* Người biết yêu điều tốt ghét
điều xấu là người biết phục thiện; người biết phục thiện thì dễ tiếp thu đạo lí
giác ngộ; người biết tiếp thu đạo lí giác ngộ thì dễ thực hành tự tri; người
biết thực hành tự tri thì dễ thực chứng chân lí tuyệt đối, siêu vượt khái niệm
- tướng trạng.
* Không có sự liêm khiết trí thức
thì không có năng lực tư duy minh triết về những vấn đề trọng đại của cuộc
sống, dù có học vị tiến sĩ triết học hay bất cứ gì.
* Chưa có triết lí về giá trị
nhân sinh thì văn hoá-giáo dục còn khập khiễng, chính trị còn khập khiễng.
* Làm chính trị chân chính thì
đừng sợ bị chê bai, bị phê phán; không có lời chê bai, phê phán thì khó nhận
thấy khuyết điểm, sai lầm.
* Tham quyền cố vị thì không yêu
dân, không yêu nước.
* Óc địa vị là biểu hiện của bản
năng quyền lực đậm nét thú tính; nó không biết quý trọng giá trị nhân cách.
* Đôi tay thì đưa hối lộ và nhận
hối lộ, còn miệng thì ca tụng đường lối cách mạng, chắc chắn đó là kẻ “cơ hội
chủ nghĩa” độc hiểm, hay “chụp mũ” người tốt.
* Một nguyên thủ quốc gia, một
nhà thơ, một bộ trưởng, một sĩ quan, một giáo sư... nếu mang nặng thói tham ô,
hối lộ, bè phái thì giá trị làm người không bằng một
người ăn xin lương thiện.
* Đồng tiền nhà nước là mồ hôi
của nhân dân, trong đó có cả mồ hôi của người ăn xin (vì người ăn xin cũng tiêu
thụ hàng hoá, tức là đã gián tiếp đóng thuế). Tham ô, lãng phí tiền nhà nước là
có tội với toàn dân.
* Bệnh thành tích sinh ra thói
dối trá, thói dối trá sinh ra sự thối nát.
* Không ghét thói hối lộ thì
không yêu sự công bằng; không yêu sự công bằng thì không yêu dân ; không yêu
dân thì không yêu nước, không yêu nhân loại, không thật có tinh thần cách mạng.
* Xây và chống, mà không
chống thói hối lộ-thói nhận hối lộ, là
không chân chính.
* Nặng óc cục bộ thì không yêu
dân, không yêu nhân loại; chỉ yêu cái “tôi”, luôn bao che những xấu ác.
* Người đảng viên không thật lòng
kính yêu nhân dân thì chỉ là kẻ “cơ hội chủ nghĩa” ích kỉ.
* Ở giữa vườn hoa, xác chuột chết
vẫn thối; ở giữa đầm bùn lầy, đoá sen vẫn thanh khiết.
* Có những thứ “vinh quang” dính
đầy sự bẩn thỉu. Ai mới thấy hào quang danh lợi đã trọng vọng, đó là người
không minh mẫn, không biết chính tà.
* Nền văn học nào, nền giáo dục nào không giúp được
con người nhận ra các bệnh tâm hồn, không giúp con người biết cách tự chữa trị
có hiệu quả, thì đó là nền văn học, nền giáo dục còn nhiều yếu kém.
* Không biết phục thiện thì không
thể học được những bài học vĩ đại trong trường đời; dù có bằng cấp cao cũng chi
là kẻ ấu trĩ về trí tuệ.
* Nhà giáo yếu kém nhân cách thì
chỉ là công cụ tồi, có hại cho xã hội rất lớn (vì nhiều người ngây thơ tin
tưởng vào họ). Tu sĩ yếu kém nhân cách cũng thế.
* Khi cái “tôi” xâm lấn, bóc lột
người khác, nó luôn ẩn núp sau những lời hoa mĩ.
* Đừng coi thường việc chữa trị
các bệnh tinh thần, vì nếu thế, văn minh vật chất và sự hưng thịnh kinh tế chỉ
như sức lực dồi dào của một gã khùng hung hãn, sẽ rất nguy hiểm cho nhân loại.
