Khí chất là Sự thật bản chất của đời sống mỗi người

Kế tục tinh thần tôi đã viết trong sách ‘Bàn về Văn hóa người Việt’, những điều mà tôi quan sát được, ghi dưới đây, thực là gặp ở khá nhiều người, nhiều nơi… Có thể vụn vặt trong đời sống bình thường hàng ngày, nhưng nhìn rộng ra xã hội, nếu chúng phổ biến đến mức tích tụ khí nhược tiểu thì tương lai sẽ u tối lắm thay, mong gì đóng góp tích cực được cho Thế giới?!

Thực chất những điều vụn vặt như thế, ở nhiều người chỉ là ‘cái một tí’ trong tính cách nhìn qua có vẻ như thuộc về con người, ở đâu chẳng có, xã hôi nào chẳng thấy… Nhưng nếu thành tập tính sống, nó không đủ lượng khiến người phải tính, chẳng đủ chất để người muốn dùng, bởi vậy nó như là cái ‘gen bản ngã’ của họ, nguyên nhân chính của sự nhược tiểu.

Trong bài này tôi ngụ ý rằng: Khí chất sống không phải là điều chỉ mong có ở những con người to tát về cương vị hay tuổi đời. Nói đúng hơn: khí chất trong mỗi người khiến đời sống của họ phát triển, Thiên hạ phải nể phục, có hay không tùy thuộc vào những điều tưởng như vụn vặt hàng ngày họ đã thể hiện và đối xử như thế nào…

Đất nước nào cũng có một vài quốc gia bên cạnh, luôn có tính hai mặt tốt/xấu. Nhưng nếu Văn hóa làm nên khí chất người dân Đất nước mình sáng mạnh thì sẽ tiếp thu được nhiều cái hay, lọc bỏ đi nhiều cái dở…Những điều tôi ví dụ dưới đây với ý nghĩa phản tỉnh thái độ sống để dũng cảm thay đổi tích cực, khiến các ngoại bang phải kính trọng thêm nhiều phần!

- Phải đi bộ một tí đã kêu xa nên tìm cách lôi chợ quê về sát chung cư, đi xa một tí đã dựa dẫm xe máy, một tí buồn ngủ đã muốn ngắt đoạn chương trình, nóng một tí đã kêu, lạnh một tí đã rúm tứ túc, ngồi một tí đã đặt dẹo, xếp hàng 1 tí đã chen.

- Đèn đỏ còn nửa phút chuyển sang xanh mà không thể đợi, va quệt xây xát tí xe đã lao vào xỉ vả khiến choảng nhau mẻ đầu, bị cảnh sát dừng xe vì đi sai mà chỉ tí nguyên cớ đã to tiếng cãi và nhờ vả quan trên can thiệp.

- Đến quán ăn vì một tí sơ xuất mà lớn giọng xỉ vả nhân viên, hùng hổ gặp Sếp của họ để đòi đặc ân. Chỉ vì thiếu tí nước mắm bữa tối mà cả hội nhà văn nhạt mồm, chả còn tí gì ấn tượng Luvre mà người ta bỏ tiền cho họ thăm thú.

- Đến dự những chương trình học hay hội nghị quan trọng, chuyên đi muộn chỉ vì một tí lý do, nghe một tí thấy khó hiểu đã chê bai diễn giả, một tí điện thoại đã làm phiền bao người khác, một tí việc phát sinh cũng nghĩ cách bỏ dở mà về.

- Một tí lời người nói không đúng ý mình quay mặt giận dỗi kết luận người khác khó tính, một tí chưa vui đã thành căng thẳng, một tí vị kỷ chẳng xác đáng mà đòi bao người phải điều chỉnh hay phiền tâm.

- Một tí phật ý riêng mà nghĩ cách hành người làm tắc chuyện cần của họ. Mồm nói: Tiền không thành vấn đề, nhưng vấn đề là Tiền bao nhiêu. Cái chính là Tình mà tình riêng mới là chính. Quyền chẳng là gì nhưng cái gì cũng đợi Quyền ban ý chỉ.

-Một tí cái cau mày, lớn giọng của Sếp đã hốt hoảng, nhẹ hơn là líu lưỡi, hay nhanh chóng thỏa hiệp, đánh mất khả năng bảo vệ chính kiến, tiêu tan cái ý nghĩ hăm hở ban đầu của mình muốn nói.

- Mới nói một tí điều hơi mới đã tưởng là cải cách, có một tí điều hơn đã nhìn hạ mục vô nhân, biểu lộ một tí thái độ bất đồng đã bị cho là chống đối. Một tí bất bình với kẻ càn quấy bên cạnh đã sợ vạ đến thân.

Chúng ta có thể thấy một dạng thức khác của những ‘cái một tí’ mang tính chất xấu, dẫn đến sự ‘phân thân’ tha hóa, tôi tạm liệt kê như sau:

. Chưa đẳng cấp đã phân biệt – Vừa phân biệt đã suy đồi.

. Chưa hành đạo người đã rất háo danh – Vừa có tí danh đã coi thường kẻ khác.

. Chưa văn minh đã đồng nhất – Vừa đồng nhất đã lai căng.

. Chưa biết nghề đã dạy thợ – Vừa dạy thợ đã chán nghề.

. Chưa Tết đã nhất – Vừa nhất đã bét. Chưa Hè đã Hội – Vừa Hội đã chán.

