy then chốt sanh tử của sự sống. Bởi vì cái chết chắc chắn phải đến. Nhưng nó không phải là sự chấm dứt của tuệ mạng. Mà cái chết chính là hóa thân của sự sống vô sanh và bất diệt.

Nam mô Vô Biên Thân Bồ Tát Ma Ha tát.

Previous Post
Next Post