Nhọc mình mà làm chi?

Đam mê hội họa, đam mê thơ nhạc, đam mê thư pháp, đam mê điêu khắc, đam mê đồ cổ… và đam mê làm giàu. Tất cả những niềm đam mê chân chính đều có nét đẹp, những phút thăng hoa, những vinh quang khi thành công… Tuy nhiên, sự đam mê thái quá về một vấn đề nào đó trong cuộc sống cũng có những điều không hay. Trong bài viết này, chúng ta thử lạm bàn về chuyện đam mê làm giàu và sự nhàn hạ thanh thản của một kiếp nhân sinh.

Khi bàn luận sẽ có cái đúng, cái sai nhưng xét cho cùng vấn đề thì đúng hay sai rồi cũng thành có lý cả, tùy theo quan điểm của từng cá nhân. Chính vì vậy chúng tôi mong độc giả đọc xong thì gật đầu mỉm cười hoặc chép miệng lắc đầu, rồi quên đi như một cuộc luận bàn nho nhỏ, vui vui về cuộc đời trong lúc trà dư tửu hậu.

Tôi có một số bạn bè, bệnh nhân là doanh nhân rất thành đạt. Những người này làm trong doanh nghiệp nhà nước từ lúc còn là một nhân viên cho đến khi thành một nhà lãnh đạo có uy tín, mang lại nhiều thành quả tốt cho công ty. Sau này họ ra mở công ty riêng cũng rất thành công. Không những mở một công ty, họ còn mở nhiều công ty, và cũng thành công.

Trở thành một doanh nhân lớn, tiền bạc, của cải dư thừa, danh vọng đầy đủ. Thời điểm chín muồi của sự thành đạt ấy thường bắt đầu ở độ tuổi hơn 50. Lúc này, họ bắt đầu bị một số bệnh như cao huyết áp, đái tháo đường, thiểu năng vành, thiểu năng tuần hoàn não, suy nhược thần kinh, gout…; những hội chứng đau nhức như thoái hóa cột sống cổ, cột sống thắt lưng, đau thoái hóa khớp gối, khớp cổ chân; viêm loét dạ dày tá tràng, viêm gan…

Giai đoạn đầu bệnh còn nhẹ thì họ rất chủ quan, không cần đi khám bệnh theo lịch hẹn, không cần kiểm tra bệnh tật định kỳ, chỉ uống một vài viên thuốc rồi cứ thế lao vào công việc với một tốc độ chóng mặt, một niềm đam mê làm giàu vô bờ bến!

Thế rồi bệnh cứ ngày càng nặng dần, không phải chỉ một mà nhiều chứng bệnh lần lượt xuất hiện như một quy trình tất yếu. Chẳng hạn bệnh cao mỡ máu làm xơ vữa động mạch nếu không điều trị nghiêm túc sẽ gây ra những bệnh lý tim mạch, bệnh lý của não, suy nhược sinh dục như rối loạn cương… Bệnh nặng dần lên mà công việc ngày càng nhiều thêm, áp lực công việc càng lúc càng tăng, cạnh tranh trong thương trường càng lúc càng khốc liệt… và cứ thế như một vòng luẩn quẩn làm cho tình trạng sức khỏe ngày càng xấu hơn!

Giàu có, dư giả tiền bạc nhưng ăn uống không được bởi phải kiêng cữ rất nhiều loại thức ăn do viêm loét dạ dày, viêm đại tràng, bệnh gout... Ngủ cũng không ngon do bệnh tật, do những lo âu trong công việc, trong cuộc sống. Có thời gian nghỉ cũng không muốn đi chơi vì bị đau thắt lưng, đau cột sống cổ… Nếu có đi chơi thì cũng không vui vẻ gì.

Đi du lịch biển thì không chịu được gió biển (rất dễ bị trúng gió, cảm gió), đi chơi núi thì khí hậu ẩm lạnh cũng làm bệnh thấp khớp nặng thêm gây đau nhức khó chịu. Khi trời nắng nóng quá cũng bị bệnh, nếu sử dụng máy lạnh thì cũng bệnh do không chịu được không khí lạnh nhân tạo. Mua xe hơi đời mới thật xịn nhưng không sử dụng được nhiều vì bị đau lưng, đau thần kinh tọa, đau gối… Vợ còn trẻ đẹp nhưng mình thì đã rơi vào tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, hoặc chồng sức khỏe vẫn tốt mà mình thì sao “vắng lặng đến nao lòng”.

