Nhắc đến nền văn học Phật giáo
Việt Nam
người ta không thể không kể đến Mãn Giác Thiền Sư với bài Cáo Tật Thị Chúng.
Qua thời gian những gì được ghi chép về Thiền sư không nhiều. Theo các nhà
nghiên cứu thì còn mơ hồ, mâu thuẫn. Điều chắc chắn là kho tàng chánh pháp qua
bài thơ Cáo Tật Thị Chúng còn tồn tại và chảy mãi trong tâm thức chúng ta.
Mãn Giác thiền sư đã để lại những
vần thơ ngàn năm mà giá trị của nó vượt ra ngoài vòng tử sinh. Thanh âm của nó
tựa như tiếng núi trầm hùng được cất lên từ đỉnh cao chất ngất vang vọng xuống
trần gian làm chúng ta thực sự thức tỉnh về sự phù du của kiếp người. Mặt khác
bài thơ vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp về con người, thiên nhiên trong khoảnh khắc
tuyệt diệu nhất.
Cáo Tật Thị Chúng là một bài thơ
ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt, khi thiền sư công hạnh viên mãn đã vượt qua
được cảnh giới của suy nghĩ và hiểu biết âm thầm tiếp xúc với chân lý nhiệm
mầu. Có lẽ chỉ khi bước giữa bờ vực sống chết như vậy người ta mới có thể ném
mình đến cảm xúc trào dâng; sự rung động tuyệt diệu ấy chỉ xuất hiện một lần
độc nhất trong cuộc đời.
Có người nói “thưởng thức một tác
phẩm là cuộc đối thoại mà trong đó người đọc tự khám phá ra chính mình” cho nên
cảm thông với cảm xúc của thiền sư, thấm thía những gì thiền sư nhắn gởi chính
là tự cảm thông rung động với chính mình. Kẻ thưởng ngoạn nếu chỉ hời hợt không
đạt tới chiều sâu vi diệu chẳng phải đã phí bỏ tấm lòng người xưa hay sao?
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai.
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Bốn câu đầu trong bài thơ được
thiền sư viết dưới thể ngũ ngôn đúng với nhịp đều đặn của thời gian. Tuy giản
dị đơn sơ nhưng mang trong mình nó ý nghĩa nhiệm màu về chân lý cuộc sống. Chân
lý cuộc sống không phải là một cái gì đó quá ghê gớm như ta vẫn nghĩ, mà trái
lại hết sức đơn giản. “Lạc” đối với “khai”, “nở” đối với “tàn”, hoa tàn rồi lại
nở; ai chẳng biết vẻ đẹp rực rỡ nhưng phù phiếm của hoa. Song mấy ai thấy một
năm ba trăm sáu mươi lăm ngày, mười hai tháng đất trời xoay vần trong bốn mùa
xuân hạ thu đông.. Cuộc sống con người lại càng mong manh ngắn ngủi trước thiên
nhiên vô hạn…
Trăng tròn đấy, khuyết rồi cũng đấy
Chớp lưng trời thoạt thấy rồi không
Lênh đênh bọt nước giữa dòng
Cũng như sương đọng nơi lòng hoa mai.
Thời gian không trôi qua một cách
vô tình như dòng nước bạc, nó mang theo cả quãng đời hoa mộng, những nét thanh
xuân, những tâm tình không thỏa. Mỗi cái tích tắc đồng hồ, mỗi lần mọc lặn của
mặt trời, mỗi nhịp tim lên xuống đều liên quan đến sự hiện thành và tiêu tán
của kiếp người mà sự sống chỉ là sương mờ giữa bình minh rạng rỡ.
Để dễ dàng cảm nhận và làm chủ
được thời gian con người đã học được cách chia chẻ đo đếm thời gian. Ngược lại
thời gian cột chặt con người vào hai tiếng tích tắc, tàn hoại không chút tiếc thương
từng khoảnh khắc của con người. Con người trước thời gian nếu không chán chường
thất vọng lại chọn cho mình một cuộc sống vội vàng hối tiếc như nhà thơ Xuân
Diệu từng thốt lên:
“Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên buâng khuâng tôi tiếc cả đất trời…
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt
Nhưng Thiền sư trong giờ phút ấy
là người đã thoát ra ngoài sự sống cái chết thì con lưu luyến gì một đóa hoa
xuân, một mái đầu bạc, một mùa xuân thoáng chốc nơi thế gian. Phải chăng với
mục đích “thị chúng” thiền sư đã vén mở cho thế nhân thấy đằng sau sự tàn nhẫn
của thời gian là một cái gì đấy rất công bằng, rất thực mà tràn đầy tứ thơ.
