“Giải mã” những hành vi khó hiểu nhất của con người

Là sinh vật thông minh nhất hành tinh, nhưng tự cổ chí kim con người luôn bị ràng buộc với những hành vi khó hiểu thậm chí tiêu cực với đồng loại và cả với chính bản thân mình. Ngày nay khoa học đã bắt đầu cung cấp nhiều bằng chứng khoa học để cố tìm hiểu và giải thích tại sao chúng ta lại có những hành vi này. Dưới đay là một số hành vi như vậy.

1- Ngồi lê đôi mách

Phần lớn con người rất thích “buôn” chuyện với người khác. Khi gặp nhau, chúng ta có thể nói hàng giờ về chuyện của bản thân, rồi bắt qua những chuyện phiếm hay chuyện về một kẻ thứ ba nào đó... Ngồi lê đôi mách dường như đã trở thành... một phần của bản chất con người?

Theo một nghiên cứu năm 2006, nhà nghiên cứu động vật linh trưởng Robin Dunbar của Đại học Oxford (Anh) cho rằng đây chính là hành vi đã được chọn lọc qua một quá trình tiến hóa lâu dài như một cách để kết nối cộng đồng. Theo ông, nhiều loài linh trưởng như khỉ đầu chó có thói quen chải chuốt cho nhau nhằm giữ mối quan hệ tốt đẹp trong đàn.

Với con người, thay vì chải chuốt chúng ta lại dùng ngôn ngữ để trò chuyện với nhau và phán xét người khác cho dù có thể gây tổn thương cho họ. Tuy nhiên hành vi này không phải lúc nào cũng xấu, đó là cách để chia sẻ thông tin, tạo thành một chất keo trong xã hội và nâng cao lòng tự trọng của con người. Mục đích chính không phải là gieo rắc những tin đồn mà là giữ cho cuộc tụ họp của những nhóm người không bị gián đoạn. Đồng thời việc chia sẻ những điều không thích về người khác có thể mang chúng ta đến gần nhau hơn.

2- Đánh bạc

Hầu như ai cũng đã từng đánh bạc ít nhất một lần trong đời. Một nghiên cứu của Đại học Cambridge (Anh) đăng trên tạp chí Neuron năm 2009 cho rằng chiến thắng hoặc suýt thắng trong những trò đỏ đen sẽ kích hoạt vùng não liên quan đến chiến thắng và thúc đẩy ham muốn đánh bạc tiếp. Nhiều nghiên cứu khác cho thấy rằng việc thua cuộc khiến những con bạc càng bị lôi cuốn thêm. Một nghiên cứu của Đại học California (Mỹ) đăng trên tạp chí Marketing Research năm 2009 cũng cho rằng cảm xúc có thể lôi kéo mạnh mẽ để biến đổi hành vi đánh bạc của con người. Có những người khi chưa bị thua dường như rất sáng suốt, tỉnh táo nhưng khi thực sự thua cuộc, phải nếm trải “tâm lý thất bại” thì lý trí dường như không còn, họ phản ứng rất mạnh mẽ. Và mỗi khi thắng cuộc, ký ức này sẽ xóa sạch ký ức về những thua cuộc trước đó.

Vào tháng 2.2010, một nghiên cứu của London College (Anh) cũng vừa tìm ra một vùng não quan trọng gọi là hạch hạnh nhân có ảnh hưởng lớn đến khuynh hướng mạo hiểm trong tiền bạc của con người. Đây là vùng não nằm ở tâm não với hai bó cơ hình quả hạnh có tác động mạnh mẽ đến cảm giác, xúc giác và kiểm soát cả sự sợ hãi cố hữu về mất mát tiền bạc của con người. Nó đã tiến hóa từ thời sơ khai khi con người sợ mất thức ăn hay những vật sở hữu có giá trị. Khi nó hoạt động bình thường, chúng ta thường “ngại” mạo hiểm với tiền bạc. Ngược lại, khi vùng não này bị tổn thương, chúng ta thường sẵn lòng mạo hiểm trong những trò đỏ đen, cá cược may rủi hơn những người khác.

