Chó ngựa và lịch sử

Người phương Tây coi cầm thú như bầu bạn, người phương Đông coi súc vật như hiện thân số phận của mình. Chó và ngựa là hai đại biểu của loài cầm thú tham gia nhiều nhất vào chiến trận như những đồng đội thủy chung trong những chặng đường lịch sử gian nan. Nhưng loài chó thiệt thòi hơn loài ngựa. Loài chó ở đâu cũng trung thành, tận tụy, nặng tình với chủ, nhưng phận chó ở mỗi phương trời xem ra nhiều khi khác nhau một trời một vực, phụ thuộc vào văn hoá của chủ nhân…

Cầm thú - bầu bạn, nô lệ hay thực phẩm?

Thú vật thường được người phương Tây coi như bạn, họ đối xử với chúng nâng niu âu yếm như với con người vậy. Các bà các cô người phương Tây hôn hít chó mèo như hôn người yêu. Một con mèo, một con chó, một con chim bị chết, cả gia đình có thể khóc và bỏ ăn cả mấy ngày liền. Ở Mỹ, khi chó mèo hay chim cảnh bị thương người ta gọi điện cho cảnh sát hay các Hội bảo vệ súc vật, chỉ mấy phút sau xe cứu thương đã hú còi vang phố lao nhanh đến đưa con thú vào bệnh viện. Khi chó mèo chim cảnh bị chết, mọi người đều coi đó là cái tang của gia đình. Cái tình quyến luyến với thú vật của người phương Tây thật là cảm động. Trên báo ta từng đăng tải một bài kể chuyện con thiên nga trong vườn thú lạc chuồng đi lang thang ngoài phố làm bao nhiêu cảnh sát vất vả, bao nhiêu ô tô ùn tắc chỉ để bảo vệ con thiên nga đó được nguyên vẹn, đưa nó về chuồng.

Một sinh viên ngoại quốc đang gặp khó khăn trên đất Italia, bỗng một đêm lạnh giá, anh ta bắt gặp một con chó lạc lang thanh ngoài đường có nguy cơ chết rét. Với tình yêu súc vật, anh ta đã mang về nhà chăm sóc. Không ngờ, chủ nhân của con chó lại là một nhân vật có vai vế lớn bậc nhất trong xã hội. Cảm động vì tình thương của anh sinh viên giành cho con chó yêu quý của mình, ông đã nhận anh ta làm con nuôi.Và anh ta đổi đời từ đó, trở thành một thương gia thành đạt ở xứ người.

Người phương Đông chúng ta từ ngàn năm sống trong cái triết lý hoà đồng, coi thiên nhiên như ngôi nhà lớn, như thân thể bên ngoài của con người, vậy mà nhìn chung muông thú bị đối xử như thứ nô lệ hạng bét. Người ta săn thú rừng nấu cao, nuôi súc vật trong nhà làm thức ăn và làm lính gác. Hoa lá chim muông cầm thú chỉ được tôn vinh thăng hoa trong hoạ, trong thơ thôi. Nhưng, các nhà thơ dù viết những dòng ngợi ca muông thú hay đến đâu, khi có khách đến nhà cũng sẵn sàng giết gà, thịt chó một cách hồn nhiên:

"Ao sâu nước cả khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà"

Cái vườn, cái ao thơ mộng là thế trong thơ ca các thi sĩ nhà ta, ấy thế mà trong đời thực, đó chỉ là cái chạn đựng thức ăn đãi khách. Chao ôi, là cái phận cầm thú ở phương Đông, đã lên cái ngôi vua trong thi ca như con hạc trong bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu đời Đường, nhưng vẫn là cái thân phận thực phẩm trong đời thực mà người ta dùng để dâng vua, đãi khách.

