Chết - một sự kiện không ai có thể tránh khỏi

Chết được xem là một điềm xui xẻo, một điều bất hạnh, là mặt đen của đời sống, không nên thảo luận, không nên bàn tán. Nhất là vào những ngày đầu năm, sinh nhật hay cưới hỏi, từ ‘chết’ được xem là một điều cấm kỵ


Chết là một hiện tượng tự nhiên, một quy luật chung không ai có thể tránh khỏi. Đã sanh ra trên cõi đời này không sớm thì muộn chắc chắn có một ngày chúng ta phải từ bỏ tất cả để ra đi dù chúng ta có muốn hay không muốn. Dù vậy, phần đông người ta không thích đề cập đến vấn đề này, không thích thảo luận về cái chết.

Chết được xem là một điềm xui xẻo, một điều bất hạnh, là mặt đen của đời sống, không nên thảo luận, không nên bàn tán. Nhất là vào những ngày đầu năm, sinh nhật hay cưới hỏi, từ ‘chết’ được xem là một điều cấm kỵ, tuyệt đối không ai được nhắc đến.

Quan niệm này chỉ đúng theo thế gian. Vì sao? Vì điều may mắn hay rủi ro bất hạnh xảy đến với chúng ta là do cái nhân chúng ta đã làm, chúng ta đã tạo ra; nếu chúng ta làm các thiện nghiệp thì chúng ta được an vui; trái lại nếu chúng ta làm những việc tổn hại đến người thì chắc chắn chúng ta phải nhận lấy hậu quả xấu, nhận lấy những điều rủi ro bất hạnh. Nếu ai cho rằng bàn luận về cái chết là một điều cấm kỵ, một điều xui xẻo thì đó là tà kiến, là mê tín dị đoan, là không đúng theo lời Phật dạy.

Một vị Hòa thượng người Tích Lan đã nói: “Chết tự nó không phải là điều khủng khiếp, nổi ám ảnh sợ chết mới là điều khủng khiếp nhất trong tâm trí con người”. Thật vậy, chết là một quy luật tự nhiên không có gì đáng sợ cả nhưng chính tâm trạng sợ chết làm cho người ta buồn rầu chán nản, làm cho người ta mất hết nghị lực và mất hết niềm tin trong cuộc sống, khiến người ta cảm thấy lo âu, bi quan, chán chường. Dẫu biết rằng chết là một điều chắc chắn, không ai tránh khỏi nhưng hầu hết mọi người đều sợ nói về cái chết.

Thứ nhất là người ta sợ khi chết đi rồi người ta sẽ mất tất cả nào là nhà cửa, là của cải; người ta sợ phải xa lìa những người thân, người yêu, xa lìa vợ chồng con cái. Thứ hai người ta sợ chết là vì người ta không biết điều gì sẽ xảy ra sau khi chết, người ta không biết sẽ đi đâu, về đâu sau khi chết. Tâm lý chung thường điều gì chúng ta không biết thì chúng ta cảm thấy lo lắng bất an, nhưng nếu chúng ta đã biết rõ rồi thì chúng ta cảm thấy an tâm. Thế nên, muốn có một cái chết an lành, muốn đối diện với cái chết với tâm bình thản, chúng ta cần phải biết rõ chết là gì.

Chết là nằm yên bất động, là không biết gì nữa hết. Nói như vậy cũng đúng nhưng chưa đủ. Vì sao? Vì nhưng người bị hôn mê bất tỉnh họ cũng nằm yên bất động, cũng không biết gì nhưng họ chưa chết; hay khi bị tiêm thuốc mê người ta cũng không biết gì nhưng không phải là chết.

Vậy chết là gì? Theo định nghĩa thông thường “Chết có nghĩa là người đó không còn giao tiếp với những người xung quanh bằng hình hài xương thịt này nữa, hay chết là chấm dứt sự tồn tại, chấm dứt sự hiện hữu trong xã hội, chấm dứt sự hiện hữu trong thế gian này”. Khoa học định nghĩa “Chết nghĩa là bộ não không còn hoạt động, là máu trong cơ thể không còn lưu chuyển, và tim hoàn toàn ngưng đập”. Đức Phật dạy: “Chết là sự biến mất, là sự hoại diệt của năm uẩn, sự hoại diệt của các căn, sự tan rã, sự chấm dứt mạng sống”.

Có rất nhiều nguyên nhân làm cho người ta phải chết như chết vì già, chết vì bịnh, chết vì tai nạn, chết vì uất ức, v.v. Theo lời dạy của Đức Phật trong Vi Diệu Pháp có 4 nguyên nhân chính làm cho người ta chết, đó là chết vì thọ mạng hết, chết vì nghiệp hết, chết vì nghiệp và thọ mạng đều hết, và chết bất đắc kỳ tử.