3- Làm đẹp bằng mọi cách

Làm nổi bật cơ thể luôn là một phần của văn hóa trong mọi thời đại. Từ xa xưa, con người đã biết những cách làm đẹp gây đau đớn như kéo dài cổ, kéo căng tai, môi, sơn vẽ cơ thể hay đeo vào vô số những món nữ trang... Những cách làm đẹp này thường gắn liền với việc làm dấu một vùng đất phục vụ cho các đức tin về tôn giáo tín ngưỡng hay thể hiện sức mạnh địa vị trong cộng đồng.

Ngày nay, khi xã hội phát triển hiện đại, con người càng ra sức làm nổi bật cơ thể bằng nhiều cách khác nhau. Từ dùng mỹ phẩm giải phẫu thẩm mỹ cho đến những biện pháp đau đớn như xăm mình, bơm nhiều thứ hóa chất vào các bộ phận cơ thể, thậm chí phẫu thuật tạo hình dáng mới... bất chấp nguy cơ bệnh tật và tử vong. Trong một nghiên cứu năm 2008, nhà tâm lý học Diana Zuckerman, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu quốc gia về Phụ nữ và Gia đình (National Research Center for Women & Families) của Mỹ cho rằng ở mọi thời đại sự cám dỗ của cái đẹp luôn là động cơ thôi thúc con người lao vào làm đẹp.

Trong xã hội ngày nay, khi mà con người chịu quá nhiều ảnh hưởng từ truyền thông với biết bao ngôi sao xinh đẹp cùng những quảng cáo, tiếp thị hào nhoáng thì việc chạy theo xu hướng thời trang là nhằm để hòa hợp với những người xung quanh. Khi có cảm giác mình đẹp, con người sẽ cảm thấy thoải mái và hạnh phúc hơn. Đồng thời, trong một xã hội mà mọi người luôn chú tâm đến vẻ ngoài của người khác thì việc những người có ngoại hình đẹp hơn sẽ dễ thích nghi và tạo ấn tượng tốt hơn trong mắt người khác.

4- Bắt nạt

Một nghiên cứu của Đại học Firenze (Ý) năm 2009 đã khảo sát tình trạng bắt nạt trên 195 trẻ em châu Âu từ 10 - 12 tuổi có một anh chị em hơn kém không quá 4 tuổi. Kết quả cho thấy: hơn một nửa trong số chúng đã từng bị bắt nạt hoặc đi bắt nạt người khác. Những trẻ thường bắt nạt anh em mình ở nhà gần như cũng hay bắt nạt bạn bè ở trường học và những trẻ thường bị bắt nạt ở nhà cũng thường bị bắt nạt ở trường. Trong đó, những trẻ có anh trai lớn là nhóm bị bắt nạt nhiều nhất.

Theo các nhà tâm lý học, nếu việc bắt nạt anh chị em ở nhà không bị ngăn cản, chúng có thể đem hành vi đó vào trường học. Bắt nạt không chỉ là trò trẻ con mà còn là một hành vi phổ biến ở người lớn. Một nghiên cứu của Đại học New Mexico (Mỹ) xuất bản trong tạp chí Management Studies năm 2007 cho thấy rằng gần 30% công chức Mỹ cũng phải chịu sự bắt nạt từ ông chủ hay đồng nghiệp. Điều này biểu hiện từ việc giấu giếm thông tin, bình phẩm về công việc đến lăng mạ, gây gổ, đồn đại những điều không hay cùng nhiều cách làm nhục có chủ ý khác. Trong môi trường tranh đua, hành vi này có thể gây ra những tổn thương tâm lý sâu sắc dẫn đến stress, làm gia tăng bệnh tim mạch và thậm chí khiến người khác phải tự tử.

Theo các nhà tâm lý học, hành vi bắt nạt của con người thường xảy ra ở phái nam đã được tiến hóa từ thời xa xưa nhằm đạt được địa vị và sức mạnh trong tập thể. Sự bắt nạt có tính chất leo thang, thường xuất phát từ những biểu hiện rất nhỏ nên thật khó ngăn chặn.

