Cao Hay Thấp

Cây cao lại bị gió lay và dễ bị gãy đổ; cây thấp lại bị cây cao đè và dễ bị nước ngập, nhận chìm.

Cũng vậy, ở trong đời bạn ngồi ở vị trí cao, bạn phải luôn luôn chịu đựng những ngọn gió giữa cuộc đời cạnh tranh, khen chê thổi vào và bạn có thể bị lay đổ bởi bất cứ lúc nào và ở đâu.

Và nếu bạn an phận ngồi ở những vị trí thấp, bạn không bị gió đời thổi vào cạnh tranh, nhưng bạn sẽ bị gió đời thổi vào đè bẹp và khinh miệt. Ở vị trí thấp, bạn còn phải chịu đựng những cơn lũ của cuộc đời có thể nhận chìm bạn bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu.

Vì vậy, Nguyễn Du nói:

“Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”.

Vậy, đứng ở vị trí cao cũng do nghiệp; đứng ở vị trí thấp cũng do nghiệp.

Do quan hệ với nghiệp mà hiện hữu giữa đời, thì cho dù đứng ở vị trí nào, cao hay thấp, cũng không thoát khỏi sự bất an và nguy hiểm cả.

Tuy nhiên, dù ở vị trí nào trong cuộc đời, nếu ta biết đem tấm lòng chân thật, bất vụ lợi mà sống với nhau, thì mọi cái nguy đều sẽ biến thành cái an và mọi cái an đều biến thành toàn vẹn.

Nghiệp không phải là định mệnh cố hữu, mà nó có thể thay đổi tùy thuộc vào duyên. Mỗi khi duyên của nghiệp đã thay đổi, thì nhân của nghiệp cũng sẽ được chế ngự và chuyển hóa.

Ta hãy chuyển hóa sự hiện hữu của ta giữa cuộc đời do nghiệp bằng nguyện, thì cho dù đứng ở vị trí nào trong cuộc đời đi nữa, ta cũng có thể chế tác được chất liệu an toàn và hạnh phúc cho ta và đem lại nhiều lợi ích cho cuộc đời.

Nếu ta không biết chuyển hóa nghiệp thành nguyện, thì ở đâu, lúc nào, làm việc gì và sống với ai, mọi sự nguy hiểm và bất an đều có mặt ở đó cho ta.

Do đó, Nguyễn Du đã giải quyết cách đứng của ông giữa cuộc đời bằng:

“Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Ta hãy đem tấm lòng chân thật mà sống với mọi người, dù có ai biết hay không ai biết. Người khác biết hay không biết chẳng có gì quan trọng cả, mà quan trọng là nghiệp hay nguyện của mình đã biết cho mình một cách chính xác vậy.

Tác giả bài viết: Thích Thái Hoà
Previous Post
Next Post