Trái sắp đậu thì hoa phải tàn nếu hạt thóc không chết đi thì cây lúa cũng không
thể nào sống nổi. Hoa tàn úa rồi trở về trong lòng đất mẹ, thời điểm bắt đầu
một nốt lặng khẽ khàng cần thiết trong bản nhạc tuần hoàn của hoa. Ta biết rằng
sự tàn úa của hoa không phải là cái chết mà là chuyển hóa để tồn tại… sự sống
không mất đi sự sống chỉ chuyển sang một dạng khác hợp lý hơn.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
(Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai).
Nếu nói theo kiếm hiệp thì không
nằm trong kiếm lý; đang bình thơ, thì gọi là phá cách; hai câu thất ngôn bất
ngờ trong cả giọng điệu, tiết tấu lẫn hình ảnh thơ … cũng như cuộc sống con
chim trong lống son…. chợt nhận cửa lồng đã hé… Vụt! Thoát cũi, sổ lồng! Hít
một hơi ôm trọn lấy tự do hót lên một tràng véo von… có một cái gì đó cứ hát
lên trong tim… liên miên bất tuyệt như hải triều âm, vang dội trong đêm tĩnh
mịch như tiếng đại hồng chung.
Hoa có thể tàn… xuân có thể rồi
sẽ hết… nhưng chắc chắn mùa xuân sẽ trở lại… chắc chắn rồi hoa sẽ nở… tuyệt hơn
nữa khi một cành mai muộn vẫn âm thầm trong đêm khẳng định cuộc sống là bất
diệt, mùa xuân là vĩnh hằng. Chiều xuống chẳng ai có thể ngăn cản mặt trời lặn,
nhưng ngày mai khi ánh bình minh xuất hiện ta lại thấy một mặt trời rạng rỡ….
Cái muốn giữ cũng khó mà giữ được, và cái gì đến dù không trông chờ nó cũng tự
đến..
Những dòng thơ Cáo Tật Thị Chúng
được viết vào giao điểm thời gian giữa đông và xuân. Xuân chưa đến, đông cũng
chưa qua. Con người mỏi mòn trong giá lạnh để mong chờ một mùa xuân ấm áp vơi
đi những chán chường khắc khoải cô liêu. Nhưng con người không biết rằng nếu
không có sự tàn phá của một mùa đông giá lạnh thì sự xuất hiện của nàng xuân
không làm cho cuộc đời trở nên tươi đẹp hơn. Nhưng từ xưa đến nay mấy ai thực
sự đã tận hưởng trọn vẹn một mùa xuân đúng với ý nghĩa nó nhất. Mùa xuân đến
làm hạnh phúc thăng hoa và ra đi để lại trăn trở băng khoăng, nhớ thương hoài
vọng trong tâm tưởng con người.
Có kẻ thơ ngây muốn giữ mãi vẻ
đẹp nàng xuân không tàn úa mà không bao giờ một lần tự hỏi mình: Không tàn úa
để làm gì? Để giữ mãi niềm hạnh phúc ư? Sẽ vô nghĩa nếu thời gian ngừng lại.
Con người đã đem cả lòng tham của mình để sống với mùa xuân.