5- Nói dối

Nói dối có lẽ là một trong những hành vi phổ biến nhất ở con người. Theo một nghiên cứu của Đại học Massachusetts (Mỹ) đăng trên tạp chí Basic and Applied Psychology thì có đến 60% người nói dối ít nhất một lần trong một cuộc hội thoại kéo dài 10 phút và nói trung bình 2,92 từ không chính xác. Năm 2009, bằng một kỹ thuật phân tích lời nói tân tiến của Đại học Southampton (Anh) việc nói dối cũng làm người ta mất nhiều thời gian (hơn 30%) so với nói thật vì người nói dối thường phải quanh co, dông dài. Nói dối quá mức đôi khi trở thành khoác lác làm tổn thương đến người khác, gặm mòn sự tin tưởng và thân thiết vốn là chất keo gắn kết xã hội. Tuy nhiên không phải mọi lời nói dối đều có hại. Thỉnh thoảng nói dối lại là biện pháp tế nhị để bảo vệ sự riêng tư khỏi những câu hỏi ác ý.

Con người thường nói dối khi cảm thấy lòng tự trọng bị đe dọa để bảo vệ giá trị bản thân, nhưng nhiều lúc chỉ đơn giản vì chúng ta muốn làm các tình huống xã hội trở nên trôi chảy hơn và để khỏi làm mất mặt người khác qua những bất đồng khi giao tiếp. Cũng theo các nhà tâm lý, đàn ông nói dối không nhiều bằng phụ nữ nhưng họ có khuynh hướng nói dối để làm bản thân “có uy” hơn trong khi phụ nữ gần như nói dối để làm người khác cảm thấy dễ chịu hơn. Những người hướng ngoại cũng thường nói dối nhiều hơn người hướng nội.

6- Gian lận

Trong cuộc sống, đôi khi ranh giới giữa đúng và sai rất mờ nhạt và chúng ta cũng làm những trò không đàng hoàng để đạt được mục đích. Một nghiên cứu năm 2007 của Đại học Washington (Mỹ) đã khảo sát trên 230 sinh viên đại học có tuổi trung bình là 21 để đo lường mức độ gian lận trong học đường của họ. Kết quả là trong số đó có 90% sinh viên đã vi phạm một trong 13 hành vi gian lận thường thấy ở trường học như copy bài của bạn bè, nhận điểm tốt từ công sức người khác... Thậm chí gần 42% người cho biết đã từng cóp chép bài người khác suốt một buổi kiểm tra. Những người ít gian lận thường là người trung thành với những quy tắc chuẩn mực cao. Nhiều người khác lại cho rằng gian lận có thể bào chữa được trong những trường hợp chính đáng.

Trên tạp chí Applied Psychology năm 2007, nhà tâm lý học tiến hóa Daniel Kruger tại Đại học Michigan (Mỹ) cho rằng hành vi gian lận là cách để tiến lên trong môi trường cạnh tranh khốc liệt nơi có những phần thưởng hấp dẫn dành cho người chiến thắng và vượt qua những người khác. Điều này đã làm tăng ham muốn trong xã hội để trở thành người giỏi nhất. Do đó, con người sẵn sàng làm cả những việc xấu như xé những trang quan trọng trong sách của thư viện để bạn bè mình không biết được thông tin. Ông cũng cho rằng, nhiều người nghĩ việc gian lận có thể tiết kiệm nhiều thời gian, công sức cũng như lợi dụng được kiến thức của những người giỏi hơn. Tuy nhiên hành vi này không bao giờ tạo được thiện cảm cho người khác khi bị phát hiện.

7- Ăn cắp

Không chỉ con người mới có hành vi ăn cắp. Trong tự nhiên, nhiều sinh vật cũng biết dùng những mưu mẹo để ăn cắp vật sở hữu của đồng loại như loài khỉ Capuchin đã biết tạo những tiếng báo động giả để đánh lừa đồng bọn nhằm ăn cắp thức ăn bị bỏ lại khi những con khác chạy trốn. Ở con người lại xuất hiện một hành vi ăn cắp vặt (kleptomaniac) tức là việc không cưỡng lại được hành vi ăn cắp không xuất phát từ nhu cầu thiếu thốn thực sự. Thậm chí những người mắc tật này ăn cắp cả những vật dụng không cần thiết và hoàn toàn có thể mua được.