Người Việt chúng ta hay lấy con vật làm mô hình, làm một thứ xướng ngôn viên của con người. Bao nhiêu câu thành ngữ, tục ngữ ca dao nói về những trớ trêu, bất hạnh, tai ương của kiếp người đều lôi cầm thú ra mà trình diễn: "Cốc mò cò xơi", "Chó treo mèo đậy", "Cóc kiện củ khoai", "Con giun xéo lắm phải quằn", “Có kêu dưới bụi tre ngâm, cóc kêu mặc cóc tre dầm mặc tre", "Con gà cục tác lá chanh...". Nếu ở trong thơ ca bác học cầm thú được lên ngôi trong bao nhiêu bài thơ tài hoa thi vị, thì ở trong văn học dân gian cầm thú lại nhọc nhằn, oan uổng và thấp kém trong bao nhiêu tục ngữ ca dao.

Đạo diễn người Pháp Rosif coi thú vật là những bầu bạn mộng mơ của con người. Còn người dân Việt Nam lại gửi gắm tâm sự về lẽ sống, thói đời vào thú vật, coi chúng như bầu bạn về số phận. Không biết bầu bạn mộng mơ và bầu bạn thân phận, thứ bầu bạn nào đáng giá hơn đây?

Chữ tình trong loài chó

Trong cuốn "Đắc nhân tâm”của Dale Carnegie tác giả đã lấy con chó làm một thứ "mẫu mực”của sự thiện chí, vô tư. Con chó thấy ta vẫy đuôi mừng, nó tỏ tình cảm với ta một cách hồn nhiên không vụ lợi nên nó đã được nhân lại sự trìu mến của ta như một sự đền đáp tự nhiên không tính toán. Nếu trong cuộc sống ta cũng yêu mến người khác một cách hồn nhiên như vậy thì người khác cũng tự nhiên yêu mến quý trọng ta. Tác giả cho rằng bí quyết "Đắc nhân tâm”thực chất chỉ giản dị là đáp ứng sự khát khao được yêu mến và tôn trọng của những người mà ta tiếp xúc hay chung sống.

Ý tưởng ấy kể cũng đã là sâu sắc. Nhưng có học giả lại tỏ ý chê bai con chó là xun xoe nịnh bợ, không có tính độc lập như mèo. Con mèo không vồn vã như con chó, nó giữ khoảng cách với con người có vẻ lịch sự hơn, kiêu hãnh hơn. Nhiều khi nó nằm lặng lẽ trong bóng tối, trầm tư và bí ẩn, nhưng mắt nó sáng long lanh trong đêm và khi phát hiện thấy kẻ thù, nó lao nhanh như chớp chiến đấu thầm lặng và quyết liệt để làm tròn bổn phận do Thượng đế và chủ nhân giao phó mà không kêu ầm lên đánh thức con người như loài chó. Con mèo có vẻ lý trí hơn, đơn độc hơn con chó, nhưng nó cũng tình cảm và thơ mộng lắm. Cái cách mèo nằm khoanh tròn trên sân phơi nắng và lân la trên giường tìm hơi ấm có vẻ nhiều chất thơ hơn chú chó nằm khoanh ngủ dưới gậm giường.

Không biết có phải do khác nhau về đẳng cấp, văn hoá và cá tính nên chó với mèo hay hục hặc với nhau không? Nghệ thuật dân gian của người Việt nhắc tới con mèo nhiều hơn nhưng luôn coi mèo như nhân vật phản diện, đại diện cho kẻ quyền thế. Mèo ta lúc thì ngồi chễm chệ trong tranh Đám cưới chuột để nhận hối lộ, lúc thì leo lên tận ngọn cau để "hỏi thăm chú chuột đi đâu".

