Mỗi ngày, tín hiệu đau khổ đến từ
quanh ta. Hôm qua, một người hàng xóm vừa qua đời; hôm kia, một bà ở xóm trên
ngã bệnh đi cấp cứu; đâu đó, một tai nạn giao thông làm một vài người chết, bị
thương... vân vân và vân vân. Nếu có một vài phút định tâm suy nghĩ, chúng ta
sẽ dễ dàng nhận ra ngay là mình cũng hoàn toàn có thể là đối tượng nhận lãnh
bất cứ nỗi đau nào đang đến với bao nhiêu người khác. Hay nói một cách khác,
không có ngoại lệ cho bất cứ ai trong cuộc đời này. Những mất mát, khổ đau luôn
rình rập quanh ta. Một cách chính xác hơn, chúng hiện diện thường xuyên trong
cuộc sống mà sự vắng mặt đối với chúng ta thực ra chỉ là một sự lãng quên,
tránh né.
Không một phép mầu nào có thể
giúp ta thoát khỏi những đau khổ trong cuộc đời theo nghĩa là chúng không bao
giờ xảy đến với ta. Như vậy, con đường thoát khổ tất nhiên không thể là sự né
tránh hay cầu nguyện. Trong một chừng mực nào đó, mỗi khi không tìm ra giải
pháp đối phó cho một tình thế, chúng ta thường có thói quen tránh né không nhìn
thẳng vào sự thật, cho dù đó là một sự
thật vô cùng hiển nhiên, dễ hiểu.
Chúng ta thường rơi vào một trong
hai thái độ cực đoan đối với sự đau khổ. Hoặc là chúng ta phủ nhận, tránh né
chúng, với ý tưởng là chúng chỉ đến với những người khác (!). Mỗi khi thực sự
phải nhận lãnh một bất hạnh nào đó, chúng ta lại tự an ủi mình rằng đó chỉ là
chuyện rủi ro trong muôn một. Và cứ thế, ta để cho cuộc sống trôi qua một cách
thụ động, không hề nghĩ đến việc làm thế nào để vượt thoát đau khổ.
Thái độ cực đoan thứ hai là sự lo
lắng thường xuyên đưa đến tâm trạng bi quan yếm thế. Thái độ này cũng dẫn đến
sự bám víu vào những những tà kiến, mê tín, như là cứu cánh cho nỗi lo sợ vô
vọng. Chúng ta lo sợ không muốn bị đau khổ, không muốn già, bệnh, chết... nhưng
những thứ ấy cứ lừng lững tiến đến theo thời gian, vô phương tránh né. Từ đó,
chúng ta quay sang bám víu, cầu xin... từ bất cứ nguồn sức mạnh nào mà ta có
thể tưởng tượng ra được (!).
Sự giải thoát thực sự, xét cho
cùng trước hết là phải giải quyết được những nỗi khổ ngay trong hiện tại. Đức
Phật từ bỏ ngôi báu tìm đường giải thoát cũng bắt đầu từ những thôi thúc mà
hiện nay ta đang đối mặt từng ngày. Không nhận chân được đau khổ là chưa có
tiền đề để nói đến giải thoát. Chính vì thế mà trong Tứ diệu đế[19] thì Khổ đế
được đề cập trước hết, và đối diện với đau khổ chính là yêu cầu trước hết để
chiến thắng đau khổ.
Khi thực sự đối mặt và nhìn sâu
vào bản chất của những đau khổ quanh ta, sự nhầm lẫn muôn đời của chúng ta sẽ
dần dần được sáng tỏ. Chính khi quán chiếu sự thật một cách triệt để ta mới
nhận ra thói quen phân biệt lâu đời của chính mình. Chúng ta thường nhìn nhận
đau khổ như là những gì bất hạnh đến với riêng mình mà không nhận ra một sự
thật là những khổ đau của người khác cũng chính là khổ đau của mình. Chúng ta
tách rời bản thân ra khỏi cuộc sống, trong khi cuộc sống thì lại không thể tồn
tại tách rời. Trong khi đau khổ là một hiện tượng hoàn toàn rất chung, thì
chúng ta lại chỉ nhỏ nhoi nghĩ đến một
sự thoát khổ cho riêng mình. Chính do nơi điểm khởi đầu vô lý này mà chúng ta
không thể nào đạt đến sự thoát khổ.
