Những con rối tốt bụng

“Lòng ta thành con rối cho cuộc đời giật dây”

“Cuộc đời vẫn cứ như là một sân khấu rối. Nên Balzac mới viết Tấn trò đời, Thackeray mới nổi tiếng với Hội chợ phù hoa, và Tào Tuyết Cần mới bất tử với Hồng Lâu mộng”

Sài Gòn những ngày cận tết, nồng nàn trong men nắng mê say, ấm ủ cho riêng mình những ước mơ của con người tứ xứ. Người khóc người cười. Tôi cũng  bon chen tìm cho mình một chỗ lách nhỏ giữa biển người bôn ba để nghĩ và để ngẫm về sân khấu cuộc đời và trắng-đen tình người. Ai tốt ai xấu, ai thật ai giả. Hãy cùng Ftuzone tuần này đi tìm một chút suy ngẫm của sự thật bạn nhé!
***

Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, đôi lúc chợt ta muốn mình tìm lại một sự bình yên nhỏ nhoi sau những vai diễn trường kì mệt mỏi. Bạn đã từng ghét ai mà vẫn phải cười với họ? Bạn đã từng thương ai mà vẫn phải ngó lơ họ? Mỗi chúng ta luôn có một lý do thích đáng cho hành động của mình. Nhưng ta vẫn thường tựu chung bằng một lý do muôn thuở của hai tiếng cuộc sống. Cuộc sống không là sự tồn tại của một người. Nếu vậy thì chúng ta chẳng phải diễn nhiều như vậy, chẳng phải kiềm chế những cảm xúc tự nhiên của bản thân. Cuộc sống lại là một khu vườn chung của trăm nghìn loại cậy lớn nhỏ, trăm nghìn loại người khác nhau, tốt có xấu có, vàng thau lẫn lộn. Bất chợt ta tự hỏi mình rốt cuộc là tốt hay là xấu?

Tôi từng nghe một câu nói Con người không ai là hoàn hảo. Cũng có nghĩa người tốt mấy cũng có điểm xấu, người xấu mấy cũng có một mặt tốt nào đó. Vậy chúng ta phải chăng điều là những cá thể không-hoàn-hảo giống nhau? Vậy một người nào đó liệu có đủ tư cách để phê phán một người khác là xấu hay là tốt trong khi chính mình cũng là một người không-hề-hoàn hảo? Nhưng có một điều bạn thường vẫn bỏ quên là một con người không hoàn hảo nhưng họ biết hướng mình về sự hoàn hảo luôn có tiếng nói hơn một người lùi ngược về sự bất hảo. Tiếng nói đó khiến người ta cứ mãi đi kiếm tìm sự hoàn hảo. Duy có điều con đường đi đến sự hoàn hảo không hề dễ dàng. Bời vì phàm là con người, chúng ta luôn có hai mặt bên trong. Tôi muốn mường tượng hai khía cạnh của một thực thể như hai gam màu tương phản Trắng-Đen.

Trắng và Đen- luôn phản ánh hai mặt đối lập cùng tồn tại trong một con người -Thiện và Ác. Nội tại bên trong mỗi chúng ta luôn có những đợt xung đột ngầm. Trắng và Đen luôn chạm mặt. Đó là sự chạm mặt giữa cái thiện-cái đẹp với cái ác-cái xấu, giữa cái cao cả với cái thấp hèn, giữa lòng vị tha và sự vị kỉ. Tâm lý con người là một thứ vô cùng phức tạp mà chẳng ai có thể nói trước được. Khát vọng luôn đồng hành cùng với tham vọng. Chẳng ai hoàn toàn là người tốt nhưng cũng không ai là kẻ xấu xa. Cái Thiện và cái Ác vẫn luôn tồn tại song song nhau – đó là quy luật bất biến của cuộc sống này, một cuộc sống của thật và giả, của trắng và đen thật gần nhau, thật khó phân biệt. Chính hành trình gian nan để trở nên hoàn hảo khiến chúng ta phải diễn với lòng tốt chỉ tương đối của mình. Mỗi người ta gặp, mỗi mối quan hệ ta vướng phải giật dây cho chúng ta tự biến mình trở thành những con rối tốt bụng trong vở kịch đời. Mỗi người chọn cho mình một vai chính diện và cố diễn sao cho thật hay, thật khéo. Có người dùng nụ cười gượng gạo, có người dùng nước mắt cá sấu. Tất nhiên nụ cười và nước mắt ở đây chỉ nhằm mang ý nghĩa hình tượng cho những thứ xảo biện, những biểu hiện giả tạo bên ngoài của con người. Và chúng ta sử dụng chúng để che giấu phần Đen sâu thẳm bên trong có thể trào dâng bất cứ lúc nào.