* Nếu giàu tri thức, giàu tài
năng nhưng yếu kém lương tâm, lương tri thì chỉ là công cụ; chưa có nhân cách;
còn nghèo trí tuệ; chưa trưởng thành toàn diện.
* Mọi tài năng đều có giá trị về
mặt công cụ, đều có thể góp phần làm cho cuộc đời tốt đẹp hơn. Nhưng cái năng
lực quý giá nhất làm cho con người giữ vững giá trị làm người, đó là sự tự tri
tự chủ. Thiếu cái năng lực này, các tài năng khác có thể biến con người thành
ác quỷ, dã thú, kẻ đê tiện.
* Sự xấu ác là biểu hiện của cái
“tôi” (bản ngã) đen tối.
* Cái “tôi” càng lớn thì tình
thương càng nhỏ. Càng chấp thủ cái
“tôi”, bệnh tinh thần càng nặng; càng ảnh hưởng có hại cho tha nhân, môi trường
bằng hành vi, bằng thái độ, bằng năng lượng tâm ý.
* Theo nhiều nhà khoa học tự
nhiên, năng lượng tâm thức là dạng năng lượng cơ bản, có ảnh hưởng tốt hoặc xấu
cho toàn vũ trụ (tuỳ tính chất tâm thức) và cho bản thân.
* Không ai là không có tâm xấu
ác, điều quan trọng là phải nỗ lực cải tạo. Thực hành “tự tri-tỉnh thức-vô ngã”
là trách nhiệm của mọi người.
* Chưa nghiên cứu nghiêm túc về
bản ngã (cái “tôi") thì chưa thể có đường lối giáo dục đúng đắn.
* Không xiển dương sự thanh tẩy
tâm thức thì tôn giáo, tín ngưỡng chứa đầy mê tín có hại.
* Tôn giáo có ý nghĩa lớn về đạo
đức, về cảm hứng, nhu cầu cải tạo tâm tính, nếu tôn giáo giàu từ bi bác ái.
* Không tôn trọng phương tiện
thăng hoa tâm linh của người khác thì chưa có tâm thái hòa bình, tỉnh thức.
* Khi triết lí giáo dục chưa minh
triết thì tất yếu dẫn đến suy yếu đạo đức nghề nghiệp ở người lao động, suy yếu
lương tri ở người cán bộ.
* Càng tôn vinh quá độ các gíá
trị bản năng và công cụ (nhất là công cụ trí óc) thì thế giới càng đảo điên,
khốn đốn.
* Vắng mặt năng lực tự tri tự
chủ, vắng mặt trí-lương-tri thì trí-công-cụ sẽ trở thành tôi tớ cho
trí-chó-sói.
* Cái “tôi" càng lớn, càng
bền chắc, càng xảo quyệt, càng tự tôn, càng bè phái thì sự liêm khiết trí thức
càng suy yếu, tư tưởng và hành vi “người bóc lột người” càng đa dạng .
* Khi kẻ ác tấn công ta, ta sử
dụng trí tuệ và lòng dũng cảm để đối phó với chúng; làm như thế thì có lợi hơn
là sử dụng lòng căm thù.
* “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là
đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng
lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung
của tất cả.
* Viên mãn “tự tri-tỉnh thức-vô
ngã” rất khó, nhưng chỉ có hướng đến đó mới xây dựng được mẫu số chung cho nhân
cách, cho ý nghĩa cuộc sống. Chỉ có hướng đến đó mới tạo nên tiếng nói chung
cho hoà bình, công bằng, nhân ái - thật sự biết tôn trọng nhau giữa người với
người.
* Tâm hồn đen tối tạo ra xã hội
đầy tệ nạn. Muốn xây dựng xã hội tốt đẹp, phải có nền giáo dục có khả năng giáo
dục tất cả mọi người (không trừ một ai) nhận thức sâu sắc các bệnh tâm hồn,
phải làm cuộc cách mạng nội tâm tận đáy cái “tôi”.
* Giáo dục “toạ thiền-quán hơi
thở-tự tri” là biện pháp tối ưu để nâng cao hiệu quả giáo dục, thăng hoa tâm
trí, cải thiện thế giới.
* “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là
minh sư vĩ đại nhất của chính mình.
Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)
(Trích trong Đường Về Minh Triết; NXB Văn
Nghệ, 2007; Yoga.net.vn)