… Giấc mơ đời xa vắng …TCS
Văn hào Nga Léon Tolstoi kể câu
chuyện ngụ ngôn : Có một người hành khất đến trước cửa nhà của một phú hộ để xin,
nhưng tính tình ông phú hộ rất keo kiệt, ông giả vờ như không nghe thấy và
ngoảnh mặt làm ngơ. Đến một lúc không còn chịu đựng được những lời van xin của
người hành khất, thay vì bố thí, ông phú hộ lại ném một viên đá về phía người
hành khất.
Người hành khất sững sờ giây lát
trước hành động của ông phú hộ, rồi lặng lẽ nhặt lấy viên đá cất vào trong bị,
lòng đầy hận thù và nhủ thầm rằng : “ – Được, ta sẽ giữ viên đá nầy, chờ đến
một ngày nhà ngươi sa cơ thất thế, ta sẽ dùng nó để ném trả lại cho ngươi…”
Năm tháng đi qua, lời chúc dữ của
người hành khất trở thành sự thật. Vì biển lận, ông phú hộ bị tướt đoạt tài sản
và bị tống giam vào ngục. Người hành khất chứng kiến cảnh người ta áp giãi ông
phú hộ, bàn tay ông không rời viên đá trong bị mà ông phú hộ đã ném cho ông
mười mấy năm về trước, ông muốn ném trả viên đá ấy cho ông phú hộ để rữa mối
căm hờn chồng chất trong lòng ông bấy lâu nay.
Nhưng khi cầm viên đá trong tay
chuẩn bị ném về phía ông phú hộ, người hành khất thấy gương mặt tiều tụy, đáng
thương của kẻ tù đày. Bỗng mối căm thù dai dẳng trong ông chựng lại, ông từ từ
cầm lấy viên đá thả nhẹ xuống mặt đường rồi tự nhủ “ … Tại sao ta lại phải giữ
mãi viên đá nầy từ bao nhiêu năm nay? Con người phú hộ kia và ta, ai đáng
thương hơn ai? Ai cũng có trong lòng nỗi thống khổ của kiếp làm người. Tại sao
ta lại phải mang nặng mối hận thù mà rốt cuộc cũng chỉ là hư ảo…?. Một thoáng,
ông nhìn viên đá nằm bên vệ đường rồi tiếp tục bước đi với tấm lòng thanh thản
lạ lùng…Ông ngộ ra rằng : “Tha thứ là điều khó khăn nhưng cũng là điều cao cả
nhất”
Chỉ cần một niệm buông xả, người
hành khất như hóa thân của một vị Bồ tát. Vì đắm chìm trong sân hận và tham ái
nên chúng ta tạo nghiệp và bị nghiệp lực “ dẫn dắt” chúng ta lẫn quẩn triền
miên trong sinh tử.
Phước báu cũng là một thứ “của
cải” nếu chúng ta không tích lũy, gieo trồng thì cũng có ngày cạn kiệt.
Khi chúng ta hành động với lòng
sân hận, bản tâm ô trược, cấu nhiễm, chắc chắn kết quả sẽ vô cùng tồi tệ, bi
thảm mà ta sẽ là người thọ lãnh chứ không phải ai khác. Trái lại, khi chúng ta
làm một việc với lòng nhân hậu, với tâm từ bi, hỉ xả, chắc chắn sự tốt lành, an
lạc sẽ đến với chúng ta.
Người hành khất biểu hiện của
hạng người đố kỵ và tham ái.
Vì không thỏa mãn được mong cầu
mà sinh ra lòng hận thù rồi tự dằn vặt làm khổ mình suốt bao nhiêu năm tháng.
Vì cách hành sử thô bạo và chấp
thủ của người phú hộ, ông là biểu hiện của hạng người keo kiệt, bủn xỉn. Ông
nghĩ rằng khi bố thí cho người hành khất ông sẽ mất đi, sẽ vơi bớt một phần của
cải mà ông tích lũy dù sự bố thí nhỏ nhoi đó không hề ảnh hưởng gì đến gia sản
của ông. Nếu ông biết đuợc sự bố thí, chia sẻ với những người nghèo khó, hoạn
nạn quanh mình cũng là cách giữ lấy của cải và gieo trồng nhân tốt thì cuộc đời
ông sẽ có một kết cục hoàn toàn khác với ngày hôm nay.
Đến một ngày, mọi thứ chúng ta
lượm lặt, dù cất kỹ trong kho hay đã quên đi, rồi cũng sẽ sang tay người khác.
Tài sản, danh vọng, quyền lực rồi cũng chỉ là phù du, thắng hay bại đã từng rất
quan trọng đối với chúng ta rồi cũng chỉ là hư ảo.
Vậy thì điều gì có ý nghĩa? Làm
thế nào để đo lường giá trị cuộc sống của chúng ta? Ý nghĩa không nằm trong cái
chúng ta mua mà ở trong cái chúng ta ban tặng. Ý nghĩa cũng không nằm trong
điều chúng ta lấy mà nằm trong cái chúng ta cho. Ý nghĩa nằm trong hành động
chân thật, nhân ái, hy sinh vì hạnh phúc và an lạc của mọi người.
Khi xuôi tay nhắm mắt chỉ còn lại
một mình ta với những kiếp đời mịt mờ phía trước… Thì : những “thù hằn, cay
đắng, bực tức, ghen tỵ mưu toan, mánh khóe,tham vọng” ủa kiếp sống nầy đâu có
là gì?
Tại sao chúng ta không buông đi,
quên đi! Như người hành khất thả viên đá xuống vệ đường, cho cuộc hành trình
nhẹ nhàng hơn để chúng ta thanh thản đi về phía vô cùng./.