Đạo Phật là đạo của từ bi luôn
mang yêu thương đến với muôn loài và sẵn sàng chia sẻ những nỗi khổ, niềm đau
hầu giúp chúng sinh vượt qua biển khổ sông mê, luân hồi sinh tử. Kính chúc mọi
người luôn đem nước mát từ bi trải rộng khắp thế gian này để tất cả chúng ta
được sống yêu thương và hiểu biết.
Muốn vượt qua phải trái cuộc đời
thì người con Phật cần nắm vững các nguyên tắc sau đây để làm kim chỉ nam trong
cuộc sống.
Tình thương yêu là nguồn an ủi vô
biên giúp chúng sinh vượt qua biển khổ sông mê, song tình thương thế gian hoàn
toàn còn giới hạn trong phạm vi gia đình nhỏ hẹp hoặc lớn hơn là tình thương
với đất nước. Chúng ta có người bạn tốt để giúp con người vượt qua phải trái
cuộc đời là tấm lòng từ-bi-hỷ-xả. Người bạn này luôn sát cánh và kề cận bên ta,
chỉ vì chúng ta chẳng chịu thừa nhận nên lãng quên mà thôi. Từ có nghĩa là ban
vui, Bi có nghĩa là cứu khổ. Từ bi là đem niềm vui đến và chia sẻ nỗi đau của
nhân loại bình đẳng, không phân biệt kẻ oán người thù. Lòng Từ này bao la không
ngần mé nên không giới hạn ở con người hay muôn vật.
Trong bài thơ của vua Trần Nhân
Tông có nói lên vấn đề phải trái cuộc đời cũng giống như gió thoảng mây bay.
Sau khi từ bỏ ngai vàng giao lại cho con, ngài lên núi tu tập và đã cảm nhận
được niềm vui thật sự do biết buông xả việc đời mà thân tâm đước thanh tịnh,
trong sáng; do đó ngài đã cảm tác bài kệ:
Phải trái rụng theo hoa buổi sớm.
Danh lợi lạnh với trận mưa đêm.
Hoa tàn mưa tạnh non im vắng.
Xuân cỗi còn nguyên một tiếng chim
(Hòa Thượng Thanh Từ dịch)
Việc đời lúc nào cũng như thế,
không bao giờ ta có được những giây phút bình yên vì hết chuyện này đến chuyện
kia, việc phải, việc trái, việc đúng, việc sai, việc tốt, việc xấu, việc hơn,
việc thua suốt ngày cứ thế lúc nào cũng có mặt trong cuộc sống. Vua Trần Nhân
Tông khi còn ở ngai vàng mỗi ngày phải tiếp xúc và giải quyết biết bao chuyện
thị phi phải quấy của thế nhân. Thân tuy sống hưởng đầy đủ lạc thú trần gian
muốn gì được nấy nhưng tâm phải luôn bận rộn lo toan đủ thứ chuyện rắc rối trên
đời. Giờ đi tu rồi cảm thấy hạnh phúc, an lạc, thảnh thơi, không còn bị dòng
đời lôi cuốn và chi phối nữa nên tâm tư ngài trong sáng, thanh tịnh mà nhận
biết rõ ràng bản chất thực hư của cuộc đời.
Nếu chúng ta không thấy rõ được
bản chất thực hư của nó thì suốt ngày cứ dính mắc vào đó để rồi gây thêm phiền
muộn, khổ đau cho nhau. Ngài nhờ thấy rõ những niệm phải quấy, hơn thua giống
như những cánh hoa rơi rụng buổi sáng bởi bản chất của hoa sớm nở tối tàn không
thực có, thấy phải thấy quấy là theo cách nhìn của người đời, vậy thì chúng ta
chấp mắc vào đó làm chi cho thêm phiền muộn, khổ đau. Cái tâm danh lợi cũng thế
bởi cũng sẽ lạnh theo đám mưa đêm. Ở đời ai cũng cầu mong làm sao có được danh
vọng, địa vị lớn trong xã hội. Khi đã có danh vọng, quyền lực trong tay thì
quyền lợi cũng được đi kèm nên khó ai có đủ can đảm buông bỏ được. Vậy mà vị
vua Thiền sư Việt Nam Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã xem ngai vàng như dép rách
và dám từ bỏ hết tất cả để lên núi tu hành. Chúng ta bây giờ có được cái gì mà
cứ ôm hoài rồi than thân trách phận, đổ thừa tại-bị-thì-là… Thật là đáng tội
nghiệp!
