Con người hiện đại và câu trả lời của Phật giáo

1. Con người hiện đại không hiểu mình

Thời đại hiện nay được đánh dấu bởi những thành tựu lớn lao trước sự thành tựu khoa học kỹ thuật, đưa con người lên tận mặt trăng và những hành tinh khác, tới vũ trụ xa xôi, cũng như đưa con người vào thế giới nhỏ nhiệm nhất của hạt nhân nguyên tử. Thế nhưng, mâu thuẫn thay! Con người lại không hiểu được chính con người là gì?. Từ đâu mà nó đến thế gian này, và nó chết đi là hết tất cả hay là còn đi đâu? Mục đích và ý nghĩa nhân sanh là gì? v.v... Đó là những câu hỏi muôn thuở, đặt ra cho con người từ khi có con người trên Trái đất này, thế nhưng đến nay, vào thế kỷ 21 này, những câu hỏi đó vẫn mang tính thời sự nóng hổi hơn bao giờ hết.

Xem ra, vấn đề tự hiểu chính mình là một vấn đề nan giải của con người từ xưa đến nay. Mỗi khi con người đã tự mình không hiểu được mình, thì cũng không làm chủ được mình. Nhất là trong một xã hội hiện đại, nếu sức mạnh của khoa học kỹ thuật mà được đặt vào tay con người không hiểu biết, thì nó trở thành một sức mạnh phá hoại ghê gớm, hủy diệt mọi sự sống trên hành tinh. Nhà bác học Einstein đã cảnh cáo rằng khoa học kỹ thuật là cái búa, mà nhân loại như một kẻ điên rồ. Cái búa đặt vào tay một thằng điên, đó là tấn bi kịch và thảm kịch của nhân loại hiện nay. Do đó, con người của thế kỷ 21, lắm khi phải sống trong mối đe dọa hằng giờ hằng phút của chiến tranh hạt nhân, có thể trong khoảnh khắc quét sạch mọi dấu vết của sự sống trên Trái Đất.

Mặt khác, ngay ở nhưng nước phương Tây có trình độ phát triển cao, sản xuất vật chất cao độ, con người không lo nghèo đói, thiếu thốn, sống giữa của cải vật chất dư thừa, thế nhưng vẫn sống không hạnh phúc. Chứng tỏ, ở những nước này, vẫn có những vấn đề mà con người cần giải quyết như hội chứng bệnh nhân tâm thần và tự tử cao hơn so với các nước khác, có một trình độ phát triển sản xuất của cải vật chất kém hơn. Vì sao vậy? Chỉ có thể kết luận là của cải vật chất không phải là tất cả. Người ta không phải chỉ sống bằng bánh mỳ, hạnh phúc chân chính không phải ở đấy. Con người vì không hiểu mình, những nhu cầu đích thực của mình, cho nên chạy theo của cải vật chất, chạy theo năm món dục lạc không biết chán: tài (của cải), sắc, danh, thực (ăn), thụy (ngủ).

Sống ở những năm thế kỷ 21, con người có thể chăng tự hào về mình và về những gì mình đã sáng tạo ra trên Trái đất này? Thật là khó nói!

Hình như con người hiện đại hôm nay sống mà không hiểu ý nghĩa, giá trị đích thực của sự sống. Con người sống mà không hiểu bản thân mình, không hiểu con người từ đâu đến và rồi sẽ đi đâu? Cuộc sống vật chất thác loạn không để cho họ một giờ phút nào rảnh rỗi để suy nghĩ về chính mình và những vấn đề liên hệ đến con người và xã hội con người đang sống. Họ tin rằng có các nhà bác học suy nghĩ thay cho họ để giải quyết các vấn đề ấy cho họ. Hãy xem các nhà bác học phương Tây suy nghĩ gì về vấn đề này.

2. Khoa học phương Tây tìm hiểu về con người

Đối diện trước tình hình bế tắc và khủng hoảng của con người ở thế kỷ 21, đã có một sự nỗ lực lớn lao của nhiều ngành khoa học ở phương Tây để tìm hiểu con người. Nhân chủng học, tâm lý học, sinh học, sinh lý học, giáo dục học và sư phạm học, đạo đức học, y học, điều khiển học, thông tin học, không kể một số ngành khoa học mới xuất hiện như là giá trị học, di truyền học, toán kinh tế học v.v... Mỗi ngành khoa học như thế tìm hiểu một cạnh khía của con người như là đối tượng nghiên cứu đặc thù của nó.