Vạn vật tùy duyên luân chuyển
trong chu kỳ thành trụ hoại diệt, nhưng đêm qua sân trước một cành mai mãi mãi
tồn tại trong vô cùng, không một tác nhân nào có thể tàn huỷ bởi sự hiện hữu
vượt thoát của nó chính là mùa xuân bất biến. Muốn thấy được cành mai mà Mãn
Giác với nhãn quan sắc bén của mình trông thấy, phải nhìn xuyên qua hình dáng
đi sâu vào tủy chất; hình dáng đổi thay, tủy chất còn mãi. Ta chợt thấy mùa
xuân tràn ngập khắp không gian, thời gian, lung linh, mầu nhiệm. Mỗi phút mỗi
giây trôi qua mùa xuân bừng nở muôn vạn đóa mai khiêm cung bên lề đường không
một người để mắt, rực rỡ trong những khu vườn sang trọng bao người chăm sóc hay
lặng lẽ, đơn côi giữa đồng hoang vắng…
Như thế chỉ có mùa xuân trong tâm
con người ra đi mà thôi…
Câu thơ đã dứt song người đọc cảm
giác như cả một rừng thơ đang tuôn trào như những vòng tròn sóng trên mặt nước
cứ lan mãi lan mãi trong tâm thức. Nhưng rồi đến đây, người đọc thấy những vòng
tròn sóng ấy mờ dần mờ dần, cả không gian thời gian lắng đọng lại, đằng sau tất
cả những âm thanh huyền diệu ấy là một khoảng tối đến vô cùng, sự im lặng đến
tuyệt đối.
Khi ấy, trong im lặng, tâm hồn
người đọc như hòa quyện tâm hồn thiền sư, họ chợt bừng tỉnh về mục đích cuộc
sống, sự tồn tại và tiêu tán của kiếp người. Đức Phật đã bao lần nhắc nhở cuộc
đời là bể khổ nước mắt của chúng sinh còn nhiều hơn cả những đại đương. Dòng
nước mắt nóng hổi đã đong đầy những buổi chia ly, những cuộc tình dang dở,
những cảnh trái ngang… Nhưng con người có mấy ai khóc thật cho “gã cùng tử”
chính mình, cho sự chi phối âm thầm của sanh tử. Có chăng con người chỉ khóc
cho những tham vọng quá to lớn vòng tay không thể nào ôm giữ nổi, hay chỉ khóc
cho những mong cầu không thỏa mà ngày qua ngày thời gian vẫn âm thầm hủy diệt…
Con người sống với niềm kiêu
hãnh, ôm giữ những tiền tài, danh vọng… giành được trong đôi tay; cho đấy là
hạnh phúc đời người mà không biết rằng hạnh phúc ấy chỉ là huyền hoặc, mong
manh như chính thân phận con người. Non xanh đấy trơ gan cùng tuế nguyệt, nước
biếc tự ngàn xưa vẫn trường lưu mà đã trải qua mấy bóng chiều soi, được hay mất
rồi cũng như lá hoa trôi theo dòng nước, những thị phi vinh nhục cả một đời có
khác gì trong mộng ảo. Biết thế, nhưng có loài dã tràng nào lại không xe cát,
không để lại những dấu vết bên bờ đại dương, và biển cả vẫn muôn đời tự nhiên
chuyển mình xóa nhòa đi tất cả…
Vậy thì tranh giành cả một đời để
làm gì? Câu hỏi ấy như một công án thiền đã đang và sẽ đeo đuổi ray rứt con
người trong luân hồi lang thang vô định…
Có vần thơ chỉ dệt lên từ sự rung
động của trái tim, cũng có những vần thơ là lời tâm sự nhắn gởi. Ở Cáo Tật Thị
Chúng ta nhận thấy đó là sự hội tụ giao hòa giữa thơ và thiền giữa rung động
cảm thông và tấm lòng cho nhân thế. Thiền là tôn giáo, thơ là văn học, cái lơ
lửng của thiền cũng là cái chẳng thể nói nên lời của ý thơ, mỗi thứ mỗi vẻ
nhưng thiền sư đã tìm ra điểm tương đồng gắn kết chúng khăng khít như môi với
răng, khơi mạch cho chúng chảy chung dòng như nước hòa hợp với sữa.
Mãn Giác, một thiền sư, một nhà
thơ và trước hết là một con người đã đẩy lui thời gian để lại cho trần gian một
đóa hoa mai vụt nở trước sân ngàn năm sau vẫn không hề héo tàn. Hương sắc của
nó đã quyện vào hư không đánh lay tâm thức người đọc một cách bất ngờ. Và như
thế cả cuộc sống được dựng nên từ lời thơ bàn bạc, thế giới ẩn mình trong đóa
mai chớm nụ.