Thiền sư khi tu hành viên mãn rồi
thấy việc đời như những chiếc lá rơi không có gì phải bận tâm lo lắng, nên
tham-sân-si-mạn-nghi-ác kiến không còn khả năng chi phối được nữa, nhưng tâm
này không phải gỗ đá, không phải vật vô tri, không phải không biết gì mà là
“hoa tàn mưa tạnh non im vắng, xuân cỗi còn nguyên một tiếng chim”. Tâm vẫn còn
lại cái biết sáng suốt hằng giác, hằng tri chứ không phải không còn gì hết. Cái
biết này ngay nơi mắt vẫn nhìn thấy rõ ràng, xanh biết xanh, đỏ biết đỏ, vàng
biết vàng, nhưng không bị nó làm biến dạng, làm méo mó, nó như thế nào thì thấy
như thế đó nên không dính mắc, bám víu một thứ gì, do vậy cuộc sống được khỏe
ru, an lạc. Cuộc sống có gì mà phải bận rộn lo lắng để dẫn đến khổ đau và
tai-mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế. Sự an lạc này đâu thể mua được bằng tiền
bạc, danh vọng và quyền lực. Khi còn làm vua ngài đâu thiếu thứ gì nhưng thật
sự đâu thấy an lạc, hạnh phúc được như thế.
Khi đã cảm nhận được đạo lý chân
thật sau thời gian ẩn tu, ngài xuống núi khuyên nhủ mọi người hãy phá bỏ những
tập tục mê tín dị đoan làm con người mất tự chủ, tự do trong cuộc sống. Ngài
khuyên mọi người nên lánh ác làm lành, tin sâu nhân quả, làm lành được hưởng
phước, làm ác chịu khổ đau, không ai có quyền ban phước giáng họa mà chính mình
là đấng tối cao của bao điều họa phúc. Con người phải có trách nhiệm, bổn phận
yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần vô ngã, vị tha.
Người con Phật muốn làm được vậy
thì phải phát nguyện gìn giữ 5 điều đạo đức: không giết hại, không trộm cướp,
không tà dâm, không nói dối hại người, không uống rượu say sưa và dùng các chất
gây nghiện như xì ke ma túy và đưa các độc tố có hại vào cơ thể, không giết
người và hạn chế tối đa việc giết hại súc vật, nhất là những tập tục giết hại
súc vật để cúng tế quỷ thần, cúng tế thần linh. Người ưa giết hại có lòng từ bi
hay không? Chắc chắn là không, đã không có lòng từ bi thì làm sao giúp người,
cứu vật được? Phật đã mở cho chúng ta con đường sáng để vượt qua si mê tối tăm,
đã thương thì không giết, đã giết thì không thương. Người con Phật cần phải
hiểu thấu đáo chỗ này để không bị lầm lẫn. Vậy trộm cướp có từ bi hay không? Dĩ
nhiên là không! Tài sản, của cải làm ra bằng công sức khó khổ của mình, thức
khuya dậy sớm chắt chiu dành dụm từng ly từng tí chẳng dám ăn xài hoang phí mà
đùng một cái mọi thứ đều đội nón ra đi thì hỏi sao không buồn đau cho được?
