Nơi các pháp tụ họp, có cơ thể,
tình cảm, suy nghĩ, gồm lại thành một cái “BIẾT SỐNG” đó gọi là con người. Ví
như cái quạt tạo nên bởi nan tre, giấy bồi, chốt sắt.
- Nan
tre có phải là cái quạt hay không?
- Không.
- Giấy bồi có phải là cái quạt
hay không?
- Không.
- Chốt sắt có phải là cái quạt
hay không?
- Cũng không.
Vậy cái quạt là gì? Quạt chỉ là
một danh từ mượn để chỉ sự kết hợp của nan tre, giấy bồi, chốt sắt.
Con người lại cũng như vậy. Không
phải là những khía cạnh về vật chất, tình cảm, lý trí, riêng rẽ mà tổng hợp của
cả ba thứ, cho nên không thể chủ trương có cái sống thuần nhất hoặc về vật
chất, hoặc về tinh thần, như thế gian thường quan niệm (duy vật, duy tâm, duy
linh…). Và vì con người bị chi phối bởi vật chất, tình cảm, lý trí, nên không
có tính cách độc lập, thành không có tự chủ.
Không thể nghĩ rằng vật chất đơn
thuần chi phối con người, đói phải ăn, khát phải uống, thấy đám ma thì buồn,
nghe tiếng bom đạn thì sợ. Trong những trường hợp này, chính thể xác làm nô lệ
cho hoàn cảnh bên ngoài hay thiếu thốn bên trong gọi là cái sống thuận chiều,
tạm cho rằng ít khổ. Tuy nhiên tình cảm và lý trí vẫn chi phối và thắng vật
chất: Không đói vẫn phải vì nể người mời. Đói cồn cào mà không dám ăn để giữ
thể diện hay vì e thẹn… lại lúc ốm đau không thể dùng tình cảm hay lý trí để
kìm hãm những hành động điên rồ: vật chất thắng.
Như vậy ba yếu tố “vật chất, tình
cảm, lý trí” lúc thì dung hoà, khi thì tranh giành chen lẫn nhau, chi phối con
người, cái nào cũng muốn chiếm phần thắng, làm cho con người không còn một tí
gì đáng gọi là tự chủ được, ngay đến những yếu tố cũng không hành động nhất
luật, lại làm cho con người không thể nào tự chủ được, dạ dày sợ cay, lưỡi lại
thích ớt, thích rượu; mắt muốn ngủ mà vẫn phải mở trừng trừng theo dõi tuồng
hát vì tai muốn nghe tiếng đàn dìu dặt. Đó là vật chất chống vật chất.
Nước mình đánh chiếm xứ người,
mình cho là phải, là đại cuộc. Nước người tấn công nước mình, mình cho là trái,
là thực dân: Đó là lý trí chống lý trí, có pha lẫn một chút sắc thái tình cảm
“ích kỷ”.
Cũng là một cảnh trí mà lúc thì
ta vui, lúc khiến ta sầu, ấy là tình cảm chống tình cảm. Trong ghét chứa mầm
thương, trong vui nảy mầm buồn… vật chất không tự chủ được, lý trí và tình cảm
cũng không tự chủ được thì con người, tổng hợp của ba cái “không tự chủ được”
ấy, làm sao tự mình làm chủ lấy mình được?
Đại đế A Lịch Sơn (Alexandre Le
Grand) xưng: “Tôi tự chủ lấy Tôi, như tôi làm chủ vũ trụ”. Đấy là một câu nói
láo, thiếu suy nghĩ.
Cho nên Phật tử phải biết rằng:
Con người chỉ là cái sống hỗn hợp của thể xác, lý trí và tình cảm, mỗi phần
dành cho được lối sống của nó, không cái nào điều khiển cái nào, luôn luôn có
sự va chạm, tranh thắng. Do đấy mà cái “BIẾT SỐNG” (con người) quá khổ.
Cho nên, ta sống mà không phải
chính là thực sống, chỉ do hoàn cảnh làm sống.
Không tự chủ, ta sống gì đâu?
Nhưng người đời luôn luôn nghĩ rằng sống có tự chủ, vì sao? Vì quanh đi quẩn
lại còn thấy xác thịt, còn dựa trên cái hình bóng để phân biệt mình với anh A,
anh B, phải tự hỏi: Cái gì đã làm cho ta quên sự thật mà cứ mãi nhận cái con
người của ta là một thực tế? Ta sẽ về đâu? Ta phải làm gì, hãy tự hỏi như thế,
tìm giải… Lời giải ở đâu? Trong Phật Pháp. Hãy tự đào lấy lời giải bằng công
năng tu tập.