Con chó vừa được yêu hơn vừa bị khinh rẻ hơn vì nó mang "chữ tình”một cách lộ liễu công khai, nó là hình ảnh thu nhỏ của thân phận tôi tớ, nghèo hèn, trung thành tuyệt đối với chủ nhân. Chó còn có tình với đồng loại: chó không ăn thịt chó và không cắn người nuôi chó, yêu mến chó. Một sinh viên kể rằng ở cổng trường Đại học của cô có một bầy chó dữ, gặp ai cũng sủa dữ rất đáng sợ, nhưng gặp cô chúng luôn vẫy đuôi mừng. Thì ra, ở nhà cô luôn ôm ấp vuốt ve một chú chó Nhật nên bầy chó nhận ra mùi đồng loại. Có lẻ khứu giác của bầy chó kia không nhạy bén với "tính dân tộc” cũng không nhạy bén với "tính giai cấp” nên dù chú chó được cô bé vuốt ve là chó Nhật ngoại nhập lại thuộc đẳng cấp quý tộc được cưng chiều, mùi của nó quyện trên thân thể cô bé vẫn làm xúc động bầy chó hạ lưu.

Thân phận chó ta

Trong các gia súc thì chó và ngựa là loại có tình hơn cả. người xưa nói "Khuyển mã chi tình". Cái tình của chó, ngựa không chỉ là cái tình gia đình nơi xó bếp, mâm cơm như những loài mèo, gà, bò, lợn, mà còn là tình chiến hữu xông pha chia lửa nơi trận mạc. Loài ngựa có thâm niên gắn bó với lịch sử nhân loại hơn chó. Ngựa Đông ngựa Tây đều tham gia chiến trận, nhưng chỉ có chó Tây tham gia các hoạt động quân sự, an ninh. Có nhiều loài ngựa chiến được phong các danh hiệu cao quý nhưng chỉ có chó Tây biết đánh hơi và canh gác mới được phong tước phong hàm. Chó ta cũng biết đánh hơi và canh cửa nhưng chưa con nào được phong hàm, dù chỉ cấp hạ sĩ.

Xem ra, cùng mang tư cách chó, nhưng chó Tây đã vượt khỏi ngưỡng cửa một thành viên gia đình để tham dự vào lịch sử, còn chó ta chỉ luẩn quẩn ở xó nhà để vẫy đuôi mừng người quen và sủa nhặng lên xua đuổi người lạ. Với loài chó, người lạ chính là một kẻ gian. Ngay trong gia đình, chó Tây, chó Nhật cũng được coi trọng hơn chó ta. Chó Tây, chó Nhật được tắm rửa, cho ăn ngon, được ôm ấp vuốt ve, được người dắt đi vệ sinh, còn chó ta thì chui lủi gầm giường, ăn xương xẩu, ăn phân. Chó Tây chó Nhật được chủ coi như bạn, như con, còn chó ta, chó Tàu thì chưa bao giờ vượt ra khỏi vị trí một tên nô lệ hạng bét. Người ta khinh rẻ nó, đến mức gọi những người xấu, những kẻ thù là "đồ chó má". Lỗ Tấn, khi nói về những cuộc tranh luận trên báo cũng đã gọi những người bảo thủ là "bầy chó giữ nhà cho phe Tưởng". Tệ hơn nữa, chó ta còn bị coi là món đặc sản dân tộc luôn hấp dẫn cánh đàn ông.

Bảo vệ chủ, nịnh chủ trung thành với chủ là bản chất của loài chó. ấy vậy mà có những ông chủ lại đòi chó có tư thế ngang tàng, độc lập. Anh bạn tôi có con chó yêu, một lần có việc phải đi vắng lâu ngày, khi trở về nhà đã kinh ngạc thấy con chó của mình chắp tay vái lia lịa. Thì ra một người bạn ở cùng nhà đã huấn luyện chú chó kia thành chó biết làm xiếc. Người bạn tưởng rằng như thế là nâng cấp tri thức cho chú chó, không ngờ lại làm chủ nó thất vọng với hành vi lạy lục của nó, cho rằng như thế là nó đã bị mất đi cái ... tư cách ngày xưa. Dĩ nhiên là anh ta phải làm thịt chó.

Cho hay, đã là phận chó phụng sự những ông chủ hẹp hòi khó tính thì nâng cao kỹ nghệ và tri thức có khi rước hoạ vào thân./.

Previous Post
Next Post