Thí dụ, ngành tâm lý học chuyên nghiên cứu tâm lý con người, ngành y học chuyên nghiên cứu bệnh lý con người và những phương pháp chạy chữa bệnh, phòng ngừa bệnh. Mỗi ngành đều có phương pháp nghiên cứu riêng, thu thập tài liệu đặc thù. Kết quả là trong vòng mấy thập kỷ vừa qua đã thu thập được một khối lượng dữ kiện và tài liệu khổng lồ, nhiều khi mâu thuẫn đối chọi nhau, khiến không thể nào tổng hợp và phân tích được. Ngay cả ngành triết học cũng đành bó tay không thể làm nổi công việc tổng hợp và phân tích đó, để tối thiểu dựng lên được một bức tranh toàn cảnh về con người. Bởi vì, dù con người là cả một thế giới phức tạp, không thể nào một lúc nắm bắt được tất cả dữ kiện về nó, nhưng con người vẫn là một thể thống nhất, một cái toàn bộ.

Không thể nào vì đối tượng nghiên cứu là con người quá ư phức tạp, cho nên phải phân con người ra thành từng khúc, từng mảnh để nghiên cứu, sau đó hy vọng lắp ráp lại các bộ phận được nghiên cứu như thế để có một nhận định chính xác và toàn cảnh về con người. Đúng là toàn bộ được cấu thành bằng các bộ phận họp lại, nhưng giá trị của toàn bộ không phải là tổng giá trị của các bộ phận cộng lại.

Viện sĩ Liên Xô Pitotr Fedoseev, trong bài Con người trong thế giới hiện đại đã nhận định về sự lúng túng của các nhà khoa học, của các ngành chuyện biệt nghiên cứu về con người như sau: "Kết quả là tổng khối lượng tri thức khoa học về con người thực là lớn lao. Thế nhưng, cho đến nay, vẫn chưa có khả năng dựng lên một bức trang toàn bộ về hoạt động chủ yếu của con người trên cơ sở một khối lượng tri thức như thế. Chúng ta đang đối diện nguy cơ bị tràn ngập bởi số tư liệu tích lũy được, do kết quả nghiên cứu các vấn đề chuyên biệt! Vấn đề không phải là ở chỗ khối tư liệu của các ngành khoa học chuyên biệt ngày càng tăng nhiều, mà còn ở chỗ so sánh đối chiếu và khái quát hóa những tư liệu đó là điều khó khăn, bởi vì chúng có quan hệ tới các ngành khoa học khác nhau, sử dụng những khái niệm và phương pháp nghiên cứu khác nhau...”

Tất nhiên, Fedoseev, với tư cách là một triết gia, đặt nhiều hy vọng và triết học như là ngành khoa học có thể làm tốt chức năng tổng hợp mọi tri thức khoa học về con người. Thế nhưng, vấn đề này không phải đơn giản! Bởi lẽ, ngành triết học phải cung cấp một khái niệm triết học về con người, để hướng dẫn sự phát triển của các ngành khoa học chuyên biệt nghiên cứu con người, cung cấp một phương pháp luận nghiên cứu một cách khoa học và tổng hợp về con người, nghiên cứu hoạt động cụ thể và đa dạng của con người trong hệ thống các quan hệ xã hội, kinh tế, sản xuất, khoa học-kỹ thuật, và tổ chức quản lý. Đó là những công việc mà ngành triết học muốn làm nhưng chưa làm được một cách tốt đẹp. Chưa nói gì về sự phối hợp không phải suông sẽ, dễ dàng, giữa một bên là ngành triết học muốn giữ vai trò chỉ đạo nghiên cứu, và các ngành khoa học chuyên biệt, đôi khi không công nhận vai trò chỉ đạo đó của ngành triết học.

Chúng ta đều biết Mác đề xuất khái niệm triết học về con người như một động vật xã hội tích cực "Một tổng hòa các mối quan hệ xã hội” (Điểm 4 của Luận cương Fơ-bách), như là chủ thể của mọi hoạt động xã hội-thực tiễn và lịch sử. Và chỉ trong hoạt động sáng tạo đó, trong những hình thức cụ thể của hoạt động sáng tạo đó, con người mới tự thể hiện mình như là thể thống nhất hữu cơ của vật chất và tinh thần, của lý tưởng và thực tại, của đạo đức và tình cảm, ý chí v.v... Con người tạo ra những hình thái khách quan của sự tồn tại của bản thân nó, như kinh tế, nhà nước, khoa học, nghệ thuật và tôn giáo. Như thế nào là mối liên hệ giữa con người là chủ thể với những hình thái khách quan đó, chúng tồn tại như là những thực tại tương đối độc lập, đối với con người chủ thể đã tạo ra chúng. Triết học Mác-xít nỗ lực phân tích, lý giải mối liên hệ đó để tìm hiểu về con người.

Con người có thể được tìm hiểu qua nghiên cứu những sản phẩm cụ thể lịch sử đó của hoạt động sáng tạo của con người, tức là những hình thái xã hội và văn hóa.