Khi nhìn nhận sự đau khổ hiện
diện trong cuộc đời bằng ý nghĩa đó, chúng ta sẽ thấy là không còn có những nỗi
đau riêng lẻ của mỗi con người. Và điều kỳ diệu chính là, khi nhận thức được
như thế thì khổ đau sẽ không còn là khổ đau nữa, mà trở thành nguồn động lực vô
biên cho sự cảm thông chia sẻ.
Chúng ta trong cuộc sống ai cũng
có ít nhất hơn một lần nhìn những ngưòi thân yêu của mình nhận chịu đau khổ.
Những lúc đó, chúng ta thầm mong ước nhận chịu về mình nỗi đau khổ ấy, còn hơn
là bất lực nhìn người thân của mình khổ sở. Điều gì đã giúp chúng ta không còn
sợ sệt, tránh né đau khổ? Chính là lòng thương yêu mà chúng ta dành cho người
thân của mình.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu chúng
ta có thể phát khởi lòng thương yêu hết thảy chúng sinh như người thân của
mình? Đây chính là sự chuyển hóa kỳ diệu nhất mà qua đó không còn một nỗi đau
khổ nào có thể làm cho ta sợ hãi được nữa. Bồ Tát Quán Thế Âm sở dĩ có khả năng
lắng nghe những tín hiệu đau khổ từ vạn loại chúng sanh và hóa thân thành vô số
hình trạng để cứu vớt, chính là do ngài đã phát khởi lòng thương yêu rộng lớn
không cùng và nhờ đó đã trải qua sự chuyển hóa mầu nhiệm này.
Kinh Duy-ma-cật dạy rằng: “Phiền
não chính là đạo trường.” Vì thế, vô số những phiền não khổ đau trong cuộc sống
mới chính là điều kiện tu tập để giúp chúng ta đạt đến sự giải thoát. Cho nên,
không có phiền não thì cũng chẳng có Bồ-đề!
Phát khởi lòng thương yêu đối với
tất cả chúng sanh cũng là thực sự yêu thương chính mình. Tuy nhiên, ý thức chấp
ngã hình thành từ muôn kiếp đến nay luôn ngăn cản sự phát khởi lòng thương yêu.
Chúng ta luôn cho rằng, sự hiện diện của “cái ta” trong cuộc đời này là cần
được bảo vệ và không thể đồng nhất với “người khác”. Ngay cả khi chúng ta thực
hành những việc thiện như bố thí, trì giới... chúng ta cũng mong muốn mọi người
phải nhận biết đó là “cái ta” đang làm việc thiện chứ không phải là người khác.
Lấy một “cái ta” riêng biệt như thế để thương yêu tất cả chúng sinh là chuyện
không thể nào có được. Vì thế mà điều tất nhiên là nếu không thực hành tinh
thần vô ngã thì không thể phát khởi lòng thương yêu rộng khắp.
Mặt khác, trong khi chúng ta từng
ngày từng giờ nhận chịu khổ đau, thì đồng thời chúng ta lại cũng không ngừng
gây ra khổ đau cho bao nhiêu sinh vật khác. Sự phân biệt đối xử sai lầm trong
nhận thức đối với sự sống chung của muôn loài đã dẫn chúng ta đến việc gây ra
khổ đau cho những sinh vật khác mà không hề có chút bận tâm suy nghĩ, cảm
thông.
Một người bạn tôi có đứa con bị
chó cắn. Lối xóm lập tức cho rằng con chó ấy điên và đập chết. Khi việc xét
nghiệm cho thấy rằng không có dấu hiệu của bệnh dại thì con chó cũng đã chết
rồi. Chúng ta chỉ nghĩ đến nỗi đau của mình mà không nghĩ rằng con chó cũng có
quyền được sống và đòi hỏi sự công bình. Trong trường hợp này, rõ ràng là chó
không điên mà những người giết chó mới thực sự điên!
