Tôi là một thầy tu, thi thoảng
người ta cũng cho là một nhà thơ, nhà văn. Nhưng có thể đúng nghĩa hơn là một
nhà làm vườn trồng trọt bình dị trong cuộc sống.
Thõng tay đi giữa chợ đời
Siêng năng trồng tỉa cho đời bình an
Bao giờ thân kiệt sức mòn
Thì ta an nghỉ, chẳng còn lo âu.
Cuộc đời lắm chuyện khổ đau
Tranh danh đoạt lợi, luống sâu một đời
Đến khi thân nát tan rồi
Khổ đau đeo mãi, luân hồi xoay quanh.
Thật vậy, đã trên sáu mươi Xuân
trôi qua, không một ngày nào tôi bỏ quên nhiệm vụ của mình là một nhà trồng
trọt, như tưới nước, bón phân, nhổ cỏ, bắt sâu, cuốc đất, lên luống, v.v… từ
sáng sớm và mỗi chiều về. Có thể xem đây là công phu hằng ngày của tôi trong
suốt cả cuộc đời. Mặc dù là công việc tầm thường nhưng nó chính là niềm vui,
niềm an lạc tự do của tôi khi đang hiện hữu.
Vào một buổi chiều thu, sau khi
làm xong công việc hằng ngày, ngồi nghỉ dưới gốc cây xoài già, tôi ngồi định
tâm, thấy lòng mình bình an thanh thản nhẹ nhàng. Sau đó, tôi khởi lên ý niệm
quán sát sự sống của một ngọn lá. Ngọn lá vốn được kết tinh bằng hạt giống mọc
từ đất, lên mầm rồi lên cây, cành, lá, hoa và quả thơm ngon để dâng tặng cho
cuộc đời. Ngọn lá lớn dần từ ngọn lá non, xanh, xanh đậm, rồi vàng, vàng đậm.
Sự tồn tại của nó thay đổi dần cho đến một ngày nào đó đang treo lơ lửng giữa
bầu trời, gặp làn gió nhẹ thổi lướt qua làm cho ngọn lá vàng rời cành vĩnh
viễn. Quan sát ngọn lá vàng rơi xuống đất, tôi cảm nhận được lòng mình bình an
nhẹ nhõm.
Ngọn lá trước khi trở về với đất,
nơi nó sinh ra, cũng giống như tôi trở về với chính tôi, trở về quê hương yêu
dấu ngàn đời của mình. Ngọn lá vàng khi lìa cành, nhẹ bay một vòng trên không
trung, rồi nhẹ nhàng đáp xuống trên mặt đất một cách bình an, thảnh thơi tự
tại, an lạc, v.v… hình ảnh của ngọn lá vàng rơi (trở về) là hình ảnh huyền diệu
thiêng liêng, đẹp đẽ.
Nhìn thấy ngọn lá vàng rơi xuống
đất, tâm tư tôi chợt khởi lên một cảm tưởng về nó (hay sự trở về của ngọn lá)
như sau: trước khi nó trở về với đất, nó như con chim non bay lượn trong không
trung một vòng, rồi nó từ từ đáp nhẹ trên mặt đất, trước khi nó trở về với đất,
nó nở một nụ cười hàm tiếu để chào đất và hôn nhẹ lên đất, rồi đi nhẹ nhàng vào
lòng đất một cách khoan thai, tự tại, bình dị, an lạc. Ngọn lá và đất là một.
Đất chính là lá, lá chính là đất, đất không ở ngoài lá, lá không ở ngoài đất,
một là tất cả, tất cả là một. Ở đây không còn là lá ớt, lá rau, lá cà, lá mướp,
v.v… mà chúng là lá, là đất, là tất cả những gì hiện hữu trong cuộc đời này.
Bản chất của ngọn lá không có sanh già bệnh chết, nó là bất sanh bất diệt.
Ngồi nhìn ngọn lá mà tôi thấy tận
sâu thẳm của cuộc đời mình, cũng như mỗi chúng sanh trong cuộc đời này. Khi
nhìn hình ảnh của một ngọn lá vàng rơi, điều đó đã làm cho tôi bàng hoàng thức
tỉnh về cảnh đời vốn đầy hoa thơm cỏ lạ, có sự sống nhiệm mầu, vậy mà tại sao
con người phải bon chen, để rồi phải chịu nhiều khổ lụy bủa vây. Hình ảnh ngọn
lá vàng rơi, dạy cho tôi một bài học vô giá về cuộc đời mình. Đã bao lần, tôi
rơi (chết), nhưng không có lần nào tôi rơi một cách thanh thản bình an vô sự
như ngọn lá bây giờ. Sự rơi của tôi hoàn toàn thiếu ý thức, thiếu nghị lực
trong sự sống giữa cuộc đời này, mặc dù cũng thừa biết rằng “cuộc đời là vô
thường, là duyên sinh giả hợp, sắc tức là không, không tức là sắc, v.v…” Tôi
biết như vậy, tôi học như vậy, tôi nói như vậy, nhưng thú thật hằng ngày tôi có
thực tập không, có làm được như vậy không hay bị đắm chìm trong mọi tình huống
của ngũ dục. Đó là điều mà tôi cần phải xem lại cho chính mình trong đời sống
hằng ngày.