Theo một nghiên cứu năm 2009 của Đại học Y Minnesota (Mỹ) trên 43.000 người đã nhận thấy có 11% trong đó thừa nhận đã trộm đồ ở cửa hàng ít nhất một lần. Hành vi này dường như là một chứng nghiện dẫn đến sự thôi thúc, bốc đồng và ham muốn ăn cắp không kiểm soát được. Hiện tại các nhà khoa học cũng tìm ra một loại thuốc có tên là Naltrexone có thể giúp kiềm chế tác động của những ham muốn ăn cắp vặt và bước đầu đã thu được kết quả khả quan, phần nào kiềm chế được các triệu chứng của hành vi này.

8- Thích bạo lực

Xuyên suốt quá trình phát triển của loài người, không thời kỳ nào không xuất hiện bạo lực. Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Psychopharmacology năm 2008, sự hung hăng xuất hiện hầu như ở mọi loài có xương sống và điều này là cần thiết để giữ được những thứ quan trọng như bạn tình, lãnh thổ và thức ăn. Ở con người, hành vi bạo lực đã xuất hiện từ thời sơ khai để tăng khả năng sinh tồn hay sinh sản của mỗi cá nhân. Con người cần bạo lực như nhu cầu thức ăn nước uống hay tình dục và điều này phụ thuộc vào từng môi trường, xã hội, và những hoàn cảnh lịch sử của loài. Vùng não liên quan đến việc ham thích bạo lực trong não người cũng liên quan đến cảm giác được tưởng thưởng.

Con người lại là một sinh vật duy nhất có những mối quan hệ xã hội phức tạp làm tăng nguy cơ bạo lực. Nam giới cũng thường có xu hướng thích bạo lực hơn nữ giới. Trong một hội thảo có tên “Sự tiến hóa về bạo lực ở người: Bài học cho những xung đột ngày nay” vào tháng 2.2009 tại Đại học Utah (Mỹ), các diễn giả đã cho thấy nhiều bằng chứng về việc tổ tiên của chúng ta thích hòa bình hơn con người hiện tại. Khi xã hội loài người càng phát triển, đi cùng với điều đó là nhiều loại vũ khí được sáng chế để săn thú vật, và rồi dùng để bảo vệ lãnh thổ, giết hại lẫn nhau gây ra nhiều cuộc 1618 Triều Thành * 248 chiến tranh và diệt chủng tàn khốc.

Ngày nay, thay vì cạnh tranh về thức ăn, con người lại cạnh tranh về các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, tình trạng bạo lực lan tràn lại càng trở nên khó kiểm soát hơn ở những nơi mà các nguồn sống thiết yếu như thực phẩm, nước sạch khan hiếm do nghèo đói, nạn biến đổi khí hậu, tình trạng môi trường và bất ổn xã hội.

9- Trung thành với những thói quen xấu

Con người là một sinh vật của thói quen. Mỗi năm, có hàng triệu người chết vì nhưng bệnh tật sinh ra từ việc sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, ma túy cũng như vì thói quen ăn uống không điều độ và lười vận động... Những nghiên cứu thực tế cho thấy thậm chí ngay cả khi biết được nhưng nguy hiểm của thói quen xấu đó, họ cũng rất khó bỏ. Trong một nghiên cứu năm 2008, nhà khoa học Cindy Jardine của Đại học Alberta (Canada) nhận xét rằng con người luôn có khuynh hướng sắp xếp cuộc sống ở hiện tại và tương lai gần chứ không phải là một thời hạn dài. Bà cũng chia ra một số nguyên nhân chính khiến con người luôn trung thành với những thói quen xấu, đó là:

- Do sự phản kháng bẩm sinh, con người thích làm ngược lại những gì người khác khuyên bảo.
- Do cần sự thừa nhận của xã hội, cho rằng: “Mọi người đều làm thế!”
- Không hiểu thấu đáo bản chất của sự nguy hiểm từ các thói quen xấu.
- Tính chủ quan.
- Do yếu tố nghiện vì di truyền.

Đồng thời, con người thường có thói quen bào chữa và viện dẫn những trường hợp ngoại lệ ra để biện minh cho những thói quen xấu của mình.

Nguồn: trieuthanhweeklymagazine.com
Previous Post
Next Post