Vậy bạn sẽ hỏi tôi phải chăng trên đời này chỉ toàn là những vai chính diện, những con rối thân thiện tốt bụng? Nào có ai muốn đeo chiếc mặt nạ đen, hóa thân vào những vai phản diện làm những con rối xấu xa. Tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện về một người cha có cô con gái đã mất mẹ từ khi lọt lòng. Trong mắt cô gái, từ nhỏ đến lớn cha luôn là một con người nghiêm nghị, sắt đá. Cô khóc hay cô cười cha cũng lạnh lùng. Cô buồn hay cô vui cha cũng chẳng màng quan tâm. Rồi cô gái dặn lòng cố gắng học thật giỏi chỉ cốt để lấy được niềm vui của cha dù chỉ một lần. Nhưng mỗi lần cô nhận được giấy khen đem về cho cha, ông lại dửng dưng, chưa bao giờ khen cô, chưa bao giờ cười vui với cô. Mỗi lần như vậy cố lại thất vọng, hụng hẫng. Cô cũng là một con người bình thường, cô cũng muốn yêu và được yêu, đươc sống trong tình thương bình dị của cha mẹ. Bản năng và ham muốn đời thường ai cũng có. Cô luôn cho rằng chính vì cô mà mẹ qua đời nên cha mới đối xử với cô tàn nhẫn như thế.

Cho đến một ngày cô quyết định quyên sinh với một lá thư để lại tất cả nỗi lòng mình cho cha. Thật may mắn, cô đã không chết. Cô tỉnh dậy trong vòng tay cha. Cha nói ông yêu cô biết chừng nào. Cha không bao giờ bộc lộ tình thương ra bên ngoài để cô thấy mình được yêu thương rồi chủ quan, không nghe lời, trở nên hư hỏng như bao đứa con mất mẹ khác. Mỗi lần cô đem giấy khen về, cha vui lắm. Nhưng cha chỉ khoe với bạn bè, người thân rằng con mình ngoan, con mình giỏi chứ chưa bao giờ nói trước mặt con. Cha nghiêm khắc vì muốn cô đàng hoàng, nên người. Đó là ước mơ lớn nhất của đời cha. Nhưng cha không biết cha đã vô tình đã đi quá giới hạn của sự nghiêm khắc. Đó là sai lầm lớn nhất đời cha. Vậy đó, cũng có khi chính tình thương tuyệt đối và ước mơ cao cả kết thành những sợi dây vô hình điều khiển ta làm những con rối xấu xa. Một con rối xấu xa biết hy sinh và biết yêu thương.

Có những người nghĩ mình đang sống một cuộc đời không diễn. Họ chấp nhận là một người bình thường, có hỉ nộ ái ố, bình thường như nó vốn có. Có người cho rằng họ tốt, có người lại bảo họ xấu, nhưng họ cũng chẳng quan tâm. Họ có thể đúng là một người tốt, cũng có thể đúng là một người xấu. Họ không diễn và cảm thấy không cần thiết. Hay là họ đang diễn mà vẫn không thể nhận ra. Chỉ là họ diễn quá hay để có thể sắm mình nhiều vai một lúc. Chỉ là họ diễn quá tồi để không thể hóa thân trọn vẹn vào một vai. Mỗi người đều có một lý giải khác nhau về cuộc đời, có người bảo cuộc sống như một sân khấu, ai thử tốt các vai diễn của mình thì sẽ thành công, ngẫm lại điều này không phải là vô lý. Trên sân khấu cuộc đời có đủ loại vai, vai chính diện, vai phản diễn, vai hiền, vai ác, vai hề, vai khóc … Mỗi chúng ta đều đảm trách nhiều vai khác nhau. Chỉ có điều đôi khi trong đời chúng ta diễn quá thật đến nỗi khó có thể nhận ra mình đang diễn. Rồi như một thói quen ta được mọi người xung quanh mặc định là tốt hay là xấu đến độ chính chúng ta cũng tự huyễn hoặc mình là một con người như vậy.

Nhưng liệu mấy ai có thể thành công vĩnh viễn trong vở kịch đời dài bất tận, mấy ai có thể diễn tốt đến tận phút chót. Bởi một vai diễn trường kì thiết nghĩ cũng thật mệt mỏi biết bao. Một con rối cứ phải gồng mình theo sự điều khiển của sợi dây đời chằng chịt, theo mối quan hệ phức tạp giữa người với người, theo bộn bề yêu thương và căm ghét. Nó cứ mãi loay hoay, dẫu biết là khó, cố gắng cắt đi vài sợi dây trói của đời.Nhưng sự thật cuộc đời của tất cả vẫn là một vở bi-hài kịch, có cả vui lẫn buồn, điều quan trọng là ta sẽ chọn cái gì và vứt bỏ cái gì, nụ cười hay nước mắt, để có một cuộc sống thật sự. Điều quan trọng là tình yêu tuyệt đối, ước mơ cao cả, nỗi thất vọng, sự ham muốn đời thường là thật, không hề giả. Chúng sẽ xoay vòng suốt đời như một điệu ballet uyển chuyển trong các vở nhạc kịch để cuộc đời vừa có hài vừa có bi một cách hài hòa, một cách tự nhiên, một cách không kịch…

Những vai diễn của số mệnh chỉ có một cách tốt nhất là phải soi mình vào cuộc đời. Ta được gì và mất gì trong từng vai diễn hay ta đã cho đi và nhận lại gì trong vở kịch cuộc sống ngắn ngủi.

Nói với tôi,

bạn sẽ làm một con rối tốt bụng lòng đầy toan tính.

Hay là một con rối xấu xa biết yêu thương?



Previous Post
Next Post