Hỡi ngọn lá! Có mấy ai trong cuộc
đời này rơi được như cậu? Chính tôi cũng vậy, trong cuộc sống luân lưu vô tận
này, tôi đã rơi vô lượng lần, nhưng chưa lần nào trước khi sắp rơi, tôi không
tránh khỏi sự hốt hoảng, hoang mang, lo âu sợ hãi, v.v… Ngọn lá rơi một cách
nhẹ nhàng, như về lại với cội nguồn chân thực của nó. Còn tôi rơi, tôi rơi theo
chiều sanh tử sự đại, rơi theo cái nghiệp lực trói buộc bởi những nội kết tiềm
ẩn lâu đời của mình. Đó là một điều bất hạnh cho tôi, cho những ai đang còn
vướng bận trong sanh tử.
Tôi thật có mắt như mù, có tai
như điếc, có chân như què và có tay như rút lại, v.v… chính vì thế mà tôi chẳng
học được gì hết trên cuộc đời này. Tôi cố tình, cố chấp những gì tôi đang có
như bằng cấp, địa vị, hình tướng, danh dự, tiền bạc, v.v… những vấn đề này làm
tôi mù mắt, điếc tai, v.v… Tại sao ngọn lá rơi được như vậy? Còn tôi thì lại
rơi theo chiều hướng khác? Tại vì ngọn lá nó học cái hạnh lắng nghe để cảm nhận
rằng cuộc đời này là vô thường, có đến rồi sẽ có đi. Đi chẳng qua là sự trở về
với bản nguyện uyên nguyên của mình. Đến cũng chỉ là sự hóa hiện trong vô vàn
trùng duyên được nối kết. Đến đi hay đi đến chẳng qua chỉ là chuỗi vận hành
trong tự tính duyên sinh.
Nghe được như vậy, thì an lạc sẽ
luôn hiện diện trong mỗi giây phút của chúng ta. Nếu học trọn cách lắng nghe
như trên, chúng ta mới thật sự biết thông cảm, tha thứ, bao dung thương yêu và
chia sẻ. Chúng ta sẽ không gieo thêm hạt giống giận hờn, oán trách hay chê bai,
ích kỷ và không để chúng có cơ hội sanh khởi. Nghe được như vậy, cuộc sống
chúng ta sẽ trở nên tươi đẹp. Nghe được như vậy, thì ích nước lợi dân, đem đến
niềm vui, an lạc rất nhiều cho đời, cho đạo.
Nhưng trong thực tế, chúng ta
phần nhiều thường bị ngoại trần chi phối, chúng ta thường lắng nghe tiếng gọi
của bằng cấp, của tiền tài, danh vọng, của cái hưởng thụ ngũ dục, lắng nghe
tiếng gọi của tham lam, ích kỷ, si mê, v.v… chính những cái nghe ấy đã làm băng
hoại cuộc sống của chúng ta, làm cho chúng ta mãi cứ đảo điên, tê liệt. Chính
những cái nghe thiếu sự quán chiếu tỉnh giác ấy làm cho quốc gia suy kiệt, làm
cho trời đất mất sự điều hòa, mưa không thuận, gió không hòa, bệnh tật triền
miên, cuộc đời lắm đau thương nghiệt ngã.
Than ôi! Cũng cái lắng nghe thôi,
vậy mà một bên đưa đến hòa bình an lạc, một bên thì đưa đến máu đổ đầu rơi, vợ
chồng, cha con, thầy trò bè bạn cốt nhục chia ly. Đó là điều mà chúng ta phải
ngậm đắng nuốt cay trong cuộc đời này, trong sự sống của ngày hôm nay và trực
tiếp đến con cháu của chúng ta trong ngày mai. Trong một thoáng suy nghĩ về sự
hiện hữu của mình trên cuộc đời, cũng như ngọn lá vàng rơi, tôi, các bạn phải
sống thế nào để không có sự tiếc nuối vì những việc đã làm trong hiện tại,
không hổ thẹn với chí nguyện của một hành giả xuất gia “phát túc siêu phương,
tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân”. Có được như vậy,
con đường hành Bồ-tát đạo sẽ rất gần cho những ai đang hoàn thành bản nguyện độ
sanh, giải thoát.