Chết do thọ mạng hết được Đức Phật ví dụ như cây đèn dầu cháy hết tim nên đèn phải tắt. Thọ mạng nghĩa là mạng sống của con người trên thế gian này. Thọ mạng của chư thiên là từ 9.000.000 năm tăng dần cho đến 84.000 a tăng kỳ kiếp, nhưng thọ mạng của con người thì không biết chắc là bao lâu.

Có những em bé mới sanh ra đã chết, có em 1 hay 2 tuổi đã chết, có người sống được 30, 50 hay 70 năm, nhưng cũng có người sống trên trăm tuổi. Thế nên, Đức Phật dạy thọ mạng của con người là không xác định, vì không xác định nên có người chết trẻ, có người chết lúc trung niên và cũng có người chết lúc tuổi già. Dù con người chết ở bất cứ lứa tuổi nào nhưng khi chết tức là thọ mạng đã chấm dứt; nói theo thế gian là người đó hết số nên chết.

Chết do nghiệp hết được Đức Phật ví dụ như cây đèn dầu tắt là do cháy hết dầu. Nghiệp tức là hành động có chủ ý hay tác ý. Khi chúng ta khởi lên ý muốn làm điều gì đó dù là thiện hay ác, dù là tốt hay xấu và chúng ta bắt tay vào làm việc đó như vậy gọi là nghiệp. Hành động thiện lành sẽ đưa đến kết quả tốt và hành động xấu ác sẽ đưa đến kết quả khổ đau.

Chính năng lực của nghiệp sẽ can thiệp vào việc sống hay chết của chúng ta. Tâm lý chung người ta thường mong muốn những điều vui, điều may mắn xảy đến với mình, mong mình được thành công, được thăng quan tiến chức. Chúng ta muốn cái tốt nhưng lại không chấp nhận cái xấu, không chấp nhận được những cái không may và chính cái tâm không chấp nhận này làm cho chúng ta phải khổ.

Chúng ta phải biết rằng cõi đời này là cõi tương đối không phải là tuyệt đối, thế nên có vui thì phải có buồn; có hạnh phúc tất phải có khổ đau; có thành công phải có thất bại; có sanh ắt có tử. Hiểu như vậy để chúng ta có thể chấp nhận những vui buồn xảy đến với mình.

Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn Đức Phật kể một câu chuyện nhằm khuyên chúng ta nên hiểu nguyên lý của cuộc sống, nên tập sống với tâm chấp nhận. Chuyện kể rằng trong gia đình nọ có hai chị em, người chị tên là Hắc Ám và người em tên là Công Đức Thiên. Hắc Ám có một vẻ mặt rất xấu xí, tánh tình lại thô lỗ, khi cô đến nơi nào thì một bầu không khí nặng nề, đen tối, và những chuyện xui xẻo sẽ xảy ra nơi đó, vì vậy nên không ai thích Hắc Ám cả.

Công Đức Thiên trái lại diện mạo dễ thương, tánh tình hiền lành, và mỗi khi Công Đức Thiên đến nơi nào thì nơi đó đều gặp may mắn, thế nên mọi người đều hoan hỷ mời đón cô. Nhưng hai chị em họ luôn đi chung với nhau, ở đâu có Công Đức Thiên thì ở đó có Hắc Ám.

Công Đức Thiên tượng trưng cho điều thiện, điều may mắn; Hắc Ám trái lại đại diện cho những điều xấu xa, đen tối. Đây là hai điều trái ngược nhau nhưng luôn đi đôi với nhau, nghĩa là ở đâu có vui thì ở đó có buồn, ở đâu có may mắn thì ở đó có bất hạnh, có thành công tất sẽ có thất bại. Đây là nguyên lý tất yếu trong thế gian đối đãi này.

Qua câu chuyện này Đức Phật dạy chúng ta phải biết chấp nhận. Chấp nhận để khi gặp may mắn chúng ta không quá hớn hở, không quá vui mừng; khi gặp chuyện buồn chúng ta không qua khổ đau, không quá thất vọng; khi thành công không tự mãn; khi thất bại không u sầu, ngã ngụy.

Chúng ta cần phải hiểu tất cả các pháp trên thế gian này đều ở mức độ tương đối mà thôi. Nếu hiểu được như vậy chúng ta có thể chấp nhận những việc xảy đến với mình, dù đó là vui hay buồn, dù là sự trùng phùng hay chia ly vĩnh viễn.

Chết do thọ mạng và nghiệp đều hết được Đức Phật ví dụ như cây đèn dầu tắt là do tim và dầu đều cháy hết. Nghiệp trợ duyên cho thọ mạng đến một lúc nào đó nghiệp và thọ mạng đều hết nên cái chết xảy ra.