Không thể triển khai công cuộc nghiên cứu về con người mà bỏ qua việc nghiên cứu những hình thái xã hội và văn hóa, thể hiện những khả năng sáng tạo của con người, thể hiện nhu cầu con người, đối với những điều kiện khách quan tối ưu cho sự tồn tại và phát triển toàn diện của nó. Trong những điều kiện đó, quan trọng nhất là điều kiện lao động, điều kiện cho một sự lao động thật sự tự do và giải phóng. Thực tế, trong suốt quá trình phát triển lịch sử, lao động không những tạo ra con người (biến đổi chân trước thành đôi bàn tay lao động), mà lao động vẫn còn là chỉ tiêu quan trọng của trình độ nhân bản hóa của xã hội và của bản thân con người. Muốn nói, một người sống mà không lao động, trừ những trường hợp ngoại lệ cá biệt, sẽ không phải là con người xứng đáng có nhân phẩm. Đối với xã hội cũng vậy. Một xã hội trong đó một số ít người sống bằng kết quả lao động của đại đa số người khác bị áp bức và bóc lột, không thể là một xã hội nhân bản.

Và đối với cả thế giới cũng vậy. Một thế giới trong đó, đại bộ phận nhân loại phải sống trong cảnh đói nghèo, lạc hậu, vì bị tước những điều kiện lao động tối thiểu do thiếu tài chánh và kỹ thuật, một thế giới như thế không thể gọi là một thế giới nhân bản.

Tất nhiên, khi nhấn mạnh bản chất xã hội của con người, chủ nghĩa Mác cũng không quên con người cá nhân cụ thể, với thế giới nội tâm của nó. Nhưng đối với chủ nghĩa Mác, con người cá nhân cụ thể đó, cũng chỉ là hình thái cá nhân của tồn tại và hoạt động xã hội mà thôi. Và khẳng định như vậy, mục đích của chủ nghĩa Mác là giải phóng mâu thuẫn giữa con người và xã hội, giữa con người cá thể và cộng đồng người trong xã hội. Mác viết: "Con người cá thể là một động vật xã hội. Cuộc sống của nó, dù cho không xuất hiện như là hình thức trực tiếp của một cuộc sống cộng đồng với những người khác cũng vẫn là sự thể hiện và khẳng định của cuộc sống xã hội.”

Chủ nghĩa Mác có những cống hiến nhất định đối với sự tìm hiểu con người, quan niệm con người là một "tổng hòa các mối quan hệ xã hội” thay vì là một cá nhân sống tách biệt lập và đối lập với xã hội. Đó quả là một bước tiến bộ so với chủ nghĩa cá nhân cực đoan.

Mặt khác, có ý kiến cho rằng, con người chỉ là một hạt cát trong vũ trụ bao la, nhưng là một hạt cát có trí tuệ. Hay là nói như Pascal, con người chỉ là một cành lau yếu ớt, nhưng là một cành lau có suy nghĩ (un roseau pensant!).

3. Câu trả lời của Phật giáo

Phật giáo nhìn nhận con người là tập hợp năm uẩn tạo thành mà hiện hữu ở đời. Do khát khao nắm giữ năm uẩn mà khổ đau (năm thủ uẩn). Để thoát khỏi xiềng xích giới hạn 2 đầu của sinh – diệt, khứ - lai, thường đoạn, nhất – nhị, con người phải thực thi quán chiếu về mình, tức là quán chiếu ngũ uẩn giai không.

Điểm đáng nói, triết lý Duyên khởi Phật giáo còn dạy, không ai có thể sống một mình, con người có vô số mối liên hệ chằng chịt giữa con người với con người; con người với thế giới hiện hữu. Chính đức Phật từng nói: "Ta tuyên bố rằng trong cái thân hơn một thước này, có cả thế giới và sự tận cùng của thế giới” (Kinh Rohatissa). Khi Phật nói như vậy, phải chăng Phật muốn bảo, nếu con người có thể hiểu được mình, thì cũng sẽ hiểu được thế giới. Bởi vì trong con người nhỏ bé này, có Phật tánh, tức là cái mầm giác ngộ vốn sáng suốt tròn đầy, chiếu khắp tận cùng thế giới; nhưng chỉ vì bị vô minh, phiền não che lấp, cho nên mới đời đời chịu cảnh sinh, già, bệnh, chết, trôi dạt trong biển cả luân hồi, hết chịu thân này đến mang thân khác.

Khi nói con người hiểu biết được mình, thì sẽ hiểu biết được thế giới, là nói về mặt trí tuệ. Còn khi nói, khi con người hoàn thiện được mình, khi tất cả mọi người đều nỗ lực tự hoàn thiện mình về mặt đạo đức thì chúng ta sẽ có một xã hội, một thế giới hoàn thiện và có đạo đức.