Lục tặc
Sáu căn thường phá rối con người
gọi là sáu tên giặc “LỤC TẶC”: Nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn
và ý căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).
Tai nghe âm thanh, cố làm cho
thích, từ đó con người vận dụng khả năng của mình để tạo phương tiện, làm sao
cho âm thanh có mãi cung phụng cho sự thoả thích, nghe tiếng trái, ý nghĩ tìm
cách xoá bỏ, cố làm sao cho tiếng trái ấy không đến nữa.
Từ chuyện tai nghe làm cho thích
hoặc không ưa, nếu phương tiện không đủ, đưa đến việc buồn, chán, khổ sở… Không
có máy phát thanh để hằng nghe tiếng ca trầm bổng hay không ngăn được tiếng
chửi rủa càm ràm của người hàng xóm say rượu, làm sao chẳng buồn chán được.
Mắt thấy màu sắc, ý nhận rằng đẹp
đẽ. Từ đó sanh tâm muốn chiếm đoạt để thoả mãn sở thích riêng mình… thấy người
khác phái mỹ miều hay oai dũng bảo rằng đẹp sanh lòng yêu, khởi tâm muốn rằng
người ấy phải là của riêng mình, tìm mọi cách, cố đoạt cho được, bằng không thì
âu sầu khổ não. Cũng cái “yêu” ấy, nếu người khác phái xấu tướng lại yêu mình,
bấu víu lấy mình thì tìm cách xa lìa cái không thích, cả hai hướng đều khổ.
Cho đến mũi, lưỡi, thân, va chạm
ngoại cảnh, nếu ưa thì tìm cách làm cho cái ưa thích ấy thường có, nếu chán
ghét thì cố loại trừ.
Năm căn trên làm cho ý phải suy
nghĩ vơ vẩn, tìm phương tiện lo mưu tính kế, theo đó ta cứ mãi chạy theo ngoại
cảnh, trôi theo sự vật mà nào sự vật có chịu đứng yên cho ta nắm được: vì sáu
căn, vì phân biệt, nhận mình riêng khác, mong cầu đứng trên đồng loại, ta dấn
thân vào “trần” phiêu lưu vô cùng theo nó không khi nào ta chế phục được các
trần để tự soi xét mình, để thực tế nhận được mình. Đến “CHẾT” con người vẫn
chưa đạt được ý nguyện, đành phải trôi lăn nữa để còn cố tìm nữa. Đó là gút mắc
của dây luân hồi sanh tử.
Sáu căn làm ta dính mắc vào đời.
Có khi tự nghĩ, thấy mình chạy theo dòng khổ, muốn dừng nhưng nào dừng được.
Trong cái thiên biến vạn hoá của các trần, sáu căn làm duyên: Cái tự chủ của
con người “không đức tin” nào khác chiếc lá giữa dòng chao nghiêng, thoăn thoắt
hay dật dờ theo dòng nước.
Người đời không làm chủ được các
trần, như vậy sáu căn nào khác sáu tên giặc luôn luôn khuấy phá sao?
Biết vậy, Phật tử hãy dũng mãnh
chiến đấu lục tặc nội tâm “Chiến trận gay go nhất là chống giặc nội tâm. Hàng
phục được giặc nội tâm, ấy là kẻ trượng phu”.
Vô ngã
Những người tu Phật, những người
tìm hiểu đạo Phật đều biết rằng những gì của vũ trụ vô minh là một dòng sống
liên tục, chuyển biến, ràng buộc làm cho chúng sanh ở trong ấy phải khổ triền
miên. Đức Phật, người đã chứng ngộ được Chân lý, đã thoát khỏi vòng ràng buộc
của sự diễn biến triền miên vô minh kia, đem những cái gì mình đã biết, mình đã
mở thông và nắm chắc được trình bày lại, gỡ từng mối lầm, từng giai đoạn của vũ
trụ ra, để cho những người khác thấy và làm theo. Những người chưa biết gì cả
có thể tự mình, nhờ sự lắng đọng tâm tư, nhờ sự phát tâm định ý, suy ngẫm được
những sự trình bày của người đã giác ngộ. Và từ đó người tu có thể nắm được,
biết được Chân Lý gọi là chứng ngộ. Sự chứng ngộ có nghĩa là người tu đã thấy
được Chân Lý, chúng sanh đã thấy được chân lý giải thoát sinh tử luân hồi và
không còn đau khổ triền miên theo mộng tưởng nữa.