Cuối cùng là chết bất đắc kỳ tử, như những người chết vì tai nạn, chết vì tai biến, chết do trúng gió, chết vì bị ám sát, v.v. Trường hợp này được Đức Phật ví dụ như cây đèn dầu tắt là do gió thổi hay do ai đó thổi tắt hoặc đèn ngã nên tắt. Hầu hết những người chết trong những trường hợp này rất khó siêu thoát, vì họ chết trong tâm trạng hoang mang, hoảng hốt, lo lắng hoặc sân hận.

Cuối cùng chỉ là một quan tài và một ngôi tháp

Đức Phật dạy muốn có một cái chết bình an chúng ta phải thường xuyên niệm tưởng về cái chết. Suy niệm về cái chết không phải là hành động bi quan yếm thế. Nếu ai nghĩ về cái chết rồi buồn rầu không muốn làm gì hết, lúc nào cũng lo chết, cũng sợ chết, đó mới là bi quan.

Nhưng nếu nghĩ đến cái chết để chúng ta nổ lực tinh tấn hơn, như vậy suy niệm về cái chết là một hành động lạc quan. Trong Kinh Tăng Chi, Đức Phật dạy đệ tử Phật có hai việc cần phải làm mỗi ngày: thứ nhất mỗi sáng sớm thức dậy chúng ta nên nghĩ rằng từ sáng cho đến tối có rất nhiều nguyên nhân làm cho chúng ta phải chết như đi lỡ té trúng chỗ nhiệt cũng có thể chết, xe tông cũng chết, ăn trúng thực cũng có thể chết, cây rớt trúng cũng chết, v.v.; thứ hai mỗi tối lên giường trước khi ngủ chúng ta cũng nên suy niệm từ tối cho đến sáng có rất nhiều nguyên nhân làm cho chúng ta phải chết, lỡ trúng gió cũng chết, lạnh quá cũng chết, huyết áp lên cao cũng chết, v.v.

Chính nhờ sự suy niệm này giúp chúng ta hiểu được sự mong manh của kiếp sống con người, giúp chúng ta tinh tấn tu học và không sợ hãi khi nói về cái chết, giúp chúng ta có thể đối diện cái chết một cách an lạc.

Hòa thượng Thích Nhất Hạnh dạy: “Nếu ai không biết chết thế nào sẽ không biết sống ra sao?” Bởi vì nếu ai không biết rằng cuộc sống này rất mong manh, ngắn ngủi, họ cứ lo ăn chơi, lo hưởng thụ, mãi lo cho bản thân, mãi nuôi lớn bản ngã của mình mà không bao giờ biết nghĩ đến người khác, không bao giờ biết lo cho người khác, không bao giờ biết nghĩ rằng rồi sẽ có một ngày mình sẽ từ bỏ tất cả để ra đi, không bao giờ biết làm một việc thiện lành nào.

Chính vì không hiểu, không biết rõ về cái chết nên người đó đã sống một đời sống vô nghĩa, không có lợi cho tự thân và cũng không có ích cho tha nhân. Thế nên Hoà thượng mới dạy “nếu ai không biết chết thế nào sẽ không biết sống ra sao”.

Trái lại nếu ai biết rằng cái chết là một điều chắc chắn, đời sống này rất ngắn ngủi mong manh, biết như vậy nên người ấy cố gắng tu tập, cố gắng làm các việc thiện lành có ích cho mình, có lợi cho người, người ấy sống một đời sống thánh thiện, đạo đức. Do vậy nên Đức Phật khẳng định suy niệm về cái chết không phải là một điều bi quan, trái lại rất lạc quan, giúp người con Phật sống một đời sống có ý nghĩa, một đời sống thánh thiện lợi mình, lợi người.

 “Muôn pháp không thường còn, người sanh ắt có diệt”, chết là một điều chắc chắn sẽ xảy đến với tất cả mọi người, không ai có thể tránh được cái chết. Để một ngày nào đó chúng ta có thể đối diện với cái chết một cách bình an, tự tại thì ngay cuộc sống hiện tại chúng ta phải cố gắng nổ lực tu học, cố gắng làm các việc thiện lành, và điều quan trọng nhất là tự thân mỗi người phải thường xuyên niệm tưởng về cái chết, phải sống với tâm có chánh niệm trong từng lời nói và việc làm.

Cuộc sống này dẫy đầy những điều bất như ý, là người con Phật chúng ta phải biết sống với cái tâm xả bỏ, tâm hoan hỷ và tâm biết chấp nhận. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể có được cuộc sống an lành giữa dòng đời đầy bất an và đau khổ này.

Previous Post
Next Post