Tất nhiên giữa sự hoàn thiện của đạo đức cá nhân, và sự hoàn thiện của xã hội về mặt đạo đức, có mối liên hệ biện chứng không tách rời. Đạo đức Phật giáo coi trọng ngang hàng hai mặt tu phúc và tu tuệ. Người Phật tử, tại gia hay xuất gia đều được khuyến khích bồi dưỡng nhiều đức hạnh xã hội cao đẹp để thực hành bốn vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả; thực thi sáu pháp ba la mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ… như là những biểu hiện làm nền phẩm chất của của đạo đức Phật giáo.

Đức Phật không bao giờ tự tuyên bố Ngài là một nhà cách mạng hay cải cách xã hội, thế nhưng vào thời của Ngài, khi mà xã hội Ấn Độ cổ đại đang chìm đắm trong sự bất công của chế độ đẳng cấp nghiệt ngã, trong nghi lễ tế đàn mà sự tổ chức được xem là biểu hiện cao nhất của đạo đức, thì đức Phật vạch ra tính phi lý của chế độ đẳng cấp, và tuyên bố trong giáo đoàn của Ngài mọi người đều vứt bỏ giai cấp cũ của mình, mà trở thành tu sĩ, cũng như các con sông khi chảy vào biển cả, thì đều mất tên gọi của mình, mà trở thành một bộ phận của biển cả. Đức Phật lại nói, đạo đức không phải là quan hệ giữa thần thánh và con người, mà là quan hệ giữa những con người với nhau. Đây là cơ sở xây dựng con người tự thân và con người xã hội của Phật giáo trong một thiết chế chế xã hội dưới cái nhìn Phật giáo.

Rất rõ ràng, đạo Phật hoan nghênh lý tưởng xây dựng một xã hội công bằng và tự do, không có áp bức và bóc lột, một xã hội trong đó mọi người đối đãi với nhau với tình người thật sự. Một mô hình xã hội như thế từng được vua Asoka, một vị vua sùng tín Phật giáo, xây dựng ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ 3 trước Công nguyên, một xã hội trong đó, theo lời vua, tiếng trống chiến tranh được thay thế bằng tiếng trống Chánh Pháp, tiếng trống đạo đức.

Hồi đức Phật còn tại thế, khi thuyết pháp cho các vua chúa, đại thần, Ngài cũng thường xuyên lên án chế độ đẳng cấp xã hội bất công và không hợp lý, lên án mọi hành vi bóc lột, áp bức nhân dân lao động từ phía những kẻ giàu có và có quyền lực, khuyến khích tạo lập một xã hội công bằng và thịnh vượng về kinh tế.

Thế nhưng, đây là chủ trương nhất quán của đạo Phật, sự tiến bộ của điều kiện xã hội khách quan của con người sẽ trở thành vô nghĩa, nếu kèm theo không có sự tiến bộ của bản thân con người, trước hết là về mặt đạo đức.

Ở nước ta hiện nay, người ta nói nhiều tới việc lành mạnh hóa quan hệ xã hội. Nhưng quan hệ xã hội là gì, nếu không phải là quan hệ giữa những con người cụ thể. Nếu bản thân những con người cụ thể đã không lành mạnh, không tiến bộ, thì làm sao có những quan hệ xã hội lành mạnh và tiến bộ được. Nếu suy nghĩ lô-gíc thì phải như vậy. Thế nên, thông điệp của Phật giáo ngay từ buổi đầu du nhập, Mâu Tử đã phát biểu trong Lý hoặc luận: "ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài xã hội thì giúp nước hộ dân, khi ngồi một minh thì phải biết tu thân”.

Thực tế, người ta nói nhiều đến việc giải phóng con người ra khỏi những điều kiện sinh sống và lao động tồi tệ, không xứng đáng là của con người của thời đại văn minh ngày nay. Nhân loại đang hướng đến xây dựng một xã hội hòa bình, an lạc, văn minh. Đạo Phật hoan nghênh một công việc làm như thế, và khuyến cáo mọi người Phật tử trên thế giới tham gia vào công việc tốt đẹp đó. Nhưng đồng thời, đạo Phật cũng khuyến khích mọi người, Phật tử cũng như không là Phật tử phải nỗ lực giải phóng bản thân mình ra khỏi ba độc tham, sân, si, nghĩa là phải có một nỗ lực lớn về mặt đạo đức bản thân, phải thành tựu được những tiến bộ thật sự về mặt đạo đức, nếu không, những tiến bộ của điều kiện ngoại cảnh sẽ chỉ là tạm thời, vô nghĩa. Đấy là bài học của lịch sử muôn thuở mà Phật giáo muốn nói.

Là những người con Phật, thiết nghĩ, bất cứ ai đang sống trong một xã hội hiện đại, cũng khát khao nỗ lực hướng đến xây dựng một xã hội tự do và hạnh phúc, một cõi Phật ngay giữa đời này.

Previous Post
Next Post