Người tu theo đạo Phật, dù là
theo nhiều lý thuyết nhiều đường lối, nhưng ai cũng có thể rút ngắn lại để hiểu
rằng chỉ phá ngã chấp thì tu chứng. Ngã chấp là gì? Mỗi chúng sanh, hay nói tóm
lại mỗi con người của chúng ta, chúng ta sống bởi xác thịt và tư tưởng. Mình
hãy suy tư thử xác thịt của mình do ở đâu sinh ra? Có phải từ cái bào thai bởi
những chất nước và hơi ấm hợp lại. Nước và hơi ấm tạo lần thành có thịt, có
xương, trong đó có một sự hiểu biết tiềm tàng.
Khi con người được sinh ra, ai
cũng có thể biết, nếu đem phân chất thì thấy rằng trong con người có hai phần
mà phần thứ nhất là Đất, Nước, Gió, Lửa. Xương, thịt, da, thuộc về Đất. (Theo
khoa học Đông phương người ta phân làm năm loại là Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ.
Những chất gì cứng như là xương thì gọi là kim, những gì mềm như là thịt người
ta gọi là đất, là thổ. Nhưng kim cũng ở trong thổ, có nghĩa là các loại kim đều
ở đất nên nhà Phật chỉ nói đất là đủ chứ không có dùng danh từ chữ nho gọi là
thổ mà trong đó gồm có kim). Nước là những phần ở trong người như nước tiểu,
nước miếng, nước mắt hay là máu. Gió là hơi, con người không có hơi thì không
sống được bởi không có thở ra, hít vào. Những luồng hơi ấy chạy toàn thân và
làm cho có sức sống động. Lửa là hơi ấm, tức là chất nóng trong người.
Chúng ta
thấy con người gồm có Đất, Nước, Gió và Lửa. Đất, Nước, Gió, Lửa ấy tạo thành
những yếu tố mà khi một người đàn ông và một người đàn bà, hai nguyên tố kia
hợp lại để rồi lần tựa vào đó những gì đã diễn biến tuần tự theo tháng ngày.
Con người sinh ra, lớn lên nhờ lúc nhỏ bú sữa và lúc lớn thì ăn uống. Những vật
chất ấy lần lần làm cho con người càng ngày thân thể càng lớn và sự lớn ấy là
tứ đại đã hấp thụ truyền giao với tứ đại để lần lần nảy nở, chẳng khác nào
chúng ta trồng cây hay là trồng đậu, trồng bắp, trồng lúa, đã nhờ chất đất thu
hút những gì của đất lên để sống. Tứ đại tức là Đất, Nước, Gió, Lửa.
Chúng ta suy ngẫm: “Con người
mình là gì?”. Mình không thấy có mình nơi đâu. Có phải cái tay là của mình hay
không? – Không phải. Có phải cái đầu của mình hay không? – Cũng không phải. Có
phải thịt là của mình hay không? – Cũng không phải. Đó là những cái gì của vũ
trụ vốn có trên trái đất này, vốn có đồng đều, ai cũng thế, loài vật cũng như
loài người, cũng như cây cỏ, đó là Đất, Nước, Gió, Lửa. Vậy mình là cái gì? Ở
đâu?
Phần thứ hai là tư tưởng, những
gì mình suy nghĩ. Có suy nghĩ, có tưởng tượng, có cảm giác như là biết buồn,
biết vui, biết ghét, biết giận, biết trái, biết phải, nghĩ cái này, cái khác,
chợt nghĩ và chợt không, những cái đó chúng ta nghĩ rằng không phải là Đất,
Nước, Gió, Lửa được. Như thế, cái đó là cái của mình? Vậy mình là cái gì? Có
phải là buồn hay là vui? Nếu mình buồn thì mình buồn mãi, chứ sao lại có lúc
vui? Nếu mình vui thì mình vui mãi, chứ sao lại có lúc buồn? Nếu mình nói cái
này là trái thì muôn đời mình vẫn thấy nó trái mãi, chứ sao ngày mai mình lại
nhận thấy nó phải? Vậy cái mình là cái tư tưởng ấy cũng không phải là có hẳn.
Đất, Nước, Gió, Lửa tựa trên nhau
để làm giềng mối nên một cái sống. Cái sống ấy liên tiếp dính chặt nhau bởi bốn
chất đất, nước, gió, lửa, chứ không có ta trong đó, có nghĩa là mình không thấy
có mình trong bốn chất đất, nước, gió, lửa. Tìm lại tư tưởng, thì tư tưởng
người nào cũng như người nào, con vật cũng như con người, thoạt vui thoạt buồn,
phân biệt cái này trái cái nọ phải, phân biệt chuyện kia chuyện nọ, đây là bóng
tối kia là ánh sáng, này là tiếng đàn, nọ là tiếng sáo… tất cả những cái gì
chúng ta cảm giác đều nó lúc thế này lúc thế khác, không tồn tại, không thực.