Một buổi chiều rất đẹp trời, tôi
có dịp dạo chơi trên một con đường ven biển. Đó đây rải rác người đi câu cá dọc
theo những ghềnh đá nhỏ. Khi tôi đi ngang qua, một thanh niên vừa giật được chú
cá đuối nhỏ. Thật thành thạo, anh ta lấy trong túi xách mang theo ra một cái
kìm bấm và bấm đứt ngay chiếc đuôi cá đầy đe dọa, chỉ để phòng hờ sẽ không bị
nó quất trúng mình. Tôi nhìn ra mặt biển xanh mênh mông dưới nắng chiều ấm áp.
Một buổi chiều thật thanh bình, nếu không tính đến cảnh câu cá mà tôi vừa chứng
kiến. Không hiểu do đâu, tôi bất chợt hình dung thật rõ ràng một đàn cá đang
bơi lội nô đùa dưới làn nước ấm áp kia. Thế rồi chú cá kém may mắn này chỉ vì
tham chút mồi ngon mà bất chợt bị tách rời ra khỏi bạn bè. Than ôi, thế là chấm
hết! Vĩnh viễn không còn những buổi chiều tung tăng bơi lội... Một sự thương
cảm thực sự dâng lên trong lòng tôi. Đột nhiên, tôi nghĩ đến tất cả những ác
nghiệp mà chính mình có thể đã tạo ra từ vô thỉ và thấy rõ sự vô lý của những
động lực thúc đẩy tạo nghiệp. Tất cả đã sinh khởi từ sự thiếu vắng của một lòng
thương yêu rộng khắp!
Nếu chúng ta tự mình đã nhận chịu
đau khổ và cảm nhận sâu sắc sự đau khổ thì sẽ dễ dàng hơn trong việc cảm thông
chia sẻ nỗi đau của người khác. Mặt khác, ngày nào mà chúng ta còn chưa tự nhận
ra được những khổ đau mà mình đã và đang gây ra cho cuộc sống quanh ta, thì
việc giải thoát khỏi khổ đau vẫn chỉ là một điều ảo tưởng. Sự cảm thông chia sẻ
thực ra là một hạt giống bao giờ cũng sẵn có trong mỗi chúng ta. Điều cần thiết
ở đây chính là một sự tỉnh táo, khách quan trong nhận thức. Khi chúng ta đang
nhận chịu một nỗi khổ đau nào đó, chúng ta rất dễ dàng khởi tâm thương cảm,
chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ. Tuy nhiên, vừa qua khỏi cảnh khổ, ta
thường dễ dàng quên đi không còn nhớ đến nữa. Vì thế, sự quán chiếu thưòng
xuyên những đau khổ của cuộc đời – vì thực sự là chúng luôn hiện diện thường
xuyên – sẽ giúp chúng ta tránh được sự xao lãng vô lý, và có thể nuôi dưỡng
lòng thương yêu. Đó thực sự là một quá trình lâu dài, không phải nhất thời có
thể đạt được.
Trong một ý nghĩa khác, chính sự
phát triển ngày ngày của lòng thương yêu rộng khắp sẽ đẩy lùi dần những khổ đau
trong cuộc sống. Chính những lúc tinh thần vững chãi nhất với một tấm lòng lân
mẫn đầy thương cảm là những lúc chúng ta không hề sợ sệt và có thể nhìn thấu
được nguyên nhân của mọi nỗi khổ đau.
Sự thương yêu và cảm thông với
nỗi khổ của người khác chính là con đường duy nhất để chúng ta vượt qua đau
khổ. Phát khởi lòng thương yêu rộng khắp chính là đã tạo ra một nguồn lực vô
biên để chiến thắng đau khổ. Thật vô lý biết bao nếu có những con người đi tìm
cầu sự giải thoát giữa cuộc đời đầy dẫy khổ đau này mà lại có thể thờ ơ trước
sự khổ đau của bao nhiêu người khác. Bởi vì, giải thoát khỏi đau khổ xét cho
cùng không phải là chấm dứt sự hiện diện của đau khổ trong cuộc đời, mà chính
là sự nhận thức rõ bản chất của khổ đau và chuẩn bị cho mình một bản lĩnh để
vượt lên trên đau khổ.