. Chưa có tài đã đánh mất tâm – Mới có chút tâm đã bài xích tài.

. Chưa giàu đã khinh nghèo – Vừa bớt nghèo đã lụy giàu.

. Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng Tổng – Vừa đe hàng Tổng đã sợ thằng Mõ.

. Chưa hiểu Lễ mà đã nói đến Nghĩa – Mới làm chút Nghĩa đã kịp vô Lễ rồi.

. Chưa biết tưởng hiểu, hiểu tí đã nói – Vừa nói đã sai, sai tí đã vạ miệng.

. Chưa biết phận làm con đã làm cha – Vừa làm cha đã quên mất phận làm con.

. Chưa đợi cùng vui đã hò nhau uống – Vừa giả lả uống đã càn quấy say.

. Chưa leo lên cao đã khiến tình sơ – Vừa mới bị sơ giật mình chạy chức.

. Chưa thẳng hướng đến đã rẽ ngang – Vừa mới đi ngang rổn rang bàn lùi.

Còn những điều tôi viết dưới đây lại là biến thể từ sự nhược tiểu. gây nên những hậu quả rất xấu khác, nếu trở thành tập tính sống của số đông trong xã hội:

. Quen mặc cả với ma quỉ nên nghi ngờ sự vô tư của Thần Thánh - Đi với Bụt mặc áo cà sa nhưng tâm thế sẵn sàng vứt bỏ để mặc áo giấy – nên Ma không sợ, Bụt không quý. Không ở hiền nên chả gặp lành, nếu gặp chưa lành giải pháp là chả ở hiền nữa

. Chưa biết đích đến đã nghĩ đi tắt, đang bị lạc mà đòi đón đầu. Lúc nào cũng vội nhưng luôn bị muộn. Chưa khôn đã nghĩ mưu, rất hàm hồ mà sa vào cảm tính. Chưa hiểu điều lớn đã coi thường điều nhỏ, vừa làm điều nhỏ đã đánh mất điều lớn.

. Là người lao động mà chẳng thực cần lao, chưa làm đã sợ thiệt. Không cố gắng làm đúng, đủ mà dành nhiều tâm trí cho việc làm tắt, ăn bớt. Tự nhận thông minh nhưng rất ít sáng tạo, quay ra tự sướng mình đưa Cuội lên Mặt Trăng

. Chị ngã em nâng nhưng lại đào hố bẫy người. Lá lành đùm lá rách nhưng chả muốn ai lành hơn mình. Một con ngựa không ăn cả tàu bỏ cỏ vì buồn kiếp ngựa bị giết mổ chứ không phải là Ngựa chiến.

. Lựa chọn kết bè với nhau bởi tương đồng hay cùng muốn mang âm mưu từ quá khứ đến tương lai. Hay nói đạo đức nhưng rất thiếu trách nhiệm. Không thích đứng sau người khác vì hãnh tiến chứ không phải có phẩm chất ưu trội.

. Mua bán mọi thứ ngay cả khi không có tiền, dám làm tất cả khi đã có tiền - Được làm vua thua làm giặc, nên chất giặc trong vua và làm vua bọn giặc. Liều lĩnh khi làm điều xấu nhưng rất đắn đo khi làm điều tốt.

. Rất kém chung nhau đầu tư xã hội, nhưng bầy đàn chen chúc nhau đầu cơ. Giỏi mưu cầu lợi ích cá nhân mà không cam kết được lợi ích của đối tác. Không có cống hiến nên trở thành loài kí sinh.

. Không có người tiên phong nhưng rất nhiều kẻ xúi bẩy. Không biết làm bạn nhưng rất giỏi kết bè. Rất sợ chết nhưng sống rất liều. Muốn hòa bình nhưng cách sống rất gây xung đột.

. Giỏi nịnh làm vừa lòng người này nhưng lại làm mất lòng người khác - Thật thà mà không đi đến chân lí – Thẳng thắn mà bất chấp sự thật. Không biết nể người làm điều đúng mà rất sợ những đứa làm sai.

. Mê tín mà không có đức tin, rất đa nghi vì không biết sống thiện. Đổ tại Khoa học là lý thuyết nên không chịu thực hành đúng sa vào hành động bản năng. Không tin việc tổ chức đang làm mà tranh cơ đoạt vận và dựa vào may rủi.

. Kém văn minh nhưng lại tự hào là rất văn hóa. Không phát triển mà lịch sử rất dày. Rất nhiều phong tục mà ít nghi lễ. Không biết lễ nghĩa mà đòi học phép lịch sự Thiếu tôn nghiêm ngay cả khi hát quốc ca

Từ vài điều trên, tôi cho rằng tầng lớp cao của xã hội (giới quyền chức, nhân trí sĩ, doanh nhân…) tuy chiếm số ít về tỉ trọng dân số, nhưng ‘cái một tí’ của họ lại thực sự ảnh hưởng mạnh lắm đến các tầng lớp còn lại. Thế nên rất cần cái chất ‘đẳng cấp cao’ trong hành vi ứng xử, lối sống, lao động sẽ hướng đạo cho dân chúng có được trong cộng đồng xã hội những ‘cái một tí’ sao cho hay ho để trở thành khí chất mạnh mẽ của Đất nước. Bởi vậy tàng lớp cao của XH phải nhận trách nhiệm chính và cao nhất về Khí chất của Đất nước mình.

Previous Post
Next Post