Như thế, cái tư tưởng thoạt đến và thoạt đi ấy không có nằm ở đâu, không có nắm
bắt được, không chắc chắn nó là hình thù như thế nào, thì cũng không có mình ở
trong đó.
Vậy mình là cái gì? Người đã
thuyết ra cái thuyết ấy, người đã giác ngộ, đã nói ra điều đó, nhắc chúng ta
rằng: Trên cái vũ trụ vô mình này, hay nói một cách rõ ràng hơn là mỗi một con
người trên thế gian, nếu suy nghĩ như thế thì mình không thấy mình ở đâu cả. Vậy
cái gì làm cho mình sống liên tục? Cái gì làm cho mình biết rằng có mình sống?
Suy đi tính lại nhiều năm tháng ngày giờ, nhờ môn tham thiền và những phước đức
khác, vọng tưởng chúng ta không còn, cái suy nghĩ hoang mang, vấn vương theo
đời chấm dứt, chúng ta định ý để suy nghĩ mãi; “Mình là gì? Ở đâu? Ai sinh mình
ra? Mình từ đâu đến và chết rồi đi về đâu? Cái gì là của mình để mà không thấy,
để mà chạy theo đời mãi mãi, la khổ, la sướng, kết cuộc rồi cũng tiêu tan, và
không biết tiêu tan rồi còn cái gì nữa?”.
Theo những điều đó suy nghĩ mãi
một thời gian thì người tu thoạt nhiên thấy được cái không có mình; và không có
mình tức là có mình. Không có mình có nghĩa là thấy cái đất nước gió lửa không
phải của mình, thấy cái tư tưởng thoạt vui, thoạt buồn, không phải của mình,
cho nên khi rời cái không phải của mình một cách chắc chắn rồi thì mới thấy cái
Chân Lý hiện lại. Cái Chân Lý ấy mới là cái mình, cái mình ấy gọi là Phật Tâm,
gọi là Chân Lý không sinh tử, không hề có sự đau khổ nữa. Đó là người chứng ngộ.
Người chứng ngộ như thế thì thấy
rằng mình đoạn tuyệt với những gì là dòng sống liên tục của thế gian, không bị
ràng buộc bởi dòng sống liên tục của thế gian nữa, không bị ảnh hưởng của đất,
nước, gió, lửa và cái tư tưởng của vũ trụ vô minh xô đẩy nữa. Thế nên mình sống
trong cái khoảng cách của Chân Lý và vô minh, trong đó mình được cái Chân Lý
gọi là mình THẬT và thoát khỏi cái đất, nước, gió, lửa, cái tư tưởng thoạt vui,
thoạt buồn. Người ấy là người chứng ngộ, gọi là người được cái Trí Tuệ căn bản
hoàn toàn, hay gọi là chứng ngộ cái chân tâm, hay bản thể, cũng gọi là
A-lại-da-tâm, cũng gọi là chân lý thường còn.
Người được như thế thì dù còn
sống ở đời họ đã nắm lấy cái hạnh phúc hoàn toàn để họ tự sống riêng biệt lấy
mình, không ai có thể biết đến. Trong thời gian họ được như thế, họ sống trên
cuộc đời thì họ nghĩ rằng: “Những gì ta thuận duyên với cuộc sống, đó chỉ gọi
là dư nghiệp, hay cũng gọi là dư sinh. Dư sinh có nghĩa là cái sống của đất,
nước, gió, lửa và tư tưởng nọ tạm bợ theo mình, cũng như là con kiến nó bò trên
trái banh, trái banh lăn thì con kiến đi theo, trái banh không phải con kiến,
nhưng mặc kệ con kiến, trái banh cứ để cho con kiến nó tựa, nó bò tạm một đoạn
nữa rồi nó đi đâu, nó đi. Cái Chân Lý của mình đã nắm bắt được, nhưng hiện tại
cái đất, nước, gió, lửa và tư tưởng của mình đã đào tạo ra giữa cuộc đời diễn
biến lầm lẫn này thì mặc kệ nó, để nó tạm tựa vào Chân Lý sống một thời gian
nữa; và khi nó đã đến ngày từ bỏ thì mình cũng sẽ về với cõi sống thường còn
của mình”.
Nguồn: daolamnguoi.vn