Trừ một số ít người vẫn còn giữ được sức khỏe, vẫn làm việc, hưởng thụ cho đến 70-80 tuổi, những người còn lại sau nhiều thập niên lao động trí óc và tay chân cùng với nhiều stress đã chịu đựng, thì khi thành đạt sức khỏe sẽ mòn mỏi và rơi vào hoàn cảnh nêu trên. Lắng lòng lại một chút để suy nghĩ, để tìm lời giải đáp cho những câu hỏi muôn đời như: Làm ra quá nhiều tiền, quá nhiều của cải vật chất như vậy để làm gì khi bản thân dù có ráng hết sức cũng đâu có hưởng được bao nhiêu?

Ngay cả những người còn khỏe mạnh ăn quá nhiều cao lương mỹ vị cũng ớn. Đi chơi nhiều quá, sống trong mức sống sang trọng quá rồi cũng chán, không còn nhiều ham muốn tình dục. Tiền nhiều quá thì phải tìm cách để tiêu, và nếu không vững vàng, không có căn bản sâu dày về đạo đức thì sẽ dễ sinh ra nhiều thói hư tật xấu.

Cuộc sống quá bận rộn với những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ với đối tác làm ăn chiếm gần hết thời gian. Thời gian dành cho người thân, cho vợ (hoặc chồng), cho con cái, cho cha mẹ quá đỗi hiếm hoi. Cuộc sống gia đình không phải chỉ là đem nhiều tiền về là đủ. Nó còn cần sự sẻ chia, thông cảm, gần gũi, gắn bó, hy sinh cho nhau mới tạo được tình cảm sâu dày qua lại giữa vợ chồng, con cái, cha mẹ.

Một cuộc sống ích kỷ, lúc trẻ chỉ nghĩ đến làm việc, kiếm tiền, nghĩ đến việc hưởng thụ thật nhiều cho bản thân, thiếu những tình cảm thiêng liêng như vậy thì khi về già không thể bắt con cái phải có hiếu với mình, bắt vợ hoặc chồng phải tận tụy lo cho mình. Thực tế đã nhiều lần chứng minh những bi kịch lúc về già của những người giàu có nổi tiếng một thời.

Cuộc sống rất kỳ lạ, cái gì thiếu mới trở thành quý, mới trở thành hạnh phúc. Cái thiếu ấy đôi khi chẳng là gì cao xa, tốn kém cả. Nó có thể đơn giản như một ly nước mát trong cơn khát cháy cổ, cơn buồn ngủ mà gặp chiếu manh, củ khoai nướng xuất hiện lúc đói lòng, chiếc áo ấm khi mùa đông về... Sự đầy đủ, thừa thãi quá mức đôi khi làm cho người trong cuộc cảm thấy trống vắng, bơ vơ!

Chúng ta đánh đổi sức khỏe, đánh đổi sự nhàn hạ, thong dong, đánh đổi sự gần gũi, chia sẻ hy sinh cho nhau trong gia đình và người thân để dành phần lớn thời gian, sức lực, tiền của cho niềm đam mê kinh doanh, làm sao cho có thật nhiều tiền, làm sao mở công ty lớn hơn, mở nhiều công ty hơn nữa… Một ngày nào đó, khi sức khỏe không còn, khi tuổi trẻ không còn, không còn sức để hưởng thụ, thì tiền bạc nhiều như thế, tài sản lớn như thế để làm gì?

Khi ấy lại phải tiếp tục lo âu suy nghĩ về vấn đề thừa kế, mà đâu phải gia đình nào cũng có thể có sự êm ấm trong giai đoạn này! Nếu không chịu tu tập để hiểu về vấn đề vô thường và hoại diệt thì chuyện “tử quy” không còn là điều bình an thanh thản nữa. Những người giàu có thường sợ bệnh, sợ chết bắt nguồn từ sự tiếc nuối ghê gớm những thứ của cải vật chất đã làm ra.

Chiều nay ánh nắng vàng ngoài sân vẫn còn đẹp lắm. Ngồi tại bàn làm việc, chợt thấy bức thư pháp treo trên tường với nét bút thanh thoát của một vị thiền sư: “Cuộc đời như giấc mộng, nhọc mình mà làm chi?”.

Previous Post
Next Post