Lòng từ bi là một chất liệu sống
không thể thiếu trên cõi đời này. Người sống với tâm Từ nhờ đó thanh lọc và
chuyển hóa được những mưu sâu kế độc toan tính hại người, hại vật. Một người tu
tâm Từ, người người tu tâm Từ thì thế gian này tràn ngập tình yêu thương. Nhân
loại sẽ tránh được khổ đau do tâm Từ được trải rộng ra nên thế giới bớt xung
đột, tranh chấp, hận thù và chiến tranh sẽ không bao giờ có mặt. Uống rượu say
sưa, nghiện ngập ma túy và dùng các chất kích thích có hại cho sức khỏe sẽ hủy
diệt sự sáng suốt của con người và là căn bệnh trầm kha của thế kỷ 21.
Vậy những người dùng những thứ đó
có từ bi không hay đang lần hồi hủy diệt sự sống con người cho tới bờ vực thẳm?
Đây là một trong những vấn nạn lớn nhất làm đau đầu thế giới con người. Lịch sử
thời hoàng kim của đời Trần Việt Nam là một minh chứng hùng hồn đã biết áp dụng
tâm linh vào cuộc sống nên con người sống với nhau hiểu biết và thương yêu hơn,
xã hội không có những tệ nạn trầm trọng như hiện nay. Lòng từ bi phải luôn đi
kèm với trí tuệ mới có thể cứu giúp được nhân loại thoát ra chỗ si mê, tối tăm
nhiều đời nhiều kiếp. Niềm vui đích thực là biết cho đi mà không đòi hỏi để
được nhận lại, hoàn toàn không có tính vị kỷ bám víu của sự chấp ngã mới thật
sự bền vững, lâu dài.
Vậy chúng ta ứng dụng tu từ bi
tâm bằng cách nào? Thứ nhất ta quán tình thương thấy ai cũng là người thân,
người thương của mình; đã thương thì không oán trách, giận hờn, ghét bỏ, nhờ
vậy chúng ta dễ dàng bao dung và tha thứ. Cứ mỗi buổi sáng thức dậy chúng ta
nguyện cầu cho tất cả chúng sinh luôn được sống yêu thương và hiểu biết, dấn
thân và phục vụ với tinh thần vô ngã vị tha. Mỗi ngày sáng, trưa, chiều, tối ta
đều quán chiếu, cầu nguyện như vậy thì tâm từ bi của mình sẽ ngày thêm rộng
lớn. Cách quán thứ hai chúng ta thấy ai cũng là cha mẹ của mình và ơn cha nghĩa
mẹ khó đáp đền bởi công sinh thành dưỡng dục vất vả, khó nhọc nên ai ta cũng
thương yêu, hiếu kính; do đó không gây buồn phiền, giận dỗi nên không làm đau
khổ cho nhau. Nếu cuộc sống này tất cả mọi người đều sống như vậy thì còn gì
sung sướng và hạnh phúc cho bằng.
Tu tập lòng từ bi rất khó vì nó
đi ngược lại lòng tham lam, sân giận, si mê của mọi người nên để làm vậy trước
tiên ta phải tập cảm thông nỗi khổ, niềm đau của tất cả chúng sinh. Trước tiên
ta tập cảm thông với những người thân và kế đến là người cùng làm việc, rồi đến
những người xa lạ không quen biết, cuối cùng là những kẻ oán chuyên làm hại
mình và tất cả muôn loài muôn vật. Ta phải tập dần như vậy cho đến khi nào viên
mãn mới thôi, phải cố gắng buông xả tâm hại người hại vật, mở rộng tấm lòng bố
thí, cung kính cúng dường, giúp đỡ, chia sẻ khi gặp người khó khăn, hoạn nạn.
Đạo Phật là đạo của từ bi luôn mang yêu thương đến với muôn loài và sẵn sàng
chia sẻ những nỗi khổ, niềm đau hầu giúp chúng sinh vượt qua biển khổ sông mê,
luân hồi sinh tử. Kính chúc mọi người luôn đem nước mát từ bi trải rộng khắp
thế gian này để tất cả chúng ta được sống yêu thương và hiểu biết.